Đại hội XIII: Thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

08:47 AM 29/01/2021 |   Lượt xem: 2817 |   In bài viết | 

Đoàn Chủ tịch Đại hội XIII của Đảng làm việc sáng 28/01/2021 (Nguồn: TTXVN)

Trong tham luận “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã có những dẫn chứng thực tiễn các hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, các DNNN đã hỗ trợ xây dựng đồng bộ hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, mạng lưới viễn thông, hệ thống thủy lợi nội đồng,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương khó khăn, biên giới, hải đảo và cải thiện đời sống Nhân dân. 

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày tham luận

"Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tuyển dụng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 20 nghìn lao động là đồng bào DTTS. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tiên phong, chủ lực trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là gia đình chính sách, góp phần quan trọng vào thành tựu xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của nước ta", ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết.

Đặc biệt, trong các thời điểm đất nước gặp khó khăn do các biến động từ môi trường quốc tế hay do thiên tai, dịch bệnh, các DNNN luôn là công cụ mạnh để Nhà nước, Chính phủ điều tiết, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội trong nước. Trong năm 2020, cùng cả nước chống đại dịch Covid - 19, các DNNN trong Khối đã thực hiện các nhiệm vụ giải cứu đồng bào từ các vùng dịch trên thế giới, cung cấp hoá chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch, đặc biệt đã thực hiện miễn, giảm các loại phí, giá dịch vụ, sản phẩm để ổn định thị trường, hỗ trợ đời sống Nhân dân và hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với tổng giá trị trên 37 nghìn tỷ đồng. 

"Các DNNN trong Khối cũng là những đơn vị đi đầu thực hiện công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong 5 năm 2016 - 2020 tổng kinh phí hỗ trợ triển khai các chương trình an sinh xã hội, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho 54/62 huyện nghèo trong cả nước lên tới trên 9 nghìn tỷ đồng", Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thông tin.

Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định, thời gian tới, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, phát huy mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị phát triển bền vững, giữ vững vị trí then chốt, dẫn dắt nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, đóng góp tích cực xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, Nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Đại biểu dự phiên thảo luận các Văn kiện đại hội tại hội trường, sáng 28/1 (Nguồn: TTXVN)

Trong tham luận “Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền trong tỉnh” trình bày tại Đại hội, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh là một tỉnh có 4 thành phố, 2 thị xã, có trên 60% đơn vị hành chính cấp xã (109/177) là miền núi, biên giới, hải đảo. Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng - an ninh nhưng điều kiện kinh tế - xã hội cũng như đời sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn.

"Toàn tỉnh có 42 DTTS, chỉ chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, nhưng lại cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh, chủ yếu ở địa bàn miền núi, hải đảo, biên giới. Gần 50% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi nhưng chỉ đóng góp 5,1% GRDP. Khoảng cách giữa 20% người giàu nhất với 20% người nghèo nhất trong tỉnh chênh lệch trên 8 lần", ông Ký cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Ký trình bày tham luận

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, những năm qua, Quảng Ninh luôn gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách của địa phương; không chờ kinh tế phát triển rồi mới lo các vấn đề về xã hội, bằng hệ thống đồng bộ các giải pháp cụ thể, hiệu lực, hiệu quả. Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. 

Trong 5 năm qua, tỉnh đã ban hành 19 chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội; tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm và cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của những người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi… Từ đó, đã khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư toàn diện hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn và các hạ tầng phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt, sản xuất như đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống; khoảng 98% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%, riêng vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn tỷ lệ này là 100%; tỷ lệ cán bộ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo là 99,58%... 

Thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa bàn đặc biệt khó khăn, theo ông Nguyễn Xuân Ký, một trong những giải pháp hiệu quả của Quảng Ninh là lựa chọn được các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, ưu tiên nguồn lực, xây dựng mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu theo hướng người dân là chủ thể. 

"Việc triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn, giảm nghèo bền vững đã đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 sớm hơn 1 năm và 91% xã đạt chuẩn nông thôn mới; xã Việt Dân (Đông Triều) đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết.

Theo ông Ký, Quảng Ninh luôn chú trọng xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp để phát huy vai trò của vùng khó khăn đối với tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; nhất là văn hóa các DTTS thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa ở các huyện miền núi, biên giới, vùng đồng bào DTTS, các sản phẩm văn hóa đặc trưng vùng miền để phục vụ phát triển du lịch, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum A Pớt trình bày tham luận

Làm rõ thêm vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS hiện nay, ông A Pớt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã trình bày tham luận "Đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS". Theo ông A Pớt, những năm qua, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào DTTS, tỉnh Kon Tum đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn; trong đó tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hạ tầng kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh ngày càng hoàn thiện. Đến cuối năm 2020, có 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa; 99,3% hộ gia đình sử dụng điện; 100% thôn có điện; trên 89% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,3%; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, đảm bảo đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; 100% huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; cơ sở vật chất các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được củng cố và ngày càng hoàn thiện.

Vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của người đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm giải quyết. Toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 1.088 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 119 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 643 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 4.501 hộ; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 210 hộ có nhu cầu...

Hạ tầng kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện

"Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng toàn diện, có hiệu quả, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,03% năm 2016 xuống còn 10,12% đến cuối năm 2020; trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm từ 41,39% năm 2016 xuống còn 24,93% cuối năm 2020", ông A Pớt cho biết.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Đáng chú ý là đời sống của đồng bào các DTTS còn nhiều khó khăn, nhất là ở các thôn đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng tuy được chú trọng đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ; việc triển khai thực hiện một số chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020 còn có những khó khăn, bất cập; chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của một bộ phận đồng bào DTTS còn chậm…

"Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS, thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030", ông A Pớt đề xuất.

Buổi chiều, Đại hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Các đại biểu thảo luận và biểu quyết về số lượng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Sau đó, các đại biểu làm việc tại đoàn, thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

(baodantoc.vn)