Lào Cai "đi cùng và đi trước" trong giảm nghèo bền vững

09:48 AM 21/03/2022 |   Lượt xem: 3077 |   In bài viết | 

Nuôi bò thịt xóa đói giảm nghèo tại hộ gia đình chị Sùng Thị Hoa, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai). Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Với quan điểm chỉ đạo “đi cùng và đi trước”, không chờ kế hoạch cụ thể từ cấp trên, Lào Cai đã chủ động điều hành có hiệu quả các chính sách liên quan đến giảm nghèo; tích cực triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới... tạo bước đột phá trong giảm nghèo và xây dựng nền tảng bền vững để tiến tới triển khai thuận lợi các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Khởi sắc từ vùng "lõi nghèo"

Thực tế cho thấy, mục tiêu nhất quán và có tính đổi mới, kế thừa trong nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Lào Cai trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã luôn hướng mạnh vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, đặc biệt ưu tiên nguồn lực cho vùng "lõi nghèo". Nhờ đó, việc giảm nghèo tại địa phương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. 
 
Nếu năm 2015, Lào Cai có 18.925 hộ nghèo, chiếm 12,11% trong tổng số hộ thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2% tương ứng 14.322 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân gần 4%/năm. Tỷ lệ giảm nghèo các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo cả nước của Lào Cai bình quân giảm 8,6%/năm, vượt mục tiêu của Chính phủ là giảm 4%/năm.
 
Mường Khương là một trong ba huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của tỉnh Lào Cai. Với địa hình có 80% diện tích đất tự nhiên là đồi, núi, các đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện hướng mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa để giảm nghèo bền vững. Huyện tập trung khai thác thế mạnh tài nguyên đất đai, phát triển trồng rừng và nông nghiệp hàng hóa được ưu tiên, nhất là cây ăn quả, từng bước hình thành vùng sản phẩm cây ăn quả với các cây đặc sản như dứa, quýt, chè, sa nhân, hồi... Qua đó, huyện đã từng bước giảm được tỷ lệ hộ nghèo với mức giảm bình quân đạt 10/% năm và được đánh giá là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo ấn tượng nhất tỉnh Lào Cai.
 
Tả Ngải Chồ là một trong 5 xã khó khăn nhất của huyện Mường Khương và nằm trong danh sách 10 xã nghèo nhất tỉnh Lào Cai. Toàn xã hiện có 592 hộ, với 3.100 khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 70%.
 
Với quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo, xóa hộ đói, tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đồng thuận của người dân, việc xóa đói giảm nghèo của xã đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, xã tập trung đưa các giống cây, con có giá trị vào nuôi trồng theo hướng hàng hóa như cây quýt, sa nhân, lợn đen bản địa; cùng với diện tích trồng ngô, lúa, xã Tả Ngải Chồ còn phát triển được 80ha quýt, gần 90ha cây sa nhân, gần 3.000 con lợn…
 
“Những mô hình kinh tế có định hướng, phù hợp với đặc thù địa phương, đã mang lại kết quả tích cực, góp phần cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 27,8%, bình quân mỗi năm giảm gần 10% hộ nghèo”, Chủ tịch UBND xã Sùng Seo Sà cho biết.
 
Bên cạnh thế mạnh về khí hậu, thiên nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế dịch vụ du lịch ở khu vực các phường và một số xã lân cận, Sa Pa vẫn còn 8/16 xã, phường thuộc vùng đặc biệt khó khăn.
 
Theo Bí thư Thị ủy Sa Pa Phan Đăng Toàn, các chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo trong giáo dục, y tế, hỗ trợ tiền điện, sản xuất phát triển ngành nghề cho hộ nghèo, cho vay tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… được Sa Pa chú trọng triển khai thực hiện. Ngoài ra, địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư lồng ghép để phát triển sản xuất và sinh kế cho hộ nghèo như Dự án ODA, Chương trình khuyến nông - khuyến lâm, hỗ trợ sản xuất... Nhờ đó, năm 2021, tỷ lệ giảm nghèo bình quân/năm của Sa Pa đạt 5%/năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 13,64% xuống còn 8,64%.

Chủ động "đi cùng và đi trước"

Với "bước đệm" thuận lợi từ những kết quả đạt được trong giảm nghèo, vừa qua, tại Hội nghị tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia Trịnh Xuân Trường nêu quan điểm chỉ đạo: “Trên phải kịp thời, dưới phải chủ động” khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, “đi cùng và đi trước”, không chờ kế hoạch cụ thể từ cấp trên.
 
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1719/QD-TTg ngày 19/10/2021. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022.
 
Năm 2022, Lào Cai chính thức triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia này ở giai đoạn 2021-2025. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, dự kiến, tổng số vốn ngân sách Trung ương giao các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai là 6.533 tỷ đồng. Trong số đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tổng số vốn ngân sách Trung ương là 433 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng số vốn ngân sách Trung ương là 3.927 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và bền vững có tổng số vốn ngân sách Trung ương là 2.173 tỷ đồng,
 
Năm 2022, Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là 4,5%. Do đó, địa phương xác định, trong năm nay huy động tối đa các nguồn lực cho giảm nghèo, nhất là xã nghèo, khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách triển khai đầy đủ các hợp phần Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
 
Trong điều kiện thời điểm hiện tại, nhiều văn bản quy định, hướng dẫn và kế hoạch nguồn vốn thực hiện Chương trình của Trung ương đang chuẩn bị ban hành. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các địa phương tập trung cho chuẩn bị, đồng thời khẩn trương, sớm triển khai những nội dung đã có đủ căn cứ, điều kiện tiến hành; tập trung xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn ngân sách thực hiện Chương trình; hoàn chỉnh việc xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021- 2025 và riêng năm 2022; đồng thời triển khai thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch năm 2022.
 
Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lào Cai yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các địa phương thực sự tích cực, chủ động, nghiên cứu kỹ các chương trình mục tiêu quốc gia, khẩn trương xác định nhiệm vụ thực hiện. Trong tháng 3/2022, các ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các chương trình; kiện toàn công tác tổ chức chỉ đạo, quản lý, điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 ở các cấp địa phương trong tỉnh; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện giảm nghèo.

(baotintuc.vn)