Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

12:37 AM 04/11/2017 |   Lượt xem: 5235 |   In bài viết | 

Ảnh minh họa

Chương trình nhằm phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản. Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên; tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành 30 dự án chuyển tiếp tại văn bản số 1443/TTg-QHQT ngày 19/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ; 42 dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, phòng hộ đầu nguồn và một số dự án ưu tiên cấp bách tại văn bản số 78/TTg-QHQT ngày 16/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ và một số dự án ưu tiên cấp bách sau khi được rà soát.

Trồng, phục hồi 10.000 ha rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hấp thụ 2 triệu tấn khí CO2mỗi năm và tạo sinh kế ổn định cho người dân...

Với hợp phần Biến đổi khí hậu, các hoạt động sử dụng nguồn vốn sự nghiệp được thực hiện tại các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương; các cơ quan liên quan khác như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị thuộc phạm vi hoạt động của chương trình.

Một số dự án ưu tiên cấp bách, nhằm ứng phó khẩn cấp với các tác động của thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, có tác động lớn đến sản xuất, sinh hoạt các khu vực dân cư thực hiện tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề của thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, tập trung vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh ven biển, các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hợp phần Tăng trưởng xanh được thực hiện chính tại các bộ, ngành và địa phương sau: Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các đơn vị thuộc phạm vi hoạt động của chương trình.

Theo Chương trình, có 4 dự án thành phần: 1- Thực hiện một số nhiệm vụ tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; một số hoạt động cập nhật và hoàn thiện các kịch bản, kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu; xây dựng tài liệu, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng về: Thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cơ hội của biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris, cơ hội và thách thức của Việt Nam cũng như các nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, tạo đà tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư từ cộng đồng quốc tế cho giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo; theo dõi, giám sát, đánh giá Hợp phần biến đổi khí hậu và Chương trình; 2- Đầu tư các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu; 3- Thực hiện một số hoạt động xây dựng thể chế, chính sách; tăng cường năng lực và theo dõi, giám sát, đánh giá Hợp phần tăng trưởng xanh; 4- Đầu tư thúc đẩy tăng trưởng xanh.

(baochinhphu.vn)