Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 27/03/2015

03:10 PM 28/03/2015 |   Lượt xem: 2758 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đưa nhiều hơn nữa hàng Việt đến vùng miền núi, dân tộc

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương rất lớn, đã tiến hành được 5 năm, đang đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, từ năm 2015, Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu rộng hơn, cho nên phải quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở mọi nơi, trong đó có vùng miền núi, dân tộc.

Mong muốn của “Tư lệnh” Ủy ban Dân tộc


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) - Giàng Seo Phử cho rằng, chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc vận động người dân tăng cường dùng hàng Việt là một chủ trương trúng và có ý nghĩa. Vì từ điều kiện hội nhập, Việt Nam hiện đã sản xuất được đủ các loại sản phẩm chất lượng cao, có loại chất lượng “vừa vừa”, phù hợp với các điều kiện sống và thu nhập của người dân từng vùng miền.
Nói về hàng hóa phục vụ vùng miền núi dân tộc, “Tư lệnh” UBDT đánh giá rất cao các doanh nghiệp vượt khó trong sản xuất, vận chuyển tiêu thụ các sản phẩm hàng Việt Nam, đặc biệt là các loại vật tư và hàng tiêu dùng cần thiết cho người lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Mấy năm qua, thực hiện chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành đều cung ứng các loại hàng hóa, nhất là vật tư, phân bón, hàng tiêu dùng thiết yếu đến cho người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá tích cực và trách nhiệm.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương - Chuyên đề Dân tộc Thiểu số & Miền núi về việc UBDT có đề nghị gì trong việc đưa hàng Việt lên miền núi, vùng dân tộc? Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử nói rõ: “UBDT mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan khác, đánh giá, rà soát lại, từ đó có sự lựa chọn trong việc cung ứng đến vùng sâu, vùng xa nhiều hơn nữa các loại mặt hàng do Việt Nam sản xuất phù hợp với khả năng tập quán tiêu dùng của đồng bào các dân tộc. Đồng thời cũng triển khai tích cực hơn các giải pháp tư vấn, hỗ trợ thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhằm một phần ổn định đời sống của người dân miền núi, dân tộc và nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc”.

Lưu ý khi đưa hàng Việt đến miền núi

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Từ năm 2015, báo chí phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền không chỉ về chủ trương, chính sách, giải pháp đầu tư nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt và các giải pháp tích cực đưa hàng Việt về mọi vùng miền ở thị trường trong nước của các doanh nghiệp, các bộ, ngành, mà phải chú ý tuyên truyền cả những điển hình tập thể, cá nhân trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cũng cho rằng, hàng Việt hướng chủ yếu đến địa bàn trọng điểm là các đô thị, khu vực tập trung đông dân cư - nơi có sức mua lớn. Tuy nhiên, cũng phải chú trọng đưa hàng hóa về nông thôn, vì khu vực này, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cũng rất lớn. Việc đưa hàng hóa trong nước sản xuất lên vùng núi, vùng dân tộc là đương nhiên, để đáp ứng nhu cầu, có thêm thị trường, nhưng đồng thời cũng thực hiện chính sách dân tộc miền núi.

Từ suy nghĩ ấy, ông Kỷ đưa ra 2 lưu ý quan trọng. Thứ nhất, khi đưa hàng hóa đến miền núi phải tính đến đặc thù từng dân tộc và vùng miền. Ví dụ, bà con có những bộ đồ truyền thống rất đẹp, thì ngành may mặc phải quan tâm sản xuất chất liệu vải nào gần với chất liệu vải của bà con, chứ không thể “bắt” bà con dân tộc cũng mặc những bộ comple, hay áo sơ mi, như người Kinh. Thứ hai, đưa hàng lên miền núi thì giá thành vận chuyển cao lên, cũng có mặt hàng chuyện bảo quản khó khăn hơn, do đó cũng phải xem xét yếu tố đó và có hỗ trợ cước vận chuyển để doanh nghiệp tích cực đưa hàng đến vùng khó khăn.

BÁN GÌ

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá phân bón bình ổn

Dù nhu cầu tiêu thụ phân bón trên thị trường tăng do các địa phương vùng ĐBSCL bước vào vụ sản xuất hè thu 2015 nhưng giá nhiều loại phân bón trên thị trường vẫn duy trì đà ổn định. Hiện giá urê Phú Mỹ và đạm Cà Mau tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp (là đại lý cấp 1) ở TP. Cần Thơ còn 379.000 - 382.000 đồng/bao; nhiều loại urê Trung Quốc có giá 380.000 đồng/bao; urê BO Hóa Nông (loại hạt xanh, nhuyễn) giá 530.000 đồng/bao; urê Cilic Hóa Nông: 485.000 đồng/bao; urê TE Hóa Nông 575.000 đồng/bao. Giá các loại phân DAP Trung Quốc, DAP Mỹ và nhiều loại DAP nội địa (như DAP Đình Vũ) giá từ 530.000 - 610.000 đồng/bao. Trong khi đó, NPK 20-20-15 Thuận Hưng giá 530.000 - 540.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Nguồn Sinh Thái và NPK 20-20-15 Việt Quang giá 590.000 - 610.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Hóa Nông loại TE có giá khoảng 710.000 đồng/bao… Phân bón chuyên dùng phục vụ cho rau màu và cây ăn trái cũng khá đa đạng về chủng loại và giá cả. Hiện nhiều loại phân NPK chuyên dùng phục vụ cho rau màu và cây ăn trái của các thương hiệu như: Đầu Trâu, YARA, Hóa Nông… có giá từ 286.000 - 710.000 đồng/bao, tùy loại. Theo chủ nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở TP. Cần Thơ, giá phân bón sẽ tiếp tục xu hướng bình ổn và có khả năng giảm giá trong thời gian tới do nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh về giá giữa nhiều loại phân bón nội địa và nhập khẩu.

Đà Lạt: Giá khoai tây và hành giảm mạnh

Hiện giá khoai tây trên địa bàn TP. Đà Lạt được thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 5.500 đồng/kg, giá hành tây cũng chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg. Hai mặt hàng này đều giảm giá tới 50% so với niên vụ trước. Nguyên nhân giảm là do thời gian gần đây tiểu thương Lâm Đồng nhập về quá nhiều khoai tây và hành tây từ Trung Quốc với giá thấp khiến hai mặt hàng này không cạnh tranh nổi. Theo Sở nông nghiệp – Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện ở Đà Lạt có khoảng 200 héc-ta khoai tây chính vụ và hơn 170 héc-ta hành tây.

Tiền Giang: Cá tra giống khan hàng, giá tăng

Từ đầu năm 2015 đến nay, giá cá tra giống tăng mạnh trở lại do cá tra thịt có giá ổn định ở mức khá cao, nhiều nông dân thả giống cá nuôi vụ mới, cộng với sản lượng cá giống trên thị trường giảm. Hiện nay, giá cá tra giống tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với tháng trước nên người ương cá tra giống phấn khởi vì có lãi cao. Một nông dân ương cá tra giống ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy cho biết, giá cá tra giống trong thời gian gần đây có xu hướng tăng cao trở lại nên những nông dân ương cá tra giống còn trụ lại được với nghề rất phấn khởi. Cá tra giống bán tại ao ương cỡ 30 con/kg có giá từ 40.000 - 42.000 đồng/kg, còn cá tra giống cỡ 50 con/kg được thu mua với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg; tính ra giá cá tra đã tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với tháng trước.
Toàn tỉnh hiện có 200 héc-ta ương cá tra giống với sản lượng giống cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 200 triệu cá giống. Diện tích nuôi cá tra thịt toàn tỉnh khoảng 123 héc-ta, hàng năm cần 80 triệu cá tra giống thả nuôi với sản lượng cá tra thịt thu hoạch khoảng 36.000 tấn.

Hậu Giang: Giá nấm rơm sẽ tiếp tục tăng

Tại xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), giá nấm rơm ngày một tăng, hiện mỗi cân nấm được thương lái đến tận nhà thu mua là 48.000 – 50.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng. Được biết, nấm rơm chất 2 tuần sẽ cho thu hoạch. Mỗi ngày hái một lần, trong một vụ chất thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 20 ngày. Bình quân năng suất đạt từ 15 - 20 kg/công rơm. Chi phí tiền mua rơm, meo, thuốc bảo vệ thực vật, thuê lao động... cho đến thu hoạch khoảng 20 triệu đồng/ghe (60 công rơm). Với giá bán như hiện tại, mỗi ghe rơm sẽ cho lợi nhuận khoảng trên 30 triệu đồng.

MUA GÌ

Trung Quốc cấp hạn ngạch nhập gạo

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, Trung Quốc vừa cấp quota (hạn ngạch) nhập gạo cho thương nhân nước này. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi hai tháng đầu năm nay các doanh nghiệp vẫn chưa ký được hợp đồng lớn, thậm chí có doanh nghiệp không bán được hạt gạo nào. Trung Quốc mở cửa cho nhà nhập khẩu mua gạo từ Việt Nam, đó là tín hiệu tích cực đối với xuất khẩu gạo nước ta, giúp tiêu thụ tốt lượng lúa gạo thu hoạch vụ đông xuân. Trung Quốc sẽ nhập khẩu gạo từ Việt Nam bằng đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch.
Với thông tin trên cộng với việc Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang Indonesia, 240.000 tấn sang Malaysia sẽ tạo thông tin tích cực góp phần tăng giá gạo trong nước lẫn giá gạo xuất khẩu.

Đồng bằng sông Cửu Long: Chanh tươi tăng giá gấp đôi

Thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ cao khiến giá chanh tươi tăng mạnh. Các chủ vườn ở Long An, Bến Tre cho biết, hiện thương lái thu mua chanh từ 22.000 - 30.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với trước tết. Với mức giá này, bà con nông dân rất vui mừng vì trung bình một vườn chanh bà con thu được 20 - 25 triệu đồng. Tại các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức (tỉnh Long An), hơn 5.000 héc-ta chanh đang vào mùa thu hoạch. Một số ít sản lượng được các đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh thu mua, số còn lại tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Thanh Hóa: Su su giảm giá

Tại khu vực chuyên canh trồng rau an toàn xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang diễn ra tình trạng su su được mùa, nhưng mất giá khiến bà con nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ trong vụ đông xuân năm nay. Nếu như các năm trước giá su su có thời điểm lên tới trên 10.000 đồng/kg, thì hiện tại loại quả này chỉ có giá dưới 1.000 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm chỉ 200 đồng/kg, nhưng vẫn không có người mua. Với giá bán hiện nay, bà con nông dân sẽ không thu đủ vốn đầu tư từ đầu vụ. Bởi theo tính toán, giá su su phải trên 1.200 đồng/kg người trồng mới có lãi.

Xã Hoằng Hợp có nghề trồng rau sạch truyền thống, trong khoảng 80 héc-ta rau sạch của xã có tới 15 héc-ta su su, tập trung chủ yếu tại các thôn Phú Quý, Lộc Bình, Lộc Thọ, Minh Quang...

Khánh Hòa: Tỏi mất mùa, mất giá

Người trồng tỏi ở Khánh Hòa đang đối diện với một mùa tỏi thua lỗ nặng nề do mất mùa, mất giá. Tại vựa tỏi của tỉnh Khánh Hòa ở xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa), nhiều vựa tỏi bị dòi tấn công nên chỉ thu hoạch được 50%. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài, thiếu nước nên tỏi bị héo hàng loạt, củ nhỏ, năng suất thấp. Một hộ trồng tỏi ở Ninh Phước, cho biết, mọi năm, 1 sào là đạt 1 tấn tỏi, nhưng năm nay tỏi mất mùa, chỉ đạt 7 tạ/sào. Hiện nay, giá tỏi cũng đang giảm mạnh. Trung bình giá 1 kg tỏi tươi là 18.000 - 20.000 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, nhiều hộ dân trồng tỏi ở Khánh Hòa đã chuyển sang phơi nắng, bán khô. Tính trung bình 100 kg tỏi tươi sau khi phơi khô đạt khoảng 60 - 65 kg. Hiện 1 kg tỏi khô dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, tuy nhiên, chi phí thuê nhân công rất tốn kém. Thông thường, mỗi mẻ tỏi khô phải phơi 5 - 7 nắng và mỗi lao động được trả 130.000 - 150.000 đồng/ngày.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Ứng dụng các biện pháp thu trữ nước phòng chống hạn hán

Tại các tỉnh Trung và Nam bộ, đặc biệt là tại các tỉnh Nam Trung bộ, hạn hán vẫn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Do đó bà con cần nắm được các biện pháp thu trữ nước để phòng chống hạn hán và hình thức canh tác nông lâm kết hợp được cấp nước từ hệ thống thu trữ nước.

Thu trữ nước ngầm phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi

Tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nước trữ ngầm trong đồi cát tạo dòng chảy ngầm ngấm dần dưới chân đồi. Nhưng nếu không có biện pháp lưu trữ, nguồn nước ngầm này nhanh chóng bị bốc hơi vì nắng nóng.
Cách thu trữ nước ngầm

- Hệ thống ống thu nước và dẫn nước: Ống nhựa HDPE đường kính 10 cen-ti-mét, được đục lỗ một nửa trên theo chiều dọc ống và quấn lưới lọc nylon đặt dọc theo chiều dài tuyến thu nước và tập trung vào các giếng bê tông. Kẹp giữa 2 ống thu nước là một ống dẫn nước không đục lỗ có tác dụng dẫn nước giữa các giếng bê tông và bể chứa. Toàn bộ hệ thống ống thu và dẫn nước được đặt cách mặt đất trung bình là 3 mét.

- Hệ thống giếng bê tông đường kính 75 cen-ti-mét, dày 7,5 cen-ti-mét: Gồm 5 giếng, mỗi giếng có chiều sâu 1,5 mét gồm 3 khoanh ống bê tông lưới thép đúc sẵn, mỗi khoanh giếng cao 0,5 mét được xếp lên nhau và chít mạch bằng vữa xi măng, đáy giếng đặt cách mặt đất 3 mét. Đáy và mặt giếng đều đặt tấm bê tông cốt thép M200 dày 10 cen-ti-mét chống cát làm tắc.

- Bể lọc và chứa tập trung 20 mét khối xây bằng gạch xây tường 22 cen-ti-mét, đáy và nắp bằng bê tông cốt thép. Bể có 3 ngăn (nước đến, ngăn lọc và ngăn nước sạch). Nước được thu vào các đường ống dẫn về giếng và tăng áp dọc theo chiều dài tuyến thu nước. Cuối cùng nước được dẫn về hệ thống bể lọc và phân phối cho các hộ gia đình.
Kết hợp với mô hình nông lâm

- Đào ao thu trữ lượng nước ngầm dưới chân đồi cát để tưới cho cây trồng trong mô hình nông lâm kết hợp trên đồi. Ao được trải vải lọc và lát khan đá quanh bờ, chiều sâu nước tối thiểu là 1,5 mét.
- Xây dựng hệ thống bơm nước lên đồi: Đặt một máy bơm dầu D8 và hệ thống đường ống đẩy chính là ống nhựa HDPE mềm đường kính 6 cen-ti-mét, mỗi đoạn dài 20 mét trên đường ống chính bố trí một trụ vòi để nối với ống mềm đường kính 2,7 cen-ti-mét để bà con có thể tưới cho cây trồng trên đồi.

- Trồng cây trên cùng là dải băng rừng với 5 hàng cây xoan chịu hạn (neem) mật độ cây cách cây 1,5 mét hàng cách hàng 2 mét trồng so le các cây giữa các hàng với nhau; tiếp theo là 24 mét trồng thuần cây ăn quả (điều ghép, xoài); tiếp xuống dưới chân đồi là diện tích trồng cây ăn quả xen canh với cây nông nghiệp (mãng cầu, ớt, dưa...); diện tích phía thấp nhất dưới chân đồi dùng để canh tác nông nghiệp trồng hành, tỏi, đậu phộng hoặc dưa..

Thu trữ nước mưa trên đồi cát

Do đặc điểm đất vùng duyên hải Nam Trung bộ chủ yếu là đất cát có tính thấm mạnh, lượng mưa lại nhỏ nên lượng dòng chảy mặt rất nhỏ, cần phải có biện pháp gia cố bề mặt hứng nước để tăng lượng nước thu trữ.

Cách thu trữ nước mưa

- Hệ thống trữ nước: Gồm các bể trữ nước trên sườn dốc, dung tích của bể được tính toán đảm bảo đủ cung cấp bổ sung nước cho cây trồng trong mùa khô; bể được che đậy để tránh bốc hơi gây tổn thất nước. Một số loại bể chứa đã được thử nghiệm trong đó bể bằng HDPE và bể xi măng đất có những ưu điểm nổi trội như giá thành rẻ, dễ xây dựng, dễ bảo quản.

- Hệ thống phân phối nước: Sử dụng các ống nhựa PVC, ống được chôn xuống đất để tránh lão hoá.

Kết hợp canh tác nông lâm nghiệp

Ngoài cùng trồng cây dầu lai làm hàng rào, vừa chống cát xâm nhập vừa ngăn súc vật vào phá. Dầu lai là một loài cây bản địa nên khả năng chống chịu hạn rất lớn, chỉ cần tưới nước trong 3 - 4 tháng đầu sau khi trồng. Khi cây đã phát triển, bộ rễ ăn sâu xuống tầng cát ẩm thì không cần phải tưới. Trong hàng dầu lai bố trí 2 - 3 hàng cây neem chắn gió, mục đích là để giảm tốc độ gió trong khu canh tác, hạn chế xói mòn do gió. Trong cùng bố trí đất trồng cây nông nghiệp ngắn ngày. Trong mùa mưa có thể trồng toàn bộ diện tích, trong mùa khô chỉ trồng một phần diện tích theo lượng nước thu trữ được.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Xây dựng thương hiệu vải chín sớm Phương Nam

Những năm gần đây, vải chín sớm được trồng nhiều ở phường Phương Nam (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), tập trung chính ở các khu Phong Thái, Cẩm Hồng, Hiệp Thanh...

Diện tích trồng vải đã lên tới 315 héc-ta và đã có 960 hộ tham gia trồng vải. Mặc dù phường Phương Nam đã thử mở rộng cây vải này ra nhiều thôn khác trên địa bàn, nhưng điều lạ là chỉ trồng ở những thôn gần con sông Đá Bạc, loại vải này mới cho vị thơm ngon. Lợi thế nhất là chín sớm (vào khoảng đầu tháng 5), sớm hơn so với vải tu hú từ 7 - 10 ngày và vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn từ 20 - 30 ngày. Từ cuối năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức cấp bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể vải chín sớm phường Phương Nam. Chính quyền địa phương đã chủ động, tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động bà con trồng vải đăng ký xây dựng thương hiệu. Theo quy chế xây dựng nhãn hiệu tập thể vải chín sớm phường Phương Nam, các hộ tham gia đăng ký thương hiệu phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản quả vải... Trong vụ vải 2014, phường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải. Đồng thời, tuyên truyền để bà con tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tập huấn quy trình, kỹ thuật dán tem, nhãn mác, đóng gói, bảo quản quả vải. Nhờ vậy, cây vải phát triển tốt, quả vải chín đều, đẹp, chất lượng, nên giá bán cao và ổn định hơn mọi năm, từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Đặc biệt, sản phẩm vải chín sớm đã có bao bì đóng gói, nhãn mác đầy đủ, nâng cao thương hiệu, giá trị, ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm tạo dựng được hình ảnh trên thị trường, từ đó có hướng phát triển ổn định hơn.

Cây vải chín sớm hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Phương Nam. Vấn đề mở rộng và phát triển vùng chuyên canh vải là hướng đi đúng đắn của chính quyền địa phương trong những năm qua, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể là bước đi thành công ban đầu cho cây vải. Tuy nhiên, để nâng tầm thương hiệu cho cây vải chín sớm này, hơn lúc nào hết rất cần sự vào cuộc và quan tâm của chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành trong việc quản lý hoạt động sản xuất, bảo quản sản phẩm, giám sát sản phẩm trước khi tiêu thụ…

Khánh Hòa: Cần sớm có biện pháp quản lý, điều tiết nghề nuôi thả ốc hương

Những năm gần đây, do tôm sú, tôm thẻ liên tiếp mất mùa nên nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh Khánh Hòa đã chuyển sang nuôi ốc hương.

Nếu như trước tết, giá bán ốc hương tại các hồ nuôi ở mức 210.000 - 220.000 đồng/kg, thì nay đã tăng lên gần 240.000 đồng/kg và đang tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do thời điểm này đang vào vụ nuôi chính, nên nguồn cung cấp ốc thịt rất khan hiếm. Mặt khác, thị trường Trung Quốc năm nay khan hiếm ốc hương vì rét đậm nên rất nhiều thương lái tìm đến Việt Nam để thu mua.

Trước đây người dân Khánh Hòa chủ yếu nuôi ốc hương bằng lồng trên biển nên không kiểm soát được nguồn nước và dịch bệnh. Còn hiện tại, hầu hết người dân cải tạo các đìa nuôi tôm để thả nuôi ốc hương nên diện tích ngày một tăng, khiến nguồn cung cấp con giống cũng khan hiếm. Hiện hầu hết người nuôi ốc hương đều phải đặt cọc với các chủ trại sản xuất ốc giống trước cả tháng.

Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có trên 500 trại sản xuất ốc hương giống, tập trung chủ yếu ở địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Đến năm 2014, các địa phương ven biển có 290 hec-ta đìa và hơn 100 bè nuôi ốc hương, sản xuất 2 vụ/năm, sản lượng đạt 2.800 tấn. Đến đầu năm 2015, do bước vào vụ nuôi chính nên diện tích thả nuôi ốc hương đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, nguồn thức ăn của ốc hương chủ yếu là cá tạp, do đó khả năng tác động đối với môi trường là rất lớn. Nhưng đến hiện tại chưa có văn bản nào hướng dẫn về quản lý và kiểm dịch đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống ốc hương cũng như việc nuôi thương phẩm. Vì thế, việc quản lý chất lượng đầu ra cũng như phòng trừ dịch bệnh trên đối tượng nuôi này còn bỏ ngỏ.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Sắn được giá: Nguy cơ phá vỡ quy hoạch

Bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang thu hoạch sắn. So với thời điểm năm trước, năm nay giá sắn khô cao hơn nên bà con nông dân phấn khởi vì có lãi.

Tuy nhiên, đi liền đó là mối lo về những hệ lụy khi nông dân mở rộng diện tích sắn một cách ồ ạt trong thời gian tới. Nếu như niên vụ trước, giá sắn khô trên thị trường chỉ đạt 3.300 - 3.400 đồng/kg, thì niên vụ này giá sắn đã tăng lên 3.800 - 3.900 đồng/kg. Với giá này, trừ chi phí về cây giống, thuê người trồng và thu hoạch thì bà con lãi khoảng 15 - 17 triệu đồng/héc-ta. Điều đáng mừng là không chỉ giá sắn tăng cao mà ngay cả các thương lái thu mua sắn cũng tấp nập hơn mọi năm.

Theo quy hoạch, tỉnh Đắk Lắk giữ diện tích 15.000 héc-ta sắn là phù hợp, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn. Do vậy, việc giá sắn tăng cao trở lại như hiện nay thì nguy cơ phá vỡ quy hoạch diện tích trồng sắn là điều có thể xảy ra. Bởi việc ồ ạt trồng sắn chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy như: Không làm chủ được giá cả thị trường dẫn đến tình trạng “thừa người bán, thiếu người mua”. Đặc biệt, khi trồng sắn ồ ạt sẽ dẫn đến sự thoái hóa đất, xói mòi đất… Nguy hiểm hơn cả là cây sắn bung ra sẽ phá vỡ quy hoạch trồng các loại cây khác.
Ngoài ra, việc tăng diện tích trồng sắn cũng là nguyên nhân khiến một số diện tích rừng tự nhiên bị mất, đe dọa trực tiếp đến môi trường sinh thái. Nếu sau này nông dân muốn bỏ sắn để quay về trồng cây khác sẽ rất khó khăn. Do vậy ngành nông nghiệp cần khuyến cáo bà con nông dân chỉ nên trồng sắn với diện tích theo quy hoạch.

Gà đồi Phú Bình (Thái Nguyên): Hiệu quả kinh tế cao

Từ nhiều năm nay, nuôi gà thả đồi đã trở thành một trong những nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều người dân huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Vừa qua Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “gà đồi Phú Bình”, mở ra cơ hội lớn cho những hộ chăn nuôi gà.

Huyện Phú Bình hiện có tổng đàn gia cầm khoảng 3,5 triệu con với 233 trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm. Trong đó, đàn gà chiếm trên 3 triệu con. Kể từ khi thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” được cấp, số lượng người mua gà thương phẩm trên toàn huyện tăng khoảng 10% và giá mua cũng tăng 2 - 3%. Là một người có thâm niên chăn nuôi gà gần 10 năm nay, chị Hoàng Thị Lan (xóm Ngọc Lý, xã Tân Đức) cho biết, khi chuẩn bị giống gà nuôi, chị đã chọn chủ yếu là gà trống của giống gà ri lai với số lượng trên 500 con. Dù chưa tới ngày xuất bán, nhưng đã có hàng chục thương lái trên địa bàn huyện và tỉnh Bắc Giang vào tận nhà chị hỏi thăm, có người đã đặt cọc với giá từ 170.000 – 200.000 đồng/kg, cao hơn giá trước đó từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Nếu như trước đây, gà chủ yếu được bán cho các thương lái trên địa bàn và một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn thì năm nay, người chăn nuôi còn nhận được đơn đặt hàng từ các siêu thị, nhà hàng lớn và một số cơ sở giết mổ quy mô lớn tại Hà Nội hợp đồng mua với số lượng lớn. Đây là một tín hiệu vui đối với người chăn nuôi gà, thúc đẩy hoạt động chăn nuôi gia cầm tại địa phương.

Để đảm bảo an toàn, chất lượng cho sản phẩm đã được chứng nhận, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn trên toàn huyện tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển giết mổ, tiêu thụ gia cầm tại các chợ đầu mối... Năm 2015 huyện sẽ không ngừng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm “Gà đồi Phú Bình” để kết nối với thị trường, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay, khoa học kỹ thuật để người dân yên tâm chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

BÀ CON CẦN BIẾT

Các bước cần phải tuân thủ khi xuất khẩu quả vải, nhãn tươi vào Mỹ

Mới đây nhất, Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) đã ban hành Công văn số 393 BVTV-KD ngày 10/3/2015 quy định điều kiện kiểm dịch thực vật (KDTV) đối với quả vải, nhãn tươi xuất khẩu vào Mỹ. Theo đó, các bước cần phải tuân thủ khi xuất khẩu quả vải, quả nhãn tươi xuất khẩu của Mỹ như sau:

Bước 1: Cấp mã số vùng trồng

Vườn trồng vải chỉ được cấp mã số vùng trồng khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Không nhiễm nấm Phytophthora Litchi;

- Thực hiện sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP);

- Không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất mà Mỹ cấm như: Iprodione, cypermethrim, difenoconazole, carbendazim
- Được trồng tại những nhà vườn đã được đăng ký với Cục BVTV và được Cục BVTV giám sát.

Dựa trên các điều kiện nêu trên, Cục BVTV cấp mã số gửi Cơ quan kiểm dịch thực vật Mỹ APHIS xem xét. Mỗi mã số được cấp cho một diện tích khoảng 10 héc-ta liền kề trồng nhãn, vải cùng giống trong cùng một thôn hoặc một xã.

Bước 2: Xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ

Vải, nhãn phải được đóng gói theo quy cách và xử lý để xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ. Việc xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ phải dưới sự giám sát của chuyên gia Mỹ tại cơ sở chiếu xạ đã được Mỹ công nhận sau đó gửi kết quả cho APHIS thẩm định và công nhận. Hiện nay có hai công ty chiếu xạ trong nước là Sơn Sơn và An Phú ở Bình Dương đã hoàn thành xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ cho quả nhãn và dự kiến cho quả vải sẽ thực hiện vào tháng 5/2015.

Bước 3: Sơ chế và đóng gói

Sau khi thu hoạch, vải, nhãn tươi xuất khẩu đi Mỹ phải được đóng gói theo quy cách APHIS yêu cầu và đóng gói tại các cơ sở đóng gói được APHIS công nhận. Các thùng carton chứa quả vải, nhãn tươi phải ghi rõ “Không được nhập khẩu và phân phối ở Florida) - (“Not for importation into or distribution in FL”).

Bước 4: Xử lý chiếu xạ

Sau khi đóng gói quả vải và nhãn tươi xuất khẩu đi Mỹ phải được xử lý tại các cơ sở chiếu xạ được APHIS công nhận theo liều lượng quy định dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực phẩm của Việt Nam và chuyên gia APHIS.

Bước 5: Kiểm dịch thực vật đối với lô hàng xuất khẩu

Khi xuất, mỗi lô hàng phải được cơ quan kiểm dịch thực vật thuộc Cục BVTV kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật kèm theo, trong đó nêu rõ lô hàng đã được kiểm tra tại Việt Nam không phát hiện Phytophthora litchi và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về KDTV của Mỹ.

Để thực hiện tốt các yêu cầu của Mỹ về quả vải và quả nhãn tươi, Cục BVTV yêu cầu các đơn vị liên quan cần triển khai đồng bộ ngay từ khâu hướng dẫn bà con thực hiện tốt sản xuất quy trình VietGAP, GlobalGAP, áp dụng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại phù hợp đến khâu kiểm tra và cấp mã số vùng trồng để gửi APHIS công nhận. Các cơ sở xử lý chiếu xạ phối hợp thực hiện xử lý chiếu xạ theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Box: Hiện Cục BVTV đã cấp 10 mã số đầu tiên cho các vùng trồng vải đủ điều kiện đi Mỹ tại khu vực phía Bắc. Cụ thể, tỉnh Bắc Giang có 6 mã số trồng vải (diện tích 60 héc-ta), tỉnh Hải Dương có 2 mã số trồng vải (20 héc-ta) và Hưng Yên có 2 mã số trồng nhãn (20 héc-ta). Để được cấp mã số, vùng trồng nhãn, vải phải canh tác theo quy trình hiện đại, có ghi chép nhật ký đồng ruộng, có biện pháp quản lý dịch hại và đặc biệt phải tuân thủ danh sách các loại hóa chất bảo vệ thực vật mà phía Mỹ đưa ra.

CHỐNG BUÔN LẬU - MUA BÁN GIAN LẬN

Phân biệt đệm Sông Hồng thật giả

Chăn ga gối đệm Sông Hồng là một thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng, nhất là ở các vùng quê vì chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Chính vì thế thời gian gần đây, thương hiệu này bị làm giả rất nhiều.

Hàng ngàn sản phẩm Sông Hồng giả

Tháng 9/2014, công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng về tội làm giả hàng ngàn sản phẩm Sông Hồng rồi tung ra thị trường.

Nhóm đối tượng bị bắt khai nhận thuộc xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tiền Phong là làng nghề truyền thống chuyên gia công, sản xuất chăn, ga, gối, đệm không thương hiệu, nhãn mác. Do đó, dù là hàng giả song đã được các đối tượng gia công tương tự hàng thật nên bà con rất khó phát hiện. Do thấy sản phẩm chăn cao cấp Sông Hồng những năm qua được người tiêu dùng ưa chuộng nên từ tháng 7/2008, Khoa đã đầu tư thiết bị, máy móc, nguyên phụ liệu, đặt in nhãn mác, lô gô, tờ rơi giả của Công ty Sông Hồng và thuê một số đối tượng khác ở Hà Nội và Thái Nguyên may vỏ chăn Sông Hồng giả. Đồng thời, mua ruột bông chăn Sông Hồng giả sau đó lồng vỏ, đóng gói đưa đi tiêu thụ. Gần đây nhất, trước khi bị phát hiện, nhóm này đã bán cho 2 đại lý ở Hưng Yên, mỗi đại lý 100 sản phẩm.

Khám xét khẩn cấp nơi ở và sản xuất của các đối tượng liên quan, Công an Quảng Ninh thu giữ trên 400 bộ giả mang nhãn hiệu Sông Hồng, 3,5kg nhãn mác của thẻ báo giá, tờ rơi quảng cáo sản phẩm của Công ty Sông Hồng và nhiều công cụ, phương tiện phục vụ sản xuất hàng giả của nhóm này.
Cách phân biệt

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và uy tín của thương hiệu chăn ga gối đệm Sông Hồng, đại diện Công ty cổ phần May Sông Hồng đã đưa ra các dấu hiệu giúp người tiêu dùng phân biệt được chăn ga đệm Sông Hồng thật, giả như sau:

Bao bì: Trên bao bì, túi đựng đệm bông ép Sông Hồng, chăn đông, chăn xuân thu, bộ chăn ga gối, bộ ga gối, ga đơn, ruột chăn bông, mềm hè, dòng Doremon, Hello Kitty ... đều có biểu tượng lôgô Sông Hồng.
Bề mặt: Trên bề mặt của vỏ chăn, ga, gối, đệm 2 tấm, đệm 3 tấm, ruột gối, ruột chăn thuộc hàng Classic Collection đều in lôgô Sông Hồng.
Trong ruột: Ruột chăn bông, ruột gối bông: Sông Hồng có chất lượng cao, màu trắng tinh, mềm mại, tơi xốp, đàn hồi, không vón cục và cứng như các sản phẩm nhái, trên bề mặt vải phin trắng có in lôgô Sông Hồng.

Lõi đệm bông ép: Sông Hồng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, có đủ độ cứng và đàn hồi, không bị xẹp lún. Mỗi tấm ruột đệm đều được dập nổi lôgô Sông Hồng, hoặc có dấu KCS đạt chỉ tiêu xuất xưởng.
Trên thẻ bài thể hiện chi tiết các thông tin sản phẩm như mã màu, mã vạch, giá bán lẻ, hướng dẫn sử dụng, tem chống hàng giả, hướng dẫn kiểm tra sản phẩm chính hãng.
Trên hai mặt của khóa kéo các sản phẩm đều có lôgô dập nổi.

Công ty cũng khuyến cáo thêm, để tránh mua phải hàng giả chăn ga gối Sông Hồng, hàng nhái kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua tại các đại lý chính thức của Sông Hồng trên toàn quốc.

HÀNG VIỆT

Xóa những “khoảng trắng” hàng Việt

Chỉ cách đây vài năm, để tìm một thương hiệu bánh kẹo “thuần Việt” ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực bền bỉ để đưa hàng hóa về khu vực này, xóa những “khoảng trắng” hàng Việt, đến nay, nhiều sản phẩm bánh kẹo của Công ty Bánh kẹo Hải Châu đã đến với nhiều địa phương xa xôi như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Ngãi...

Tiềm năng lớn từ thị trường miền núi

Chia sẻ về tiềm năng của thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, bà Phạm Thị Mai Hương – Phó giám đốc Công ty Bánh kẹo Hải Châu khẳng định: “Phải xóa đi suy nghĩ thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là khu vực không có tiềm năng. Thực tế cho thấy, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, chúng tôi nhận ra rằng với dân trí và thu nhập ngày một tăng cao, người dân khu vực này đang hướng đến những sản phẩm có chất lượng và giá cả phù hợp. Hàng Việt hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí này”.

Chính vì vậy, thời gian qua, Hải Châu đã có những chính sách đưa nhân viên đi thị sát tại khu vực này để nắm bắt thông tin thị trường. Bên cạnh đó, trong chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Hải Châu cũng tích cực tham gia bằng cách cung cấp hàng cho các đơn vị để thông qua những chuyến bán hàng lưu động, hàng hóa tiếp cận tốt với người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa. “Mưa dầm thấm lâu, dần dần, những sản phẩm như bột canh, bánh kẹo của Hải Châu đã được người dân chú ý và ưa chuộng. Đây là yếu tố thuận lợi để Hải Châu mạnh dạn tìm đại lý và mở chi nhánh riêng cho mình. Đến nay, Hải Châu đã có chi nhánh tại nhiều tỉnh như Nghệ An, Hà Nam, Hải Dương… Ở vùng sâu như Thái Nguyên, Bắc Kạn, cứ 2 – 3 tỉnh, Hải Châu lại có 1 chi nhánh chính hãng để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng” – bà Hương chia sẻ.

Hỗ trợ nhiều hơn cho bà con

Thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ tiếp tục là một trong những phân khúc thị trường trọng điểm của Hải Châu trong tương lai. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của khu vực này chính là người dân phân tán, thu nhập thấp khiến sức mua không ổn định. Chính vì vậy, trong tương lai, để tích cực hỗ trợ cho bà con khu vực này, Hải Châu sẽ tăng cường vận chuyển để đưa hàng đến tận tay tiêu dùng. Các chi nhánh, đại lý sẽ không phải trực tiếp đến Hà Nội lấy hàng, từ đó giảm áp lực vận chuyển, giảm chi phí, hỗ trợ một phần giá bán sản phẩm cho bà con.

Cùng với những nỗ lực của DN, bà Hương cũng kiến nghị, hiện nay, vấn đề lớn nhất của Hải Châu nói riêng và những sản phẩm thực phẩm Việt chính hãng là sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhái, hàng lậu giá rẻ. Bà Hương khẳng định: “Là một DN sản xuất chân chính, nguyên liệu sản xuất được Hải Châu nhập khẩu về đều phải có hóa đơn. Cho nên so với hàng trôi nổi, rõ ràng Hải Châu có giá bán cao hơn, đây là áp lực lớn nhất. Chính vì vậy, thời gian tới, rất mong Chính phủ có những chính sách mạnh tay hơn để loại bỏ những sản phẩm trôi nổi, bảo vệ những đơn vị uy tín”.

Bên cạnh đó, thị trường vùng sâu, vùng xa, miền núi dù có tiềm năng nhưng chi phí đưa hàng về rất lớn. Do đó cần có những hỗ trợ tài chính cụ thể như hỗ trợ chuyến xe đưa hàng Việt về nông thôn, tạo điều kiện về vị trí để DN xây dựng các điểm đại lý, chi nhánh nhằm giúp DN triển khai được nhiều chương trình, phục vụ tốt hơn cho bà con.

Box: Bằng những giải pháp đóng góp tích cực cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Công ty Bánh kẹo Hải Châu vừa vinh dự lọt Top 80 Thương hiệu Việt tiêu biểu – Giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2014 – lần thứ I.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)