Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc làm việc tại Sóc Trăng
11:06 AM 07/03/2022 | Lượt xem: 3497 In bài viết |Ngày 4/3, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về việc khảo sát, đánh giá tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT năm 2021 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Báo cáo với Đoàn công tác, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: Kết quả rà soát hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020), đến cuối năm 2021 toàn tỉnh còn 6.610 hộ nghèo, chiếm 1,64% (giảm 2.007 hộ so với năm 2020).
Trong đó, hộ nghèo DTTS chiếm 2,85%; tổng số hộ cận nghèo chiếm 8,46% (giảm 0,5% so với năm 2020).
Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ), đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Sóc Trăng còn 22.120 hộ nghèo, bằng 6,64% (trong đó, hộ nghèo DTTS chiếm 47,07% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh) và 29.403 hộ cận nghèo, bằng 8,83% (trong đó hộ cận nghèo DTTS chiếm 41,04% tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh).
Tổng số xã khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025 giảm 35 xã so với giai đoạn 2016 - 2020 (từ 98 xã xuống còn 63 xã); giảm 113 ấp đặc biệt khó khăn (từ 158 ấp đặc biệt khó khăn thuộc khu vực II xuống còn 45 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I)...
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo, số xã, ấp nghèo giảm nhanh, nhưng đánh giá tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT đến việc triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cho thấy, việc chuyển dịch một số xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nay chuyển thành địa bàn xã có điều kiện kinh tế - xã hội bước đầu phát triển (xã khu vực I) dẫn đến sự chênh lệch về địa bàn thụ hưởng chính sách. Một số chính sách được triển khai trên địa bàn tỉnh đã gặp không ít khó khăn, như: Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế; chính sách phát triển giáo dục mầm non; tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, các địa phương, sở, ngành trong tỉnh cũng nêu lên những ảnh hưởng của Quyết định số 861/QĐ-TTg đã tác động đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, việc hỗ trợ hộ nghèo và học sinh, sinh viên vay vốn để học tập và sản xuất; đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, nhất là đồng bào Khmer, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, nhiều ý kiến kiến nghị, đề xuất mong muốn Đoàn công tác xem xét, có những kiến nghị đến cơ quan thẩm quyền để người dân có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng đề xuất Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc có những kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét việc giãn cách thực hiện các quyết định, có thể áp dụng giai đoạn sau vì hiện nay dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và các em học sinh; đồng thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn 2021 - 2025 cho các đối tượng không còn thụ hưởng do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT như về chính sách bảo hiểm y tế, chính sách phát triển giáo dục mầm non, chính sách tín dụng ưu đãi…
Thay mặt Đoàn công tác, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của tỉnh, các địa phương, sở, ngành và cho biết sẽ tổng hợp để báo cáo đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Cũng trong chuyến công tác tại Sóc Trăng, chiều 3/3, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc đã có chuyến khảo sát tại huyện Trần Đề về việc đánh giá tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT. Đoàn đã ghi nhận một số kiến nghị thực tế từ cơ sở./.
(baotintuc.vn)