Giảm nghèo từ ứng dụng công nghệ 4.0 – Bài 2: Thách thức mới đối với các nhà hoạch định chính sách
10:02 AM 03/09/2020 | Lượt xem: 5042 In bài viết |Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang lan toả tới vùng sâu vùng xa, là cơ hội để người dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm vượt qua khuôn khổ chợ truyền thống, tham gia vào mạng lưới kinh doanh online hoặc tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn là sàn giao dịch thương mại điện tử.
"Đây là cách làm mới, phù hợp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0"
Với chỉ đạo từ Bộ LĐ,TB&XH và sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các tổ, nhóm, hợp tác xã ở Bắc Kạn, Đắk Nông đã mở rộng sản xuất và tiếp cận thị trường thông qua ứng dụng công nghệ 4.0. Dự án hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được triển khai đã giúp các HTX như Dược liệu Bảo Châu cùng nhiều HTX khác đã có những bước tiến thị trường lớn, như ký hợp đồng cung ứng với các siêu thị, phân phối hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, Sendo, Voso.vn…
Sau khi tham gia dự án, chị Vy Thuỳ Dương, Giám đốc HTX Hương Ngàn (xã Nguyên Phúc, Bạch Thông, Bắc Kạn) đã nhìn được tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc phát triển, mở rộng thị trường cho sản phẩm. Là HTX sản xuất tinh dầu gồm 9 thành viên và 7 thành viên là đồng bào DTTS, có công suất được 1 tấn nguyên liệu thô mỗi ngày. Chị đã biết sử dụng những hình ảnh bắt mắt về sản phẩm, video về vùng nguyên liệu sau khi tinh chế, cùng với nguồn gốc chất lượng tốt, mẫu mã bao bì đẹp, xuất sứ rõ ràng đã được chị đưa lên mạng xã hội để quảng bá đăng lên face book, đăng lên zalo quảng cáo đến người tiêu dùng trong cả nước, và mạnh dạn đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, như Sendo, Lazada. Nhờ đó rút ngắn được thông tin đơn hàng đến khi phân phối sản phẩm, từ đó doanh thu của HTX năm 2019 đạt 400 triệu đồng, tăng lên so với năm 2018, tăng thêm thu nhập cho các thành viên HTX.
Tương tự HTX sản xuất miến dong Tài Hoan (huyện Na Rì, Bắc Kạn) đã tăng sản lượng 6 tạ miến/ngày thay vì 50kg như trước đây, bởi đơn hàng tăng lên nhiều nhờ các kênh online. Các sản phẩm không chỉ tốt về chất lượng mà còn đẹp về mẫu mã, được gắn mã vạch, khi đăng sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử thì được biết rộng rãi hơn, mặt hàng bán nhiều hơn. Bà Nguyễn Thị Hoan, giám đốc HTX Tài Hoan cho biết: “Bán hàng online rất tốt, mình không phải thuê mặt bằng, không phải chi phí đi lại, mình chỉ cần ngồi 1 chỗ có thể bán được hàng”.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Văn Thanh, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. “Với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNDP, các tổ, nhóm, hợp tác xã ở Bắc Kạn, Đắk Nông đã mở rộng sản xuất và tiếp cận thị trường thông qua ứng dụng công nghệ 4.0. Đây là các cách làm mới, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ, nhằm đạt mục tiêu tạo cơ hội cho người nghèo, người dân tộc phụ nữ tham gia sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, kinh doanh, tăng thu nhập, và thoát nghèo bền vững. Các kết quả, bài học kinh nghiệm của bà con được chia sẻ tại diễn đàn này là hết sức quan trọng cho các địa phương khác cũng như cho Bộ LĐ,TB&XH trong thiết kế và thực hiện chương trình giảm nghèo trong thời gian tới”, ông Lê Văn Thanh nói.
Hướng đi mới trong công tác giảm nghèo
Đến nay, dù dự án đã kết thúc, kết quả của Dự án giúp 100% HTX tham gia dự án đều cải thiện về sản phẩm, như sản lượng, chất lượng, mẫu mã bao bì; 62% HTX có sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, 70% sản phẩm được cải thiện phù hợp với sàn thương mại điện tử; 82% cải thiện phù hợp thị trường truyền thống và nâng cao chất lượng. 19 trong số 49 HTX tại Bắc Kạn và Đắk Nông mở rộng vùng nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh; 11 trong số 26 HTX tại Bắc Kạn áp dụng những công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới giúp cải tiến chất lượng sản phẩm giảm chi phí đầu vào.
Doanh thu của các HTX, tổ nhóm đạt từ 500.000-5.000,000/ngày; một số đạt 600.000.000 VNĐ/tháng (tăng trung bình doanh thu so với trước dự án). Một số HTX, như Hợp Giang, Nhung Lũy, hộ sản xuất Lương Ngọc Yến đã kí được hợp đồng dài hạn chuyên cung cấp nấm cho các nhà phân phối lớn, như chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, BigC, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản…
Giới thiệu sản phẩm mây tre đan của chị em hợp tác xã Bản Diềm
Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, đồng bào DTTS rất sáng tạo và có kỹ năng kinh doanh tốt. Việc ứng dụng công nghệ mới như sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, điện thoại thông minh và internet tạo ra nhiều cơ hội cho đồng bào DTTS mở rộng thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết nối các doanh nghiệp của đồng bào DTTS với các doanh nghiệp khác, với đại diện Chính phủ và các chuyên gia tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, giúp tạo ra sự khác biệt và đẩy nhanh việc đạt được kết quả xóa đói giảm nghèo. “Quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ lớn và các hợp tác xã bán sản phẩm thông qua các sàn giao dịch trong việc hỗ trợ đồng bào DTTS mở rộng thị trường cho sản phẩm của họ là rất quan trọng. Việc tìm ra những giải pháp đổi mới sáng tạo để có thể đạt được kết quả trên diện rộng, tăng cường quyền năng kinh tế, thoát nghèo bền vững thông qua ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, bà Wiesen nhấn mạnh.
Nguồn lực sản xuất tại các tỉnh vùng cao là rất tiềm năng, nhưng khó nhất với đồng bào DTTS là đầu ra sản phẩm. Việc đưa sản phẩm lên các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử đã mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo. Đánh giá về sự tiếp nhận của các chủ HTX, chủ cơ sở, đồng bào dân tộc, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn cho biết, sau khi nhận được hỗ trợ thì họ không ỷ lại mà rất chịu khó tư vận động để áp dụng để làm sao phát triển kinh tế chứ không trông chờ vào bên ngoài. Họ biết cách trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm hướng tới người tiêu dùng nhiều hơn.
Những thành công của các HTX cho thấy hướng đi đúng đắn trong việc hỗ trợ đồng bào DTTS giảm nghèo bằng việc nâng cao kiến thức, kết nối, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời là thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh ở địa phương nâng cao giá trị của vùng DTTS, giảm nghèo bền vững trên chính mảnh đất quê hương mình.
(baovanhoa.vn)