Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch vùng đồng bào DTTS
09:27 AM 24/06/2022 | Lượt xem: 7586 In bài viết |Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch vùng DTTS ở Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng được các địa phương chú trọng đầu tư. Điều này kỳ vọng thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào.
Huyện miền núi Tịnh Biên, là một trong những địa bàn du lịch trọng yếu của An Giang, sở hữu nhiều điểm du lịch nổi tiếng . Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào Khmer của huyện Tịnh Biên, tập trung ở 3 xã: An Hảo, Vĩnh Trung và Văn Giáo, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Cụ thể, tại xã An Hảo gần khu du lịch núi Cấm, thuận tiện thu hút khách du lịch đến với du lịch cộng đồng. Nơi đây, có mô hình điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch cũng đã thu hút nhiều du khách tìm đến tham quan. Đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế cần thêm nhiều sự đầu tư để hoàn thiện, tuy nhiên bước đầu, đồng bào đã tiếp cận được với loại hình du lịch này.
Tương tự, xã Vĩnh Trung có lễ hội đua bò đã được công nhận lễ hội cấp Quốc gia, tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây... Đặc biệt, từ cây trồng, vật nuôi như cây thốt nốt với các sản phẩm như: Đường, mật, siro, rượu, nước giải khát, trái cây đóng hộp... đang được đồng bào khai thác, chế biến đưa vào làm sản phẩm du lịch đặc trưng, là cơ hội tốt để quảng bá thu hút du lịch và góp phần gìn giữ nét văn hóa của đồng bào Khmer.
Xã Văn Giáo thì có làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo truyền thống nổi tiếng của người Khmer, gần khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư. Những năm qua, việc phát triển du lịch nơi đây, luôn đi đôi với việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.
Tại Sóc Trăng, so với những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh lâu nay như, du lịch văn hóa lịch sử, lễ hội, tâm linh... thì du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng còn khá mới mẻ với vùng đồng bào, chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây, song sản phẩm này lại đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và người nước.
Gần đây mô hình tham quan trải nghiệm vườn cây hữu cơ thu hút nhiều du khách
Có thể thấy, du lịch nông nghiệp, là loại hình mới nổi ở khu vực ĐBSCL, với đặc điểm tự nhiên thích hợp, đất đai màu mỡ, cây trái tốt tươi quanh năm. Việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn khu vực này, không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch mới cho ngành du lịch, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nông thôn, nhất là ở vùng đồng bào DTTS thông qua việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, tiêu thụ nông sản và hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao dân trí, tăng thu nhập và góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống...
Theo TS. Lê Cao Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Quản trị doanh nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng rất có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS, có thể kể đến một số điểm đến hấp dẫn như: Bãi biển Mỏ Ó (Trần Đề), du khách trải nghiệm đạp mong, bắt cá thòi lòi, cá bống sao, các hoạt động khai thác thủy sản. Về Cù Lao Dung thì không gian êm ả, thanh bình đậm chất vùng quê sông nước, đắm mình trong không gian cây trái trĩu quả, những vườn nhãn, xoài, bưởi, cam, quýt, mãng cầu, sapô, măng cụt… Nơi đây cũng đang dần phát triển các mô hình homestay giống cồn Mỹ Phước (Kế Sách), hoặc về Vĩnh Châu tham gia hoạt động thu hoạch hành tím, củ cải muối ngay trên ruộng cùng đồng bào…
Hiện Sóc Trăng đang đầu tư các dự án du lịch nông nghiệp và khuyến khích làm du lịch nông nghiệp ở các vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Đây là lợi thế lớn vừa để đồng bào phát triển kinh tế, bảo tồn truyền thống dân tộc, vừa để du khách có trải nghiệm đầy đủ không gian văn hóa và không gian đời sống sinh hoạt hằng ngày ở vùng đồng bào DTTS.
Mô hình lúa sen thu hút nhiều du khách
So với các tỉnh trong khu vực, du lịch Trà Vinh có phần thiệt thòi, bởi hạn chế về giao thông đường bộ và vị trí địa lý. Tuy nhiên, với 30% dân số là đồng bào Khmer, Trà Vinh có lợi thế về các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Với lợi thế này, Trà Vinh định hướng phát triển sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái - cộng đồng gắn với văn hóa bản địa nhằm phát triển nền kinh tế du lịch “xanh” một cách bền vững…
Hiện, Trà Vinh đang phát triển một số mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu tại cồn Chim và cồn Hô, với các sản phẩm du lịch mới lạ và khác biệt. Người dân trên cồn làm du lịch theo xu hướng hoàn toàn “thuận thiên”. Họ rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường khi nói “không” với rác thải nhựa; không dùng các hình thức khai thác tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của nguồn thủy sản và không dùng thuốc trừ sâu, chất hóa học trong quá trình trồng lúa, rau, cây ăn quả.
Dù có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp ở các vùng đồng bào DTTS. Song trên thực tế, nhiều người dân vẫn làm du lịch theo hướng tự phát, theo phong trào, thiếu kinh nghiệm trong cách làm du lịch cơ sở lưu trú; các dịch vụ du lịch chưa thật sự đáp ứng nhu cầu du khách mà chỉ dừng lại ở mức tham quan. Thời gian tới, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, các chính sách khuyến khích đồng bào mạnh dạn phát triển loại hình du lịch này ở vùng DTTS.
(baodantoc.vn)