Thông tin giá cả thị trường tuần từ 15/12/2014 đến 19/12/2014
02:47 PM 17/12/2014 | Lượt xem: 2199 In bài viết |TIÊU ĐIỂM |
Sơn La: Chưa cây trồng nào thay thế được ngô
Sơn La là một tỉnh trung tâm của khu vực Tây Bắc. Với thiên nhiên phù hợp, việc phát triển nông lâm nghiệp tại đây rất thuận lợi, đặc biệt là cây ngô. Hiện tại, nguồn thu nhập chính của 75% nông dân Sơn La là từ cây ngô. Tuy nhiên, những năm gần đây giá nhiều nông sản, trong đó có ngô không ổn định, diễn biến theo chiều đi xuống, nên bà con nhiều nơi băn khoăn, tìm hướng chuyển sang trồng cây khác.
Ngô vẫn là cây trồng đứng vị trí số một
Theo thống kê, diện tích ngô đang trồng tại Sơn La vào khoảng 200.000 héc- ta, chiếm trên 2/3 tổng diện tích canh tác nông nghiệp trên địa bàn. Với diện tích này, Sơn La được coi là “thủ phủ ngô” của Việt Nam.
Hiện tại, cây ngô lai được trồng chủ yếu ở Sơn La, có năng suất vượt trội so với các giống ngô thuần địa phương. Điều này đã mang lại lợi ích kinh tế lớn, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo sản xuất nông nghiệp của người dân.
Tuy nhiên, giá ngô mấy năm nay xuống thấp, tiêu thụ khó khăn và thương lái thường xuyên ép giá, đã làm cho đời sống người dân mà nguồn thu chủ yếu trông vào cây ngô thêm khó khăn. Anh Lò Văn Phong ở Cò Nòi - Mai Sơn cho biết, năm nay gia đình anh trồng 2 héc-ta, thu tới 14 tấn ngô bắp, cao hơn 3 tấn so với năm trước. Nhưng giá bán chỉ được 5.000 đồng/kg, thấp hơn năm trước 500 - 1.000 đồng, trong khi chi phí vật tư, giống, phân bón lại tăng mấy chục phần trăm, nên trừ chi phí, lợi nhuận còn lại không nhiều.
Tuy nhiên, đa số ý kiến nhà quản lý và chuyên gia ngành nông nghiệp vẫn cho rằng, với năng suất trung bình hiện tại đạt khoảng 7 - 9 tấn/héc-ta và cho dù giá ngô thương phẩm hiện xuống thấp, nhưng với giá 5.000 - 5.500 đồng/kg, mỗi héc-ta nông dân cũng thu được trên 50 triệu đồng. Nếu trừ hết chi phí cũng lãi khoảng 20 - 30 triệu đồng/héc-ta. Vì vậy, lên Sơn La bây giờ hỏi ai cũng có thể khẳng định, cây trồng số một và quan trọng nhất của nông dân tại đây là cây ngô.
Chuyển đổi cây trồng khác, chưa thấy cây nào hiệu quả hơn ngô?
Do thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, nên bà con nhiều vùng, trong đó có Sơn La đã chuyển qua trồng các loại cây trồng khác như: cao su, mía, cà phê, chè, sắn, dong giềng... Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa tìm ra loại cây nào có thể thay thế được cây ngô. Cụ thể:
+ Sau cây ngô, mía là một cây trồng thế mạnh của người dân Sơn La. Với lợi thế có nhà máy mía đường Sơn La, việc đầu ra của cây mía thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhà máy mía đường chỉ giới hạn công suất, bên cạnh đó, gần đây giá mía đường thường bị đẩy xuống thấp, nông dân trồng mía rất khó khăn.
+ Với cà phê, chè không phải là một cây thế mạnh của Sơn La. Việc phát triển các loại cây cà phê và chè chỉ trong phạm vi một số vùng nhất định như: Mộc Châu, Mai Sơn,... Do vậy, bà con nông dân không thể phát triển ra diện rộng hai cây công nghiệp này.
+ Về cây sắn và cây dong giềng, nông dân cũng có xu hướng chuyển đổi sang trồng trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, những loại cây trồng này cũng chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con do giá thu mua rất bấp bênh.
+ Đối với cây cao su, trước đây chủ trương của tỉnh Sơn La và Tập đoàn Cao su Việt Nam là phát triển 20.000 héc-ta vào năm 2015. Đến hết năm 2013, đã trồng được hơn 7.000 héc-ta. Tuy nhiên, trước tình hình biến động bất lợi cho cây công nghiệp này trong thời gian gần đây, mục tiêu phát triển đến năm 2015 đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND Sơn La điều chỉnh xuống 10.000 héc-ta.
Box: “Hiện tại, nông dân Sơn La trồng cây ngô vẫn là chủ yếu và khoảng 75% nông dân ở đây thu nhập chủ yếu từ cây ngô. Do đó, đầu tư khoa học công nghệ và những định hướng đúng đắn của các ban, ngành liên quan là rất cần thiết. Việc vận động người dân ở vùng có điều kiện, có thể chuyển từ trồng ngô lấy hạt sang lấy thân chăn nuôi bò sữa, tăng thu nhập cho người dân cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Đồng thời, tiếp tục phát triển cây ngô năng suất cao, đặc biệt các giống ngô chuyển gen (GM), sử dụng đồng bộ giải pháp trên cây ngô cũng nên chú trọng đẩy mạnh”.
MUA GÌ |
Giá lúa, gạo tăng nhẹ
Tuần qua, thị trường lúa, gạo trong nước nhìn chung ở xu thế tăng nhẹ. Cụ thể, tại đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa tươi tại ruộng tăng, trong đó lúa loại 1 từ 4.600 - 4.700 đồng/kg, lúa loại 2 từ 4.500 - 4.600 đồng/kg. Giá lúa khô tại ruộng loại 1 từ 5.400 - 5.500 đồng/kg, lúa loại 2 từ 5.300 - 5.400 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu cũng ở xu thế đi lên, với loại 1 làm ra gạo 5% tấm từ 6.650 - 6.750 đồng/kg, loại 2 làm ra gạo 25% từ 6.600 – 6.650 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm xuất khẩu không bao bì tại mạn trong tuần qua cùng xu hướng. Cụ thể, giá gạo 5% là 7.800 - 7.900 đồng/kg, gạo 15% giá 7.500 - 7.600 đồng/kg, gạo 25% tấm từ 7.100 - 7.200 đồng/kg.
Nghệ An: Được mùa ngô vụ đông
Diễn Châu là một trong những huyện có diện tích trồng ngô vụ đông lớn của tỉnh Nghệ An. Hiện nông dân Diễn Châu đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ, được mùa nên bà con rất phấn khởi. Vụ đông năm 2014 toàn huyện trồng 3.142 héc-ta ngô, năng suất bình quân khoảng 2,7 tạ/sào (5,4 tấn/héc-ta), sản lượng đạt trên 16.966 tấn tăng hơn nhiều so với vụ đông năm 2013. Với giá bán 6.500 đồng/kg, trừ các khoản chi phí bà con nông dân còn lãi 1,5 triệu/sào.
Đồng bằng sông Cửu Long: Bưởi Tết sẽ có giá cao
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có khoảng 11.000 héc-ta bưởi Năm Roi và da xanh. Theo quy hoạch đến năm 2020, các tỉnh ĐBSCL sẽ trồng thêm 25.000 héc-ta bưởi Năm Roi và bưởi da xanh, nhằm phục vụ cho xuất khẩu. Như vậy sẽ nâng tổng diện tích bưởi đặc sản của vùng ĐBSCL lên 36.000 héc-ta. Hiện nhiều nhà vườn cho biết không có nhiều trái chín đúng dịp Tết âm lịch tới đây. Nguyên nhân do năm nay nhuận hai tháng 9 nên bưởi chín sớm hơn năm trước một tháng và cây bị rụng trái nhiều do gặp phải thời tiết bất lợi, ảnh hưởng sương muối. Như mọi năm, vào thời điểm trước Tết hai tháng là giá bưởi giảm mạnh do nguồn cung dồi dào. Còn năm nay thì ngược lại, giá vẫn đứng ở mức khá cao 17.000 đồng/kg bưởi loại 900 gam trở lên. Mức giá này cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến giá bưởi Tết Ất Mùi 2015 phải trên 30.000 đồng/kg, bưởi da xanh phải hơn 50.000 đồng/quả.
Hà Tĩnh: Vụ tôm cuối năm được mùa, được giá
Từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân tại Hà Tĩnh đã mạnh dạn, đầu tư chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh, cải tiến sang nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát và trong ao đất lót bạt, vỗ bờ nhằm phát huy hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước và tăng năng suất, sản lượng. Mức nuôi tôm trung bình của các hộ chăn nuôi ở Hà Tĩnh vào khoảng 2,5 triệu con/vụ, khi thu hoạch đạt năng suất 13 tấn/héc-ta/vụ. Với giá bán dao động 150.000 - 180.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí, người nông dân thu được lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng/héc-ta. Mô hình nuôi nằm trong vùng quy hoạch, áp dụng nuôi tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường, con giống nguồn gốc rõ ràng từ các công ty sản xuất giống có uy tín và đảm bảo chất lượng được kiểm dịch theo quy chuẩn và sạch bệnh. Thực hiện thả nuôi theo đúng lịch thời vụ được cơ quan quản lý ban hành.
Cá lóc “sạch” có giá cao
Phong trào nuôi cá lóc trong mùng lưới ở các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và Hậu Giang phát triển khá mạnh. Vì đây là loại cá sạch được nuôi trên các sông rạch, có nguồn nước vào ra thông thoáng giúp cá mau lớn, nguồn thức ăn đảm bảo sạch, (chủ yếu các loài cá mồi đánh bắt ngoài thiên nhiên như cá nhỏ và ốc).
Chính vì lẽ đó thương lái săn tìm mua loại cá lóc này với giá cao hơn từ 8.000 - 9.000 đồng/kg so với các hộ nuôi cá lóc trong ao, hầm. Hiện nay nước lũ đang rút, cũng là lúc cao điểm người dân thu hoạch cá bán. Cá lóc nuôi được thương lái đến tận nhà dân thu mua ở mức giá từ 35.000 - 36.000 đồng/kg (cá có trọng lượng từ 200 gam/con trở lên). Năm nay cá lóc bán có giá là do năm trước nuôi bị lỗ, năm nay ít người thả nuôi cá lóc trong vèo mùa lũ làm nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ cá lóc trên thị trường vẫn ở mức cao nên đẩy giá tăng. Tuy nhiên, năm nay do ít người nuôi nên giá cá mồi cũng giảm theo khoảng 50% so với mùa lũ trước, giúp người nuôi cá lóc giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Giá cao su thành phẩm tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên
Chủng loại | Giá (đồng/kg) |
SVR 3L | 26.100 |
SVR 20 | 21.300 |
SVR 10 | 21.500 |
SVR 5 | 22.200 |
SVR L | 26.300 |
RSS1 | 26.800 |
RSS3 | 26.300 |
BÁN GÌ |
Giá gạo xuất khẩu giảm 10% do Thái Lan xả kho hàng
Thái Lan đang sẵn sàng bán giá thấp cả đối với gạo tồn kho vụ cũ và gạo mới nên chính sách cạnh tranh bằng giá rẻ của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu cụ thể tác động của sự cạnh tranh của Thái Lan đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trên các khu vực thị trường như: Chủng loại mặt hàng, phương thức tăng cường giao dịch, đẩy mạnh xuất khẩu gạo, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan đối với hoạt động xuất khẩu gạo, giải phóng tồn kho... Trước tình hình này, ngay từ cuối tháng 11, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã điều chỉnh giá sàn xuất khẩu xuống 380 đô-la Mỹ/tấn loại gạo 25%, giảm 10% so với trước. Trên thực tế doanh nghiệp đang cố gắng để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2014. Thế nhưng có thể thấy rằng, cạnh tranh của thị trường xuất khẩu gạo rất gay gắt, nhất là sự cạnh tranh về nguồn cung từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia.
Cần nắm bắt cơ hội xuất khẩu thủy sản vào Nga
Theo Cục Thủy sản Liên bang Nga, hàng năm thị trường này tiêu thụ lượng thủy sản khoảng 4,1 - 4,3 triệu tấn/năm, trong đó cá các loại là 3,4 triệu tấn. Đặc biệt, để tăng nhịp độ nhập khẩu các mặt hàng nông sản, Nga đã áp mức thuế ưu đãi khoảng 0,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 13,2% trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Đây được xem là cơ hội để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào Nga.
Do vậy, các doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, chủ động chắp nối quan hệ với các nhà nhập khẩu, hệ thống siêu thị của Nga và doanh nghiệp người Việt định cư tại Nga. Thông thường, các nhà nhập khẩu Nga chỉ chuyển tiền 30%, phần còn lại sẽ trả trong vòng 60 ngày. Vì vậy, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng, góp phần giải tỏa khúc mắc trong thanh toán. Một số giải pháp cũng cần được quan tâm là: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường tổ chức hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường, kết nối thông tin thị trường Nga...
Xuất khẩu chè sang Pakistan
Pakistan là một trong những thị trường tiêu thụ chè lớn, đầy tiềm năng tại khu vực Nam Á. Trong đó, chè Việt đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng tại quốc gia này. Loại chè được xuất khẩu chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu. Để thúc đẩy đưa mặt hàng chè thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Pakistan, thời gian qua Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như các buổi giao lưu trực tuyến nhằm khắc phục sự thiếu thông tin, giúp doanh nghiệp hai bên có điều kiện tiếp xúc ban đầu, hạn chế rủi ro về khách hàng, chi phí đi lại...
Dự án xuất khẩu nông sản vào thị trường Phần Lan
Thông qua dự án “Hỗ trợ phát triển xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường Phần Lan và Bắc Âu”, Chính phủ Phần Lan muốn giúp doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng trên vào thị trường này. Kinh phí được Chính phủ Phần Lan hỗ trợ cho dự án khoảng 3 tỷ đồng. Hiện nay, các doanh nghiệp ĐBSCL chủ yếu xuất sang Phần Lan cá ngừ và cá tra (trong đó cá tra chiếm đến 97%) nhưng kim ngạch còn rất hạn chế. Trên thực tế, khả năng mở rộng xuất khẩu hàng nông, thủy sản vào Phần Lan nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, để đạt được điều này các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cần có nghiên cứu thị trường và chú trọng hơn vấn đề nhãn mác, bao bì sản phẩm. Thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn, quy định mới, được Phần Lan và các nước Bắc Âu công bố. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra an toàn sức khỏe của công nhân và vệ sinh thiết bị máy móc thiết bị.
Các cơ quan quản lý nhận định, dự án sẽ là cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin, quy định của thị trường này. Đồng thời, thông qua dự án, doanh nghiệp được đào tạo để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến nhằm đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn của Phần Lan và Bắc Âu. Dự kiến đến cuối năm 2015 hoặc chậm nhất là đầu năm 2016, Ban quan lý dự án sẽ tổ chức một số đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường và trực tiếp gặp gỡ các nhà nhập khẩu, phân phối tại Phần Lan và một số nước Bắc Âu để tìm cơ hội hợp tác.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Đắk Nông: Nguy hiểm khi đánh bắt cá bằng xung điện
Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên (Krông Nô) có nhiều người đánh bắt cá bằng thiết bị xung điện. Đây là hành vi nguy hiểm, hủy hoại hệ sinh thái, khiến nguồn lợi thủy sản nước ngọt đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt.
Đa số các thiết bị xung điện này do người dân tự chế hoặc mua sẵn, có thiết kế khá đơn giản, bao gồm một bình ắc quy khoảng 12V được gắn với bộ phận kích điện. Người đánh bắt nối dây dẫn điện xuống 2 cần tre dài khoảng 2 mét có gắn thanh sắt nhọn và vợt sắt rồi bật công tắc thì tạo ra dòng điện mạnh lên đến 220V. Với cách đánh bắt này, các sinh vật, kể cả trứng, ấu trùng đều bị hủy diệt, phải mất nhiều năm mới hồi phục.
Không chỉ dùng bình ắc quy nhỏ, nhiều người còn sử dụng cào điện công suất lớn, trang bị cả thuyền để quét sạch các loại thủy sản trên diện rộng. Trung bình mỗi ngày người sử dụng xung điện bằng bình ắc quy cầm tay có thể bắt được gần chục ki-lô-gam thủy sản các loại, còn với các thuyền cào điện thì số thủy sản thu được gấp 3 - 5 lần. Chính do cách khai thác tận diệt này mà nguồn lợi thủy sản trên các kênh, sông suối Krông Nô bị suy giảm đáng kể và đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Tuy nhiên, rất ít người biết hành vi dùng bình ắc quy để chích cá là vi phạm pháp luật.
Trước tình trạng sử dụng xung điện chích cá ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên, chính quyền địa phương tại các xã nói trên cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để bà con chấp hành tốt hơn.
Phú Yên: Cần ngăn chặn tình trạng phá rừng phòng hộ
Thời gian qua, tại một số địa phương ven biển như xã Hòa Hiệp Bắc, xã Hòa Hiệp Nam, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa; xã An Ninh Đông, xã An Mỹ, huyện Tuy An xảy ra tình trạng bà con tự ý chặt phá rừng phi lao (dương) ven biển để xây dựng các ao nuôi tôm trái phép.
Điều này đã phá vỡ chức năng rừng phòng hộ ven biển, làm cho nước biển dễ dàng xâm thực sâu vào đất liền. Đặc biệt, hiện tượng mặn hóa nguồn nước ngọt ngầm đã xảy ra và gây ô nhiễm môi trường; tình trạng buông lỏng quản lý, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, vi phạm về bảo vệ môi trường, khai thác nước ngầm xảy ra nhiều nơi, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Để kịp thời chấn chỉnh, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-UBND yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố ven biển, các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp: Thứ nhất, nghiêm cấm mọi hành vi chặt phá rừng phi lao và các loại cây trồng khác ven biển, chuyển đổi đất vườn, đất ở để san ủi, đào ao lót bạt nuôi tôm. Chính quyền địa phương nào không kiên quyết xử lý ngăn chặn để phát sinh diện tích ao nuôi mới thì Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố nơi đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc quản lý đất đai, quản lý quy hoạch rừng ven biển. Thứ hai, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển phối hợp với các phòng chuyên môn cấp huyện tăng cường kiểm tra diện tích rừng phòng hộ ven biển, có biện pháp xử lý nghiêm các hộ nuôi tôm trái phép; tuyệt đối không để tình trạng tổ chức, cá nhân tự ý đào ao nuôi tôm trái phép tiếp tục xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định về kiểm soát tạp chất và tác hại nghiêm trọng của hành vi đưa tạp chất vào tôm. Vận động, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP…
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Đồng Tháp:Nhiều mặt hàng nông sản được đưa vào siêu thị
Đến nay đã có 9 pháp nhân ký hợp đồng cung ứng hàng hóa cho Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh (Đồng Tháp) sắp khai trương, gồm các sản phẩm: Rau an toàn xã Mỹ An Hưng A (huyện Lấp Vò), rau an toàn xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự); quýt hồng (huyện Lai Vung); Tổ hợp tác sản xuất cây có múi (Lai Vung); xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh); vựa hải sản Phú Quý (mặt hàng tôm, cua, ghẹ, cá sống); hộ kinh doanh Võ Văn Út (mặt hàng cá biển); Công ty CP khô Tứ Quý (Tam Nông); Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Châu Thành).
Để tạo thuận lợi cho các cơ sở cung ứng, Co.opmart Cao Lãnh sẽ có quầy hàng riêng cho các sản phẩm của tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, phía Siêu thị Co.opmart cũng mong muốn đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh Đồng Tháp vào hệ thống Siêu thị Co.opmart TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác.
Ninh Hòa (Khánh Hòa): Bí đỏ thừa ế do diện tích trồng tăng đột biến
Năm 2013, toàn thị xã Ninh Hòa có khoảng 200 héc-ta diện tích trồng bí đỏ. Bí đỏ chủ yếu chuyển vào tiêu thụ ở thị trường các tỉnh Nam Bộ, nhưng năm nay ở Đồng Nai lượng bí đỏ cũng tăng đột biến và giá rất thấp. Mỗi vựa phía Nam hiện đang tồn đọng hàng trăm tấn bí; muốn chuyển ra thị trường miền Bắc cũng rất khó vì cũng có nhiều nơi trồng bí đỏ. Hơn nữa, chi phí vận chuyển cũng tăng hơn 3 lần so với trước...
Một thực tế khác là những người dân trồng bí đỏ ở Ninh Hòa không hề hay biết về sự biến động của thị trường đối với sản phẩm. Cứ thấy năm trước bí bán được giá là năm sau họ mở rộng diện tích trồng loại cây này. Vì vậy, năm 2013, toàn xã trồng khoảng 50 héc-ta bí đỏ, giá cao nên bà con lãi nhiều. Nhưng nhận thấy đầu ra hết sức bấp bênh nên chính quyền xã đã khuyến cáo bà con không mở rộng diện tích. Đến năm 2014, diện tích trồng bí đỏ tự phát tăng lên trên 200 héc-ta, trong khi giá bán lại rất thấp nên tuy rất được mùa nhưng việc người trồng bị thua lỗ là tất yếu.
Điều đáng lưu ý là vụ năm nay không phải lần đầu tiên bà con trồng bí đỏ lâm vào cảnh được mùa mất giá. Gần đây nhất là năm 2012, khi đó giá bí chỉ có 500 đồng/kg đã khiến nhiều hộ trồng bí bị lỗ, nhiều gia đình phải mang công mắc nợ vì bí đỏ. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương ở Ninh Hòa bên cạnh sự tuyên truyền giải thích cũng cần có những giải pháp quyết liệt, triệt để hơn để tình trạng này không tái diễn với bí đỏ cũng như các loại nông sản khác.
Xuất khẩu lô nhãn tươi đầu tiên sang thị trường Mỹ
Ngày 8/12/2014 vừa qua, lô quả nhãn tươi đầu tiên có trọng lượng 900 ki-lô-gam của Công ty TNHH Ánh Dương Sao (quận 7, TP. HCM) đã chính thức được xuất khẩu bằng đường hàng không sang thị trường Mỹ.
Mặc dù giá cước vận chuyển đường hàng không cao hơn nhiều so với đường biển, tuy nhiên dự báo giá nhãn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể được bán với giá khoảng hơn 400.000 - 500.00 đồng/kg (quy đổi từ đô-la Mỹ sang tiền Việt).
Ngoài Công ty TNHH Ánh Dương Sao, hiện nhiều công ty xuất khẩu rau quả khác như Công ty TNHH Nông sản Việt (TP.HCM), Công ty TNHH Xuất khẩu Trái cây nhiệt đới (Bến Tre)… cũng đã có kế hoạch sẽ xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ trong thời gian tới. Ngoài việc xuất khẩu bằng đường hàng không, các doanh nghiệp đã có kế hoạch xuất khẩu nhãn bằng đường biển sang thị trường Mỹ với khối lượng lớn.
Bên cạnh đó, hiện tại Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cùng với các doanh nghiệp nói trên, có sự hỗ trợ của các chuyên gia Mỹ đang nỗ lực tiến hành hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Mỹ để xuất khẩu vải thiều trồng ở phía Bắc sang thị trường Mỹ bắt đầu từ vụ vải năm 2015. Đồng thời hiện Cục BVTV cũng đang làm việc với đoàn chuyên gia kiểm dịch thực vật của Úc để hoàn thiện các điều kiện về kiểm dịch thực vật đối với quả vải xuất khẩu sang nước này.
Hiện cả nước có trên 60 nghìn héc-ta nhãn. Ở đồng bằng sông Cửu Long nhãn tập trung ở các tỉnh Vĩnh Long (9.520 héc-ta), Đồng Tháp (4.780 héc-ta), Tiền Giang (5.460 héc-ta), Bến Tre (4.609 héc-ta)... Việc khơi thông xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ được sẽ mở ra triển vọng mới cho loại cây ăn trái này. Đặc biệt ở các vùng trồng trọng điểm ở ĐBSCL.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Đồng Tháp: Nhà vườn chuẩn bị nhiều giống hoa mới phục vụ Tết
Chuẩn bị cho mùa hoa Tết Ất Mùi 2015, các nhà vườn và trung tâm giống của tỉnh Đồng Tháp đã trồng nhiều loại hoa chủ lực như cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Tiger, vạn thọ, hoa hồng, cát tường, xác pháo, yến thảo, hoa chuông cấy mô, cúc đồng tiền cấy mô... để phục vụ trong dịp Tết.
Trại giống Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc đã chuyển giao 2.000 cây hoa chuông cấy mô (còn gọi là hoa phú quý, tử la lan) cho nông dân khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông trồng thử nghiệm năm đầu tiên. Mỗi nông dân tham gia mô hình nhận 250 cây giống hoa chuông sạch bệnh, được hỗ trợ 60% tiền mua cây giống và 30% chi phí mua vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, Trại giống Tân Khánh Đông cũng phối hợp Trạm Khuyến nông thành phố chuyển giao 13.000 cây giống cúc đồng tiền cấy mô cho nông dân làng hoa. Tại nhiều khu vườn, bà con đã chuẩn bị sẵn sàng hàng chục ngàn chậu kiểng lá với hàng trăm loại khác nhau. Trong đó có nhiều giống mới như sứ quan âm, đuôi công, đuôi phụng... để phục vụ cho phân khác thị trường cao cấp.
Phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc cho biết vụ hoa Tết năm nay, nông dân làng hoa Sa Đéc không chỉ tập trung vào các loại hoa truyền thống mà còn nhân ra nhiều loại giống hoa, kiểng lá với nhiều giống mới. Đặc biệt, Hợp tác xã hoa kiểng Tân Quy Đông là đầu mối, hỗ trợ cả đầu vào lẫn đầu ra cho người trồng hoa đã góp phần cho nông dân an tâm sản xuất hoa kiểng. Năm nay, ngoài việc hỗ trợ giống cho các xã viên, Hợp tác xã còn liên kết với trại giống để cung cấp giống cây sạch bệnh cho bà con. Đồng thời, liên kết với một số khách hàng lớn ở thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi khác để làm đầu mối cung ứng hoa Tết.
Đồng bằng sông Cửu Long: Sản xuất rau an toàn còn nhiều khó khăn
Trong những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng rau tăng trưởng nhanh, chiếm gần 30% diện tích trồng rau cả nước. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu tiêu thụ rau an toàn ngày càng cao thì thực tế sản xuất rau an toàn ở đây còn gặp nhiều khó khăn.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có rất nhiều chủng loại giống rau thích nghi được với đất đai, thời tiết của vùng. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, khí hậu tương đối ổn định, nóng ấm, là điều kiện phù hợp phát triển rau nhiệt đới. Các chính sách quy hoạch trồng trọt rau ĐBSCL đã tạo điều kiện cho việc phát triển rau trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác chọn lọc nhân giống vẫn chưa được đầu tư đúng mức, phần lớn do bà con nông dân tự thực hiện. Trong khi đó, đa số bà con nông dân thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng rau, sử dụng giống không có nguồn gốc, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Sản xuất rau vẫn còn mang tính nhỏ lẻ nên chưa đảm bảo về chất lượng cũng như sản lượng. Hoạt động quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu rau ĐBSCL chưa được chú trọng, khó cạnh tranh với các sản phẩm rau của các địa phương khác. Đặc biệt, bà con nông dân chưa ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác rau màu như : Màng phủ nông nghiệp, nhà lưới, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học… Phần lớn nông dân trồng rau vẫn làm theo phương thức cũ như sử dụng phân bón hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều, sử dụng nhóm thuốc có độ độc cao, vệ sinh an toàn trong vùng sản xuất rau chưa đảm bảo. Công tác tư vấn, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu quảng bá rau an toàn, rau Vietgap chưa được quan tâm. Đây là những nguyên nhân chính khiến cho rau an toàn chưa phát triển được ở hầu hết các vùng trồng rau trong vùng.
HÀNG VIỆT |
Khát vọng xây dựng thương hiệu chè Ba Trại
Vẫn là sản phẩm chè trồng trên đất Ba Trại, nhưng nhờ đầu tư giống, kỹ thuật và đăng ký mã số, mã vạch một cách bài bản, chè của gia đình ông bà Dũng Thủy đã có giá bán lên tới 250.000 đồng/kg, trong khi giá chè Ba Trại bán ngoài chợ chỉ 100.000 đến 120.000 đồng/kg.
Thiếu “danh” nên “phận” mỏng manh
Với 3.000 hộ trồng chè, chiếm tới 90% số hộ của xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội), nhưng những người biết làm, dám làm như gia đình ông bà Dũng Thủy (xóm Đô, thôn 3, xã Ba Trại) không nhiều. Chính vì vậy, gần 60 năm gắn bó với cây chè, với sản phẩm chè được nước, đậm hương, có vị ngọt… nhưng đến nay, sản phẩm chè Ba Trại vẫn loanh quanh ở chợ quê, hoặc theo các thương lái lên vùng chè Phú Thọ, Thái Nguyên nhưng mang một cái tên khác.
Thực tế này đã diễn ra từ rất nhiều năm nay và là điều khiến người trồng chè ở Ba Trại trăn trở. Bởi lẽ, sản lượng chè Ba Trại chiếm tới 1/3 sản lượng chè của huyện Ba Vì, chè Ba Vì cũng đã được công nhận thương hiệu từ hơn 3 năm nay, nhưng với người Ba Trại, thương hiệu chè Ba Vì vẫn chỉ là “hữu danh, vô thực”.
Trong chuyến làm việc tại xã Ba Trại mới đây, chúng tôi đã có dịp thăm nhà anh Bùi Văn Chí (thôn 3, xã Ba Trại) đúng lúc anh đang hối hả với công việc sao chè. Đang là thời tiết đầu đông nhưng trán anh Chí vẫn lấm tấm mồ hôi. Gắn bó với cây chè đã nhiều năm nay, anh Chí thừa nhận, trồng chè cho lợi ích kinh tế hơn hẳn các cây trồng khác như khoai, ngô, sắn… Với 5 sào chè hiện có, gia đình anh Chí thu được 3,3 tạ chè khô/năm, với giá bán 150.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí, anh cũng thu được khoảng 40 triệu đồng/năm từ trồng chè. Tuy nhiên, anh Chí cũng như hầu hết các hộ trồng chè ở Ba Trại vẫn tiêu thụ sản phẩm theo những hình thức nhỏ lẻ như: mang ra chợ xã, chợ huyện bán, hoặc bán cho những người đi thu mua lẻ… Với cách tiêu thụ này, giá bán chè thường không ổn định, chất lượng chè nhiều khi cũng bị đánh đồng.
Xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị
Do được trồng ở vùng đất có khí hậu mát mẻ, không phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu nên chè Ba Trại khá an toàn. Vậy nhưng do không có thương hiệu, nên chè Ba Trại được người Hà Nội tìm mua chủ yếu thông qua người quen với số lượng không lớn, sản lượng chè còn lại được thu gom để bán với giá trị không cao, dao động từ 80.000 đến 150.000 đồng/kg, tùy loại chè. Đây thực sự là một thiệt thòi lớn cho người trồng chè, bởi với uy tín, mối quan hệ với khách hàng, nhiều chủ cơ sở bán chè ở Hà Nội chỉ thêm 1 vài động tác như: đóng gói, quảng bá, 1 kg chè Ba Trại đã có giá lên tới 250.000 – 350.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Dần – Phó Chủ tịch xã Ba Trại: Hiện Ba Trại có gần 500 héc-ta trồng chè với 9 làng nghề chế biến chè búp khô. Với sản lượng, 7,5 đến 8 tấn chè búp tươi/héc-ta, cây chè đã góp phần không nhỏ vào việc nâng thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc Kinh, Mường của xã lên 18 triệu đồng/người/năm (năm 2014).
Với các dự án của UBND TP. Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội… mấy năm trở lại đây, Ba Trại đã đầu tư trồng thay thế và trồng mới 60 héc-ta chè, trong đó có 10 héc-ta chè VIETGAP. “Bước đầu, diện tích chè VIETGAP đã cho hiệu quả cao gấp đôi so với cách trồng chè thông thường. Tuy nhiên, diện tích được áp dụng quy trình này vẫn còn quá khiếm tốn” – ông Dần nói.
Cũng theo ông Dần, thay vì việc mạnh ai nấy trồng, dùng thuốc trừ sâu không đúng quy định như trước đây, giờ đây, người trồng chè ở Ba Trại đang tích cực cải tạo một số giống có năng suất, chất lượng cao, thay dần những giống cũ. Nhiều hộ đã có ý thức cao trong việc bón phân gì, thuốc bảo vệ thực vật như thế nào để đảm bảo an toàn.
Cố gắng là vậy, ý thức về vai trò quan trọng của thương hiệu cũng đã rõ ràng, nhưng để xây dựng được thương hiệu chè Ba Trại vẫn là một thách thức lớn. Bởi lẽ đại đa số người trồng chè vẫn sản xuất theo quy mô gia đình, làm được đến đâu tự tiêu thụ đến đó, không có tổ chức, trung tâm thu mua để đưa sản phẩm ra thị trường. Hơn thế, cũng không có một đơn vị nào kiểm định, quản lý về mặt chất lượng để chè Ba Trại có được sự khẳng định về chất lượng, sự bảo hộ, bảo lãnh về uy tín, pháp lý…
Chính vì vậy, mong ước lớn nhất của người trồng chè ở Ba Trại là nhận được hỗ trợ của Nhà nước về chủ trương, chính sách; sự vào cuộc của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, tìm tòi các giống chè cho năng suất, chất lượng cao; sự đầu tư của các doanh nghiệp về vốn và kỹ thuật… Có như vậy, chè Ba Trại mới thực sự là sản phẩm hàng hóa, cây chè mới trở thành cây trồng hiệu quả cho kinh tế cao.
Hoàng Mai
NHÀ NÔNG CẦN BIẾT |
Chăm sóc cây cà phê mùa khô
Mùa khô Tây Nguyên thường kéo dài từ tháng 11 đến trung tuần tháng 4 hàng năm. Vào giữa và cuối mùa khô, trời nắng nóng kéo dài, đây cũng là giai đoạn ảnh hưởng quan trọng đến năng suất, chất lượng của cà phê. Bà con cần thực hiện các biện pháp chăm sóc đúng cách để cà phê sinh trưởng và phát triển tốt.
Bón phân
Nhu cầu dinh dưỡng của cà phê trong mùa khô rất cao. Đây cũng là giai đoạn cây cà phê phân hóa mầm hoa, hình thành hoa và nở hoa, đậu quả, quả non phát triển. Trên thực tế, bà con nông dân thường chỉ bón phân urê hay sunphát amôn (SA) vì các loại phân bón trong mùa mưa không hoàn toàn thích hợp để bón cho cà phê mùa khô, đồng thời kết hợp với tưới. Đây là các dạng phân đạm dễ tan và việc bón các loại phân này đã đáp ứng một phần nhu cầu đạm của cây nên cà phê có xanh tốt hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ bón phân đạm như trên thì không đáp ứng được nhu cầu lân, kali và các trung vi lượng của cây cà phê trong giai đoạn phân hóa mầm hoa, nở hoa, đậu quả trong mùa khô.
Hiện nay bà con nông dân đã có thể yên tâm nhờ phân bón Đầu Trâu mùa khô (NPK 20-5-6+TE) chuyên dùng cho cây cà phê. Với thành phần đạm cao, lân và kali vừa phải (20% N, 5% P2O5, 6% K2O) và đầy đủ các chất trung và vi lượng, giúp cà phê hồi phục nhanh sau thu hoạch, thúc đẩy phân hóa mầm hoa tốt, ra nhiều hoa, hoa nở đều và tập trung, tỷ lệ đậu quả cao, giảm tỷ lệ rụng quả, quả lớn nhanh, năng suất cao và chất lượng cà phê tốt. Phân bón này có khả năng tan nhanh 99,9% nên rất thích hợp với việc bón phân kết hợp tưới nước và hoàn toàn thay thế được urê, SA hay các loại phân khác.
Liều lượng bón:
Trong mùa khô có thể bón từ 2 - 3 lần phân Đầu Trâu mùa khô với lượng 200 - 300 kg/héc-ta/lần, kết hợp với các đợt tưới. Nếu thu được năng suất cao thì cây mất sức nhiều nên cần phải bón lượng cao. Bón ngay khi tưới nước lần đầu bằng cách xả nước vào bồn cho gần đủ lượng nước cần tưới để nước ngấm xuống tầng đất dưới. Rải phân vào bồn rồi tưới lại để phân tan ra ngấm vào tầng đất mặt, hạn chế thất thoát phân bón. Vào cuối mùa khô, quả cà phê đã vào giai đoạn lớn nhanh, lúc này nhu cầu lân và kali của cà phê tăng cao, mặt khác cũng là thời điểm đất khô kiệt nhất, lân và kali hòa tan trong đất giảm mạnh nên có thể dùng phân NPK 16-16-8+13S Đầu Trâu để bón kết hợp tưới lần cuối.
Tưới nước
Kỹ thuật tưới gốc cho cây cà phê có chi phí nhiên liệu thấp, nước được dẫn trực tiếp vào gốc cây bằng các ống nhựa dẻo có đường kính từ 35 - 45 mi-li-mét. Để tưới trực tiếp vào gốc cà phê (tưới gốc), bà con tiến hành đào bồn hạn chế được sự tổn thương của bộ rễ. Cà phê năm đầu trồng mới chỉ cần tưới với lượng nước 120 lít nước/gốc/lần tưới, chu kỳ 20 - 22 ngày, hai năm tiếp theo (vẫn còn trong thời kỳ cà phê kiến thiết cơ bản) cũng chỉ cần tưới 240 lít/gốc/lần tưới, chu kỳ 20 - 22 ngày. Đối với cà phê vối (robusta) đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, theo quy trình này cũng chỉ tưới 390 lít nước/gốc/lần tưới, chu kỳ 22 - 24 ngày, tiết kiệm được 287 mét khối nước/héc-ta/lần tưới nhưng năng suất cà phê vẫn không thay đổi. Vào mùa khô hanh, diện tích cà phê có trồng cây che bóng chỉ cần tưới 2 đợt, còn đối với vườn cây không trồng cây che bóng, chắn gió cần phải tưới 3 đợt trong một niên vụ.
Tỉa cành
Việc tỉa cành cần tiến hành trong cả năm nhưng đợt tỉa cành cơ bản nhất là sau khi thu hoạch. Cần tỉa những cành khô, cành sâu bệnh, cành già, cành còi cọc hay cành vô hiệu mọc trong tán sát mặt đất hay những cành thứ cấp quá dày vượt trên tán ngay sau khi thu hoạch. Việc tỉa cành cần tiến hành một cách cẩn thận bằng cưa hay kéo sắc để vết cắt ngọt, không bị xước cành. Phải xác định vị trí cắt cho thích hợp để có được bộ tán cân đối, không quá “Nhọn” hay quá “Bè”. Vào cuối mùa khô, sau khi đã bón phân, cành vươn dài thêm, một số cành mới mọc ra, cần tỉa cành tiếp để sửa tán nhằm có được bộ tán cân đối, hợp lý, tập trung dinh dưỡng nuôi quả để có năng suất cao.
Phòng trừ sâu bệnh
Cần chú ý phòng trừ rệp sáp, rệp vẩy, bọ xít trong mùa khô, đặc biệt chú ý đến rệp sáp. Theo dõi thường xuyên để phun ngay khi phát hiện có rệp, nếu để rệp sáp phát triển mạnh, xâm nhập vào chùm quả sẽ rất khó diệt trừ. Phun thuốc Fastac 5EC, Motox 2.5 EC hay Butal 10WP. Nếu cà phê bị rệp vẩy phun Binhmor 40EC. Nếu cà phê bị bọ xít phun thuốc Cypermap 10EC.
Kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi (TACN)
HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ |
Vẫn khó phát hiện và xử lý
Kiểm soát chất lượng và an toàn đối với TACN đang là vấn đề được dư luận xã hội và người tiêu dùng thực phẩm quan tâm, nhất là vấn đề chất cấm và tồn dư kháng sinh... Tuy nhiên, thức ăn có chất cấm và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi là những lỗi vi phạm rất khó phát hiện và xử lý nếu thiếu các giải pháp quản lý đồng bộ.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Trong năm 2013 và 10 tháng đầu năm 2014, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo thường xuyên việc kiểm tra chất cấm đối với nguyên liệu TACN nhập khẩu và sản xuất trong nước bao gồm ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cơ sở chăn nuôi. Theo báo cáo của một số địa phương, có 25,3% số mẫu trong tổng số 217 mẫu kiểm tra vi phạm. Chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là các chỉ tiêu chất lượng công bố và chỉ tiêu an toàn quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật thường thấy như protein thô, canxi, asen… Đặc biệt, trong những thời điểm giá lợn tăng cao ở một số địa bàn nóng như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hưng Yên, Thanh Hóa... hầu hết các cơ sở kinh doanh TACN, thuốc thú y và chăn nuôi vẫn buôn bán các sản phẩm cấm.
Nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với một số địa phương kiểm tra trọng điểm về TACN trong quý 3 năm 2014. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, từ tháng 7/2014 đến nay, Cục Chăn nuôi đã tiến nhành kiểm tra trọng điểm TACN, tập trung ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh TACN hỗn hợp và đậm đặc, trong đó tập trung kiểm tra chủ yếu đối với các cơ sở vừa hoặc nhỏ (công suất thiết kế dưới 15.000 tấn/năm), các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn bổ sung, thuốc thú y, nhất là các cơ sở xếp loại C, các cơ sở không có giấy phép… Kết quả kiểm tra 329 mẫu đã phát hiện 11,6% không đạt các chỉ tiêu về chất lượng, về kiểm soát chất cấm, kết quả giám sát đã phát hiện một cơ sở kinh doanh TACN, thuốc thú y và chăn nuôi sử dụng chất cấm. Các địa phương đã tiến hành xử phạt tổ chức cá nhân vi phạm trong sản xuất TACN với số tiền lên đến gần 550 triệu đồng.
Quản lý vẫn rất khó
Chia sẻ về những khó khăn trong việc quản lý TACN hiện nay, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Hà Nội cho biết, hàng năm thành phố có bố trí ngân sách nhà nước phục vụ cho việc kiểm tra, lấy mẫu TACN để phân tích kiểm tra chất lượng, tuy nhiên số lượng còn quá ít nên chưa thể kiểm soát được chặt chẽ. Bên cạnh đó, do địa bàn có số lượng cơ sở sản xuất TACN lớn, cơ sở sản xuất TACN nhỏ nằm xen kẽ với khu dân cư, địa điểm sản xuất thay đổi thường xuyên. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh TACN có văn phòng tại Hà Nội nhưng lại thuê gia công ở các tỉnh khác nên cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình quản lý. Theo ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, hiện nay, mức xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 119/2013/NĐ-CP đối với hành vi sử dụng chất cấm trên đối tượng chăn nuôi trang trại từ 10 - 20 triệu đồng vẫn thấp so với lợi nhuận trong việc sử dụng chất cấm. Vì vậy, ông Quang kiến nghị điều chỉnh mức xử phạt theo giá trị lô hàng phát hiện chất cấm.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thức ăn có chất cấm và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi là những lỗi vi phạm rất khó phát hiện và xử lý nếu thiếu các giải pháp quản lý đồng bộ. Qua kiểm tra trọng điểm đã phát hiện nhiều đối tượng và các mánh khóe tinh vi của việc kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trong đó có cả doanh nghiệp, thương lái và người chăn nuôi. Một số doanh nghiệp sản xuất TACN theo đơn đặt hàng của đại lý phân phối hoặc người chăn nuôi là chứa đựng nguy cơ rất cao trong các vi phạm về chất cấm cũng như kháng sinh. Để hạn chế tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, rất cần có sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan như nông nghiệp, công thương, y tế, công an. Cần phát huy tốt đa vai trò của nhân dân, các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia vào việc tố giác, tẩy chay hành vi vi phạm về chất cấm, kháng sinh tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, không thể thiếu vai trò của chính quyền cấp xã, phường.
Box: Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Tổ chức kiểm tra giám sát chất lượng TACN phải tiến hành đồng bộ ở các khâu từ sản xuất, kinh doanh đến sử dụng. Phải xem việc kiểm tra này là hoạt động thường xuyên của các cơ quan liên quan chứ không theo kiểu chiến dịch từng đợt. Phải xử thật nghiêm và công khai hóa việc xử lý các vi phạm để nhân dân biết và giám sát.
Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)