Thông tin giá cả thị trường số 10/2016

04:18 PM 01/07/2016 |   Lượt xem: 3640 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Cải tiến nuôi tôm trong điều kiện hạn, mặn

Tình hình hạn, mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); hoạt động sản xuất của người dân cũng chịu tác động lớn. Nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước, nuôi có mái che, trồng cỏ nuôi tôm... là những mô hình nuôi cải tiến đang được áp dụng rộng rãi ở các tỉnh ĐBSCL nhằm giúp giảm thiệt hại, mang lại hiệu quả cho người nuôi tôm.
Quảng canh cải tiến ít thay nước

Đây là mô hình đang được nhiều huyện của tỉnh Cà Mau áp dụng. Một số kỹ thuật đối với nuôi quảng canh cải tiến đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khuyến cáo như: Tập trung gia cố bờ bao, cống để tăng khả năng giữ nước; Chủ động bơm trữ nước vào mương và ao đầm nuôi khi mực nước cao ở các tuyến kênh; Diện tích ao nuôi thường < 15.000 mét vuông; diện tích ao lắng, xử lý chiếm 10 - 15% diện tích ao nuôi; diện tích ao ương 200 - 1.000 mét vuông; Thả giống với mật độ phù hợp và cần đạt kích thước 1,5 - 2 cm/con (nuôi chuyên tôm: mật độ thấp hơn 10 con/mét vuông; nuôi kết hợp cua, cá là 1 - 3 con/mét vuông). Sau 2 tháng, thả tiếp 1 - 2 con/mét vuông (khoảng cách giữa hai lần thả giống không quá ngắn). Tôm giống trước khi thả nên ương trong ao hoặc gièo 10 - 15 ngày để tăng tỷ lệ sống và phát triển tốt. Thực hiện đầy đủ các quy trình nuôi tôm đúng khoa học, kỹ thuật và định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học vào ao nuôi.
Chống nóng cho tôm bằng lưới che

Việc sử dụng các loại lưới che trong ao nuôi tôm không đỏi hỏi nhiều chi phí đầu tư và công sức của hộ nuôi. Với các vùng nắng nóng và hạn, mặn kéo dài, người nuôi nên sử dụng các tấm lưới này để che trên mặt ao tôm ngay từ đầu vụ. Lưới sử dụng để che ao tôm thường có độ che phủ 50 - 60% để vừa tránh nắng nóng vừa đảm bảo ánh sáng cho tôm phát triển tốt. Người nuôi nên chọn loại lưới có độ bền cao, trọng lượng nhẹ, thoáng nước tốt, cản nắng mà không gây ảnh hưởng đến môi trường sống của tôm. Để sử dụng cho những ao nuôi có diện tích lớn và thời gian sử dụng lâu dài, nên chọn những loại lưới có độ bền cao, dễ thi công và không làm ảnh hưởng đến vệ sinh trên mặt ao.

Hiện trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp loại lưới che cho ao nuôi tôm và thủy sản với các nguồn gốc xuất xứ khác nhau như: Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam… Trong đó, loại lưới che từ Thái Lan tuy có giá thành đắt nhưng có nhiều đặc tính vượt trội như độ dốc tốt, độ bền 3 - 5 năm, che nắng 40 - 80%, kích cỡ phổ biến là 2x100m và 3x50m được nhiều người nuôi tôm sử dụng. Quy trình nuôi tôm có mái che bằng lưới đang được nhiều người nuôi tôm tại tỉnh Kiên Giang, Nghệ An áp dụng mang lại hiệu quả. Bởi hệ thống lưới che giúp hạn chế ánh nắng chiếu thẳng xuống ao nuôi, làm giảm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Đồng thời, giúp giảm tình trạng bốc hơi nước và giữ độ mặn ổn định cho ao nuôi, hạn chế tảo phát triển.
Trồng cỏ nuôi tôm

Cỏ được trồng trong ao tôm chủ yếu là cỏ năn tượng (hến biển). Theo TS. Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An - Trường Đại học Cần Thơ, trong hệ sinh thái tự nhiên của đầm lầy ven biển, năn tượng là cây tiên phong phát triển trên nền bùn nhão, giúp giữ lại lớp phù sa. Còn trong hệ sinh thái ao nuôi tôm, năn tượng giúp ổn định nhiệt độ nước và làm giảm các chất ô nhiễm do thức ăn tôm dư thừa gây ra. Cỏ năn tượng có thể sống với mật độ rất dày 800 - 1.000 cây/mét vuông, hệ thống rễ chằng chịt của cây chính là nơi lọc mặn và giữ đất rất tốt. Trong quá trình phát triển, các chồi non của cây cũng là nguồn thức ăn của cua, tôm, cá... Đến cuối mùa nắng, khi cây lụi dần và chết đi, thân cây lại cung cấp cho môi trường nguồn chất hữu cơ quan trọng.

MUA GÌ

Vải thiều vào siêu thị TP. Hồ Chí Minh

Nông dân trồng vải thiều ở Hải Dương và Bắc Giang năm nay sẽ bớt đi nỗi lo “được mùa, mất giá” khi vải đã được bán tại các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh. Ngay từ đầu tháng 6, các siêu thị lớn tại TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tăng cường kết nối, thu mua vải thiều từ các vùng chuyên canh để có thể linh hoạt trong kế hoạch phân phối và hỗ trợ nông dân trồng vải phía Bắc. Hiện giá bán vải thiều tại siêu thị dao động từ 27.900 đồng - 38.900 đồng/kg. Hệ thống siêu thị Big C lên kế hoạch giảm giá bán sản phẩm cũng như thực hiện các chương trình bán hàng không lãi nhằm đẩy mạnh lượng tiêu thụ, hỗ trợ nông dân trồng vải, nhất là khi mùa vào chính vụ. Dự kiến năm nay sản lượng tiêu thụ tại siêu thị sẽ tăng hơn 30% so với năm trước, đạt hơn 200 tấn trên toàn hệ thống. Trong khi đó, Saigon Co.op cũng dự kiến sản lượng tiêu thụ trên toàn hệ thống sẽ dao động trung bình từ 350 tấn và có khả năng lên đến 500 tấn, tính từ vải đầu mùa đến cuối vụ. Đồng thời, siêu thị sẽ tổ chức trưng bày tại các vị trí ưu tiên tại siêu thị và sẽ tổ chức khuyến mãi giảm giá mạnh liên tục mặt hàng trái cây đặc biệt này để đẩy mạnh sức tiêu thụ.

Đồng Nai: Nấm mối đầu mùa khan hiếm, giá cao

Nấm mối là lộc của trời, chỉ sau mỗi đợt mưa đặc trưng ở miền Đông nó mới mọc, nhưng chỉ tồn tại 2 - 3 ngày là hết, phải đợi đợt sau chừng nửa tháng nên không phải ai muốn mua là có. Nấm mối là loài thực vật mọc lên từ chất thải của con mối, do không thể nhân giống được nên được xem là quà tặng thiên nhiên ở các tỉnh miền Đông. Các món ăn làm từ loài nấm này thường rất ngon, giàu chất dinh dưỡng. Những ngày qua, nấm mối bất ngờ vào mùa tại các khu rẫy, vườn cao su ở Long Khánh, Định Quán, Thống Nhất, Long Thành (Đồng Nai) sau những cơn mưa. Tại chợ Long Khánh, loại nấm này liên tục tăng giá từ 300.000 đồng lên đến 600.000 đồng/kg song không có hàng bán do nhu cầu người mua rất lớn. Ngoài chợ, dọc các tuyến quốc lộ có nhiều lô cao su như 20, 56, ĐT 769... nhiều người dân bày nấm mối ra bên đường bán cho khách qua lại.

Bạc Liêu: Cá sấu rớt giá

Nhiều hộ dân nuôi cá sấu ở Bạc Liêu đang lâm vào tình cảnh khó khăn khi cá sấu rớt giá mạnh, hiện chỉ còn 80.000 - 85.000 đồng/kg, giảm 60 - 70% so với mức giá cùng thời điểm này năm trước.

Các hộ nuôi cá sấu ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) cho rằng, với mức giá cá sấu giống từ 650.000 - 700.000 đồng/con và giá thức ăn khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg, giá bán cá sấu thương phẩm phải ở mức từ 150.000 đồng trở lên người nuôi mới có lời. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, phong trào nuôi cá sấu ở Bạc Liêu đều tự phát, nhiều người đua nhau làm chuồng trại để nuôi cá sấu khi giá tăng, dẫn đến hiện tượng cung tăng vọt, trong khi đầu ra lại phụ thuộc vào thương lái. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu cũng vừa có văn bản gửi phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các huyện khuyến cáo bà con nông dân thận trọng trong việc nuôi cá sấu, không nên đầu tư nuôi mới. Về lâu dài, nông dân cần liên kết lại theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội để có đại diện đứng ra thương thảo việc mua bán với đối tác và thương lái thì mới không bị ép giá.

Đồng Tháp: Cá lóc tăng giá do nhu cầu tiêu thụ cao

Hiện nay, giá cá lóc thương phẩm nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ tăng cao và thời tiết giao mùa xuất hiện dịch bệnh làm tỷ lệ hao hụt cao. Các thương lái đến tận ao nuôi để “đặt cọc” trước với giá dao động từ 38.000 - 42.000 đồng/kg; cao điểm có hộ bán với giá 45.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với vài tuần trước.
Nhiều năm trở lại đây, phong trào nuôi các lóc thương phẩm trong ao, hầm, vèo tập trung chủ yếu ở các huyện Hồng Ngự, Tam Nông… Cá lóc thương phẩm tăng giá cũng kéo theo cá lóc giống tăng giá theo. Cá lóc giống hiện có giá từ 450 - 500 đồng/con, tăng từ 50 - 100 đồng/con.

BÁN GÌ

Đồng Nai: Giá cá nước ngọt khởi sắc

Hiện giá nhiều loại cá nước ngọt tăng cao do nguồn cá thịt đã hết, người tiêu dùng lại vẫn ưu tiên chọn cá nước ngọt thay cho cá biển. Thị trường các mặt hàng cá nước ngọt thời gian qua biến động thất thường, người nuôi cá thu lợi nhuận kém nên vẫn e dè thả vụ cá mới. Do mưa muộn, nông dân nhiều địa phương thả lứa cá giống mới trễ hơn mọi năm. Hoạt động thả cá cũng rải dần nên thị trường cá giống hiện vẫn khá ổn định. Theo những nông dân nuôi cá nước ngọt, khoảng 2 tháng trở lại đây, giá nhiều loại cá nước ngọt bắt đầu khởi sắc và càng về sau giá nhiều loại cá tiếp tục tăng thêm khi sản lượng cá thịt cung cấp ra thị trường ngày càng khan hiếm. Cụ thể, cá lăng ở mức khoảng 110.000 đồng/kg; cá diêu hồng, cá lóc giá từ 40.000 – 41.000 đồng/kg... Nguyên nhân giá cá tăng là do người dân ưu tiên chọn cá nước ngọt thay cho cá biển. Tuy giá cá tăng cao nhưng nông dân nuôi cá vẫn kém vui vì từ cuối mùa khô, đa số các hộ nuôi đã tập trung vét ao để chuẩn bị thả lứa cá mới nên đến thời điểm giá cá tăng cao hầu như không còn cá thịt cung cấp ra thị trường. Ông Vương Đăng Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), cho biết: “Toàn xã có hơn 100 héc-ta ao hồ nuôi cá nước ngọt. Hiện các ao hồ này đều đã khắc phục được hậu quả của đợt lũ xảy ra vào tháng 9 năm ngoái nhưng chỉ mới lác đác vài hộ thả cá giống. Nguyên nhân là lượng mưa đầu mùa còn ít, đa số các ao chưa trữ đủ lượng nước, nguồn nước ban đầu còn đục chưa đảm bảo để thả cá giống. Bà con đang đợi thêm vài đợt mưa lớn nữa mới tập trung vào vụ nuôi mới. Nguồn cá giống đã sẵn sàng và khá dồi dào nên không lo giá sẽ biến động nhiều khi vào vụ thả chính”.

Tăng cường xuất khẩu trái cây sang Mỹ

Sau giai đoạn thăm dò thị trường, trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ đã có sự tăng trưởng vượt bậc, thu hút nông dân, doanh nghiệp tham gia.

Ông Nguyễn Hữu Đức - chủ vườn nhãn Ido 13.000 mét vuông ở xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nhãn Ido (giống nhập từ nước ngoài) rất được ưa chuộng, giá bán từ 30.000 - 32.000 đồng/kg cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và cao hơn 2.000 - 3.000 đồng nếu đưa đi Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu. Mỗi năm, ông thu lãi từ vườn nhãn khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ trong nước, khách hàng nước ngoài cũng ăn nhãn Ido khá mạnh. Do đó, ông tham gia tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để mở rộng thị trường và đang chờ cấp chứng nhận. Thấy có lợi, doanh nghiệp xuất hàng sang Mỹ cũng đến đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật. Nhãn Việt được nhập khẩu vào Mỹ từ tháng 12/2014. Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có sự tăng trưởng vượt bậc với 757 tấn nhãn (tăng 588% so với cùng kỳ năm 2015) xuất sang thị trường này nên các doanh nghiệp đang tích cực mở rộng vùng nguyên liệu. Trong tổng số 4.608 tấn trái cây tươi Việt Nam xuất sang các thị trường khó tính (Mỹ, Nhật, Hàn, New Zealand, Úc) trong 6 tháng đầu năm, thanh long chiếm đến hơn 72%. Trong thời gian tới, dự báo thanh long xuất sang các thị trường cao cấp sẽ còn tăng mạnh khi Đài Loan mở cửa trở lại cho loại trái cây này. Thị trường có khả năng nhập khẩu thanh long của Việt Nam từ 14.000 - 16.000 tấn/năm.

Trong chuyến kiểm tra thường niên hoạt động xuất khẩu trái cây tại Việt Nam mới đây của phái đoàn Bộ Nông nghiệp Mỹ, các thành viên trong đoàn đã hết lời khen ngợi chất lượng trái cây của Việt Nam. Một thành viên trong đoàn cho biết khi được phép xuất sang Mỹ, đại sứ quán nhiều nước mở cửa mời khách hàng bản địa đến thưởng thức trái cây để tiếp thị.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu cho xuất khẩu

Ngành chế biến tôm xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó vì thiếu nguyên liệu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn nhưng quan trọng hơn là do thương lái Trung Quốc đang thu mua tôm với giá rất cao.

Công suất của các nhà máy chế biến thủy sản giảm

Hiện nay, vì thiếu tôm nguyên liệu nên công suất của nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 37 - 38%. Đại diện một công ty thủy sản ở Cà Mau cho biết, đầu năm nay giá tôm xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi nhưng doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong khâu nguyên liệu vì bà con trong vùng thu hẹp diện tích nuôi do thời tiết thiếu thuận lợi. Các hợp đồng mà công ty ký trước đó buộc phải lùi lại thời gian vì nguồn hàng thiếu hụt, công suất nhà máy giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau cũng cho biết, mấy tháng gần đây tình trạng thiếu nguyên liệu liên tục xảy ra ở Cà Mau dù nơi đây là vựa nuôi tôm lớn nhất cả nước. Nguồn hàng cung ứng chỉ đạt 37 - 38% công suất chế biến của nhà máy. Trong số 33 nhà máy chế biến của toàn tỉnh thì có 17 cơ sở thiếu nguyên liệu, chiếm gần 50% số lượng nhà máy đang hoạt động. Không chỉ tại Cà Mau mà các tỉnh lân cận cũng chỉ còn lác đác khu vực nuôi trồng. Thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài khiến trên 3.000 héc-ta đất nuôi tôm trái vụ ở Cà Mau mất trắng. Do vậy, Hiệp hội dự báo, tình hình thiếu nguyên liệu sẽ tiếp tục xảy ra trong một vài tháng tới. Để khắc phục tình trạng thiếu tôm nguyên liệu, nhiều nhà máy đã mua nguyên liệu từ một số nước lân cận và các tỉnh khác về chế biến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sát sao hơn trong việc thu mua hàng tại các hộ nông dân. Tuy nhiên, để nguồn nguyên liệu ổn định, các doanh nghiệp nên tự tạo cho mình một quy trình khép kín để từ đó sản phẩm bán ra luôn đảm bảo chất lượng, mà nguồn hàng ít phụ thuộc.

Thương lái Trung Quốc thu mua tôm giá cao

Thêm vào đó là tình trạng các thương lái Trung Quốc đang thu mua tôm tận ao với giá rất cao. Họ thường thu mua với số lượng lớn, giá cao hơn giá thị trường bình quân 10.000 đồng/kg. Sau đó, thương lái đưa hàng qua biên giới và khai tôm nuôi ở Trung Quốc, xuất sang nước thứ ba để được hoàn thuế giá trị gia tăng. Chủ một cơ sở nuôi tôm cho biết, thương lái Trung Quốc mua tôm giá cao và còn dễ dãi trong kiểm tra chất lượng, thậm chí không cần kiểm tra. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ta khi thu mua tôm đều kiểm tra chất lượng tôm nguyên liệu khá ngặt nghèo. Thậm chí, nhiều hộ đã nuôi tôm theo quy trình VietGAP nhưng để bán được giá cao hơn thị trường 5 - 10% còn phải có các loại giấy chứng nhận quy trình kỹ thuật tiên tiến. Vì vậy, tâm lý các hộ dân muốn bán tôm cho thương lái Trung Quốc vì nuôi tôm VietGAP chi phí cao. Bản thân các doanh nghiệp thu mua tôm trong nước cũng thừa nhận, mặc dù doanh nghiệp đã ký hợp đồng thu mua với nông dân nhưng đó chỉ là hình thức. Do nuôi tôm ngày càng rủi ro, chỉ thành công dưới 30%, thậm chí có nơi dưới 10% nên người nuôi sẵn sàng bỏ hợp đồng, bán cho thương lái mua giá cao để bớt thua lỗ.

Khảo sát của tổ chức Oxfam Việt Nam, khoảng 80% diện tích nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long là tự phát, nuôi quy mô nhỏ. Thiếu quy hoạch nên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội... Để giải quyết các vấn nạn trên thì sản xuất tôm phải phát triển chuỗi giá trị bền vững. Trong đó, người nuôi tôm và các doanh nghiệp thu mua, chế biến phải liên kết lại. Trước hết là liên kết giữa những người sản xuất nhỏ, làm cho mỗi nông dân trở thành một người sản xuất tiên tiến. Từ đó mới có chuỗi tiên tiến, ngành sản xuất tôm tiên tiến.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Giá cà phê có xu hướng tăng

Từ đầu tháng 6 đến nay, giá cà phê Tây Nguyên có xu hướng tăng và hiện dao động ở mức 36.000 – 37.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất tính từ đầu vụ và là mức tăng cao nhất trong gần 1 năm qua. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn dự báo, có thể giá cà phê sẽ tiếp tục tăng.

Giá tăng cao nhất trong gần 1 năm qua

Tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, giá cà phê đồng loạt tăng thêm 600 - 800 đồng, đạt mức 36.000 – 37.000 đồng/kg. Như vậy, tính đến thời điểm này, giá cà phê đang đạt ở mức cao nhất tính từ đầu vụ. Tuy nhiên, mức giá này so với nhiều năm trước vẫn đang ở mức rất thấp (ở niên vụ trước giá cà phê lúc cao nhất đạt 41.000 đồng/kg). Với 37.000 đồng/kg, nông dân đang có lãi nếu bán cà phê. Tuy nhiên, hầu hết những người tạm trữ cà phê đều đang hy vọng giá cà phê sẽ chạm được mốc 40.000 đồng/kg.

Trước tình hình này, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Ipsard) nhận định, có thể giá cà phê sẽ tiếp tục tăng. Trong bối cảnh thời tiết khô hạn hiện nay, giá có khả năng tăng đột biến, tuy nhiên do tác động của El Nino sẽ khiến cho sản lượng cà phê sụt giảm. Vì theo quy luật của những năm trước, do mùa vụ của Việt Nam đã kết thúc, có thể giá cà phê sẽ tiếp tục tăng. Đặc biệt, trong bối cảnh thời tiết khô hạn hiện nay, có thể giá sẽ tăng đột biến. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào các nước sản xuất cà phê khác cho đến khi vụ thu hoạch cà phê tiếp theo của Việt Nam vào tháng 10. Ipsard cũng phân tích thêm, giá cà phê nội địa tăng một phần do tác động của thị trường cà phê thế giới. Thị trường cà phê thế giới hiện nay dù đang diễn biến khá phức tạp nhưng tính đến thời điểm này, so với đầu năm 2016, giá cà phê đang tăng lên.

Trước tình hình này, các hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên đang muốn giữ hàng để đợi giá tăng mạnh mới bán. Tuy nhiên, các chuyên gia của Ipsard lại khuyến cáo bà con không nên “găm” hàng. Kinh nghiệm trữ hàng của năm 2014 - 2015 cho thấy, nếu Việt Nam chỉ trữ hàng trong khi các đối thủ bán hàng, Việt Nam sẽ thất bại. Do đó, trong tình hình thị trường hiện nay, việc trữ hàng cà phê đợi tăng giá mới bán phải có sự quan sát, phân tích thị trường thế giới và đối thủ. Thị trường cà phê rất phức tạp do tính chất có thể tồn trữ hàng, nếu không nhạy bén trong việc tồn trữ và xuất hàng thì lợi nhuận của người trồng cà phê có thể sẽ không như mong muốn.

Sản lượng cà phê sẽ giảm

Đánh giá tình hình sản xuất cà phê niên vụ 2016 - 2017 tại Việt Nam, Ipsard nhận định sản lượng sẽ giảm. Nguyên nhân chính là do tình hình hạn hán nghiêm trọng và thời tiết bất thường diễn ra trong năm nay tại khu vực Tây Nguyên. Thời gian vừa qua, thời tiết khô hạn kéo dài tại vùng Tây Nguyên đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất. Thiếu nước, khô hạn đe dọa gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên, trong đó có tới 40.000 héc-ta bị hư hỏng. Hạn hán có thể khiến sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 có nguy cơ giảm mạnh. Dự kiến năm 2016 Việt Nam có khả năng chỉ xuất khẩu 1 triệu tấn cà phê nhân, giảm 25% so với 2015.

Không chỉ riêng Việt Nam, các nước khác cũng chịu ảnh hưởng bởi tác động của hiện tượng thời tiết El Nino như Colombia, Indonesia, Brazil. Sản lượng cà phê của Brazil có xu hướng giảm, niên vụ đầu năm 2015 - 2016, Brazil xuất khẩu cà phê giảm nhẹ chỉ còn 36,5 triệu bao so với 36,9 triệu bao của vụ trước. Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Indonesia ước tính sản lượng cà phê năm 2015 của nước này đạt 11,3 triệu bao. Sản lượng cà phê của Indonesia niên vụ 2016 -2017 được dự đoán giảm 15% so với niên vụ trước, xuống còn 10 triệu bao, trong khi xuất khẩu có thể giảm 18% xuống còn 7,9 triệu bao.
Đối với cà phê Việt Nam, đây là thời điểm bắt đầu sang vụ mới, vụ cũ đã kết thúc. Do đó, lượng cà phê giao dịch và bán hiện nay là tồn kho và là cà phê có chất lượng không tốt. Trong khi đó Indonesia đang là thời điểm gối vụ tháng 3 - tháng 4. Chính vì vậy, Ipsard nhận định tình hình giá cà phê thế giới hiện nay đang có những diễn biến rất phức tạp.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đắk Lắk: Trồng ngô lai lãi thấp

Từng là cây nông nghiệp chủ lực trong những năm vừa qua, cây ngô lai thích hợp với thời tiết và thổ nhưỡng ở 4 xã cánh Đông của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều bà con nông dân đã chuyển đổi sang cây trồng khác.

Trước đó, cây đậu trắng, đậu nành là những cây trồng phổ biến của các địa phương này. Do thời tiết thay đổi, các loại cây họ đậu giảm năng suất, xuất hiện nhiều sâu bệnh nên bà con chuyển đổi sang cây ngô lai. Hai năm gần đây, bà con nông dân lại dần chuyển đổi cây ngô lai sang cây trồng khác vì theo bà con, hiện nay trồng ngô lai chi phí cao, ít lãi.

Nhiều diện tích đất đồi dốc trước kia chủ yếu trồng ngô, trồng lúa giờ đã chuyển sang trồng sắn. Nguyên nhân chủ yếu do giá cả bấp bênh, năng suất giảm do ảnh hưởng thời tiết. Giá ngô rẻ nhưng giá giống, phân bón, công cày bừa, công thuê mướn… đều cao. Diện tích ngô lai giảm nhiều nhất là xã Cư Pui với gần 1.000 héc-ta. Những năm trước đây, bà con trong xã đã gieo trồng gần 2.000 héc-ta ngô lai mỗi vụ, do hợp thời tiết, đất mới, màu mỡ, năng suất cao, được giá. 3 năm trở lại đây do thời tiết không thuận lợi, giá cả bấp bênh nên mỗi vụ bà con chỉ gieo trồng khoảng 1.000 héc-ta. Xã Hòa Phong có diện tích đất bằng tương đối nhiều, phù hợp với cây ngô lai nhưng cũng giảm hơn 200 héc-ta để chuyển đổi sang cây trồng khác. Xã Yang Mao có diện tích đất trồng ngô lai ít, nhưng những năm qua cũng giảm hơn 400 héc-ta.

Hiện diện tích ngô lai được bà con chuyển đổi sang trồng sắn. Chỉ từ năm 2013 đến nay diện tích sắn của 4 xã cánh Đông huyện Krông Bông đã tăng lên hơn 3.000 héc-ta. Nhiều nhất là các thôn đồng bào Mông ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm.

Yên Bái: Tập trung phát triển cây chè vùng cao

Tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Đề án phát triển chè vùng cao giai đoạn 2016 – 2020. Yên Bái sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng, hỗ trợ các vùng chè trọng điểm tại hai huyện Văn Chấn và Trạm Tấu.

Là tỉnh miền núi Tây Bắc có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, Yên Bái đã tạo ra vùng chè hơn 12.000 héc-ta. Hàng chục nghìn nông dân nhờ cây chè đã có cuộc sống no đủ. Nhiều hộ đã giàu lên nhờ sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm chè. Để phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường, tỉnh Yên Bái đã định hướng phát triển, nâng cao chất lượng chè trong các năm tiếp theo. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích chè vùng cao sẽ đạt gần 3.400 héc-ta, sản lượng chè búp tươi đạt 8.000 tấn/năm. Hàng năm tỉnh bố trí ngân sách khoảng 2 tỷ đồng giúp người dân mua giống trồng chè. Tỉnh cũng có cơ chế huy động mọi nguồn vốn hợp pháp để triển khai các nội dung đề án. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển chè vùng cao với nhiều chính sách hỗ trợ theo quy chế thu hút đầu tư của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị thu nhập từ chè búp tươi tại khu vực vùng cao ước đạt trên 35 tỷ đồng/năm, đưa cây chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo phân công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương có liên quan để tổ chức, triển khai các giải pháp thực hiện “Đề án phát triển chè vùng cao”. Đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ các huyện xây dựng và thực hiện các nội dung chi tiết trong đề án. Hàng năm, đánh giá kết quả triển khai, tổ chức thực hiện đề án để đưa ra hướng điều chỉnh và các hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể đối với các địa phương thực hiện đề án.

HÀNG VIỆT

Quảng Nam: Hội chợ hàng nông sản miền núi

Vừa qua, tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam diễn ra hội chợ triển lãm hàng nông sản và sản phẩm đặc trưng các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam do Sở Công Thương tỉnh phối hợp với UBND huyện Nam Trà My tổ chức.

Hội chợ có quy mô gần 70 gian hàng với hàng nghìn sản phẩm miền núi đặc trưng của 11 huyện miền núi và hàng chục doanh nghiệp, các cơ sở làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con nhân dân huyện Nam Trà My và các huyện lân cận ngay từ ngày đầu khai mạc. Các sản phẩm nổi bật trong hội chợ như: Quế Trà My, sâm Ngọc Linh, măng tươi – khô, các loại củ quả, sản phẩm mây tre, gỗ… Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, trong những năm qua số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản và sản phẩm miền núi tại Quảng Nam ngày một tăng lên, nhiều sản phẩm tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường, tuy nhiên, điều kiện tại các huyện miền núi giao thông chưa đồng bộ, dân cư ít nên công tác xúc tiến thương mại cho hàng nông sản địa phương và công tác đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, thôn, bản phục vụ bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Hội chợ là nơi xúc tiến giao thương giữa các đơn vị, doanh nghiệp, các huyện miền núi lẫn nhau, đồng thời cũng là nơi quảng bá hàng nông sản ở các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam từ đó tạo cơ hội xúc tiến đầu tư gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp ở các huyện vùng cao của tỉnh. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp sản xuất, các huyện miền núi giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng, tạo sự kích cầu trong tiêu dùng của bà con miền núi.

Đây là lần đầu tiên hội chợ được tổ chức, hướng đến là nơi tham quan, mua sắm tin tưởng cho bà con miền núi, đồng thời, đây cũng là hoạt động hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hội chợ dự kiến thu hút hơn 1.000 lượt khách là bà con dân tộc miền núi Quảng Nam tham quan mua sắm mỗi ngày.

Xây dựng thương hiệu nhãn Sông Mã

Sông Mã là huyện vùng cao biên giới có diện tích cây nhãn nhiều nhất tỉnh Sơn La. Nhãn Sông Mã thơm ngon có tiếng và được đánh giá là loại trái cây có khả năng xóa đói, giảm nghèo, mang lại lợi ích lớn cho người nông dân. Nhiều giải pháp đang được triển khai để xây dựng thương hiệu cho nhãn chín muộn Sông Mã.

Từ lâu, nhãn Sông Mã đã là một sản vật có thương hiệu trên thị trường, từ thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước. Theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng kinh tế miền núi, những người dân Hưng Yên đã mang giống nhãn lồng lên trồng tại mảnh đất này. Trải qua bao thăng trầm, những cây nhãn đã trụ vững và trở thành loại cây mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân, từ trồng nhãn, rất nhiều hộ dân đã thoát khỏi đói nghèo. Hiện nay, huyện Sông Mã có trên 4.268 héc-ta nhãn đang cho thu hoạch, phân bổ ở 19 xã, thị trấn nhưng tập trung nhiều ở các xã vùng dọc Sông Mã như Chiềng Khương, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Mường Lầm, Huổi Một. Khoảng 60% sản lượng được các thương lái thu mua mang đi tiêu thụ ở thị trường các tỉnh lân cận, còn lại, người dân Sông Mã tự xây dựng các lò sấy thủ công để chế biến những quả nhãn loại nhỏ thành long nhãn. Sản phẩm long nhãn Sông Mã được thương lái Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn lên thu mua. Nhờ trái nhãn, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc tiêu thụ nhãn là vẫn còn phụ thuộc vào thị trường, nhiều thành phần tham gia thu mua gây khó khăn cho việc quản lý thị trường, cũng như giá cả, tình trạng tranh mua, tranh bán vẫn xảy ra. Nhằm xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nhãn, UBND huyện Sông Mã đã làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ để tư vấn định hướng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn Sông Mã. Thời gian xây dựng thương hiệu sản phẩm được thực hiện trong 2 năm (2015 - 2016). Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất hướng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn Sông Mã và triển khai thực địa vùng nguyên liệu nhãn tại bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong. Với việc triển khai dự án này, chất lượng, năng suất sản phẩm nhãn sẽ được cải thiện, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)