Nghiên cứu lý luận, thực tiễn để xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
06:27 PM 05/06/2018 | Lượt xem: 2877 In bài viết |Ngày 5/6, tại trụ sở cơ quan, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Tọa đàm khoa học về các chính sách trọng tâm của Đề tài nghiên cứu “Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Luật hỗ trợ, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi”. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải chủ trì buổi tọa đàm. Cùng dự có các thành viên thuộc Ban Chủ nhiệm Đề tài, một số nhà khoa học và Lãnh đạo một số vụ, đơn vị của UBDT.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe báo cáo chuyên đề “Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng dân tộc thiểu số và miền núi”. Báo cáo đề cập các chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, như: Việc đào tạo trí thức là người DTTS; bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS. Công tác bảo tồn văn hóa cho các dân tộc dưới một ngàn và dưới 10 ngàn người; sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa. Các nguồn vốn đầu tư cho văn hóa, thể thao và du lịch vùng DTTS và miền núi với cách tiếp cận mới; phát huy vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội để tăng cường công tác xã hội hóa. Tạo môi trường pháp lý để người dân phát huy vai trò chủ thể văn hóa (có các chính sách đầu tư cho nghệ nhân dạy ngôn ngữ, dạy nhạc cụ, dạy thêu…). Tạo cơ chế chính sách để vừa bảo tồn vừa phát huy. Ban Chủ nhiệm đề tài đề xuất: Cần đổi mới hoàn thiện cơ chế; thể chế; ban hành các chính sách đầu tư cụ thể, dài hạn cho văn hóa, thể thao và du lịch vùng DTTS và miền núi; phát huy vai trò cộng đồng, nghệ nhân thôn bản, người có uy tín trong bảo tồn văn hóa; lựa chọn các giá trị tiêu biểu, xây dựng mô hình bảo tồn văn hóa; tiến tới trao quyền cho người dân trong bảo tồn văn hóa, thể thao và du lịch, Nhà nước giữ vai trò định hướng.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu còn được nghe báo cáo chuyên đề “Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo vùng DTTS và miền núi”. Báo cáo đã khái quát tình hình giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) vùng DTTS và miền núi; thực trạng, những tồn tại, hạn chế trong chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển GD-ĐT vùng DTTS và miền núi thời gian qua. Cụ thể, như: Một số quy định của pháp luật về GD-ĐT vùng DTTS và miền núi không hợp lý, thiếu tính khả thi, tính dự báo; một số cơ chế thực hiện chính sách còn bất cập. Các chính sách, quy định của pháp luật về GD-ĐT thiếu sự gắn kết với các chính sách, quy định của pháp luật ở những lĩnh vực khác, không bảo đảm tính phát triển bền vững… Chuyên đề chú trọng tới việc phát triển tài năng ở vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ vùng khó, vùng trũng về giáo dục; những thiếu hụt đa chiều cần dùng Luật để pháp chế hóa; những tác động của các chính sách hỗ trợ GD-ĐT tới vùng DTTS và miền núi… Từ đó, chuyên đề có những kiến nghị, đề xuất giải pháp về chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển GD-ĐT vùng DTTS và miền núi, như: Đề nghị Quốc hội thông qua Luật hỗ trợ và phát triển vùng DTTS và miền núi; Đề nghị Trung ương bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực GD-ĐT; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị định 116 về “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông xã, thôn ĐBKK”…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải khẳng định: Việc phục dựng văn hóa, chủ thể văn hóa phải được trả về cho nhân dân với cách tiếp cận, tư duy mới; Về chuyên đề GD-ĐT, cần đổi mới tư duy, tiếp cận chính sách cử tuyển theo hướng mới. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đề nghị nội dung của các chuyên đề phải cô đọng, tập trung tạo sự đổi mới và đột phá; góp phần thay đổi nhận thức, thể chế và chính sách, để từ đó xây dựng Luật hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi.
Cơ bản đồng tình, đánh giá cao các nội dung của hai chuyên đề, các đại biểu tham dự tọa đàm đã có nhiều ý kiến đóng góp bổ sung, tập trung vào một số nội dung như: Cần tăng cường đưa văn hóa dân tộc vào các chương trình giáo dục; đẩy mạnh việc công nhận và vinh danh các công trình, di sản văn hóa, công nhận nghệ danh cho nghệ nhân; trao quyền cho cộng đồng; đẩy mạnh các môn thể thao dân tộc trong nhà trường và cộng đồng; thay đổi cách tiếp cận về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục theo hướng người dân là người hưởng thụ và thực thi chính sách. Lưu ý chính sách cử tuyển, chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm …
Thay mặt cho Ban Chủ nhiệm đề tài, ông Lý Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm; đề nghị các thành viên đề tài tiếp thu, nghiên cứu.
Tuấn Hà