Bảo đảm tính thống nhất trong sửa đổi Bộ luật hình sự 2015
02:16 PM 22/08/2016 | Lượt xem: 3384 In bài viết |Báo cáo với Hội đồng thẩm định một số nội dung của Dự án Luật sửa đổi, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 lần này liên quan đến 93 điều của BLHS, gồm 12 điều thuộc phần Những quy định chung và 81 điều thuộc phần Các tội phạm, trong đó có 45 điều chỉnh lý về kỹ thuật và 48 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật. Theo đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của BLHS nhằm khắc phục những bất cập về các mức định lượng, mức hình phạt trong các khung của một số điều luật. Trong đó đáng chú ý, dự thảo Luật đã điều chỉnh hạ mức định lượng tối thiểu về chất ma túy để xử lý hình sự cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của BLHS liên quan đến yếu tố cấu thành của một số tội phạm để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm như: Bổ sung hành vi “cướp phá tài sản” vào cấu thành tội bạo loạn (Điều 112); bổ sung các chất ma túy mới phát hiện vào cấu thành các tội phạm về ma túy (các Điều 248, 249, 250, 251, 252) để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy. Bổ sung thêm các hành vi chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước vào cấu thành tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337) …
Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản thuộc phần những quy định chung của BLHS, trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội; sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế; Sửa đổi, bổ sung Điều 54 về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt …
Cũng theo ông Hoàn, trong quá trình xây dựng còn có một số vấn đề có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến thẩm định của Hội đồng liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các tội phạm về ma túy; sửa đổi, bổ sung Điều 292 của BLHS về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Quốc Việt cho rằng: Trong tình hình hiện nay, do ảnh hưởng của môi trường sống không lành mạnh, internet, phim ảnh bạo lực… không ít trẻ em có hành vi tội phạm như gây thương tích, hiếp dâm…Tại Kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo luận thông qua 7 tội danh cần chịu trách nhiệm hình sự là: giết người, cướp của, gây thương tích, hiếp dâm, cưỡng dâm trẻ em. Do đó, không nên sửa đổi, bổ sung quy định này.
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng hướng sửa rất phù hợp nhưng thiếu điểm quan trọng là tập trung vào chính sách hình sự không thống nhất giữa các điều trong Bộ luật. Ví dụ như chính sách xét xử tham nhũng, tham ô cần phải rà soát xem thống nhất chưa?
Đại diện cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an nêu quan điểm, trong quá trình soạn thảo, nếu phát hiện vấn đề sai kể cả nội dung và hình thức thì sửa, “chứ chờ giải thích luật lâu lắm”, rất khó cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, chính sách hình sự phải áp sát điều kiện cụ thể. Dẫn chứng Điều 292 của BLHS về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, ông Hoàng Thế Liên cho rằng chính sách phải tính đến thực tiễn. Bởi: “Mình không làm thì người nước ngoài làm cũng có xử lý được đâu? Tại sao trong 262 ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ có ngành nghề này bị xử lý hình sự mà không giải thích được lý do tại sao?”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, trong phạm vi sửa đổi BLHS cần lưu ý bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS; tính thống nhất với các bộ luật, luật cùng tạm lùi thời hạn thi hành với Bộ luật này; tạo thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích của người phạm tội./.
Theo: Thu Hằng