UBDT nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu chính sách thu hút lao động DTTS vào làm việc trong các doanh nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững
08:54 PM 19/12/2020 | Lượt xem: 5286 In bài viết |Chiều 19/12/2020, tại Trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia (CTDT/16-20) đã tổ chức phiên họp nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu chính sách thu hút lao động dân tộc thiểu số (DTTS) vào làm việc trong các doanh nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững”. TS. Phan Văn Hùng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng; đại diện Bộ KH&CN, Vụ Tổng hợp (UBDT), Ban Chủ nhiệm Đề tài và một số nhà khoa học.
Đề tài “Nghiên cứu chính sách thu hút lao động dân tộc thiểu số (DTTS) vào làm việc trong các doanh nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững”, mã số CTDT.27.17/16-20 do TS. Nguyễn Thị Lan Anh là Chủ nhiệm; Đại học Thái Nguyên là cơ quan chủ trì nhiệm vụ.
Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài là: Hệ thống hóa các lý thuyết về thu hút lao động và lao động DTTS vào làm việc trong các doanh nghiệp, xây dựng khung lý thuyết về nghiên cứu chính sách thu hút lao động DTTS vào làm việc trong các doanh nghiệp. Đánh giá hiệu quả, tác động của chính sách để đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách thu hút lao động DTTS vào làm việc trong các doanh nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS.
Triển khai nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã đề xuất khung phân tích, đề từ đó xây dựng hệ thống quan điểm, định hướng để thu hút người lao động DTTS vào làm việc trong các doanh nghiệp. Từ dự báo về thị trường lao động, chính sách thu hút lao động DTTS gắn với giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay, Đề tài kiến nghị một số nhóm giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật; chính sách việc làm gắn với chương trình, dự án, kế hoạch phát triển từng thời kỳ; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chính sách phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; công tác thông tin tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp đối với lao động DTTS; tăng cường hướng nghiệp, đào tạo nghề; tạo môi trường thuận lợi, thu hút doanh nghiệp...
TS. Nguyễn Thị Lan Anh - Chủ nhiệm Đề tài trình bầy kết quả nghiên cứu của Đề tài tại phiên họp của Hội đồng
Đánh giá Đề tài đã triển khai nghiên cứu công phu, sản phẩm của Đề tài có giá trị khoa học, thực tiễn, số liệu phong phú, có độ tin cậy; các thành viên Hội đồng đề nghị phân tích sâu hơn yếu tố tôn giáo, văn hóa tộc người, năng lực, kỹ năng để luận giải nguyên nhân có việc làm hay không; phân tích các xu hướng, mạnh dạn hơn trong phản viện chính sách, dự báo để đề xuất giải pháp phù hợp; từ góc độ doanh nghiệp, cần có cách tiếp cận để có giải pháp tổng thể hơn...
Kết thúc phiên họp, Hội đồng thống nhất nghiệm thu Đề tài ở mức “Đạt”, và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến của Hội đồng để hoàn thiện.