Tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp

04:07 PM 17/08/2017 |   Lượt xem: 7014 |   In bài viết | 

Ảnh minh hoạ

Do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng, nhất là ở các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc, nên mực nước sông Thao, sông Cầu tiếp tục lên và có khả năng đạt mức đỉnh hôm nay (17/8) và ở dưới mức báo động 1.

 Sạt lở đất và lũ quét trên các sông suối nhỏ có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện: Tỉnh Lai Châu: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Nậm Nhùn, Tam Đường, Tân Uyên; tỉnh Điện Biên: Mường Nhé, thị xã Mường Lay, Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo; tỉnh Lào Cai: Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên, Si Ma Cai; tỉnh Yên Bái: Yên Bình, Mù Cang Chải, Trấn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên; tỉnh Hà Giang: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn, Bắc Mê, Bắc Quang, Vị Xuyên; tỉnh Tuyên Quang: Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương; tỉnh Bắc Cạn: Ba Bể, Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới và Na Rì; tỉnh Phú Thọ: Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Sơn, Thanh Thủy và Tân Sơn; tỉnh Thái Nguyên: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình; tỉnh Lạng Sơn: Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn; tỉnh Bắc Giang: Hiệp Hòa, Sơn Động, Việt Yên, Yên Thế; tỉnh Quảng Ninh: Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà.

Về cảnh báo mưa giông, gió mạnh, sóng lớn trên biển, từ ngày 16/8 khu vực Nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan đang có mưa rào và dông mạnh. Dự báo: Từ ngày 17/08 và trong khoảng  2-3 ngày tới do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên ở khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Riêng vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và phía Tây quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động. Sóng cao 1,5-2,5m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Về tình hình điều hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng, hiện nay, hồ thủy điện Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy; các hồ: Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà đóng tất cả các cửa xả đáy. Có 2/6 đơn vị tư vấn đề xuất mở thêm 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình; 4/6 đơn vị đề xuất phương án giữ nguyên hiện trạng.

Về tình hình thiệt hại do mưa lũ, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh mưa, lũ xảy ra từ ngày 14-16/8 đã gây thiệt hại như sau: Về người: 1 chết (Quảng Ninh); 1 người mất tích (Điện Biên) 3 người bị thương: (Cao Bằng 1, Điện Biên 2).

Về nhà ở: 18 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất (Hà Giang: 2, Lào Cai: 6, Điện Biên: 10); 14 nhà bị tốc mái (Thái Nguyên); 138 nhà bị ngập nước (Hà Giang: 2, Bắc Giang: 65, Quảng Ninh: 54, Lào Cai: 10, Điện Biên: 7).

Về nông nghiệp: 424,03 ha lúa; 40,1ha hoa màu; 4 ha cây trồng lâu năm, 0,3ha cây ăn quả bị thiệt hại; 11 tấn lương thực bị cuốn trôi Về chăn nuôi: 18 gia súc và 295 gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về giao thông: 1.842,5m/22 điểm trên quốc lộ 3B đoạn Km61-Km211 thuộc địa phận tỉnh Bắc Cạn và 150m đường quốc lộ 279 từ tỉnh Bắc Giang đi Ba Chẽ, Quảng Ninh bị sạt lở; 5 cầu bị hư hỏng (Hà Giang: 1, Quảng Ninh: 3. Điện Biên: 1); Về thủy lợi: 5 công trình thủy lợi bị hư hỏng (Bắc Giang: 2, Quảng Ninh: 3); 527m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng (Bắc Giang: 120, Quảng Ninh: 287, Lào Cai: 120); 1 ngầm qua đường bị sạt lở (Bắc Giang).

Công tác chỉ đạo ứng phó, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đưa tin về diễn biến và công tác ứng phó với tình hình mưa lũ.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cung cấp các bản tin nhận định về thời tiết, mưa lũ phục vụ điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Công văn số 95/TWPCTT ngày 16/8/2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa lũ, đôn đốc các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó.

Triển khai Công điện 36/CĐ-TW, các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh và Điện Biên đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp xuống địa phương để phối hợp triển khai các biện pháp ứng phó.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang đã ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức các đoàn xuống các khu vực xung yếu kiểm tra tình hình sản xuất, công tác gia cố các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, sẵn sàng ứng phó với diễn biến lũ. Tính đến ngày 16/8/2017, các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Kiên Giang đã thu hoạch được 571.000/927.000 ha lúa Hè Thu, diện tích còn lại (336.000 ha) dự kiến sẽ thu hoạch xong trước ngày 15/9.

Đối với các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ: Tiếp tục thực hiện Công điện số 36/CĐ-TW ngày 13/8/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, nhất là việc thành lập các đoàn công tác xuống địa phương để phối hợp thực hiện kiểm tra, rà soát những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và các khu vực thường xuyên bị ngập lũ, chia cắt để chủ động ứng phó.

Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường xuyên bị ngập nước; bến đò ngang, đò dọc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhất là tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực thường xuyên bị lũ chia cắt.

Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ chứa, đặc biệt là 138 hồ xung yếu và các hồ đã hoặc gần đầy nước để xử lý kịp thời các sự cố công trình có thể xảy ra.

Tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn tại các hầm lò khai thác khoáng sản, các bãi chứa chất thải.

Tổ chức kiểm tra, nghiêm cấm việc để dân vớt củi, lấy gỗ trên sông suối.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến mưa lũ và công tác chỉ đạo, ứng phó.

Đối với các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố đê bao, bờ bao; khẩn trương thu hoạch lúa Hè Thu đã chín; tăng cường đưa tin lên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến mưa, lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển và công tác chỉ đạo ứng phó./.

PV