Hà Giang phấn đấu tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số đạt trên 8%/năm

08:41 AM 15/09/2022 |   Lượt xem: 7450 |   In bài viết | 

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đề ra. (Ảnh minh họa: Chu Việt Bắc)

Đó là những mục tiêu cụ thể được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đề ra tại Nghị quyết số 25-NQ/TU, về lãnh đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết khẳng định, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đề ra; đồng thời phải gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác dân tộc các cấp đảm bảo đồng bộ, thống nhất; đảm bảo hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc khó khăn đặc thù.

Trong giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đặt mục tiêu tổng quát: Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc; giảm nghèo nhanh, bền vững; giảm số xã, thôn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư; xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS đảm bảo về số lượng, cơ cấu, phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; bảo đảm an ninh, quốc phòng; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Theo đó, Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS bình quân đạt 8%/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS đạt 55 triệu đồng trở lên. Phấn đấu giảm 29 xã/127 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 4%/năm trở lên, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới.

Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 90% thôn, tổ dân phố vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng, trong đó 55% đạt chuẩn theo quy định; duy trì 100% cơ sở y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; phấn đấu 100% đồng bào DTTS tham gia BHYT và được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 100% thôn biên giới có điện, đường giao thông đạt chuẩn Nông thôn mới; tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo đạt 60% vào năm 2025;...

Về nhiệm vụ giải pháp thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; làm tốt công tác tuyên truyền về Chương trình; tập trung thực hiện các dự án thành phần của Chương trình trên địa bàn tỉnh; triển khai lồng ghép các chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế - - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đào tạo nghề nghiệp cho đồng bào vùng DTTS và miền núi, nhất là thanh niên DTTS; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị; trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Cũng theo Nghị quyết, trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng và chính quyền trong tỉnh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS từng bước được hoàn thiện; cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất, tỉnh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện; văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội dược đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở dược kiện toàn vững mạnh; đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến hết năm 2021, các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra. Kết quả 100% số xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã; 100% các thôn, bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 45,3%; 100% xã có trường lớp học kiên cố; tỷ lệ xã, phường, đạt Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế đạt 100%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,5%; 94,4% số hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện; 88,2% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2021 còn 1 8,54% (tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,2% năm).

Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đô thị còn khá lớn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiển số, vùng sâu, vùng xa còn cao; theo chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 là 42,08% (trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số 78.263/79.102 hộ, chiếm tỷ lệ 98,94% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng giáo dục, y tế còn bất cập; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc bị mai một, tập tục lạc hậu còn tồn tại ở một số địa phương…/.

(dangcongsan.vn)