Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khảo sát công tác trợ giúp pháp lý tại Hà Giang

11:00 AM 12/01/2018 |   Lượt xem: 7740 |   In bài viết | 

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo ông Trần Hải Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang, thực tiễn triển khai chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình nghèo nghèo nói chung và việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý theo Quyết định 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nói riêng trong thời gian qua đã khẳng định được tính ưu việt của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ vị trí, vai trò và ý nghĩa của chính sách trợ giúp pháp lý trong chương trình giảm nghèo, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, chính sách trợ giúp pháp lý đã được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, người dân đón nhận tích cực, qua đó đã bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là tỉnh có đường giao thông đi lại khó khăn và địa hình phức tạp; ở các huyện nghèo, xã nghèo dân cư chủ yếu sống ở vùng núi cao, cách xa trung tâm xã; trình độ dân trí còn hạn chế… chính vì vậy công tác trợ giúp pháp lý còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, ông Hoàng Văn Vịnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và bà Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang cũng đã kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương một số vấn đề như: Cần sớm đưa Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi vào cuộc sống. Tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương. Nghiên cứu, xem xét sửa đổi một số hoạt động trong Quyết định 32/2016/QĐ-TTg cho phù hợp với thực tiễn. Nghiên cứu ban hành quy định về người phiên dịch, chính sách thu hút các nguồn lực tham gia trợ giúp pháp lý, chú trọng đến chính sách ưu đãi đối với các cán bộ công tác trợ giúp pháp lý tại những vùng miền đặc thù như vùng cao, biên giới, hải đảo. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan, tổ chức triển khai chính sách, tăng cường công tác truyền thông để người dân được biết các chính sách ưu đãi được hưởng, tránh bỏ sót đối tượng, bảo đảm công bằng xã hội và giúp giảm nghèo bền vững.

Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Phó Chủ tịch Cao Thị Xuân nhấn mạnh: Công tác trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Để chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Giang cần áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin về trợ giúp pháp lý đến tận các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đa dạng hóa các hoạt động trợ giúp pháp lý với các chương trình đề án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Trước đó, Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm trưởng đoàn cũng đã đi khảo sát công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Mèo Vạc./.

(dangcongsan.vn)