Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/2-2/3/2018
09:31 AM 05/03/2018 | Lượt xem: 2582 In bài viết |Đẩy nhanh tiến độ thu phí điện tử tự động không dừng; phải trả tiền nhuận bút khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại; làm rõ phản ánh đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26/2-2/3/2018.
Đẩy nhanh tiến độ thu phí điện tử tự động không dừng
Để đẩy nhanh tiến độ chuyển thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ sang thực hiện theo hình thức điện tử tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu giá, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành khung tiêu chuẩn chung về thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, làm cơ sở để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu giá theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVHQ14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quy định bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nêu rõ: Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP (Bên mua bảo hiểm) phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.
Phải trả tiền nhuận bút khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại
Chính phủ ban hành Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 (Luật sở hữu trí tuệ) về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định quy định rõ về khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
Quy định công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước
Theo Nghị định quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ, hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển gồm: 1- Tiền mặt (tiền đồng Việt Nam), giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; 2- Tài sản quý (vàng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; 3- Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.
Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Làm rõ phản ánh đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng
Báo điện tử Vnexpress số ra ngày 26/1/2018 phản ánh "Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2015 và 5 kỳ điều hành năm 2016, việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn đến giá cơ sở tăng lên, tạo một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối. Nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương làm rõ việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2018.
Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 236/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến 2030, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển. Phát triển đội tàu bay theo định hướng áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Phát triển hệ thống cảng hàng không với công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu vận chuyển và năng lực chuyên chở. Hình thành và phát triển 3 trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa ngang tầm khu vực ASEAN.
(baochinhphu.vn)