Giao ban công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2017 khu vực Tây Nam bộ
11:35 PM 29/06/2017 | Lượt xem: 10338 In bài viết |Ngày 28.6, tại TP.Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp cùng Ban Chỉ Đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị giao ban công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2017 khu vực Tây Nam bộ. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải và Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Trần Minh Thống đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT và đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc 09 tỉnh khu vực Tây Nam bộ.
Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc trong 6 tháng đầu năm 2017 ch o thấy, trong thời gian qua, tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nam bộ duy trì ổn định, các chính sách dân tộc về phát triển KT-XH gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực; các địa phương tăng cường triển khai các giải pháp, nguồn lực phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; kịp thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các hộ bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Tình hình sản xuất, nuôi trồng thủy, hải sản trong vùng DTTS tiếp tục duy trì.
Bên cạnh việc tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp, một bộ phận lao động người DTTS tiếp tục làm việc tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Hệ thống trường học được củng cố, từng bước đạt chuẩn. Tổng kết năm học 2016 -2017 tại các trường phổ thông trên địa bàn (trong đó có trường PT DTNT) cho thấy chất lượng học sinh tiếp tục duy trì nâng cao, cụ thể: tỷ lệ lên lớp ở các khối của học sinh vùng DTTS đạt từ 95% đến 100%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 của học sinh đối với hệ thống Trường PTDTNT trong khu vực bình quân đạt 96,72%, trong đó có An Giang và Bạc Liêu đạt 100%. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS ở các trường phổ thông được tiếp tục triển khai. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, các địa phương luôn đảm bảo chất lượng đời sống tin thần cho bà con các dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - đời sống vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn do bị tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã gây thiệt hại và làm giảm năng suất nhiều loại cây trồng, vật nuôi một số mặt hàng nông, thủy sản giá không ổn định...
Ông Trần Minh Thống – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng: các Bộ, ngành Trung ương và Vụ, đơn vị của UBDT cần đánh giá sâu hơn hiệu quả chính sách dân tộc, vì kinh tế - xã hội phát triển, đời sống đồng bào được nâng nên thì mọi mặt an ninh, chính trị trong vùng đồng bào sẽ ổn đinh, khẳng định sự quan tâm và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cũng lưu ý cần thực hiện chính sách cho người có uy tín tốt hơn để đội ngũ cốt cán này phát huy được vai trò của mình, làm gương cho con cháu, dòng tộc và phum sóc noi theo; tiếp tục quan tâm tới chính sách cho đồng bào Chăm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, các Ban dân tộc nhanh chóng triển khai quyết liệt các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; tiếp tục triển khai Chương trình 135 giai đọan tiếp theo; triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và giai đoạn 2016-2020; các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc và chính sách dân tộc gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị với việc thực hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém theo Nghị quyết TW 4 Khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cũng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng, UBDT cũng đã tiến hành “Hội thảo về các văn bản hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình 135”. Hội thảo được các đại biểu tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến đầy trách nhiệm và tâm huyết; trao đổi cụ thể về những vướng mắc gặp phải tại địa phương, đưa ra các đề xuất và kiến nghị để thực hiện Chương trình 135 hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hạnh Nguyên