Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 30/01/2015

02:59 PM 30/01/2015 |   Lượt xem: 2532 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Thực phẩm Tết : Giá tăng qua từng khâu lưu thông

Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng gia súc, gia cầm, rau củ quả tại các trại chăn nuôi, nhà vườn, vựa rau đang có xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, giá bán lẻ trên thị trường chưa giảm tương ứng mà ngược lại còn tăng. Hành trình của mớ rau, con cá từ đồng ruộng, đến chợ đầu mối, về sạp bán lẻ là những nấc thang có sự cách biệt lớn về giá cả trong từng công đoạn. Điều này gây bức xúc cho bà con nông dân và cả người tiêu dùng.

Nông dân thiệt, trung gian hưởng lợi

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành sản phẩm liên tục tăng trong khi giá đầu ra thấp hơn giá thành sản xuất đẩy người chăn nuôi lâm cảnh khó khăn. Có thể nói, người sản xuất nông nghiệp không chỉ bị thiệt kép mà họ bị thiệt tới 3 lần. Điều đáng nói là, họ đang bị lỗ, giá bán sản phẩm tại ruộng, vườn, ao rất thấp, nhiều khi thấp hơn giá thành, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua lương thực, thực phẩm với giá cao, có khi gấp 2 - 3 lần giá người sản xuất bán ra. Người sản xuất bị ép giá xuống, người tiêu dùng bị đẩy giá lên. Toàn bộ lợi nhuận đã bị rơi vào khâu lưu thông. Chủ cơ sở giết mổ gia cầm tại Đồng Nai cho biết giá thịt gà công nghiệp cung cấp sỉ cho các mối ở TP. Hồ Chí Minh chỉ 29.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng đã bị đẩy lên thêm 16.000 - 17.000 đồng/kg. Tương tự, gà tam hoàng giá sỉ chỉ 55.000 - 56.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ trên thị trường lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg. Thức ăn chăn nuôi từ nhà máy chế biến phải qua từ 2 – 3 đại lý mới đến người chăn nuôi. Lúc này giá thức ăn đã tăng từ 15 - 20%. Khi bán gia súc, gia cầm phải qua thương lái, đến lò giết mổ, từ đó đưa ra chợ đầu mối, về chợ lẻ, lúc này mới đến tay người tiêu dùng. Một lần nữa giá lại bị đội lên vì qua từ 7 – 8 nấc trung gian mới đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, dù giá bán lợn, gà xuất chuồng tại các trang trại quá thấp, nhưng đến chợ, người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao gấp 2 lần. Bà con chăn nuôi cho rằng từ nay đến Tết, giá gia súc, gia cầm sẽ tiếp tục giảm do năm nay nghỉ Tết dài ngày hơn mọi năm.

Mặt hàng rau củ giáp Tết có giá chênh lệch giữa giá thu mua và giá thị trường cũng khiến nhiều nhà vườn bức xúc. Chủ vựa rau tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, một cân su su nhập về chợ đầu mối chỉ mức 700 đồng, nhưng thương lái ở đây bán lẻ đến 2.000 đồng, thu lãi hơn 1.000 đồng/kg. Tiểu thương chợ lẻ cũng chỉ phải tốn thêm vài trăm đồng phí vận chuyển, nhưng khi bán đến tay người tiêu dùng thì có giá đến 6.000 đồng/kg, lãi gần 5.000 đồng/kg. Bà con đầu tư nhiều từ cây giống, phân bón, kỹ thuật nhưng bán hàng chỉ ở giá gốc, lấy công sức của mình bù vào phần lỗ do rau bị rớt giá. Tuy nhiên, khi về đến chợ lẻ thì rau đã tăng giá gần chục lần. Như vậy, các khâu trung gian đã kiếm lợi nhuận trên chính sự thua lỗ của bà con nông dân.
Tháo gỡ khó khăn

Có thể nói, hệ thống phân phối của Việt Nam chưa tốt khiến hàng hóa phải đi lòng vòng qua nhiều khâu trung gian, đẩy chi phí lên cao. Thêm vào đó, chuỗi phân phối hàng hóa còn rời rạc, chia cắt khiến nhà sản xuất không thu được lợi nhuận cao, trong khi người tiêu dùng lại chịu thiệt thòi do phải mua giá cao một cách bất hợp lý. Nếu không tổ chức được chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua hệ thống hợp tác xã (HTX), thì cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng đều bị “móc túi”. Bên cạnh đó, để từng bước khắc phục tình trạng giá thực phẩm tại chợ tăng mà người chăn nuôi không có lãi nhiều, các hộ chăn nuôi cần liên kết, thành lập các HTX để có thể trực tiếp mua thức ăn từ các nhà máy chế biến, tránh qua các khâu trung gian làm đội giá thành. Đồng thời, bán hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước, để không xảy ra tình trạng bị thương lái ép giá.

Các địa phương cần hỗ trợ các tiểu thương xây dựng thương hiệu sản phẩm để bán hàng cho các siêu thị và tiến tới xuất khẩu thịt, mở các lớp đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ nghiên cứu thị trường… để họ có thể nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng và đưa ra những giải pháp hợp lý trong sản xuất kinh doanh.

MUA GÌ

An Giang: Dưa chua, xoài, cóc vào mùa Tết

Năm nào cũng vậy, gần Tết là Cù Lao Giêng ở huyện Chợ Mới, An Giang, lại náo nhiệt cảnh thu gom xoài non, cóc non về chế biến làm dưa đưa đi tiêu thụ. Những trái đã qua tuyển lựa đạt chuẩn được chẻ ra bỏ cùi, đem ngâm nước muối, rửa sạch nhiều lần rồi trộn với nước đường pha ớt cay, xong cho vào bọc đem ướp lạnh, qua vài ngày trở thành món dưa cay chua ngọt. Ở đây, dưa cóc, xoài thường được cho vào bọc trọng lượng từ 300 - 500 gam/bọc và giá bán tại các cơ sở khoảng 24.000 đồng/kg. Theo thống kê của UBND huyện Chợ Mới, diện tích trồng xoài tại 3 xã trên cù lao Giêng khoảng 40.000 héc-ta, cóc khoảng 20.000 héc-ta. Tại Cù Lao Giêng hiện có 4 cơ sở sản xuất cóc, xoài và cứ vào mùa Tết, số lượng hàng được các mối quen, siêu thị đặt trước cả tháng với số lượng mỗi cơ sở từ 20 - 50 tấn.

Khánh Hòa: Ớt mất mùa, giá thấp

Tại Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa năm nay mất mùa do thời tiết nắng hạn kéo dài, cây ớt bị héo trong thời kỳ ra bông nên cho quả không nhiều. Bên cạnh đó cây ớt không chỉ các tỉnh miền Trung trồng được mà các tỉnh miền Nam và một số tỉnh phía Bắc cũng trồng nhiều và đồng loạt thu hoạch, dẫn đến cung vượt cầu. Trong khi đó ớt chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, mà thị trường này rất bấp bênh. Giá ớt hiện nay được các vựa thu mua không ổn định và chỉ ở mức thấp chỉ còn 13.000 - 17.000 đồng/kg (tùy loại). So với năm ngoái giá chỉ bằng 1/3, trong khi chi phí đầu tư năm nay mọi thứ đều tăng cao, nên trừ tất cả chi phí nông dân không có lãi mấy, thậm chí thua lỗ nếu thuê đất trồng ớt. Hiện bà con đã thu hoạch xong đợt đầu, năng suất ước đạt từ 3 - 4 tấn/héc-ta. Với giá ớt thấp như hiện nay nông dân thu hoạch chỉ lấy công làm lãi.

Chuối bày Tết khan hàng, tăng giá

Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng giá chuối bày Tết ở TP. Hồ Chí Minh đã tăng giá chục lần. Hiện tại, giá chuối các loại bán trên thị trường chỉ khoảng 15.000 - 30.000 đồng/nải nhưng đến Tết mỗi nải chuối có thể tăng gấp 10 lần, tức khoảng 150.000 - 300.000 đồng/nải. Thời điểm này, một số thương lái đã lặn lội đến tận các vườn chuối ở huyện Bến Lức, Cần Giuộc (Long An) để đặt hàng trước dù chuối còn khá non. Mỗi buồng chuối xanh từ 6 - 7 nải được chủ vườn ra giá gần 1 triệu đồng. Nhiều chủ sạp hàng trái cây chợ Đầu mối Nông sản Hóc Môn phải xuống các vườn tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang săn hàng vì năm nay, nhiều nhà vườn ký hợp đồng với các đầu mối phía Bắc để xuất khẩu nên chuối vườn hiện nay rất hiếm, chỉ còn chuối cam, dạ hương.

Đà Lạt : Nông sản sấy khô đắt hàng dịp Tết

Hiện nay tại thị trường Đà Lạt (Lâm Đồng), các mặt hàng nông sản chế biến khô được bày bán phong phú và tiêu thụ rất mạnh. Giá cả các mặt hàng này cũng cao gấp nhiều lần nông sản tươi chưa qua chế biến. Giá khoai lang dẻo lên tới 90.000 đồng/kg, hồng Đà Lạt từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, chuối la ba khô từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, rau củ quả sấy khô từ 40.000 – 60.000 đồng/kg, dâu tây khô 100.000 – 120.000 đồng/kg… Chị Ngô Thị Mai Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Ngô Mai Hoa cho biết, ngay từ khi nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản sấy khô, công ty đã sớm đầu tư máy móc và là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng thực hiện thành công quy trình sấy khô nông sản được cấp chứng chỉ HACCP (tiêu chuẩn quốc tế). Công ty đã giúp nông dân tiêu thụ được một lượng nông sản tươi khá lớn với giá ổn định. Các sản phẩm của Công ty Ngô Mai Hoa đã có mặt ở hầu hết các hệ thống siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.

BÁN GÌ

Lai Vung - Đồng Tháp: Giáp Tết, giá hoa huệ tăng cao

Theo thông tin từ một số vựa huệ trên địa bàn huyện Lai Vung, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hoa huệ của thị trường rất lớn. Tuy nhiên, mặc dù diện tích trồng huệ trên địa bàn huyện khá lớn nhưng tổng sản lượng huệ bông của huyện giảm đáng kể do tác động xấu từ thời tiết. Nhiều ruộng huệ ở Lai Vung đang đứt lứa, nguồn cung hạn hẹp trong khi nhu cầu của thị trường đang tăng mạnh.

Hiện tại, bông huệ loại 1 được thương lái thu mua tại vườn có giá dao động từ 2.500 - 3.000 đồng/bông, đặc biệt vào dịp rằm, giá đạt ngưỡng 3.500 - 4.000 đồng/bông. Dự báo, hoa huệ sẽ tiếp tục tăng giá, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Những năm gần đây, cây huệ mang lại cuộc sống và thu nhập ổn định cho nhiều bà con ở huyện Lai Vung. Nhờ trồng huệ mà nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Nếu trồng một công huệ năng suất trung bình thì lợi nhuận cũng cao hơn trồng lúa gấp 10 lần. Sau khi trừ các khoản chi phí, trung bình một công huệ lãi từ 50 triệu - 60 triệu đồng/năm.

Giá hạt ca cao tăng kỷ lục

Bà con trồng ca cao tại Tây Nguyên đang rất phấn khởi vì từ đầu năm 2014 đến nay, giá hạt ca cao lên men liên tục tăng, trong khi vườn ca cao ngày càng cho năng suất ổn định. Theo thông tin từ Ban quản lý Dự án phát triển ca cao bền vững, ca cao đạt chuẩn UTZ tại Tây Nguyên đang được các trạm thu mua trả giá 65.000 đồng/kg, cao nhất kể từ 3 năm trở lại đây và cao gấp đôi so với thời điểm năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu khiến hạt ca cao tăng giá là sản lượng ca cao thế giới sụt giảm, trong khi nhu cầu vẫn tiếp tục tăng. Hạt ca cao tăng giá đã mang lại thu nhập khá cho nông dân, song nhiều người tiếc nuối vì trước đó đã phá dỡ bỏ cây ca cao để trồng cà phê.

An Giang: Hạt é trúng đậm

Vào thời điểm này, đa số các ruộng trồng é tại huyện An Phú, tỉnh An Giang đã được nông dân thu hoạch. Trồng hạt é đến ngày thu hoạch chỉ cần chặt gốc rồi phơi vài nắng sau đó đem tuốt. Công đoạn này diễn ra khoảng 10 ngày là cho ra sản phẩm. Năm trước giá hạt é chỉ ở mức 30.000 – 40.000 đồng/kg (tùy thời điểm), nhưng hiện tại lúc thấp nhất cũng bán được 70.000 – 90.000 đồng/kg, còn những lúc hút hàng lên đến 150.000 - 180.000 đồng/kg.

Hiện nay, bà con nông dân đã chọn cây é để trồng thay lúa và bắp do loại cây này thích hợp vùng đất cồn, chịu hạn tốt, chi phí đầu tư thấp, trồng 1 lần thu 3 vụ/năm.
Thời gian tới, nhất là vụ hè thu, huyện đang khuyến cáo các vùng đất trồng lúa kém hiệu quả nên chuyển sang trồng hạt é.

Khánh Hòa: Nguồn cung khan hiếm, giá chuối tăng

Hiện người dân xã Suối Cát – vựa chuối lớn nhất tỉnh Khánh Hòa đang đối mặt vụ chuối Tết thất thu. Với 750 héc-ta chuối mốc, xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) được xem là vựa chuối lớn nhất tỉnh Khánh Hòa hiện nay. Chuối ở Suối Cát được người dân trồng ở trên đồi, nức tiếng ở vùng Nam Trung bộ vì buồng lớn, trái to. Do thời tiết nắng nóng cộng với sâu bệnh khiến vựa chuối lớn nhất tỉnh Khánh Hòa thất thu nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay, thương lái các tỉnh phía Bắc như: Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Quy Nhơn… mọi năm vào thời điểm này đã ồ ạt vào thu mua, nhưng năm nay rất thưa thớt.
Theo các thương lái, giá chuối Tết dự báo sẽ tăng so với năm ngoái. Trong khi đó, các thương lái thu mua chuối cũng cho biết, năm nay do chuối Suối Cát mất mùa nên lượng chuối chỉ bằng 1/4 so với năm ngoái. Hiện giá chuối sứ ở Suối Cát đã bắt đầu tăng khoảng 50.000 đồng/buồng chuối đẹp. Cụ thể, chuối loại 1 dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/buồng chuối đẹp; chuối loại 2 khoảng từ 250.000 - 300.000 đồng/buồng và chuối loại 3 có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/buồng.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Lỗ hổng trong quản lý vận chuyển, giết mổ gia súc: Người chăn nuôi thiệt hại

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với việc tăng đàn gia súc, gia cầm hiện nay, nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2015 sẽ được đảm bảo. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường và dịch bệnh đã làm chậm việc tái đàn trong các tháng đầu năm, nhưng hiện nay chăn nuôi đang được khôi phục và phát triển nhanh.

Nhu cầu thực phẩm tết sẽ tăng 30%

Chăn nuôi gia cầm đang có xu hướng phát triển tốt do dịch cúm gia cầm được khống chế, giá bán các sản phẩm gia cầm có chiều hướng tăng đã kích thích nhiều hộ chăn nuôi tập trung mở rộng quy mô, tái đàn trở lại. Đến nay, đàn gia cầm của cả nước có hơn 328 triệu con, tăng 4,6%, trong đó đàn gà 243 triệu con tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước… Đây sẽ là nguồn thực phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu dịp Tết năm nay. Dự báo nhu cầu về thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng khoảng 30%. Bên cạnh đó, nguồn cung thực phẩm được đảm bảo, giá ở 3 miền trên cả nước không chênh lệch nhiều.

Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo, từ giờ đến Tết Nguyên đán bà con nông dân cần chăm sóc đàn gia súc, gia cầm theo đúng hướng dẫn của các cán bộ thú y địa phương để cung ứng ra thị trường những sản phẩm chăn nuôi tốt nhất. Đồng thời, nghiên cứu kỹ xu hướng của thị trường để kịp thời đưa đối tượng nuôi vào tăng đàn sau Tết cho phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Lỗ hổng trong quản lý vận chuyển, giết mổ gia súc

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến hành vi bơm nước vào lợn (heo) nhằm tăng khối lượng trước khi giết mổ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người chăn nuôi chân chính. Kể từ khi những thông tin tiêu cực này xuất hiện, hàng trăm hộ chăn nuôi tại Đồng Nai đã thiệt hại vài chục triệu đồng chỉ trong vài ngày. Đặc biệt, giá heo giảm đột ngột ngay khi xuất hiện những thông tin về heo bơm nước đã khiến nhiều người chăn nuôi vì tiếc công sức của mình nên cố giữ đàn. Nhưng càng giữ thì càng lỗ nặng hơn bởi heo lớn lượng mỡ nhiều khiến người tiêu dùng nhầm tưởng heo bơm nước nên càng khó bán hơn. Điều đáng nói, việc bơm nước vào lợn để tăng trọng lượng không phải đến bây giờ mới có, mà việc làm này đã diễn ra từ 2 - 3 năm nay. Chính quyền một số địa phương thừa nhận đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, công tác xử lý lại chưa đủ sức răn đe nên tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn ở nhiều địa phương. Cụ thể, Nghị định 119 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đối với “hành vi vi phạm cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ,” bị phạt từ 5 - 6 triệu đồng. Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục là “buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật làm thức ăn chăn nuôi đối với hành vi vi phạm trên.” Trên thực tế, đối với những cơ sở vi phạm với số lượng hàng trăm con khi buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm thức ăn chăn nuôi thì ai làm và làm theo quy trình nào? Trong khi Nghị định này vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, do đó các ngành như công an và thú y đều lúng túng khi ra quyết định xử phạt.

Người chăn nuôi là đối tượng chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất từ những thông tin tiêu cực như thịt heo bơm nước vừa qua. Nhưng có một nghịch lý ở đây là họ lại không có vai trò quyết định trong việc giải quyết những vấn đề này. Và nguồn lợi của họ, cuộc sống của họ luôn phải treo trên những rủi ro từ các khâu trong cả chuỗi giá trị này.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Đắk Lắk: Triển vọng mới từ mô hình nuôi cá trắm đen

Trước đây, cá trắm đen thường được nuôi ghép với một số loài cá truyền thống để sử dụng diện tích và nguồn thức ăn tự nhiên trong ao như ốc, rêu... Tuy nhiên, việc thực hiện nuôi thả cá trắm đen theo phương pháp truyền thống, cá lớn chậm, dễ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Từ năm 2008, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã tiến hành nuôi thử nghiệm cá trắm đen theo hình thức công nghiệp, sử dụng thức ăn công nghiệp nhằm thay đổi tập tính của loài cá trắm đen từ một loài ưa thích ăn ốc, thức ăn tự nhiên sang ăn thức ăn công nghiệp, để giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh tế. Khi áp dụng mô hình này vào thực tế đã được bà con ở nhiều địa phương đánh giá cao. Tại Đắk Lắk, Chi cục Thủy sản đã triển khai thực hiện 2 mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn viên tổng hợp tại huyện Buôn Đôn và Krông Pak, bước đầu đã cho thấy đây là hướng đi rất có triển vọng. Với giá bán hiện nay khoảng từ 140.000 - 180.000 đồng/kg thì lợi nhuận mà cá trắm đen mang lại cao hơn các loại cá truyền thống khác từ 3 - 4 lần.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 42.000 héc-ta diện tích mặt nước chuyên dùng và sông suối có khả năng nuôi trồng và khai thác thủy sản. Năm 2014, diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản 9.522 héc-ta, sản lượng nuôi trồng đạt 16.500 tấn, gồm các đối tượng cá truyền thống, cá rô phi, thủy đặc sản và cá nước lạnh. Sự thành công của mô hình cá trắm đen sẽ mở ra hướng mới để nông dân lựa chọn chuyển đổi cơ cấu đàn cá nuôi bởi đây là loại cá có giá trị kinh tế cao, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Đắk Lắk. Bên cạnh đó, cá trắm đen trên thị trường Đắk Lắk rất ít, giá bán lại khá tốt, nhu cầu người mua rất nhiều.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, mặc dù cá trắm đen là loại cá quý, có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cá truyền thống khác nhưng nông dân không nên phát triển theo phong trào dẫn đến thị trường bão hòa, rớt giá.

Giá xăng dầu giảm: Ngư dân yên tâm bám biển

Thời gian gần đây, bên cạnh những tín hiệu vui từ Nghị định 67 của Chính phủ dần đi vào cuộc sống, thì việc giá xăng dầu liên tiếp giảm sâu đã tác động tích cực đến hoạt động đánh bắt hải sản của bà con ngư dân Phan Thiết (Bình Thuận). Gánh nặng về kinh phí của mỗi chuyến ra khơi giảm đáng kể, giá cá ổn định là những yếu tố giúp bà con yên tâm bám biển trong vụ cá bấc năm nay.

Gần nửa tháng qua, thời tiết trên biển không thuận lợi khiến cho nhiều tàu thuyền của bà con ngư dân ở Phan Thiết phải neo bờ. Tuy nhiên, các chủ thuyền đã tận dụng thời gian này tiến hành tu bổ ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt cuối năm. Nhiều chủ thuyền cho biết, giá xăng dầu liên tục giảm giúp bà con mạnh dạn đi những chuyến biển dài ngày. Với mức giá hiện nay, họ tiết kiệm được từ hàng trăm đến hàng triệu đồng/ngày tùy theo độ lớn của tàu. Từ tháng 7/2014 tới nay, giá xăng dầu liên tục giảm nhiều đợt. Ở lần giảm giá gần nhất vào ngày 21/1/2015, giá bán lẻ dầu diesel giảm 1.460 đồng, từ mức 16.630 đồng/lít xuống còn 15.170 đồng/lít, nâng tổng mức giảm của mặt hàng này trong 6 tháng qua xuống đến 7.650 đồng/lít. Giá dầu giảm mạnh, trong khi đó giá thu mua cá giữ ổn định, một số loại còn có xu hướng tăng nên bà con ngư dân hết sức phấn khởi. Riêng những mặt hàng hải sản chuyên dùng để tẩm, phơi khô phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi như: cá chỉ, cá chai, mực… giá thu mua còn tăng từ 30 - 40% so với 2 tháng trước. Mặc dù thời tiết vụ bấc có nhiều biến động nhưng bù lại giá nhiên liệu đang ở mức thấp, trong khi giá cá dự báo thời điểm cuối năm có thể tăng khiến ngư dân hết sức phấn khởi trước mỗi chuyến ra khơi.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá trái cây dịp Tết biến động thất thường

Đang vào thời điểm cận Tết đến, các nhà vườn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tất bật chuẩn bị cho những sản phẩm trái cây phục vụ thị trường. Thời tiết mưa - nắng thất thường đã buộc các nhà vườn phải gia tăng công chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ để chống đỡ. Thế nhưng đến nay, giá nhiều mặt hàng trái cây vẫn dao động ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước và thiếu ổn định, giá đầu ra của sản phẩm hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái.

Quýt hồng Lai Vung là trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp nhờ trái to, màu sắc đẹp và chín ngay dịp Tết nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm nay, nhiều chủ vườn ở Lai Vung (Đồng Tháp) - thủ phủ của quýt hồng lại kém vui do diện tích quýt hồng giảm hơn chục héc-ta so năm trước. Thời tiết năm nay còn “nghịch” với tỷ lệ đậu trái do nhuận hai tháng nên việc xử lý quýt chín đúng Tết rất khó. Hầu hết các vườn quýt đều chín sớm 1 tháng nên phải bán trước Tết. Trong khi đó các chủ vườn canh đúng thời điểm lại đối mặt với nạn mất mùa. Bình quân giá thành quýt dao động ở mức 15.000 đồng/kg.

Người trồng sầu riêng ở Tiền Giang cũng không khá hơn khi giá bán sản phẩm đã đồng loạt giảm 50% so với gần 1 tháng trước với mức giá chỉ dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/kg. Giá sầu riêng hiện nay không ổn định nên giá bán dao động rất lớn tùy theo địa phương và thương lái. Bên cạnh đó, nhiều chủ vườn cam, xoài ở Tiền Giang, Vĩnh Long… cũng dự báo năng suất sẽ giảm vài tấn/héc-ta. Nhiều diện tích chín sớm, năng suất giảm… là những yếu tố khiến nhà vườn hy vọng sẽ trúng giá vào dịp Tết theo nguyên lý “mất mùa - được giá”. Thực tế thị trường cũng đang manh nha tín hiệu khả quan, khi giá một số loại trái cây đang tăng nhẹ như cam xoàn từ 28.000 - 30.000 đồng/kg tăng lên 32.000 - 34.000 đồng/kg, quýt đường từ chỗ rớt dưới mức 15.000 đồng/kg đã vọt lên 22.000 - 23.000 đồng/kg, hay như xoài Cát Chu từ 28.000 - 30.000 đồng/kg tăng lên 30.000 - 33.000 đồng/kg... Tuy nhiên, thực tế nhà vườn tập trung cho thị trường Tết nên khả năng thu hoạch dồn vào dịp Tết gây tình trạng dội giá, dội chợ là rất lớn. Nhất là đến thời điểm này các thương lái vẫn giữ “im lặng” với việc ra giá, đặt cọc… khiến các nhà vườn lo lắng về đầu ra.

Tiền Giang: Hành tím vụ Tết mất giá, đầu ra bấp bênh

Trồng củ hành tím vụ Tết đã trở thành nghề truyền thống của nông dân ven biển xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang). Bà con trồng củ hành tím vụ Tết này chỉ hòa vốn hay có lợi nhuận thấp.

Trái ngược với không khí phấn khởi mọi năm, Tết Nguyên đán 2015 này, nông dân trồng củ hành tím ở xã Tân Điền lo lắng do giá củ hành tím từ đầu vụ tới nay nằm ở mức thấp, thị trường khó tiêu thụ. Bà con trồng củ hành tím vụ Tết này chỉ hòa vốn hay có lợi nhuận thấp. Hàng năm vào khoảng tháng 10 âm lịch, nông dân xuống giống khoảng 150 héc-ta củ hành tím, tập trung chủ yếu ở ấp Nam và ấp Trung và đến đầu tháng chạp thì thu hoạch để phục vụ thị trường Tết với thời gian trồng đến thu hoạch trong 2,5 - 3 tháng. Tuy nhiên, năm nay do nhuận 1 tháng, một số nông dân đã bắt đầu trồng hành tím từ đầu tháng 9 âm lịch nên đã thu hoạch cách đây 1 tháng. Năm nay, bệnh thối củ lại hoành hành, chất lượng giống thấp nên năng suất củ hành tím bình quân chỉ đạt 1,2 tấn/công, giảm 0,2 tấn/công so với năm ngoái. Hiện nay, thương lái thu mua củ hành tím tươi tại ruộng với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với thời điểm đầu vụ cách đây 1 tháng. Tuy nhiên, giá củ hành tím hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức 18.000 - 20.000 đồng/kg của năm ngoái. Nguyên nhân khiến giá củ hành tím vụ này nằm ở mức thấp là do năm ngoái trồng củ hành tím có lợi nhuận khá cao nên năm nay nhiều địa phương trồng hành tím như Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Hồng Ngự (Đồng Tháp) tăng diện tích và trồng sớm hơn khiến nguồn cung đầu vụ tăng. Mặt khác, hiện nay chưa có một doanh nghiệp hay tổ chức nào đứng ra ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định cho nông dân mà chủ yếu là bán cho thương lái địa phương rồi giao lại cho các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh. Do đó, thời gian qua ngành nông nghiệp chưa khuyến khích bà con trồng loại củ này mà chủ yếu là do người dân tự phát.

BÀ CON CẦN BIẾT

Bỏ thuế VAT: Vì sao giá thức ăn chăn nuôi không giảm nhiều?

Từ ngày 1/1/2015, thức ăn chăn nuôi (TACN) sẽ không nằm trong diện phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Đây là một tin vui đối với người chăn nuôi bởi theo lý thuyết, nếu giảm thuế VAT 5% thì giá TACN cũng sẽ được giảm 5%. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bỏ thuế VAT đối với TACN sẽ không làm giá TACN giảm nhiều.

Giá TACN chỉ giảm 1 - 2%

Một doanh nghiệp sản xuất TACN lớn cho biết: Trong năm 2014, có 4 loại nguyên liệu đầu vào trong sản xuất TACN, bao gồm: ngô, sắn, cám gạo, tấm (chiếm khoảng trên 40% chi phí nguyên liệu đầu vào) đã được miễn thuế VAT. Tuy nhiên, vẫn còn 6 loại nguyên liệu – nhóm nguyên liệu TACN đầu vào trong sản xuất TACN (chiếm khoảng 60% chi phí nguyên liệu đầu vào) vẫn còn phải chịu thuế VAT. Trong đó, các nguyên liệu phải chịu thuế VAT 5%, bao gồm: khô đậu tương; bã cải; DDGS (nguồn nguyên liệu sản xuất TACN cho bò sữa và gia súc, gia cầm); bột thịt và nhóm các nguyên liệu phụ gia, chi phí sản xuất, bao bì cùng chịu thuế VAT từ 5 - 10%.

Có thể phân tích cụ thể, giá thành của 1kg TACN bình quân năm 2014 (chưa bao gồm thuế VAT) là khoảng 9.170 đồng, trong đó: Tổng chi phí đầu vào của nhóm nguyên liệu phải chịu thuế VAT xấp xỉ 5.700 đồng, tổng chi phí của nhóm nguyên liệu đầu vào không phải chịu thuế VAT là khoảng 3.470 đồng. Nếu cộng thêm 5% thuế VAT đầu ra, cùng lợi nhuận bình quân mà doanh nghiệp thu được khoảng 500 đồng/kg, thì giá 1kg TACN tới tay người chăn nuôi sẽ vào khoảng 10.154 đồng. Trong đó, số tiền thuế 5% VAT tăng thêm sẽ vào khoảng 458,5 đồng/kg (9.170 đồng/kg giá thành x 5% VAT = 458,5 đồng).

Từ ngày 1/1/2015, sản phẩm TACN mà doanh nghiệp sản xuất TACN bán ra sẽ không còn phải chịu thuế VAT 5%, nhưng không có nghĩa là toàn bộ khoản thuế VAT như vừa nêu sẽ được bãi bỏ. Bởi theo tính toán của doanh nghiệp sản xuất TACN, giá TACN sẽ chỉ giảm nhẹ khoảng 1 - 2% so với trước.

Nguyên nhân khiến giá TACN không giảm nhiều

Tóm lại, việc bỏ thuế VAT đối với TACN thành phẩm chỉ giúp giá TACN giảm rất nhẹ (theo dự đoán khoảng 1 - 2% so với trước đó), chứ hoàn toàn không phải giảm 5% y như mức thuế VAT bị xóa bỏ.
Nguyên nhân là theo quy định, đối với nhóm chi phí phải chịu thuế VAT đầu vào (khoảng 5.700 đồng/kg như đã nêu), khoản thuế 5% VAT phải cộng thêm vào sản phẩm khi bán ra sẽ vào khoảng 285 đồng/kg (5.700 x 5% = 285 đồng). Do thuế VAT được đánh vào người chăn nuôi nên theo quy định, khoản thuế này các doanh nghiệp sản xuất TACN sẽ được hoàn lại. Kể từ ngày 1/1/2015, do không còn áp dụng thuế 5% VAT đối với sản phẩm TACN bán ra thị trường, nên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sản xuất TACN sẽ không còn được hoàn lại khoản thuế đối với nhóm nguyên liệu phải chịu thuế VAT đầu vào này nữa. Tuy nhiên, do 6 loại nguyên liệu – nhóm nguyên liệu và vật tư đầu vào từ năm 2015 sẽ vẫn chịu mức thuế VAT tương tự như năm 2014. Vì vậy theo quy định, doanh nghiệp sản xuất TACN sẽ vẫn cộng thêm khoản thuế 5% (khoảng 285 đồng/kg) đối với nhóm nguyên liệu chịu thuế VAT đầu vào này vào giá bán sản phẩm. Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký lại giá bán sản phẩm trước thuế và giá bán sản phẩm sau thuế với cơ quan thuế. Điều này có nghĩa là người chăn nuôi sẽ vẫn phải chịu thuế VAT 5% đối với khoảng 60% chi phí trong giá thành nguyên liệu đầu vào của TACN.

Theo tính toán, giá bán TACN năm 2015 sẽ vẫn vào khoảng trên 10.000 đồng/kg (so với 10.154 đồng/kg vào thời điểm cuối năm 2014). Như vậy theo tính toán, mỗi ki-lô-gam TACN tới tay người chăn nuôi sẽ chỉ giảm khoảng hơn 150 đồng, tương đương khoảng hơn 1,5% so với năm 2014.

Box: Trước tình hình này, ngay đầu tháng 1/2015, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản gửi các địa phương yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân đạm urê, phân NPK, TACN giảm giá trước biến động giảm giá của các yếu tố đầu vào. Nguyên nhân do thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón, thức ăn cho gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác đã giảm. Mặt khác, từ quý 3/2014 đến nay, giá phân bón urê trên thị trường thế giới, giá các nguyên liệu chính sản xuất TACN và giá xăng dầu trong nước biến động giảm mạnh. Tuy nhiên, giá mặt hàng phân đạm urê, phân NPK, TACN chưa thể hiện rõ xu hướng giảm.

CHỐNG BUÔN LẬU GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại: Cần tạo sự chuyển biến rõ rệt

Tại Hội nghị triển khai công tác quản lý thị trường (QLTT) năm 2015 và Quán triệt Chỉ thị 30/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường Công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm soát thị trường, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm

Ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết: Mặc dù tình hình thị trường vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, nhằm trốn tránh, chống đối hoạt động kiểm tra kiểm soát nhưng công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được lực lượng QLTT thực hiện quyết liệt. Vì vậy, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu đã có chuyển biến, giảm về quy mô so với nhiều năm trước. Đối với thuốc lá nhập lậu là một trong những mặt hàng trọng điểm được lực lượng QLTT chú trọng kiểm tra kiểm soát, đặc biệt là ở các địa phương “nóng” như: Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang… Trong năm 2014 lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra trên 13.367 lượt, xử lý 8.905 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 25 tỷ đồng, tịch thu khoảng 2 triệu bao thuốc lá các loại.

Đại diện Chi cục QLTT Đà Nẵng cho rằng: Hiện nay, hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai tại nhiều nơi công cộng, nhưng khi lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện và thu giữ phải khẳng định được là hàng giả trước khi xử lý nên rất bất cập và mất nhiều thời gian cũng như kinh phí giám định. Bên cạnh đó, muốn giám định hàng giả, hàng nhái phải có yêu cầu từ chủ thể bị làm giả thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngại xác nhận có hàng giả bởi tâm lý sợ làm ảnh hưởng tới thương hiệu.

Theo ông Tín, trong năm 2015, lực lượng QLTT sẽ chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, trên diện rộng hoạt động kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm đối với một số mặt hàng trọng điểm như: thực phẩm, thuốc lá, xăng dầu, gas, phân bón vô cơ...

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã được trên mặt trận chống buôn lâu… còn nhiều hạn chế yếu kém. Những hạn chế yếu kém này không phải mới xuất hiện từ năm 2014 mà có khá nhiều nội dung đã tồn tại từ nhiều năm nay. Tuy nhiên việc khắc phục, cải thiện tình hình còn chậm.

5 biện pháp cần thực hiện trong năm 2015

Năm 2015, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại ngày càng phức tạp, các đối tượng sẽ lợi dụng kẽ hở chính sách để vi phạm hoạt động thương mại ngày càng gia tăng. Vì vậy, để kiểm soát thị trường, nhất là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, lực lượng quản lý thị trường cần thực hiện triệt để các biện pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát khuôn khổ pháp lý của hoạt động phòng chống gian lận thương mại nói chung và QLTT nói riêng. Bởi vì nếu chúng ta không có khuôn khổ pháp lý đầy đủ phù hợp với tình hình thực tế thì căn cứ pháp lý để triển khai công tác QLTT, xử phạt, khắc phục hậu quả sẽ rất hạn chế.

Thứ hai, phải phối hợp tốt hơn hiệu quả hơn giữa lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng: hải quan, thuế, biên phòng, bộ đội, cảnh sát, cảnh sát biển… để tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Thứ ba, đối với lực lượng QLTT phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bởi thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu kinh doanh vận chuyển ngày càng tinh vi, chúng sử dụng phương tiện công nghệ cao, trang thiết bị hiện đại… Nếu QLTT không có biện pháp khắc phục sự yếu kém thì chắc chắn hiệu quả sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Thứ tư, phẩm chất đạo đức của đội ngũ QLTT thị trường cũng phải được nâng cao tương ứng. Nếu buông lỏng phẩm chất đạo đức, sa ngã… thì có cố gắng đến mấy công tác QLTT cũng sẽ bị hạn chế.
Thứ năm, công tác QLTT không chỉ là việc riêng của ngành công thương, càng không phải của riêng lực lượng QLTT. Muốn công tác QLTT hiệu quả, cần có sự tham gia của nhân dân, dư luận, các cơ quan chức năng. Nếu chúng ta không có biện pháp đúng, huy động mọi nguồn lực tham gia mặt trận này thì hiệu quả của công tác QLTT sẽ vẫn thấp như hiện nay.

HÀNG VIỆT

Ngô nếp tím Mường Lò

Đến với thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vào tháng 12, nhiều du khách được đồng bào dân tộc Thái giới thiệu một loại đặc sản lạ nhưng quá thân quen. Đó là ngô nếp tím - một nông sản mới mang thương hiệu “Ngô nếp tím Mường Lò”.

Bà Hà Thị Vân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi cho biết, từ 5 héc-ta ngô tím trồng thử nghiệm cho năng suất và thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng ngô nếp thường, thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với Hội liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi - SUDECOM triển khai dự án hỗ trợ phát triển mô hình trồng ngô nếp tím lai. Mục đích của dự án này nhằm tăng thu nhập, giảm nghèo cho hộ dân tộc thiểu số xã Nghĩa Lợi - Thị xã Nghĩa Lộ.

Trong thời gian triển khai dự án, hơn 90 hộ dân tộc Thái của xã Nghĩa Lợi - Thị xã Nghĩa Lộ được hưởng lợi từ dự án chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mô hình trồng ngô nếp tím lai Fancy 111 đặc sản; được tập huấn kỹ thuật trồng ngô nếp tím lai Fancy 111 và phòng trừ dịch hại cho cây ngô; được hỗ trợ hạt giống, phân bón gồm NPK, đạm, kali; hỗ trợ thuốc phòng, trừ sâu bệnh và hỗ trợ khuyến nông phòng dịch hại cho cây ngô.

Chị Lường Thị Hồng Chung dân tộc Thái ở bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là hộ gia đình trồng ngô tím cho biết, ngô nếp tím mềm, dẻo, ngon và thơm đặc trưng, nhiều chất dinh dưỡng. Do vậy, ngô thường được các bà, các chị chế biến thành những món ngon và rất quen thuộc như: Xôi ngô, ngô nướng, luộc... Đặc biệt là rượu ngô nếp tím được ủ với men lá cây rừng tạo hương vị riêng, mang đậm bản sắc dân tộc.

Dự án triển khai có hiệu quả sẽ từng bước nâng mức thu nhập của hộ nghèo các dân tộc thiểu số xã Nghĩa Lợi. Đồng thời, vùng lòng chảo Mường Lò cũng từng bước xây dựng một thương hiệu mới về nông sản với các sản phẩm chế biến từ ngô nếp tím Mường Lò.

Sản phẩm hương Quán Hương (Quảng Nam): Đảm bảo thương hiệu và chất lượng

Tết được xem là dịp làm ăn hiếm có của làng nghề sản xuất hương Quán Hương ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, làng hương lại hối hả làm việc để cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Nét đặc trưng trong sản phẩm của làng nghề Quán Hương là bột hương được làm từ hai hỗn hợp chính gồm bột quế Trà My (một loại đặc sản của vùng đất xứ Quảng) và bột vỏ cây bời lời đỏ ở vùng đất Tây Nguyên. Chính vì vậy, thẻ hương có mùi thơm ngát, tốc độ cháy chậm và không gây hại tới sức khỏe. Ông Võ Tấn Hiếu, Trưởng ban đại diện làng nghề Quán Hương cho biết làng có 180 hộ dân, trong đó hơn 100 hộ làm hương với trên 300 lao động. Trước đây, người dân làng nghề thường làm hương thủ công theo phương pháp se hoặc nhúng bột lên tăm hương, sau đó, việc sản xuất chuyển dần qua sử dụng bằng máy đạp chân. Hiện nay, hầu hết các gia đình làm nghề đều sử dụng máy điện. Việc sử dụng máy điện giúp tăng năng suất, rút ngắn được nhiều thời gian giao sản phẩm cho khách hàng. Người dân trong làng làm nghề quanh năm nhưng trong dịp Tết là nhộn nhịp nhất. Để kịp giao các đơn hàng ở xa, những ngày này người dân Quán Hương còn tranh thủ làm tới 1 - 2 giờ sáng. Trung bình mỗi tháng, thu nhập của mỗi lao động đạt khoảng 3 triệu đồng, trong tháng cuối năm này có thể tăng gấp đôi. Để đảm bảo thương hiệu, chất lượng hương, ở làng nghề hiện nay đã có 6 hộ đầu tư máy móc, cung ứng nguyên liệu tại chỗ cho các hộ sản xuất; trung bình mỗi tháng các hộ này cung ứng 30 tấn tăm hương và 50 tấn bột các loại. Hàng năm làng nghề sản xuất khoảng 800 tấn hương, thị trường tiêu thụ khắp cả nước. Riêng trong dịp Tết mấy năm gần đây, số lượng hương của làng không đủ cung ứng cho thị trường, nhiều gia đình đã tranh thủ sản xuất ngay từ dịp hè vì thời điểm đó có nắng to. Hiện nay, nhiều gia đình còn sản xuất thêm mặt hàng hương vòng, viên hương trầm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)