Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS: Nhìn lại để triển khai hiệu quả hơn
02:23 PM 06/05/2022 | Lượt xem: 15700 In bài viết |Thời gian qua, Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã triển khai rộng khắp trên cả nước và đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về những hệ lụy của tảo hôn và HNCHT. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn mới.
Nhiều thành quả quan trọng
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Kế hoạch triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án.
Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cho biết: Qua 5 năm (2015-2020) triển khai thực hiện Đề án, bước đầu thu được một số kết quả khá khả quan: Các cấp ủy, chính quyền các địa phương, trường học (trong đó có cả các trường phổ thông dân tộc nội trú) đã quan tâm chỉ đạo chặt chẽ đối với việc triển khai thực hiện Đề án. Nhất là vai trò của già làng, trưởng thôn, Người có uy tín, đội ngũ hòa giải viên, đã kịp thời tuyên truyền, giáo dục thuyết phục những trường hợp có nguy cơ tảo hôn và HNCHT tại địa phương.
Nhờ đó, tình trạng HNCHT, đến nay đã giảm 4,7% so với năm 2014 (năm 2014 là 26,6%, năm 2018 là 21,9%; bình quân mỗi năm giảm 0,94%/năm). Tỷ lệ HNCHT của 53 DTTS là 0,56%, so với tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2014 là 0,65% đã giảm 0,1% (bình quân mỗi năm giảm 0,02%/năm).
Theo số liệu Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, Tây Nguyên tuy vẫn tiếp tục có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, năm 2018 là 27,5% nhưng cũng đã giảm 2,1% so với năm 2014; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% (giảm 5,1 % so với năm 2014) và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 22,4% (giảm 3,2 % so với năm 2014). Đồng bằng sông Hồng, nơi không có nhiều người DTTS sinh sống (3,3%), là vùng có tỷ lệ người DTTS tảo hôn thấp nhất cả nước năm 2018 (7,8%)...
Những kết quả trên, là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhận thức của đồng bào DTTS về tác hại của nạn tảo hôn và HNCHT được nâng lên rõ rệt.
Nhìn từ thực tế những năm qua, nhiều địa phương đã thành lập và triển khai thực hiện mô hình điểm,ở nơi có tỷ lệ tảo hôn và HNCHT cao, đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCHT ở địa phương.
Các tỉnh đã xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình và các câu lạc bộ lên tới 2.892 mô hình điểm tại 3.481 xã, thôn, bản, buôn. Tổ chức 211.805 cuộc tư vấn, tuyên truyền về tảo hôn và HNCHT cho 494.838 lượt đồng bào tại các xã thực hiện mô hình điểm. Tổ chức ký cam kết không kết hôn tảo hôn và HNCHT cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã thực hiện mô hình điểm.
Các câu lạc bộ mô hình này hoạt động tương đối hiệu quả, nhiều cặp tảo hôn được can thiệp kịp thời, được tuyên truyền phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình và tác hại của việc tảo hôn, làm cho giới trẻ nhận thức đúng đắn hơn và có trách nhiệm trong hôn nhân gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế bất cập như: Tỷ lệ tảo hôn, HNCHT đã giảm nhưng tuổi kết hôn trung bình của người DTTS tảo hôn còn thấp (năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ).
Một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác này. Bố trí kinh phí thực hiện Đề án ở địa phương còn khó khăn. Chưa có cán bộ chuyên trách… Bên cạnh đó, vấn đề về nhận thức hạn chế, hủ tục… cũng đang là rào cản lớn cho công tác này.
Tiếp tục phát huy trong giai đoạn mới
Kết quả thực hiện Đề án giai đoạn I cho thấy, để Đề án đạt được chỉ tiêu đã đề ra, cần có sự phối hợp thực hiện, theo dõi, kiểm tra và giám sát của các cấp, các ngành; sự đầu tư kinh phí từ Trung ương đến địa phương.
Vì vậy, trong giai đoạn tới, nhằm đạt được kết quả cao hơn nữa trong thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ quyết định tích hợp nội dung của Đề án thành một tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030
Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cũng đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, để có những tham mưu đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chính sách dân tộc, trong đó có việc thực hiện Đề án giảm thiểu tảo hôn và HNCHT nhằm triển khai hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS, trong giai đoạn tới, Đề án sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Tổ chức truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như biên soạn, cung cấp tài liệu, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình. Tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tổ chức các hội thi tìm hiểu về pháp luật, về hôn nhân, về kết hôn tảo hôn và HNCHT; tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT vùng DTTS.
Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và HNCHT như Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới, Dân số và Gia đình...
Duy trì và triển khai mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và HNCHT. Nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi….
Làm tốt công tác kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án tại địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành liên quan trong triển khai thực hiện.
Với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, hy vọng rằng tảo hôn và HNCHT sẽ được kiểm soát và đẩy lùi, góp phần thực hiện có hiệu công tác dân tộc của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước hiện nay; nhất là tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
(baodantoc.vn)