Thầy thuốc của đồng bào Cơ Tu

10:12 AM 21/11/2016 |   Lượt xem: 5584 |   In bài viết | 

Già Cao Tin hướng dẫn cách cho trẻ nhỏ uống thuốc.

Mặc dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng già làng Ating Cao Tin vẫn thường xuyên khám bệnh, bốc thuốc, vận động bà con ở các thôn bản xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới.  

Với dáng người cao to và bộ râu bạc trắng, già làng Ating Cao Tin vẫn còn rất minh mẫn khi trò chuyện với mọi người đến khám bệnh tại phòng khám nhỏ của ông tại thôn Bút Nhót. Dường như những người dân trong vùng khi bị đau ốm nhẹ, hoặc bị thương khi đi làm nương rẫy đều tìm đến già làng Ating Cao Tin để lấy thuốc. Với hơn 50 năm gắn bó với nghề y, hình ảnh người y sĩ Ating Cao Tin đã gắn bó quen thuộc với người dân ở những bản làng xa xôi nhất của huyện Đông Giang.

Nhớ lại thời tuổi trẻ khi mới bén duyên với nghề y, già làng Ating Cao Tin chia sẻ: Ông đi theo cách mạng từ nhỏ. Năm 18 tuổi, ông được cử đi học lớp sơ cấp về nghề y và trở thành một y tá thôn bản, đi khắp các xã vùng cao khó khăn ở huyện Đông Giang, tham gia gùi hàng theo các đoàn dân công hỏa tuyến dọc những tuyến đường Trường Sơn. Với niềm đam mê nghề nghiệp, ông đã không ngừng tự học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, năm 1975 ông tốt nghiệp Trường trung cấp y hệ chính quy. Sau đó ít năm, ông được phân công làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang. 

Ngày trước, ở khu vực miền núi của Quảng Nam đường sá đi lại vô cùng khó khăn, chủ yếu là đường mòn nên phải đi bộ. Các thôn bản nằm tách biệt sâu trong rừng nên nhiều hủ tục cứ dai dẳng đeo bám trong cuộc sống của đồng bào. Mỗi khi trong gia đình có người bị đau ốm, bà con lại mời thầy cúng về, rồi mổ lợn, mổ bò để cúng bắt con ma ra khỏi người bệnh. Để vận động bà con thực hiện ăn chín, uống sôi, sinh hoạt hợp vệ sinh ông phải đi bộ nhiều ngày liền vào các thôn bản cùng ăn, cùng ở với người dân, hướng dẫn, thuyết phục bà con làm theo. 

Người dân đi nương bị thương đến nhờ già Cao Tin chữa trị

Từ năm 1996 đến nay, mặc dù đã nghỉ công tác nhưng già làng Ating Cao Tin vẫn mở một phòng khám nhỏ. Những bệnh nhân đến khám tại đây, ông chỉ lấy tiền thuốc Tây, những bệnh nhẹ ông hướng dẫn bà con sử dụng các loại lá rừng theo bài thuốc truyền thống của người Cơ Tu. 

Với nụ cười phúc hậu, già làng Ating Cao Tin chia sẻ: "Nếu còn đủ sức khỏe để khám bệnh cho bà con trong vùng thì già sẽ còn duy trì phòng khám, trước hết là để hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống của người dân xã Sông Kôn những năm gần đây đã có nhiều bước phát triển so với trước, nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe cũng được nâng cao. Nhiều hủ tục lạc hậu ngày trước đã bị đẩy lùi, đặc biệt những thanh niên bây giờ không còn sinh nhiều con như ngày trước nữa. Những đứa trẻ năm xưa được già “cắt rốn” nay đã trưởng thành và nhiều người lại được già dẫn đi “nói lý, hát lý” để dựng vợ, gả chồng". 

Ngoài khám chữa bệnh, già làng Ating Cao Tin còn là người tâm huyết truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ và tham gia hòa giải các mâu thuẫn xảy ra trong cộng đồng. 

Đại úy Arất Quang Tứ, Đội trưởng Đội An ninh của Công an huyện Đông Giang cho biết, già làng Ating Cao Tin là người rất có uy tín đối với đồng bào dân tộc Cơtu trong huyện. Năm 2014, nhiều hộ dân ở tổ 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn đập phá nhà cửa bỏ thôn ra đi vì cho rằng trong thôn có người “chết xấu”. Vào thời điểm đó tình hình rất phức tạp, mặc dù chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc. Già làng Ating Cao Tin khi biết chuyện đã phối hợp với chính quyền đến vận động, khuyên nhủ các hộ dân ổn định tư tưởng, không bị ám ảnh bởi “cái chết xấu” nữa. 

Với những đóng góp của mình, già làng Ating Cao Tin đã được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc.

Theo: Đỗ Trường (baotintuc.vn)