Thông tin giá cả thị trường tuần từ 4/08/2014 đến 08/08/2014
04:24 PM 04/08/2014 | Lượt xem: 2900 In bài viết |TIÊU ĐIỂM |
Ngành điều xuất khẩu: Cần đầu tư chế biến sâu
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, xuất khẩu hạt điều trong 7 tháng đầu năm nay của nước ta đạt 158.000 tấn với giá trị 1,02 tỷ đô-la Mỹ. Tuy xuất khẩu tăng mạnh nhưng nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu mới chỉ đáp ứng 50% nên xuất khẩu điều chưa thể ổn định.
Thiếu nguyên liệu điều để chế biến xuất khẩu
Tại hội nghị Điều quốc tế Việt Nam 2014, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, mặc dù xuất khẩu điều thời gian qua có sự tăng trưởng mạnh và ổn định nhưng chưa có sự bền vững. Cụ thể, diện tích điều ít, năng suất thấp do diện tích điều già cỗi nên thu nhập của bà con thấp. Đặc biệt, sản lượng điều hiện nay mới chỉ đáp ứng được 50% công suất chế biến, còn lại phải nhập khẩu. Thế mạnh của Việt Nam là công nghiệp chế biến nhưng chủ yếu vẫn là chế biến thô, chế biến sâu có giá trị gia tăng cao còn thấp. Số lượng doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu điều nhiều nhưng quy mô nhỏ, vốn phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng. Chính vì vậy, việc mở rộng thị trường xuất khẩu điều nhân sẽ đối mặt với không ít trở ngại do vấp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở nhiều thị trường. Nếu không chú trọng nâng cao chất lượng cũng như đầu tư nâng cao năng lực cho các sản phẩm điều chế biến thì đầu ra hạt điều Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực. Thực tế cho thấy, nếu chúng ta tiếp tục việc xuất khẩu nhân điều chỉ qua sơ chế như thời gian qua thì ngành điều Việt Nam sẽ dậm chân tại chỗ như những ngành hàng nông sản khác đã và đang gặp phải bởi chưa chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Ba thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan. Để gia tăng giá trị, Vinacas đặt ra mục tiêu các sản phẩm điều chế biến sâu sẽ nâng từ mức 8% lên trên 10% trong năm nay. Để tăng cơ hội xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Trung Đông và đặc biệt là tìm cơ hội tại thị trường nội địa, năm nay ngành điều cũng đã dành ra 20 tỷ đồng để xây dựng dự án kích cầu giai đoạn 2014 - 2020, trong đó Vinacas tập trung cho việc nghiên cứu chất dinh dưỡng trong điều nhân, tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu và kích cầu tiêu dùng.
Trên thực tế, cơ hội để mở rộng thị trường cho hạt điều được chế biến từ Việt Nam là rất lớn. Song để tranh thủ được cơ hội này các doanh nghiệp điều Việt Nam cần đi vào đầu tư cho chế biến sâu nhiều hơn. Tại hội nghị Điều quốc tế Việt Nam 2014, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, Việt Nam sẽ là quốc gia tiếp tục có vị thế lớn trong ngành xuất khẩu điều. Các công ty đến từ Mỹ, Nhật cũng đã đặt vấn đề đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật chế biến sâu và mong muốn gắn kết làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết: "Thị trường, khách hàng là cốt lõi, doanh nghiệp là then chốt, giá trị xuất khẩu cao nhưng lợi nhuận trong đó thấp thì nông dân cũng không được hưởng lợi ích gì cả. Vì vậy cần phân phối lợi ích phải hài hòa, nông dân, công nhân phải sống được với hạt điều, đa dạng hóa sản phẩm và đầu tư chế biến sâu". Với mục tiêu hướng tới chế biến sâu, bước đầu các doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp giảm chi phí giá thành. Nếu trước đây để sản xuất ra 30 tấn điều/ngày cần khoảng 3.000 -4.000 lao động, thì hiện nay doanh nghiệp chỉ cần khoảng 400 - 500 lao động.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa là những yếu tố đang ủng hộ ngành xuất khẩu điều khi năm nay các ngân hàng đã chủ động tăng hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư thiết bị với lãi suất 3% đô-la Mỹ/năm và 7% lãi suất tiền đồng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho ngành điều và có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ xuất khẩu hỗ trợ ngành điều để nâng cao năng lực cạnh tranh như giảm lãi suất, đơn giản điều kiện cho vay... Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Quyết định 1050/2014/QĐ-NHNN quy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây là chính sách kết hợp rất tốt giữa Bộ NN&PTNT với Ngân hàng Nhà nước tạo ra sự lan tỏa trong sản xuất hàng hóa vây quanh là các hộ nông dân làm vệ tinh cho các doanh nghiệp.
MUA GÌ |
Tây Nguyên: Bơ được mùa, giá bán phải chăng
Hiện nay ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang là đỉnh điểm của mùa thu hoạch bơ trái chính vụ. Dọc các tuyến đường từ quốc lộ 14, 26, 27 cho đến các con đường tỉnh lộ, bơ trái được bà con bày bán nhiều với giá từ 15.000 – 30.000 đồng/kg tùy theo loại. Chị Tính - người bán bơ tại km 12, quốc lộ 26 (đoạn đường qua huyện Krông Păc) cho biết: “Năm nay bơ chính vụ tại Tây Nguyên được mùa, giá bán phải chăng. Bơ loại 1 có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, bơ loại 2 có giá khoảng 20.000 đồng/kg, còn bơ loại 3 có giá 12.000 – 15.000 đồng/kg”. Theo dự kiến của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng gần 10.000 cây bơ.
Sóc Trăng:Người nuôi cá tra lỗ
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, Trung tâm Giống vật nuôi của tỉnh đang triển khai sản xuất giống cá tra nhưng chỉ cung cấp cho một số hộ nuôi nhỏ lẻ, còn lại phần lớn các hộ nuôi khác đã mua cá giống từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre... Trong tháng 7, diện tích đang nuôi của toàn tỉnh là 73,8 héc-ta, đã thu hoạch 22 héc-ta. Sản lượng đạt 4.875 tấn, năng suất bình quân 250 tấn/héc-ta. Giá bán cá tra thương phẩm dao động từ 21.000 - 22.000 đồng/kg cho cá cỡ 700 - 800 gam/con. Với mức giá này, người nuôi lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Tình hình nuôi cá tra thương phẩm của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do người nuôi bị lỗ vì giá cả vật tư đầu vào tăng, trong khi giá cá thương phẩm bấp bênh, không ổn định. Bên cạnh đó, do không bán được cá nên thời gian nuôi phải kéo dài, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến doanh thu, khiến nhiều hộ nuôi không dám tiếp tục thả nuôi.
An Giang: Lúa mùa nổi có giá cao
Người dân trồng lúa mùa nổi không dùng phân, thuốc BVTV mà chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên hạt gạo sạch và dinh dưỡng cao. Ông Nguyễn Văn Văn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (An Giang), cho biết: Hiện nay, vùng Tứ giác Long Xuyên có khoảng 60 héc-ta diện tích lúa mùa nổi, tập trung ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Đa phần người dân trồng lúa mùa nổi không dùng phân, thuốc BVTV mà chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên hạt gạo sạch và dinh dưỡng cao. Giống lúa này từ khi gieo sạ đến thu hoạch 6 tháng, tuy năng suất chỉ 2 đến 2,5 tấn/héc-ta nhưng giá bán khá cao. Hiện tại, Cty Ecofarm bao tiêu sản phẩm với giá từ 12.000 - 13.000 đồng/kg, còn giá gạo từ 25.000 - 26.000 đồng/kg. Để bảo tồn cây lúa mùa nổi, Phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn kết hợp với Trường ĐH An Giang duy trì và cải thiện giống lúa đang canh tác tại địa phương. Theo dự kiến đến năm 2016, diện tích lúa mùa nổi tăng lên 100 héc-ta.
Giá gà công nghiệp chưa ổn định
Giá gà công nghiệp tại các trại chăn nuôi ở các tỉnh miền Đông (khu vực chiếm 2/3 sản lượng gà công nghiệp của cả nước), 2 tuần qua còn 26.500 đồng/kg (giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng). Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, có 3 nguyên nhân khiến giá gà công nghiệp giảm trong thời gian qua là thời điểm tháng 5 và tháng 6 giá gà tăng cao, lên đến 37.000 - 38.000 đồng/kg nên các công ty và người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn. Thời điểm này rơi vào mùa nghỉ hè, thịt gà công nghiệp vốn tiêu thụ phần lớn ở phân khúc bếp ăn trường học, quán cơm. Nguyên nhân khác là do lượng thịt nhập khẩu về tăng đột biến trong tháng 5 và 6, lên đến gần 10.000 tấn thịt gà. Sau một thời gian bán tháo gà do giá giảm mạnh, nguồn cung cấp không còn nhiều nên từ đầu tuần này giá gà công nghiệp đã tăng trở lại lên 30.000 - 31.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá trên người nuôi vẫn chưa có lãi, do giá thành chăn nuôi hiện nay lên đến 32.000 đồng/kg. Theo ông Ngọc, với mức giá tăng lên này người nuôi lại đổ xô nuôi gà, tăng đàn dẫn đến dư thừa và điệp khúc rớt giá lại tiếp diễn dẫn đến nợ nần, thua lỗ đối với người chăn nuôi.
Đồng Tháp: Lúa hè thu tăng giá nhẹ
Theo ông Mai Tân Tiến - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Tiến (xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), giá lúa hè thu mấy ngày qua tại nhiều nơi trong tỉnh tăng từ 500 - 600 đồng/kg.Cụ thể, giá lúa hạt dài 6976, HTX bán tại ruộng với giá 5.200 đồng/kg, jasmine giá 5.750 đồng/kg. Ông Đinh Minh Tâm, Phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (xã Tân Bình, huyện Châu Thành), cũng cho biết giá lúa hạt dài 4218 hiện doanh nghiệp của ông đang mua với giá 5.200 đồng/kg.
BÁN GÌ |
An Giang: Khoai môn được giá
Hiện nay, tỉnh An Giang đang vào cuối vụ thu hoạch khoai môn, nông dân rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Trừ chi phí, bình quân mỗi héc-ta khoai môn bà con thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng. Khoai môn là loại cây trồng có thời gian sinh trưởng dài (khoảng 6 tháng/vụ) nhưng lại có giá trị kinh tế cao và dễ tiêu thụ. Hiện nay, thương lái ở các huyện Chợ Mới, Châu Phú và An Phú đã tổ chức các đại lý thu mua khoai để phân loại tiêu thụ.
Trong vụ mùa năm nay, nông dân tỉnh An Giang đã xuống giống gần 700 héc-ta khoai môn, tập trung ở Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Tri Tôn. Nhờ sử dụng giống khoai sáp Thái Lan và giống địa phương phù hợp với thổ nhưỡng nên năng suất thu hoạch đạt từ 30 - 35 tấn khoai môn/héc-ta, tăng gần 7 tấn/héc-ta so năm trước.
Tiền Giang: Giá tôm sú giảm mạnh
Hiện nay, các vùng nuôi tôm nước lợ ở Tiền Giang đang bước vào mùa thu hoạch tôm chính vụ với niềm vui trúng giá. Tuy nhiên, tuần qua giá tôm sú các loại bất ngờ giảm giá tới hơn 20.000 đồng/kg. Tình hình này khiến bà con nuôi tôm thấp thỏm như ngồi trên đống lửa bởi lợi nhuận giảm mạnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, mặc dù giá đang giảm nhưng vẫn nằm ở mức có lợi cho nông dân.
Đến nay Tiền Giang đã thả nuôi 4.341 héc-ta với 1.600 triệu giống thả nuôi; trong đó nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh là 2.324 héc-ta với 1.513 triệu giống thả nuôi (tôm sú 478 héc-ta, tôm thẻ chân trắng 1.846 héc-ta); nuôi tôm quảng canh cải tiến là 2.017 héc-ta với 86,6 triệu giống thả nuôi.
Tây Nguyên: Giá cà phê tiếp tục tăng
Giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 100.000 đồng/tấn lên 39,5 - 40,3 triệu đồng/tấn. Sắp đến thời điểm thu hoạch vụ cà phê mới tại Việt Nam và Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã đưa ra dự đoán sản lượng vụ này khá thấp và một lần nữa dự báo sản lượng vụ này sẽ đạt khoảng 23 triệu bao, giảm 1,3% so với vụ trước do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn hồi đầu năm và sau đó lại là những cơn mưa lớn.
Quảng Nam: Ngư dân được mùa mực
Huyện Núi Thành là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ làm nghề câu mực lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, tập trung nhiều nhất ở xã Tam Giang. Từ đầu năm đến nay sản lượng mực đánh bắt được của toàn huyện đạt kết quả cao, khoảng 8.000 tấn mực khô. Đến bến tàu xã Tam Giang, huyện Núi Thành những ngày này là không khí tấp nập của những chiếc tàu đi câu mực lớn vừa trở về sau những chuyến biển dài ngày với niềm vui mực được mùa được giá bán.
Theo những chủ tàu câu mực đi biển vừa trở về thì năm nay sản lượng mực đánh bắt được cao hơn thời điểm này năm ngoái. Nhiều tàu công suất lớn thu được đến 30 - 40 tấn mực khô với chuyến biển kéo dài hơn 2 tháng. Giá bán tại bờ là 73.000 đồng/kg mực khô.
Tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành nhiều tàu câu mực cũng được mùa. Theo tính toán sơ bộ, từ đầu năm đến nay, nghề câu mực làm ăn rất phát đạt, một chuyến biển với thời gian một tháng hai mươi ngày, mỗi thuyền viên có thể kiếm được 35 - 40 triệu đồng. Sản lượng mực khai thác của xã Tam Giang nói riêng và huyện Núi Thành nói chung tăng cao góp phần nâng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt gần 70% kế hoạch của năm.
Giá cà phê tại các tỉnh vùng Tây Nguyên
Thị trường | Giá (đồng/kg) |
Lâm Đồng: -Di Linh -Bảo Lộc -Lâm Hà | 39.500 39.300 39.500 |
Đắk Lắk: - Buôn Hồ -Ea Hleo -Cư Mgar | 39,900 40,100 40,000 |
Gia Lai: -Ia Grai | 40,200 |
Kon Tum: - Đắk Hà | 40,000 |
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Tây Nguyên: “Thấp thỏm” tạm trữ cà phê
Những năm gần đây, giá cà phê trên thị trường cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng có nhiều biến động. Tranh thủ cơ hội lúc giá cà phê xuống thấp (thường là lúc đầu vụ), nhiều người dân đã bỏ tiền ra mua cà phê về nhà tạm trữ, chờ tăng giá bán kiếm lời. Tuy nhiên, trên thực tế những người “hành nghề” này cũng đang vấp phải những lo âu, thấp thỏm vì giá cả, vốn liếng...
Nở rộ nghề tạm trữ cà phê
Tây Nguyên được đánh giá là vùng trọng điểm về cà phê của cả nước, hàng năm vào mùa thu hoạch xong cà phê, các hộ nông dân thường xay xát bán ngay cà phê nhân xô để trả nợ vay ngân hàng và trả nợ cho các đại lý vật tư xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu mua thiếu từ đầu niên vụ, vừa có thêm nguồn vốn để tiếp tục thuê mướn nhân công thu hoạch cũng như giải quyết các nhu cầu sinh hoạt khác cho gia đình. Tranh thủ thời cơ này, nhiều người dân bỏ tiền ra mua lại cà phê về cất trữ, chờ giá lên cao bán kiếm lời. Anh Lê Văn Phúc, xã Ea Wy, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết: “Đầu niên vụ thu hoạch cà phê 2013 - 2014 vừa qua, khi nghe tin giá cà phê xuống thấp chỉ ở mức 31.000 - 33.000 đồng/kg, tôi quyết định đầu tư 186 triệu đồng mua 6 tấn về nhà tạm trữ, đến cuối tháng 3/2014 giá cà phê nhân giao động ở mức 38.000 đồng/kg, rồi lên 41.000 đồng/kg tôi đã đem bán và thu về 236 triệu đồng, tính ra đã có lời vài ngàn đồng/kg rồi”. Cũng như anh Phúc, chị Đào Thị Vân ở phường Tân Hoà, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Đây là năm thứ hai tôi làm nghề tạm trữ cà phê, trước đây do thấy một số bạn bè đầu tư thấy có lời nên tôi cũng mạnh dạn theo… Đây là nghề cũng mang về lợi nhuận cao nếu biết lựa chọn thời điểm mua lúc giá cà phê xuống thấp và bán khi giá tăng”.
Không chỉ ở Đắk Lắk người dân mới bỏ tiền ra mua cà phê tạm trữ chờ tăng giá, hiện nhiều người dân khác ở Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng… cũng đang đổ xô vào kinh doanh mặt hàng này, bởi đây được xem là nghề “hái ra tiền” với lợi nhuận cao nếu biết tính toán, bỏ vốn đầu tư và lựa chọn thời điểm để mua, bán.
Nhiều thấp thỏm, lo âu
Thời gian qua, việc giá cà phê trên thị trường có nhiều biến động khôn lường, nhiều người dân đã đổ xô vào việc tạm trữ cà phê để kiếm tiền. Tuy nhiên, trên thực tế những người làm nghề này cũng đang vấp phải những lo âu, thấp thỏm bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Anh Bùi Văn Vinh ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn chia sẻ: “Hồi giữa tháng 1/2014, tôi đầu tư 260 triệu đồng mua 7 tấn cà phê với giá 37.000 đồng/kg về tích trữ đến ngày 12/3/2014, giá cà phê tăng lên 41.300 đồng/kg nhưng tôi lại do dự không bán vì chờ giá cao thêm chút nữa, ai ngờ từ đó cho đến nay giá giảm hẳn chỉ giao dịch từ 37.000 đồng - 39.000 đồng/kg. Để lâu sốt ruột quá cuối cùng tôi đành phải bán… Tính ra đến nay sau 6 tháng tạm trữ tôi thấy không có lời vì phải chi phí cho việc vận chuyển, thuê kho chứa, đó là chưa tính đến tiền mất giá, nếu số tiền trên đem gửi tiết kiệm còn lời hơn vì bởi mình không rành về lĩnh vực kinh doanh này. Ông Bùi Văn Đại, xã Hòa Đông, huyện Krông Păc còn dở khóc, dở cười hơn khi đi vay mượn hơn 200 triệu để mua cà phê để tạm trữ, giá cà phê thì biến động lên xuống bất thường và dường như nằm ngoài dự báo, trong khi tiền lãi vẫn phải trả hàng tháng. Tuy nhiên, sau 7 tháng “hành nghề” tạm trữ với nhiều nỗi lo, thấp thỏm về giá cả ông đành phải bán với giá 39.000 đồng/kg thu về 206 triệu đồng. Tính ra trừ chi phí vận chuyển, hao hụt còn lãi được 4 triệu đồng, trong khi tiền vay 200 triệu với lãi xuất 1,0% mỗi tháng, 7 tháng qua ông đã trả lãi 14 triệu đồng…”. Chia sẻ với chúng tôi chị Nguyễn Thị Anh ở đường Phạm Văn Đồng, TP. Buôn Ma Thuột - người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc thu mua cà phê ở Tây Nguyên cho biết: “Giá cà phê tại Tây Nguyên trong thời gian qua biến động lên xuống bất thường và dường như nằm ngoài dự báo của chúng tôi… Thời gian qua đã giảm và có thể tiếp tục giảm nữa nên rất khó xác định mức giá thấp nhất, bởi vậy việc tích trữ chờ giá lên khó ai dám chắc tới đây sẽ thắng hay thua nên đại lý chúng tôi chỉ thu mua cầm chừng, tránh nguy cơ thua lỗ”.
Thiết nghĩ, thực tế trên cho thấy với việc giá cà phê biến động, lên xuống thất thường đã tạo cơ hội cho một số cá nhân, doanh nghiệp thu mua tạm trữ cà phê chờ cơ hội kiếm lời. Tuy nhiên nghề này cũng đang đặt ra nhiều thách thức khó khăn, phụ thuộc về giá cả nhất là đối với những ai thiếu vốn, do vậy người dân cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định vay vốn “hành nghề” thu mua cà phê.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngư dân khó khăn vì mực khô rớt giá
Xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có hơn 1.200 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, nhưng vài tháng gần đây, 30% tàu cá của ngư dân Phước Tỉnh phải nằm bờ vì mực khô rớt giá. Ngoài mực khô rớt giá gần một nửa thì giá dầu tăng liên tục từ đầu năm đến nay khiến cho bà con ngư dân lao đao khi vươn khơi bám biển.
Ngư trường đánh bắt ngày càng sụt giảm sản lượng, nhiều tàu đánh bắt không đạt sản lượng, cộng với chi phí tăng thêm nên nhiều tàu đành phải nằm bờ. Không chỉ gặp khó khăn vì lỗ ròng sau những chuyến ra khơi, các làng chài của tỉnh đang còn phải đối mặt với thực trạng lao động bỏ nghề biển. Tình trạng nhiều thanh niên vùng biển không mặn mà với biển nữa mà chọn việc làm khác để sống đã tạo ra sự khó khăn cho các chủ tàu khi tìm bạn đi biển. Theo các chủ tàu, mỗi một tàu ra khơi phải thuê từ 5 đến 7 nhân công, nay thuê bạn tại Vũng Tàu không có, nên phải chờ người nhà tìm bạn từ miền Trung vào mới đủ người đi biển.
Để giảm bớt chi phí cho nhiên liệu, nhiều chủ tàu đã thay đổi công suất của máy phù hợp với nghề, thay đổi chân vịt để giảm sức tải cho máy. Đặc biệt, hiện nay ngư dân đang áp dụng phương thức tiết kiệm nhiên liệu rất hiệu quả là luân phiên nhau tải sản phẩm sau đánh bắt vào bờ. Với phương thức này, tàu đã nằm biển nhiều ngày sẽ tải giùm sản phẩm đánh bắt cho tàu ít ngày hơn vào bờ và được bên kia hỗ trợ tiền dầu.
Tình trạng dễ thấy nhất hiện nay là không chỉ riêng ở Bà Rịa – Vũng Tàu mà nhiều địa phương khác, tiêu thụ thủy hải sản đang gặp khó khăn. Theo đánh giá của ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), các mặt hàng hải sản giảm giá mạnh do chúng ta đang lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, nhất là khô mực. Bất ổn trên Biển Đông thời gian qua cũng tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ hải sản.
6 tháng đầu năm 2014, giá dầu tăng 5 lần đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân. Liên bộ Tài chính - Công Thương đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giảm giá dầu từ 17 giờ ngày 18/7. Tiếp đó, Petrolimex cũng đã công bố biểu giá mới với giá mặt hàng diesel giảm 140 đồng/lít... Đây là một biện pháp thiết thực và kịp thời, giảm bớt một phần khó khăn về chi phí trong mỗi chuyến biển của bà con ngư dân.
Nhật Bản : Đầu tư thí điểm 180 tàu cá composite tại Việt Nam
Ông Yukio Kikuchi, Giám đốc dự án tại Việt Nam của Công ty Yanmar (Nhật Bản) cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư thí điểm khoảng 180 tàu composite giúp ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu. Dự kiến sẽ lập ở mỗi tỉnh 10 tổ, đội với 60 tàu (mỗi tổ đội sáu tàu với 36 lao động) tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương. Các đội tàu hoạt động theo mô hình công ty đánh cá cổ phần của Nhật (ngư dân được quyền chọn mua cổ phần đến 100% giá trị tàu). Mỗi chuyến biển đánh bắt theo công nghệ của Nhật Bản chỉ 15 ngày, mười tổ, đội với 60 tàu cá thu về ít nhất khoảng 150 tấn cá ngừ đại dương. Sản phẩm cá ngừ tươi nguyên con sẽ xuất bằng đường hàng không đưa đến các phiên chợ đấu giá thủy sản ở Nhật bán khoảng 10 đô-la Mỹ mỗi kg (cao gấp 5 lần so với giá cá ngừ đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam hiện nay).
Công ty Yanmar đặt mục tiêu, từ năm 2015, các tổ, đội của ba tỉnh miền Trung nói trên sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 4.500 tấn cá ngừ đại dương sang thị trường Nhật Bản mỗi năm. Ngày 28/7 vừa qua, tàu câu cá ngừ vỏ composite đầu tiên mang tên VIJAS Research & Training Vessel do Công ty Yanmar phối hợp với Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học thủy sản Nha Trang thiết kế, sản xuất (bao gồm ngư cụ, công nghệ xử lý và bảo quản cá ngừ của Nhật Bản) có công suất 350 CV, vốn đầu tư gần 8 tỷ đồng đã chính thức được hạ thủy. Ưu thế của loại tàu composite là tiết kiệm nhiên liệu hơn 30% so với tàu gỗ, chi phí bảo dưỡng mỗi năm khoảng 50 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với tàu gỗ lẫn tàu sắt. Vận tốc tối đa của tàu composite đạt 12 hải lý mỗi giờ (cao hơn 4 đến 6 hải lý) so với tốc độ của tàu gỗ, tàu sắt có công suất máy lớn.
Quy định mới về hàm lượng asen trong gạo
Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex quốc tế Liên hợp quốc (Ủy ban Codex – CAC) đã quy định hàm lượng tối đa asen trong gạo là 0,2 miligram asen/1 kg gạo. CAC sẽ đưa ra bộ quy phạm thực hành mới được sử dụng như tài liệu hướng dẫn các nước tuân thủ quy định mới về hàm lượng asen tối đa. CAC cũng sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất kỹ thuật sản xuất và canh tác tiên tiến để ngăn ngừa và cắt giảm tình trạng nhiễm asen. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lúa hấp thụ lượng asen nhiều hơn bất kỳ cây lương thực nào trong khi lúa gạo hiện là loại lương thực chủ yếu tại nhiều nước.
Ban biên tập ((Thông tin do báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện))