Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc
09:09 AM 13/11/2017 | Lượt xem: 5756 In bài viết |Nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, dễ hiểu, dễ thực hiện những nội dung cơ bản về các luật, văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các chính sách dân tộc tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017- 2020”.
Đề án góp phần từng bước nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước của đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó giúp đồng bào yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đề án được triển khai thực hiện trên 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã giáp ranh có xã, phường miền núi, bao gồm các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Triệu Sơn, Tĩnh Gia, Thọ Xuân, thị xã Bỉm Sơn.
Đối tượng thụ hưởng của Đề án là đồng bào dân tộc sinh sống, cư trú ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; đội ngũ cán bộ trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào cũng là đối tượng Đề án hướng tới.
Đề án tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, chú trọng tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; Chương trình 135, các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách giáo dục, y tế; hướng dẫn đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống… Cùng với đó, tuyên truyền việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; tuyên truyền, vận động đồng bào cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, nâng cao nhận thức về chủ quyền an ninh biên giới…
Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, là cơ quan chủ trì triển khai Đề án, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức cơ quan công tác dân tộc và đội ngũ báo cáo viên các huyện về các nội dung cơ bản của Đề án. Ban cũng đang chỉ đạo Phòng Dân tộc các địa phương thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động về chính sách dân tộc cho đồng bào 16 xã biên giới của tỉnh thông qua các hội nghị tuyên truyền trực tiếp, nói chuyện chuyên đề về pháp luật, chính sách dân tộc.
Ban Dân tộc tỉnh đã biên soạn tài liệu phổ biến pháp luật và tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, cung cấp cho các huyện miền núi và các huyện có xã miền núi giáp ranh; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
(dantocmiennui.vn)