Xu hướng người dân tộc thiểu số nghe phát thanh qua điện thoại

02:28 PM 22/09/2017 |   Lượt xem: 5641 |   In bài viết | 

Ảnh minh họa

Phó Giám đốc Đặng Thị Huệ dẫn chứng bằng những số liệu từ một cuộc khảo sát mới đây của VOV đối với 6 cộng đồng người dân tộc thiểu số gồm Mông, Dao, Ê Đê, M’nông, Xơ Đăng, Khmer.

Cụ thể: Tỷ lệ nghe phát thanh bằng điện thoại di động của người Dao là 47,14%, Ê Đê 43,75%, M’nông 38%, Kh’mer 33,33%, Xơ Đăng 30%. Tỷ lệ này thấp nhất là ở người Mông cũng có tới 26,57%.

“Sử dụng các phương tiện truyền thông mới để nghe phát thanh như điện thoại di động, Internet đang là xu hướng mới của người dân tộc thiểu số, tập trung ở người trẻ và đội ngũ viên chức, cán bộ xã, những vùng thị trấn, thị xã. Vì thế, đầu tư phát triển công nghệ phát thanh mới, chú trọng xu hướng hội tụ các dịch vụ viễn thông – tin học – phát thanh trong phát triển công nghệ, phát trực tuyến các chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số lên mạng Internet, trên nền tảng điện thoại thông minh là một giải pháp để đáp ứng nhu cầu mới này của công chúng dân tộc thiểu số”, bà Đặng Thị Huệ chia sẻ.

Trong khi số người nghe phát thanh bằng điện thoại di động chiếm tỷ lệ khá cao thì số người nghe đài qua Internet vẫn ở mức thấp (Ê Đê 15,63%, Mông 13,71%, Dao 10,71%, Xơ Đăng 6%, Khmer 2,6%, M’nông 2%). Có nhiều yếu tố dẫn đến kết quả này như sự không tiện dụng của phương tiện (nếu nghe phát thanh từ máy tính); mạng Internet chưa đến được những vùng xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt là thôn, bản; thiết bị dùng để nghe phát thanh qua mạng (máy tính, điện thoại thông minh) chưa phải là sở hữu cá nhân phổ biến ở cộng đồng dân tộc thiểu số.

Cũng theo lãnh đạo VOV lưu ý, có một nghịch lý ở cả 6 dân tộc được khảo sát, đó là tỷ lệ thích nghe phát thanh khá cao (Xơ Đăng 94%, Dao 88,57%, M’nông 85%, Ê Đê 70,63%, Khmer 69,33%, Mông 66,29%), nhưng tỷ lệ người sở hữu radio lại thấp (Ê Đê 1,25%, Mông 15,14%, M’nông 26%, Dao 39,29%, Khmer 41,33%, Xơ Đăng 54%).

Tỷ lệ người nghe phát thanh bằng radio khá thấp: Ê Đê 1,25%, M’nông 5%, Xơ Đăng 16%, Khmer 17,33%, Dao 21,43%, Mông 28,57%. Một lý do được số đông đối tượng khảo sát xác nhận là không có radio, mua một chiếc radio tốn ít tiền hơn rất nhiều so với mua một chiếc tivi nhưng người dân sẵn sàng bỏ tiền mua tivi hơn là mua radio (tỷ lệ người sở hữu tivi khá cao như Ê Đê 95,63%, Xơ Đăng 88%, Dao 83,43%, Mông 71,43%, Khmer 62,67%, M’nông 38%). Số liệu này cho thấy thực tế việc cung ứng thiết bị đầu cuối, radio còn nhiều bất cập.

Hiện loa truyền thanh xã, bản vẫn đang là phương tiện thay thế chủ yếu cho sự thiếu vắng radio. Vì thế, cần tiếp tục đầu tư sửa chữa, duy trì hoạt động các trạm truyền thanh xã, bản theo hướng đổi mới công nghệ, bảo đảm chất lượng dịch vụ, hỗ trợ thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, bản xa trung tâm, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin cho đồng bào thiểu số.

Một thông tin đáng chú ý khác là nhu cầu nghe đài của người dân tộc thiểu số hiện vẫn chiếm ưu thế hơn nhu cầu đọc báo bởi tính dễ tiếp cận, sự tiện lợi trong sử dụng cũng như điều kiện, khả năng tiếp cận của người dân. Có tới 91% số người Xơ Đăng được hỏi cho biết thích nghe đài vì có thể vừa làm vừa nghe. Tỷ lệ này ở người M’nông là 78%, Dao là 65%.

“Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh lại, điều chỉnh chính sách cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí, có thể thay thế, bổ sung cấp phát radio cho người dân tộc thiểu số”, Phó Giám đốc VOV 4 khuyến nghị.

(Theo infonet.vn)