Khẳng định vai trò và năng lực của cộng đồng trong xây dựng các công trình hạ tầng quy mô nhỏ tại vùng dân tộc thiểu số

05:13 PM 12/10/2021 |   Lượt xem: 5860 |   In bài viết | 

Nhóm cộng đồng cùng các chuyên gia của khảo sát tuyến đường bê tông chạy qua xóm Gò Bùi mới được hoàn thành

Trước đây, đến xóm Gò Bùi, xã Đú Sáng có thể thấy sự vất vả của bà con các dân tộc khi hằng ngày phải đi qua quãng đường đất hơn 200m rất xấu. Mùa mưa thì lầy lội bùn đất; mùa khô thì bụi mù mịt. Niềm ao ước về một tuyến đường bê tông chạy qua xóm được bà con mong mỏi từ rất lâu…

Cho đến đầu năm 2021, với nguồn vốn 120 triệu do RIC hỗ trợ, cộng với số tiền và ngày công do bà xóm Gò Bùi cùng đóng góp (khoảng 44 triệu đồng), Nhóm cộng đồng xóm Gò Bùi đã đứng ra tự quản lý, thi công tuyến đường bê tông rộng 3m, dài 230m chạy qua xóm, giúp nối thông các tuyến đường bê tông chạy qua đầu xóm và cuối xóm. Tuyến đường được hoàn thành sau 20 ngày thi công. Sau khi hoàn thiện đã giúp cho 30 hộ dân 2 bên đường đi lại, giao thương buôn bán thuận lợi hơn rất nhiều.

Chị Bùi Thị Đào – Người dân xóm Gò Bùi phấn khởi cho biết: “Trước đây khi trời mưa thì không thể đi qua đoạn đường này được. Sau khi con đường bê tông này hoàn thành, người dân chúng tôi rất phấn khởi, các con, các cháu đi học dễ dàng hơn rất nhiều; việc đi lại, buôn bán của bà con cũng rất thuận lợi”.

Chị Bùi Thị Đào – Người dân xóm Gò Bùi phấn khởi khi tuyến đường bùn lầy trước đây giờ đã được cứng hóa

Theo ông Bùi Văn Sum - Trưởng xóm Gò Bùi, việc thi công tuyến đường qua xóm hoàn toàn do Nhóm cộng đồng đứng ra thiết kế, quản lý, cùng với sự đóng góp ngày công của bà con trong xóm. Việc thi công đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sử dụng lâu dài. Tuyến đường này sau khi hoàn thành sẽ giúp bà con trên địa bàn giao thương buôn bán thuận lợi, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống.

Ông Bùi Văn Sum - Trưởng xóm, đồng thời là Trưởng Nhóm cộng đồng của xóm Gò Bùi chia sẻ về quá trình triển khai thi công tuyến đường bê tông chạy qua xóm

Tuyến đường bê tông sẽ giúp cho việc đi lại, giao thương buôn bán của bà con thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây

Việc hoàn thành tuyến đường qua xóm Gò Bùi cho thấy năng lực, vai trò của Nhóm cộng đồng trong thi công xây dựng các công trình hạ tầng quy mô nhỏ tại cộng đồng là rất tốt và hiệu quả. Trong quá trình triển khai, Nhóm đã tự khảo sát, đề xuất, thiết kế, thi công, tự làm các thủ tục rút tiền, thanh quyết toán cho đến nghiệm thu khai thác và bảo trì công trình về sau…  Đặc biệt là Nhóm cộng đồng sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của  RIC, kết hợp với việc vận động sự tham gia của người dân trong xây dựng công trình, giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình, qua đó cho mỗi người dân thấy được trách nhiệm, vai trò của mình với công trình.

Không chỉ ở xóm Gò Bùi, từ năm 2014 đến nay, các thôn, xóm thuộc xã Đú Sáng được thụ hưởng nguồn hỗ trợ của RIC đều sử dụng rất hiệu quả các nguồn vốn. Năng lực, tay nghề của các Nhóm cộng đồng sở tại được nâng lên rất tốt, không chỉ thi công những công trình quy mô nhỏ mà còn có thể thi công các công trình lớn hơn, phức tạp hơn. Cùng với đó là công tác duy tu, bảo dưỡng công trình cũng được Nhóm cộng đồng của thôn, xóm triển khai bài bản, chặt chẽ từ khâu khảo sát, đề xuất lên UBND xã cho đến thi công…

Ông Bạch Đức Cần – Phó Chủ tịch UBND xã Đú Sáng cho biết: “So với các đơn vị nhà thầu thì Nhóm Cộng đồng thi công hiệu quả cao hơn, cả về chi phí, lợi suất đầu tư, chất lượng công trình…. Mặc dù vốn ít, nhưng khi giao cho Nhóm cộng đồng, Nhóm đủ năng lực tự triển khai toàn bộ từ quản lý phí, tự hoạch toán, tự mua vật liệu, triển khai thi công. Trong quá trình triển khai, UBND xã cũng đã linh hoạt, vận dụng thêm các nguồn vốn khác để tăng thêm khối lượng công trình, phủ thêm diện tích thi công”.

Ông Bạch Đức Cần – Phó Chủ tịch UBND xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình

Cũng theo ông Cần, việc dự án RIC tạo điều kiện cho người dân tham gia các khóa tập huấn đã giúp cho năng lực của các Nhóm cộng đồng được nâng lên rất nhiều. Qua nhiều năm triển khai, đến nay, Nhóm cộng đồng các thôn, xóm đủ khả năng để tự triển khai thi công các công trình hạ tầng quy mô nhỏ, thậm chí là những công trình lớn hơn, như: Nhà ở, cầu, cống; sử dụng các máy móc hiện đại; có thể đọc và tuân thủ bản vẽ, đảm bảo kỹ thuật thi công…

Sau 2 giai đoạn triển khai (2013-2017 và 2017-2021), Dự án RIC đã thể hiện được rõ ưu điểm của mô hình giao trao quyền cho Nhóm cộng đồng trong xây dựng các công trình CSHT quy mô nhỏ cũng như việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Cách làm đã giúp cho các địa phương sử dụng nguồn vốn hiệu quả, linh hoạt; giúp người dân nâng cao năng lực, được trực tiếp tham gia thi công, được khẳng định trách nhiệm với mỗi công trình ở thôn, xóm nơi mình sinh sống.

Xuân Thường