Quốc hội thảo luận một số điều luật bổ sung, sửa đổi của Luật Hình sự

01:48 PM 27/10/2016 |   Lượt xem: 3565 |   In bài viết | 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn): "Cần nghiêm trị tội phạm ma túy".

Người nghiện ma túy tăng vì hình phạt chưa nghiêm

Trong thời gian qua, có nhiều vụ trọng án, thảm án có liên quan đến ma túy. Điển hình như vụ Trần Tuấn Khương đi trông chị gái nằm viện nhưng sau đó cắt lìa bàn chân của chị ruột mình, vụ Đỗ Đức Hùng ở Nam Định đã dùng dao giết chết cả bố mẹ với hàng chục nhát dao đâm vào cổ, hay vụ thảm án xảy ra ở Quảng Ninh cùng lúc sát hại cả bốn bà cháu. Tất cả những đối tượng này trước khi thực hiện hành vi phạm tội đều sử dụng ma túy.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, số lượng người nghiện ma túy ở nước ta tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Nếu như vào cuối năm 2011 cả nước có trên 158.000 người nghiện ma túy thì vào cuối năm nay con số này là trên 202.000 người. Như vậy, sau 5 năm cả nước tăng thêm hơn 44.000 người nghiện ma túy mới, và cứ có thêm một người nghiện ma túy là có thêm một gia đình bất hạnh và có thêm một mối lo đối với toàn xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn) cho rằng, tất cả những gì cần phải làm và có thể làm để nghiêm trị tội phạm ma túy, tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan tố tụng cần phải được ưu tiên.

Theo báo cáo của Quốc hội, quá trình giải quyết các vụ án ma túy thời gian vừa qua nảy sinh nhiều quan điểm và ứng với đó là nhiều cách áp dụng khác nhau, tựu trung lại có hai quan điểm chính: Quan điểm thứ nhất cho rằng, sau khi thu giữ được một vật nghi là bánh ma túy thì chỉ giám định để xác định xem bánh đó có phải là ma túy hay không. Nếu là ma túy thì lấy toàn bộ bánh nhân ra cân, ra lạng để xử lý. Quan điểm thứ hai cho rằng, không chỉ giám định để xác định cái bánh đó có phải là bánh ma túy hay không mà còn phải giám định để xác định là có bao nhiêu hàm lượng ma túy tinh chất chứa trong bánh này, sau đó rút hàm lượng ma túy tinh chất này nhân ra cân, ra lạng để xử lý.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, khoản 4 các điều từ Điều 248 đến Điều 252 bắt buộc phải giám định để xác định hàm lượng ma túy tinh chất là không phù hợp và chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn.

Thứ nhất, quy định như dự thảo sẽ không bảo đảm tính thống nhất của pháp luật. Cùng là hành vi phạm tội về ma túy nhưng nếu bị truy cứu theo khoản 1, khoản 2, Khoản 3 thì lại tính theo khối lượng ma túy thu giữ được, tức là lấy toàn bộ bánh ma túyý đó để nhân ra cân, ra lạng để xử lý. Nhưng nếu bị truy cứu theo khoản 4 là khoản có khung hình phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình thì lại tính theo hàm lượng ma túy tinh chất.

Thứ hai, quy định như dự thảo sẽ không bảo đảm tính công bằng trong xử lý giữa vụ án thu được ma túy và vụ án không thu được ma túy. “Nếu như quy định như của dự thảo thì phải chăng tới đây chúng ta sẽ phải áp dụng hai cách tính. Đó là với những vụ án không thu được ma túy thì sẽ tính theo khối lượng ma túy mà đối tượng khai nhận. Còn đối với những vụ án thu được ma túy thì lại tính theo hàm lượng ma túy tinh chất rút ra từ số ma túy thu giữ được. Tôi cho rằng đây là mâu thuẫn lớn nhất đến thời điểm hiện nay dự thảo chưa hề tính tới”, đại biểu Thủy nói.

Thứ ba, theo đại biểu Thủy, đánh tội phạm ma túy là phải đánh vào ý thức chủ quan của người phạm tội. Đánh vào ý thức định gieo rắt hiểm họa đối với toàn thể xã hội. Khi thực hiện hành vi phạm tội về ma túy các đối tượng không cần biết, không quan tâm đến ma túy tinh chất, các đối tượng chỉ quan tâm có bao nhiêu bánh ma túy, bao nhiêu tép ma túy.

Thứ tư, kinh nghiệm nhiều nước đều quy định rõ trong luật của mình là không tính theo hàm lượng ma túy tinh chất. Trung Quốc vừa ban hành Bộ luật hình sự vào năm 2015 và tại Điều 357 quy định: “Khối lượng ma túy được tính theo khối lượng thực tế buôn bán, vận chuyện, sản xuất, tàng trữ trái phép mà không tính theo hàm lượng ma túy tinh chất”.

Vì thế, theo đại biểu Thủy, lựa chọn cách quy định như luật các nước là không tính theo hàm lượng ma túy tinh chất mới phù hợp.

Ý kiến này của đại biểu Thủy được khá nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình. Đại biểu Sùng A Hồng (Điện Biên) cho rằng, không giám định hàm lượng chất ma túy vì quy định như vậy là không có tính khả thi, không bình đẳng với chính sách pháp luật hình sự và rất nhiều chất khác cộng với tiền chất mới tạo ra heroin. Chúng ta cứ đi tìm heroin trong vô vàn các chất khác là không cần thiết. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình)…

Giám định hàm lượng ma túy để bảo đảm quyền con người

Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng, xác định tinh chất ma túy là cần thiết để xử tội phạm ma túy ở những khung hình phạt cao như chung thân, tử hình. Họ đề nghị cần giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy để bảo đảm quyền của con người trong hoạt động xét xử.

Theo đại biểu Trương Phi Hùng (Long An), thực tiễn giải quyết các vụ án ma túy trong thời gian qua cho thấy một số vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ giám định loại, trọng lượng, thể tích thô của chất ma túy, thu giữ được và căn cứ vào đó để truy tố, xét xử, kết án người phạm tội với mức án rất cao như tù trung thân, tử hình. Ví dụ, vụ án Phàn Văn Phủ bị kết án tử hình do có hành vi mua bán 5.998 ống thuốc tiêm Dizepam tương đương với 11.996 ml, vụ án Nguyễn Tiến Tùng bị kết án tù trung thân do hành vi vận chuyển 11.300 viên thuốc tân dược gây nghiện, tổng trọng lượng là 1,776kg. Qua xem xét lại hành vi các vụ án này, cơ quan có thẩm quyền đều xác định hàm lượng chất ma túy chứa trong các chất thu giữ được là rất thấp nên đã quyết định miễn chấp hành hình phạt còn lại hoặc hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại. Quyết định mức hình phạt nhẹ hơn đối với các bị cáo.

Theo đại biểu Hùng, Bộ luật hình sự ngày càng phải được cụ thể, nhân đạo và hướng thiện, giảm hình phạt tử hình, hình phạt tù có thời hạn, giảm khung hình phạt tối đa, quá cao. Do đó, nếu chúng ta quy định ma túy ở dạng thô hay ma túy không tính theo độ tinh khiết mà Bộ luật hình sự có thể đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội kiêm Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang Phạm Hồng Phong cho rằng, nếu không có giám định hàm lượng chất ma túy để làm căn cứ xét xử dẫn đến oan sai. “Đối với nghề của chúng tôi, nếu không có giám định chất hàm lượng ma túy để làm căn cứ xét xử, chúng tôi xét xử oan là sự nghiệp chính trị của chúng tôi coi như chấm hết”, đại biểu Phong nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên), bổ sung quy định về việc xác định hàm lượng chất ma túy vào Điều 248, Điều 252 của Bộ luật hình sự năm 2015 nhằm khắc phục tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng có cách hiểu khác nhau, không thống nhất về vấn đề xác định hàm lượng chất ma túy trong quá trình xử lý các vụ án về ma túy. Tuy nhiên, để bảo đảm tính kịp thời, khả thi trong công tác phòng, chống tội phạm, căn cứ vào tình hình thực tế trong thực hiện giám định hàm lượng chất ma túy, đại biểu Phúc kiến nghị Chính phủ cần có kế hoạch đầu tư nguồn lực cho hệ thống trung tâm giám định các chất ma túy.

Về quy định các loại cây có chứa chất ma túy, các đại biểu đồng tình quan điểm của Ủy ban tư pháp nên quy định hướng mở. Vì trong tự nhiên sẽ còn rất nhiều loài cây chứa chất ma túy hoặc chất gây nghiện. Nếu sau này chúng ta phát hiện cây mới, chất mới thì giao cho Chính phủ quy định là phù hợp, như vậy tuổi thọ của luật sẽ cao hơn.

Theo: nhandan.com.vn