Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11-15/2/2019

11:10 AM 20/02/2019 |   Lượt xem: 2505 |   In bài viết | 

Thủ tướng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới (11/02/2019), Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, nêu cao tinh thần quyết tâm, phấn đấu ngay từ ngày đầu năm mới; tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ; quán triệt chủ đề hành động năm 2019, cụ thể hóa chủ đề hành động của ngành mình, cấp mình; theo dõi sát tình hình thực tiễn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức quản lý, điều hành mới bằng những việc làm cụ thể. 

Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết, những công việc và thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và Nhân dân. Không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời giờ và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Chính phủ ban hành Nghị định 15/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, trong đó quy định điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện cho phép thành lập phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài

Sửa đổi, bổ sung quy định về khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt

Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, Nghị định số 14/2019/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về việc khấu trừ thuế.

Nghị định mới quy định người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bằng các nguyên liệu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu (bao gồm cả số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp theo Quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan, trừ trường hợp cơ quan hải quan xử phạt về gian lận, trốn thuế) hoặc đã trả đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt của nguyên liệu đã sử dụng để sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán ra...

Khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh

Chính phủ ban hành Nghị định 18/2019/NĐ-CP về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh. Nghị định quy định về tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh nhằm cung cấp kiến thức về các loại bom mìn vật nổ, tác hại của bom mìn vật nổ, biện pháp phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ và quy định của pháp luật có liên quan. 

Nghị định cũng quy định cụ thể quyền của nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh; quy định rõ nội dung hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh...

Sửa đổi, bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước

Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghị định số 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Trong đó, về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, Nghị định đã giảm điều kiện về thời gian hoạt động có lãi "trong 5 năm" xuống còn "trong 3 năm" liên tục trước thời điểm nộp hồ sơ.

Nghị định số 16/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng đối với công ty thông tin tín dụng quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12/02/2010.

Về điều kiện chung để công ty tài chính thực hiện hoạt động ngân hàng (Điều 5 Nghị định 39/2014/NĐ-CP), Nghị định bãi bỏ điều kiện “hoạt động ngân hàng của công ty tài chính phải được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp” và “đối với các hoạt động ngân hàng có liên quan đến hoạt động ngoại hối, công ty tài chính tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối”.

Sửa đổi quy định lập Dự án đầu tư sản xuất cho người dân sau tái định cư

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. Trong đó, sửa đổi quy định lập và thực hiện Dự án đầu tư ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư. Cụ thể, việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện Dự án đầu tư ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia

Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu; xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai từ ngày 15-22/5

Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm lấy tuần lễ từ ngày 15-22/5 làm Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai. Mục đích tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai vì sự phát triển bền vững.

Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với mục tiêu đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế. Đề án cũng nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế; góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế.

Cung ứng dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại, phòng, chống thiên tai

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cung ứng các dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại; về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng; về nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2018-2020.

Mục tiêu chung của Đề án là thực hiện thông tin tuyên truyền thông qua các chương trình truyền hình nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tạo cầu nối thông tin từ trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho người dân trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, nâng cao kiến thức và kỹ năng sống an toàn, giảm thiểu các nguy cơ về hiểm họa cho cộng đồng, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025". Mục tiêu của Kế hoạch nhằm kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC) xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của CGC đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của Việt Nam.

(baochinhphu.vn)