Sóc Trăng quan tâm chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer
01:25 PM 09/10/2019 | Lượt xem: 3169 In bài viết |Sóc Trăng là tỉnh nằm trong khu vực ĐBSCL với dân số trên 1,3 triệu người, chủ yếu với 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống; trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,71%, dân tộc Hoa chiếm 5,02%. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn quan tâm đến việc tăng cường công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Những năm qua Mặt trận và các đoàn thể các cấp đã phối hợp nhịp nhàng trong công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh có liên quan đến công tác dân tộc.
Mặt trận tỉnh cũng phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh rà soát, thay thế, bổ sung người có uy tín năm 2019 là 609 người. Trong 2 năm qua Sóc Trăng đã tổ chức cho 90 người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra nhân dịp lễ, hội truyền thống của đồng bào dân tộc, tỉnh thành lập các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; Tổ chức họp mặt mừng Chol Chnam Thmay, mừng Sene Dolta, qua đó tỉnh đã trao tặng được 20 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ là người dân tộc bức xúc về nhà ở.
Hiện toàn tỉnh có 10 trường dân tộc nội trú, 1 trường bổ túc Pali Trung cấp Nam Bộ đào tạo tăng sinh và nguồn cán bộ dân tộc Khmer cho các tỉnh trong khu vực. Hàng năm công tác tuyển sinh học sinh dân tộc thiểu số vào các trường dân tộc nội trú luôn được tỉnh quan tâm. Năm 2018 số học sinh dân tộc thiểu số được xét tuyển vào các trường phổ thông dân tộc nội trú là 1.092 em; có 82 em học sinh dân tộc trúng tuyển vào các trường dự bị đại học.
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng được nâng cao, nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Trong năm 2018, toàn tỉnh có 11.440 hộ thoát nghèo, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 27.154 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer là 13.013 hộ, chiếm 12.98% tổng số hộ đồng bào Khmer (giảm 4.97% so với năm 2017).
Thời gian qua huyện Mỹ Xuyên cũng tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer bằng nhiều hoạt động. Đáng chú ý, Uỷ ban MTTQ huyện tranh thủ nguồn hỗ trợ của tỉnh và nguồn Quỹ Vì người nghèo huyện đã hỗ trợ xây dựng 106 căn nhà Đại đoàn kết, tổng số tiền 3.960.000.000 đồng cho hộ nghèo, cận nghèo và đặc biệt khó khăn (trong đó có 29 căn dân tộc Khmer, số tiền 1.110.000.000 đồng).
Chia sẻ về công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua, ông Dương Sà Kha- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết: Công tác chăm lo sức khỏe nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm và thực hiện tốt, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh được quan tâm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 bệnh viện cấp huyện, 2 phòng khám đa khoa khu vực, 2 bệnh viện tư nhân. Tính đến nay, 109/109 xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế, trong đó có 100/109 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 97/109 trạm y tế có bác sĩ; 775/775 khóm, ấp có cán bộ y tế, bình quân có 4,1 bác sĩ/10.000 dân.
Ngày 8/10, Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Vũ Dương Châu-Trưởng ban Dân tộc đã đến khảo sát việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường công tác dân tộc Khmer trong tình hình mới” tại tỉnh Sóc Trăng. Tại đây ông Vũ Dương Châu đánh giá cao công tác triển khai, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường công tác dân tộc Khmer trong tình hình mới” tại tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua, đồng thời đề nghị, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Sóc Trăng thời gian tới cần phải xác định công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Khmer là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị; từ đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương...
(daidoanket.vn)