Triển khai chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”
10:51 PM 02/12/2016 | Lượt xem: 6443 In bài viết |Ngày 02/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội thảo triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”, mã số CTDT/16-20. TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình; Ban Chủ nhiệm các Chương trình khoa học; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng nêu rõ: Mục tiêu của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” nhằm cung cấp luận cứ khoa học để giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các DTTS, từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nội dung Chương trình tập trung vào 5 vấn đề lớn: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam từ đổi mới (1986) đến nay, để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến DTTS và chính sách dân tộc, đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển bền vững; đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc từ đổi mới (1986) đến nay; nghiên cứu xây dựng các khung chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng DTTS đến năm 2030; nghiên cứu đề xuất quan điểm, giải pháp phát triển bền vững vùng DTTS và thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các DTTS và chính sách dân tộc phục vụ công tác hoạch định và thực hiện hiệu quả, lâu dài chính sách dân tộc.
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Tiến Đạt)
Để chương trình được triển khai thực hiện đúng với mục tiêu, nội dung và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật có liên quan, Hội thảo đã tập trung thảo luận, góp ý vào một số nội dung: Danh mục nhiệm vụ trong Khung chương trình đã được phê duyệt (các nhiệm vụ của Chương trình đã phù hợp, bám sát vào mục tiêu và nội dung Chương trình chưa); cụ thể hóa các hướng nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đảm bảo hoàn thành mục tiêu Chương trình đặt ra; những khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện như: Quy trình xác định, quản lý nhiệm vụ đến quy định định mức, hướng dẫn xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện và thanh quyết toán kinh phí đối với các đề tài… nhất là với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện.
Đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương góp ý cho nội dung Chương trình (Ảnh: Tiến Đạt)
Về nội dung Chương trình, các đại biểu nhận định: Các đề tài được đề cập trong Chương trình khá thiết thực, tuy nhiên nội dung nghiên cứu cần tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay và đi sâu vào các chính sách trọng tâm, tiềm năng lợi thế của từng vùng. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Chương trình cần thành lập Tổ chuyên gia để rà soát tổng thể tất cả các nội dung nghiên cứu, tránh sự trùng lặp đối với các Chương trình đã triển khai thực hiện; nên có những đề tài chọn lọc, mang tính thiết thực, cụ thể, gắn liền với cuộc sống người dân.
Một số ý kiến cũng cho rằng, Chương trình cần chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực đào tạo cho 53 dân tộc thiểu số, có cơ chế, chính sách tránh lãng phí nguồn nhân lực người DTTS đã được đào tạo; nên có thêm một số đề tài về nạn buôn bán phụ nữ trẻ em, lao động bất hợp pháp vượt biên, rừng và không gian sinh tồn… Chương trình cần phân tích, đánh giá toàn bộ hệ thống chính sách dân tộc đã được triển khai thực hiện để chỉ ra những khó khăn, bất cập còn tồn tại và có những điều chỉnh phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.
Để Chương trình được triển khai thuận lợi và đạt được kết quả tốt, các đại biểu cũng đề xuất, cần có cơ chế tăng cường mối liên hệ giữa Lãnh đạo UBDT với Ban Chủ nhiệm các đề tài trong công tác nghiên cứu, nắm bắt thông tin tình hình dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; các Ban chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu phải có sự phối hợp với nhau thông qua các buổi sinh hoạt khoa học, giao lưu để tránh sự trùng lặp giữa các nội dung nghiên cứu…
Tổng kết Hội thảo,thay mặt Ban Chỉ đạo chương trình, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng ghi nhận và tiếp thu ý kiến, đề xuất của các đại biểu. Ban Chỉ đạo sẽ bổ xung, hoàn thiện khung chương trình để lựa chọn được các đề tài chuẩn xác, thể hiện được đúng mục đích, nhiệm vụ đã đề ra và giải quyết được những vấn đề cơ bản, cấp bách của thực tiễn.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm khẳng định: UBDT sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Ban Chủ nhiệm các đề tài thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cũng như kinh phí triển khai thực hiện. Thứ trưởng cũng mong muốn, Ban Chủ nhiệm các đề tài sẽ tập trung triển khai các đề tài nghiên cứu tốt, đồng thời tăng cường hơn nữa sự phối hợp với Văn phòng Chương trình CTDT/16-20 để các đề tài đăng ký được triển khai thông suốt và đạt hiệu quả cao.
Ngọc Ánh - Tiến Đạt