Mưa lũ gây thiệt hại lớn cho một số địa phương

03:23 PM 11/10/2017 |   Lượt xem: 3692 |   In bài viết | 

Tiểu thương chợ Vinh cứu hàng hóa

Nghệ An là tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ này.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Nghệ An, đợt mưa lũ đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong đó, đã có 7 người thiệt mạng do nước lũ, Báo Nghệ An đưa tin.

Mưa lũ cũng khiến cho 584 hộ dân bị ngập nước, 1 ngôi nhà bị sập, 3.661,8 ha ngô và rau màu bị ngập. Nước sông lên cao, gây sạt lở bờ sông Lam, kè bảo vệ đê Tả Lam; bờ sông Lam sát nhà dân, thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông bị sạt lở và có vết nứt dọc mép hành lang đường Quốc lộ 7 chiều dài khoảng 25 m; 6 hồ đập bị ảnh hưởng, 20.223 m kênh mương bị sạt lở; 1.600 ha ao hồ bị ngập, gần 500 ha cá vụ 3 mất trắng...

Tiểu thương chợ Vinh bị thiệt hại nặng do mưa lớn gây ngập (ước tính 3 tỷ đồng). Theo thống kê sơ bộ có 1.500 hộ bị thiệt hại, nặng nhất là hàng nông sản, hàng mã, đậu, lạc, gạo, vừng (thiệt hại 100%). Hàng mã bị  thiệt hại 70%, hàng bánh kẹo 50%, hàng vải 30%, thuốc bắc 30%, hàng mặn 50%, dụng cụ gia đình 30%, số còn lại các  thiệt hại ở hàng ăn, bao bóng, sắt thép.

 

Cầu tràn Phố Châu ở Hương Sơn ngập sâu 1,2 m khiến người và phương tiện không thể qua lại

Theo thông tin mới nhất từ Hà Tĩnh, mưa to đến rất to trên diện rộng trong đêm 9, ngày 10/10 đã làm cho 17 xã với gần 1.600 hộ dân bị ngập sâu trong nước; trên 300 ha hoa màu bị ngập úng và hư hỏng; 211 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt.

Sáng nay (11/10), hơn 14.000 học sinh ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang vẫn chưa thể đi học trở lại do ảnh hưởng mưa lũ.

Người dân xã Tế Nông, Nông Cống, Thanh Hóa, khắc phục sự cố vỡ đê

Còn ở Thanh Hóa, do mưa lớn kéo dài, sáng 10/10, một đoạn đê hữu sông Hoàng đoạn qua địa bàn thôn 2, làng Tế Độ, xã Tế Nông (huyện Nông Cống) đã bị vỡ khoảng 5 m, khiến hơn 100 nhà dân bị ngập trong nước lũ.

Địa phương đã huy động hơn 300 người dân trong xã cùng lực lượng công an, dân quân, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ tại địa phương và 40 cán bộ, chiến sĩ công an huyện tăng cường đến hiện trường nơi vỡ đê để khắc phục.

Đến 11h cùng ngày, đoạn đê cơ bản được hàn khẩu. Điều đáng mừng là sự cố không gây thiệt hại cho người cũng như hoa màu do bà con đã thu hoạch xong.

Tại Hoà Bình, mưa lớn kéo dài đã khiến nước mưa từ trên các đồi núi cao đổ về gây sạt lở một số điểm ở khu vực trung tâm thành phố. Trong khi đó, ở huyện Yên Thủy,  mưa lớn làm 200 hộ dân bị ngập úng; hàng trăm ha hoa màu bị ngập, đổ…  Nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi trên địa bàn bị hư hỏng.

Mưa lớn gây sạt lở Quốc lộ 6

Còn tại Cần Thơ, ngày 10/10, triều cường dâng cao đã gây sạt lở tuyến đê bao ở cồn Khương, thuộc khu vực 3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều bị sạt lở 2 đoạn gây ngập sâu nhà cửa, vườn cây, ao nuôi trồng thủy sản  của bà con địa phương.

Ngay trong ngày, lực lượng chức năng quận Ninh Kiều đã huy động bộ đội, công an, dân phòng khôi phục đê bao tại 2 điểm sạt lở nói trên.

(baochinhphu.vn)