Hội thảo định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

09:15 AM 18/11/2021 |   Lượt xem: 16907 |   In bài viết | 

Quang cảnh Hội thảo định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh, thành trong vùng nhằm đảm bảo thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai có đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Đặng Xuân Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); các chuyên gia, nhà khoa học cùng lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ: Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ. Việc phát triển địa phương là cơ sở, điều kiện để phát triển vùng; không gian phát triển vùng cần gắn với phát triển địa phương. Cần tập trung nguồn lực để giải quyết điểm nghẽn, những khó khăn, thách thức của vùng; đặc biệt các địa phương cần có những hành động cụ thể để phát huy hết tiềm năng, lợi thế phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, của vùng trong tương lai.

 

Đồng chí Đặng Xuân Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc”.

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có diện tích tự nhiên toàn vùng 100.965 km2; dân số khoảng 14 triệu người, trong đó có khoảng 30 dân tộc đang sinh sống với bản sắc văn hóa riêng, độc đáo. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân năm 2011 - 2020 của vùng đạt 7,96%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Một số địa phương là điểm sáng trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp như Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư mới, đã hình thành được một số tuyến đường cao tốc kết nối với Thủ đô Hà Nội, cải thiện liên kết nội vùng, hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc... Tuy nhiên Trung du và Miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo, khó khăn nhất cả nước; quy mô kinh tế nhỏ; mức độ phát triển của các địa phương trong vùng không đồng đều; GRDP bình quân đầu người thấp, một số địa phương trong vùng đứng top cuối cả nước; tỷ lệ hộ nghèo của vùng cao nhất cả nước và cao hơn so với các vùng khác; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới thấp nhất cả nước; lực lượng lao động mỏng, chất lượng nguồn nhân lực thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Liên kết nội vùng và liên vùng còn yếu, không gian phát triển còn bị bó hẹp theo địa giới hành chính, chưa phát huy được chuỗi sản xuất hàng hóa nội vùng để tăng năng lực cạnh tranh. Thiếu các thể chế chính sách liên kết vùng như: cơ chế huy động vốn và tài trợ chính thức cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cấp vùng; cơ chế hỗ trợ về tài chính; cơ chế để điều tiết lợi ích có được từ liên kết, trong tiếp cận các nguồn lực phân bổ cho các dự án. Thiếu kết nối giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng, địa phương...

Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang trao đổi, thảo luận về thuận lợi, khó khăn trong thực hiện liên kết vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ.

Tại Hội thảo, đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương, tổ chức nước ngoài, các tỉnh, thành đã trao đổi, thảo luận tập trung vào một số nội dung vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ: Liên kết phát triển vùng trong quy hoạch phát triển vùng; kinh nghiệm quốc tế về liên kết phát triển vùng và gợi mở cho vùng; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thúc đẩy liên kết vùng; phát triển các hành lang kinh tế nhằm thúc đẩy liên kết vùng; thuận lợi, khó khăn trong thực hiện liên kết vùng và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội...

Trao đổi về thuận lợi, thách thức trong liên kết vùng, đồng chí Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho rằng có thể chế tốt thì có con người, hạ tầng tốt và thách thức lớn nhất của vùng chính là vị trí địa lý, địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Trung du và Miền núi Bắc Bộ là vùng còn nhiều khó khăn, do đó đề xuất rung ương cần có tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

 Kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Nghị quyết 37-NQ/TW của Trung ương là chủ trương đúng đắn của Đảng, là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành Trung ương ban hành cơ chế, chính sách và bổ sung nhiều nguồn lực cho vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ trong thời gian vừa qua; góp phần tác động tích cực đến đời sống của Nhân dân trong vùng, tạo sự thay đổi và diện mạo mới cho nhiều địa phương.

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW.

Đồng chí nhấn mạnh liên kết phát triển vùng là tất yếu, khách quan của cơ chế thị trường; cần thay đổi về tư duy, nhận thức, hành động để liên kết vùng thực sự trở thành động lực tăng trưởng. Liên kết vùng cần tập trung liên kết trong xây dựng, tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế của cả nước, đảm bảo thống nhất với Quy hoạch quốc gia cũng như phát triển liên kết về giao thông, đào tạo, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, kinh tế cửa khẩu… Phát triển đảm bảo sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành, các tiểu vùng, các địa phương; hình thành một số khu vực động lực, hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng thúc đẩy kinh tế. Căn cứ trên những ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội thảo; trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 37-NQ/TW nhằm tạo động lực cho toàn vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ phát triển kinh tế - xã hội./.

(laocai.gov.vn)