Người cán bộ dân số nhiệt tình
09:12 PM 29/12/2016 | Lượt xem: 9108 In bài viết |Nà Phạ là bản vùng cao, có hơn 20 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên sườn núi, đường đi từ bản xuống xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể (Bắc Cạn) gặp rất nhiều khó khăn. Đời sống, tập quán của cả bản những năm gần đây có nhiều thay đổi tích cực, trong đó có đóng góp không nhỏ của nhân viên y tế, cộng tác viên dân số Linh Văn Vừ.
Trước đây, các cặp vợ chồng dân tộc Mông ở bản Nà Phạ đều sinh năm, bảy người con. Đông con, thất học, ít ruộng là nguyên nhân làm cho đời sống các gia đình gặp nhiều khó khăn. Khi được các hộ trong thôn tín nhiệm, chính quyền xã Đồng Phúc giao làm nhân viên y tế, kiêm cộng tác viên dân số thôn từ năm 2000, anh Linh Văn Vừ luôn trăn trở, tâm huyết với công việc, gần gũi với các gia đình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được các hộ trong thôn ghi nhận, cấp trên khen thưởng.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn để có trình độ chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền, vận động, anh Vừ nhận thấy, vệ sinh môi trường, tập quán sinh hoạt lạc hậu là vấn đề cần thay đổi ở Nà Phạ. Từng bước khắc phục vấn đề nêu trên, anh gương mẫu chuyển chuồng nuôi trâu của gia đình mình ra xa nhà để không gây mất vệ sinh môi trường. Sau đó anh kiên trì đến từng gia đình tuyên truyền, vận động. Một số gia đình neo người, anh còn tham gia làm cùng. Đến nay, các hộ đều chuyển chuồng nuôi gia súc ra xa nhà, làm nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ở Nà Phạ, tục lệ con cái lớn lấy vợ, gả chồng, ma chay tổ chức nhiều ngày, tốn kém tồn tại từ nhiều năm trước. Anh Vừ nhận thấy đây là hủ tục gây tốn kém về kinh tế, mệt mỏi về tinh thần cho rất nhiều gia đình. Vì vậy, mỗi khi có điều kiện thuận lợi, anh đều giảng giải, phân tích cho bà con nên bỏ hủ tục này. Không chỉ vận động “suông” mà đến khi con gái lớn gả chồng, anh Vừ không lấy bạc trắng, không lấy hàng tạ thịt lợn, tạ gạo nếp, trăm lít rượu như các gia đình khác. Bây giờ thôn Nà Phạ không còn tình trạng cưới hỏi, ma chay nhiều ngày, tốn kém nữa mà chỉ làm giống cán bộ Vừ thôi.
Với vai trò là cộng tác viên dân số, anh Vừ không quản ngại đường sá, thời gian, thường xuyên đến từng gia đình có cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, để giúp các cặp vợ chồng nhận thức được việc sinh ít con sẽ có điều kiện nuôi dạy, cho con cái học hành. Từ năm 2010 đến nay, thôn Nà Phạ không có người sinh con thứ ba nữa.
Bằng những nỗ lực và tâm huyết của mình trong công việc, mọi người dân trong thôn luôn coi cán bộ Vừ như người nhà. Không những vậy anh Linh Văn Vừ còn được Sở Y tế Bắc Cạn, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, UBND huyện Ba Bể tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Nguồn: Thế Bình (baonhandan.com.vn)