Dự báo về nhiệt độ Trái đất năm 2016
10:13 AM 21/11/2016 | Lượt xem: 7970 In bài viết |Tất cả các chỉ dẫn đều cho thấy 2016 sẽ trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận trên hành tinh, vượt qua năm 2015, khi nhiệt độ trung bình của 10 tháng đầu năm 2016 đã ở mức cao chưa từng có kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1880.
Ngày 17/11, bà Jessica Blunden, chuyên gia khí tượng thuộc Cơ quan Đại dương & Khí quyển của Mỹ (NOAA), đánh giá: “Có thể chúng ta sẽ kết thúc năm nay với mức nóng lên kỷ lục”. Theo bà Jessica Blunden, “thậm chí nếu điều này không xảy ra thì 2016, 2015 và 2014 vẫn sẽ là 3 năm nóng nhất kể từ năm 1880”. Trong đó, tháng 10 vừa qua là tháng 10 nóng thứ 3 trong lịch sử trên trái đất.
Theo NOAA, tháng 9/2016 cũng đã đánh dấu mức nhiệt độ nóng kỷ lục trong vòng 16 tháng liên tiếp.
Trong bản tin mới nhất về nhiệt độ toàn cầu vào tháng 10/2016, cơ quan này chỉ rõ nhiệt độ vào tháng 10 trên bề mặt đất và đại dương cao hơn 0,72°C so với mức trung bình của thế kỷ XX, ở mức 13,9°C. Tháng 10/2016 cũng xếp ở vị trí thứ ba, rất gần với kỷ lục thiết lập vào tháng 10/2003, chỉ thấp hơn 0,26°C.
NOAA chỉ rõ trong cả giai đoạn 10 tháng đầu năm 2016, nhiệt độ bề mặt của đại dương và đất liền cao hơn 0,97°C so với mức trung bình của thế kỷ XX (14,11°C), vượt kỷ lục trước đó trong cùng kỳ năm 2015 là 0,1°C.
Không những thế, theo Trung tâm dữ liệu Băng Tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC), kích thước trung bình của biển băng Bắc Cực trong tháng 10 vừa qua là 2,5 triệu km2, giảm 28,5% so với mức trung bình của giai đoạn 1981 – 2010. Đây là diện tích nhỏ nhất của băng Bắc Cực kể từ khi bắt đầu các cuộc điều tra bằng vệ tinh vào năm 1979. Diện tích băng bị tan trong 30 năm qua tương đương với diện tích của Alaska và Texas cộng lại.
Tại Nam Cực, phạm vi băng trong đại dương vào tháng 10 giảm 4% so với mức trung bình của giai đoạn 1981 – 2010 với 7,51 triệu km. Tháng 10 vừa qua đã ghi nhận diện tích băng thấp thứ hai từng đo được trong tháng này ở Nam Cực .
Các đánh giá mới nhất được công bố vào thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới đang tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) ở Marrakesh (Maroc).
Nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, Thỏa thuận Paris về khí hậu vừa chính thức có hiệu lực vào ngày 4/11/2016 đã đề ra một mục tiêu rất tham vọng là giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất dưới ngưỡng 2°C và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, như yêu cầu của các quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu./.
Theo: Khánh Linh (dangcongsan.vn)