Bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán trong các quy định của Bộ luật Hình sự
09:24 PM 02/11/2016 | Lượt xem: 3854 In bài viết |Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành, qua phản ánh của cử tri, báo chí về một số sai sót của BLHS năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương rà soát tổng thể các quy định của Bộ luật để đề xuất phương án khắc phục.
Kết quả rà soát đã được báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét. UBTVQH đã có Tờ trình số 1152/TTr-UBTVQH13 báo cáo và Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 cho phép lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, đồng thời bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai.
Theo dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 liên quan đến 141 điều, gồm 18 điều thuộc phần "Những quy định chung" và 123 điều thuộc phần "Các tội phạm"; trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 1 điều (Điều 292 quy định về tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông).
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị việc xây dựng dự án luật cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng. Bảo đảm sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của BLHS năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thảo luận về những vấn đề cụ thể, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về bố cục, phạm vi điều chỉnh của Luật; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; việc bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào BLHS năm 2015; bổ sung quy định liên quan đến vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự; quy định về xử lý tội phạm liên quan đến môi trường; tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc; việc cụ thể hóa các tình tiết định tính, định lượng trong BLHS làm căn cứ để định tội hoặc định khung hình phạt; tránh nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại…
Theo: Nguyễn Hoàng (baotintuc.vn)