Tăng cơ hội việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Việt Nam vì một tương lai bền vững

09:53 AM 09/09/2020 |   Lượt xem: 2475 |   In bài viết | 

Khởi động dự án “Tăng cường tiếp cận các lựa chọn sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS)”.

Ngày 08/9/2020, Tổ chức phi Chính phủ quốc tế Aide et Action (AEA) và đối tác Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc (NWD) cùng phối hợp tổ chức lễ khởi động dự án “Tăng cường tiếp cận các lựa chọn sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS)” ở hai tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam là Hòa Bình và Lào Cai. Dự án do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ  hơn 710.000 EUR trong vòng 42 tháng (2020-2023).

Lễ khởi động dự án có sự tham gia của các đại biểu là đại diện UBND tỉnh Lào Cai, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở giáo dục và Đào Tạo, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Lào Cai, UBND các huyện vùng dự án tại Bắc Hà, Sapa và Lào Cai.

Mục tiêu của dự án là cung cấp các cơ hội phát triển nghề nghiệp và khởi nghiệp cho thanh niên DTTS trong độ tuổi từ 16-30 tại 5 huyện: Đà Bắc, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) và Lào Cai, Bắc Hà, Sapa (tỉnh Lào Cai). Trong đó, Đà Bắc và Bắc Hà là hai huyện nằm trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước và là nơi có nhiều nhóm DTTS sinh sống, chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Vì vậy, khả năng tiếp cận với giáo dục chất lượng cũng như cơ hội nghề nghiệp và kinh doanh đang là thách thức tại các khu vực xa xôi hẻo lánh này.  

Dự án hướng tới các đối tượng là học sinh trung học phổ thông và các thanh thiếu niên không có cơ hội được tới trường, giúp trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp theo nhu cầu thị trường để định hướng công việc hoặc ngành nghề mà các em theo đuổi. Dự án được thiết kế với các hoạt động tăng cường năng lực đối tác các cấp, tạo điều kiện để họ hỗ trợ các thanh thiếu niên DTTS thực hiện các sáng kiến khởi nghiệp. 

Thiếu kỹ năng là một trong những lý do chính khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn giữa các nhóm DTTS, nơi chất lượng giáo dục trung học và khả năng tiếp cận với đào tạo nghề còn hạn chế. Chính điều này đã dẫn đến thực trạng là kỹ năng nghề của thanh thiếu niên DTTS không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.  

Bà Nguyễn Thị Tú, Trưởng đại diện của Aide et Action Việt Nam chia sẻ: ”Dự án có sự tham gia của nhiều đối tác khác nhau bao gồm chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các ban ngành nhằm cải thiện chất lượng đào tạo nghề cho thanh thiếu niên. Tích cực thu hút giới trẻ tham gia và giúp các em trở thành các công dân năng động cùng với sinh kế bền vững sẽ giúp xóa đi vòng nghèo đói giữa các thế hệ và đảm bảo tương lai của con cái các em sau này.” 

Dự án có sự phối hợp và kết nối giữa cộng đồng, doanh nghiệp, và chính quyền địa phương để tăng thêm các cơ hội cũng như hỗ trợ tài chính cho thanh thiếu niên thực hiện ước mơ của họ. “Để có thể hội nhập thành công vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, cần tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực và cái cách hệ thống đào tạo nghề theo hướng tự chủ và áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên thị trường.” - phát biểu của ông Đinh Văn Thơ, Phó GĐ Sở LĐTBXH Tỉnh Lào Cai, Trưởng ban QLDA tỉnh Lào Cai. 

Aide et Action là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế hoạt động tại 19 quốc gia trên thế giới hỗ trợ phát triển các dự án giáo dục bền vững. Aide et Action đã làm việc tại Đông Nam Á từ năm 2003 và có các dự án tại Campuchia, Lào và Việt Nam. Aide et Action đảm bảo tiếp cận giáo dục chất lượng cho những người dân dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất, đặc biệt là trẻ em, để họ có thể tự chịu trách nhiệm cho sự phát triển của mình và đóng góp cho một thế giới hòa bình và bền vững hơn.

(vov.vn)