Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 19/6/2015

03:25 PM 19/06/2015 |   Lượt xem: 2152 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM


Hạt muối - bấp bênh đầu ra


Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.800 héc-ta, tăng 294 héc-ta so với cùng kỳ 2014. Trong đó, diện tích muối thủ công đạt 10.890 héc-ta, diện tích muối công nghiệp đạt 3.912 héc-ta. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sản lượng muối đang thừa “thô” mà thiếu “tinh” nên giá muối không ổn định, khiến diêm dân điêu đứng.

Điệp khúc “được mùa, mất giá”

Nắng nóng kéo dài nên vụ muối đầu năm 2015 ở các tỉnh miền Trung tuy cho năng suất cao, nhưng diêm dân lại đang đối mặt với điệp khúc “được mùa, mất giá”, muối chất trắng ruộng, không tiêu thụ được. Ninh Thuận được xem là một trong những “vựa” muối lớn nhất nước. Tuy nhiên, giá muối hiện chỉ từ 300 - 400 đồng/kg, diêm dân đang lỗ nặng. Tại vùng sản xuất muối thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình và thôn Trung Trinh, Lệ Uyên thuộc xã Xuân Phương (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), giá muối cũng chỉ 500 - 600 đồng/kg, người dân đem muối chất đống cạnh đường nhưng không thấy thương lái nào đến hỏi mua. Theo thống kê của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, lượng muối của diêm dân tồn kho khoảng 8.200 tấn. Còn ở Quảng Ngãi, mỗi ki-lô-gam muối chỉ được thương lái thu mua với giá 500 đồng. Trên đồng muối Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An), giá rớt xuống 800 - 1.000 đồng/kg. Mặc dù năm nay diêm dân được mùa muối nhưng chất lượng tại các vùng muối không đồng đều nên doanh nghiệp chỉ thu mua cầm chừng.

Bà con diêm dân cho rằng họ đang bị ép giá, điều này có lý khi muối vẫn được nhập khẩu từ nước ngoài về và thực tế trong chục năm trở lại đây, cuộc sống của diêm dân ngày một đi xuống do họ hoàn toàn bị động trong khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó công nghệ sản xuất muối của bà con còn quá lạc hậu. Theo một số thương lái thu mua muối, thời tiết miền Trung nắng nóng nên những cánh đồng ruộng muối cho sản lượng khá cao, nhất là muối đất truyền thống. Trong khi đó, muối trải bạt ít được người dân quan tâm đầu tư đúng mức. Điều này khiến một số cơ sở chế biến hạn chế thu mua, gây nên tình trạng cung lớn hơn cầu. Lượng muối tồn từ năm trước đến nay lên đến hàng trăm nghìn tấn. Nhưng nhiều công ty hoạt động ở lĩnh vực này vẫn được phép nhập khẩu muối từ nước ngoài về.

Chính vì thế, muối truyền thống (gọi là muối ăn, muối hầm) của diêm dân dần bị mất thị trường tiêu thụ.

Giải bài toán tồn đọng muối

“Quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Bộ NN&PTNT ban hành với nhiều giải pháp hỗ trợ diêm dân thoát khỏi thua lỗ. Cụ thể là: +) Giữ ổn định diện tích sản xuất muối. +) Tập trung phát triển vùng sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn và thực hiện cơ giới hóa sản xuất, nhất là khâu thu hoạch muối. +) Đối với những vùng sản xuất muối thủ công thì gắn chuyển dịch cơ cấu sản xuất với việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhằm giảm đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng của thời tiết, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên đơn vị diện tích. +) Giải quyết việc làm ổn định cho diêm dân, tăng tỷ lệ muối qua chế biến và bảo đảm an toàn thực phẩm. +) Khuyến khích doanh nghiệp (DN) liên kết với sản xuất nguyên liệu muối, thu mua, chế biến, tiêu thụ. +) Liên kết trong từng khâu của quá trình sản xuất, đặc biệt là khâu sản xuất muối nguyên liệu hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, đảm bảo cho các DN chế biến muối có đầu mối (đại diện diêm dân để ký kết và giao dịch hợp đồng).

MUA GÌ


Giá thanh long đầu vụ giảm mạnh


Cuối tháng 5 đầu tháng 6, thanh long ở các khu vực Long An, Tiền Giang và Bình Thuận đã vào chính vụ thu hoạch nhưng giá rớt sớm và rẻ hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cách đây 2 - 3 tháng, một kg thanh long ruột trắng có giá 12.000 - 15.000, ruột đỏ 30.000 - 60.000 đồng thì nay chỉ bán được đồng giá dưới 5.000 đồng (tùy loại). Hiện, hàng nghìn hộ nông dân trồng thanh long tại tỉnh Long An đang điêu đứng vì mức giá này. Tại Bình Thuận, địa phương có diện tích thanh long lớn nhất, sức tiêu thụ và giá mua cũng đang có chiều hướng đi xuống do lượng tiêu thụ và giá thu mua từ phía các thương lái Trung Quốc đều giảm.

Bình Định: Xoài trúng mùa, được giá


Thời điểm hiện nay, tại một số địa phương có diện tích trồng xoài lớn như Phù Cát, Tây Sơn, Hoài Ân…, thương lái đến tận vườn tìm mua xoài cát Hòa Lộc với giá từ 19.000 - 20.000 đồng/kg (loại 1), tăng gấp đôi so với vụ năm ngoái. Với năng suất bình quân đạt từ 10 - 12 tấn/héc-ta, mỗi héc-ta xoài nông dân thu lãi không dưới 100 triệu đồng. Một chủ trang trại trồng xoài ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát), cho biết: Tôi trồng 4 héc-ta xoài cát Hòa Lộc đang thời kỳ khai thác quả, vụ này đã hái được trên 40 tấn, với giá bán ở mức 20.000 đồng/kg (loại 1), doanh thu đạt trên 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 400 triệu đồng. Đây là năm có mức lãi cao nhất từ trước đến nay do xoài vừa trúng mùa, vừa được giá. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 1.700 héc-ta xoài, mỗi năm cho sản lượng trái đạt trên 5.300 tấn. Các giống xoài được trồng phổ biến gồm xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, xoài cát Trắng, xoài Bưởi...

Đồng Tháp: Cá lóc tăng giá

Nhiều ngày gần đây, giá cá lóc thương phẩm trên địa bàn huyện Hồng Ngự, Tam Nông, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) tăng trở lại, người nuôi phấn khởi vì lợi nhuận khá. Cá lóc loại 1 (loại 700 - 800 gam/con) thương lái thu mua với giá từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Tuy nhiên, thời gian gần đây tỷ lệ cá lóc thương phẩm hao hụt cao do thời tiết nắng nóng và dịch bệnh dễ phát sinh. Theo tính toán của các hộ nuôi, với giá như hiện nay, sau khi trừ toàn bộ chi phí về con giống, thức ăn và các chi phí khác, người nuôi thu lãi 5 triệu đồng/tấn cá thương phẩm.
Ảnh: Ngư dân phấn khởi vì cá lóc bán được giá

Đồng bằng sông Cửu Long: Giống cây ăn quả bán chạy

Tại ấp Bình An B, thị trấn Chợ Lách (Bến Tre), giá giống cây măng cụt có chiều cao 20cm đang ở mức 25.000 đồng/cây, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà vườn. Nguyên do những năm trước giá quả măng cụt thấp, ít nhà vườn trồng nên các cơ sở sản xuất cây giống không ươm. Năm nay măng cụt được giá (khoảng 45.000 đồng/kg) nên nhiều nhà vườn lại lao vào trồng, dẫn đến khan hiếm cây giống. Cây giống sầu riêng cơm vàng hạt lép cao khoảng 45 – 50cm có giá 40.000 – 42.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với 2 tháng trước. Sở dĩ nhu cầu cây giống sầu riêng tăng mạnh là do giá trái cây luôn đứng ở mức cao trong một thời gian dài, nên nhiều nhà vườn chuyển đổi các vườn cây ăn quả giá trị thấp, đầu ra gặp khó khăn sang trồng sầu riêng. Hiện giá trái chín sầu riêng thương phẩm được thương lái đến tận vườn thu gom ở mức 35.000 đồng/kg. Ngoài các loại giống cây ăn quả thì cây giống chanh không hạt ghép, chanh giấy ghép cũng tăng khoảng 50% so với trước.

BÁN GÌ

Đạm Cà Mau xuất khẩu sang Campuchia

Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã ký kết hợp đồng hợp tác với các đối tác tại Campuchia gồm: Yetak Group Co., Ltd; Ta MchasSre Co., Ltd; Heng Pich Pich Chay Import & Export Co., Ltd. Điều này đã đáp ứng cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con Campuchia - nơi có tập quán canh tác chủ yếu sử dụng urê hạt đục. Trong lĩnh vực phân bón, Campuchia có nhu cầu tiêu thụ urê khoảng 250.000 tấn/năm, trong đó 90% là urê hạt đục, tập trung tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như khu vực Biển Hồ và các tỉnh giáp với biên giới Việt Nam. Mặt khác, khoảng cách địa lý từ nhà máy Đạm Cà Mau đến các vùng tiêu thụ trên khá gần so với các thị trường khác giúp PVCFC giảm thiểu chi phí kho bãi, giao nhận hàng hóa, duy trì giá bán hợp lý, cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường Campuchia.

Bến Tre: Xuất khẩu dừa khô giảm

Hiện nay, giá dừa khô tại Bến Tre giảm mạnh. Hiện dừa khô được thương lái thu mua tại vườn với mức giá bình quân 55.000 – 60.000 đồng/chục (chục là 12 quả). Mức giá này thấp hơn từ 10.000 – 15.000 đồng so với trước. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ cơm dừa nạo sấy, sữa dừa… chủ yếu là các nước Hồi giáo khu vực Trung Đông đang vào tháng ăn chay Ramadan. Xuất khẩu dừa khô sang thị trường Trung Quốc cũng chậm lại so với trước. Ước tính, mỗi năm Bến Tre xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 100 triệu quả dừa, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng dừa của tỉnh. Việc thương lái Trung Quốc thu mua dừa trái cũng ảnh hưởng lớn đến giá dừa khô tại Bến Tre cũng như các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, theo nhận định của các thương lái có kinh nghiệm, giá dừa giảm như hiện nay chỉ là tạm thời, nông dân không cần quá lo lắng. Dự đoán, giá dừa sẽ ổn định trở lại sau khi người Hồi giáo kết thúc tháng ăn chay Ramadan.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Mãng cầu trái vụ giá cao

Mãng cầu là một trong những loại đặc sản cây ăn trái của tỉnh. Do biết áp dụng khoa học kỹ thuật, xử lý để mãng cầu cho hoa ra trái vụ, nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh thu lợi nhuận rất cao. Hiện nay, giá bán mãng cầu trái vụ dao động từ 14.000 - 38.000 đồng/kg (tùy quả to, nhỏ), cao gần gấp đôi so với giá bán chính vụ. Về mặt chất lượng, mãng cầu trái vụ cũng ngon, ngọt hơn do được thu hoạch vào mùa khô. Hiện tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã xây dựng được thương hiệu mãng cầu ta Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là loại trái cây đặc sản thứ 2 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau nhãn xuồng cơm vàng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Tiêu thụ vải thiều qua cửa khẩu Lào Cai ổn định

Các đại lý thu mua vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Yên Thế, Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) cho biết, vải lai Thanh Hà đang được thương nhân mua với giá cao nhất là 24.000 đồng/kg (đây là giống vải chín sớm hơn vải thiều chính vụ, cho quả chín đỏ thẫm, vỏ gai và dầy hơn nên dễ vận chuyển). Tại Yên Thế, giá vải loại 1 dao động từ 7.000 - 7.500 đồng/kg; loại 2: 6.000 đồng/kg, loại 3: 5.000 đồng/kg. Tại huyện Sơn Động, giá vải thiều tăng khoảng 1.000 đồng so với tuần trước: Vải thiều loại mẫu mã đẹp có giá từ 8.500 - 9.000 đồng/kg; loại trung bình từ 7.000 - 8.000 đồng/kg; giá bán lẻ dao động từ 10.000 - 11.000 đồng/kg. Với số lượng vải thiều thu hoạch rộ, giá vải như hiện nay được đánh giá là không có biến động, giữ ở mức ổn định.

Những ngày gần đây, thời tiết mát mẻ và có mưa đã góp phần giải hạn cho vải thiều chính vụ đang trong quá trình phát triển và chín. Tuy nhiên, mưa cũng gây ảnh hưởng đến việc thu hoạch và thu mua vải thiều ở địa phương.

Thông tin từ tỉnh Lào Cai, việc làm thủ tục xuất khẩu vải thiều ở đây diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Giao thông thuận lợi, thủ tục thông thoáng là lý do hấp dẫn các doanh nghiệp lựa chọn hướng xuất khẩu qua vải thiều qua Lào Cai.

LƯU Ý CẢNH BÁO


Áp dụng công nghệ mới vào sản xuất muối
: Đòi hỏi bức thiết của diêm dân

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng muối tồn kho, giá giảm thời gian qua là do chất lượng muối sản xuất thủ công kém, có nhiều tạp chất, hàm lượng natri clorua không đạt tiêu chuẩn dùng trong công nghiệp... Vì vậy, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất muối là đòi hỏi bức thiết của diêm dân.

Nên chuyển sang sản xuất muối trải bạt

Thời gian qua, mô hình sản xuất muối theo phương pháp trải bạt đã được bà con diêm dân các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Nghệ An, Bà Rịa Vũng Tàu... áp dụng nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Đặc biệt, với giá muối bấp bênh như hiện nay, diêm dân không dám đầu tư làm muối sạch theo phương pháp này. Đây chính là bài toán khó bởi hiện nay đầu ra của muối đất truyền thống đang gặp khó khăn. Vụ muối năm nay, nhiều vùng muối chất thành đống và phủ bạt chờ thương lái thu mua. Trước tình trạng này, các cơ sở chế biến, thu mua muối khuyến cáo, trong thời gian tới, diêm dân nên hạn chế sản xuất muối đất truyền thống mà nên chuyển sang mô hình sản xuất muối trải bạt. Đây là mô hình sản xuất muối sạch, chất lượng, đảm bảo vệ sinh. Bởi trên thực tế, muối đất chủ yếu làm phụ liệu ướp thủy sản, chế biến thức ăn gia súc. Trong khi đó, chất lượng muối trải bạt được cải thiện đáng kể, ít tạp chất. Điều đáng mừng hơn cả là giá muối trải bạt vẫn được các thương lái thu mua cao hơn muối đất truyền thống (giá 800.000 đồng/tấn) do tính chất sạch, dễ sử dụng, dễ chế biến.

Về cơ bản, giai đoạn sản xuất muối theo phương pháp trải bạt giống với phương pháp truyền thống, chỉ khác ở ô kết tinh có lót bạt nhựa. Thông thường mỗi ruộng muối cần khoảng 1.200 - 1.300m2 bạt trải, sau đó dẫn nước biển qua các ruộng đến ruộng có trải bạt, sau 1 tuần là có thể thu hoạch muối. Bạt sau khi thu hoạch xong sẽ được diêm dân gom về để dành cho vụ sau, nếu mua chất bạt tốt thì có thể tái sử dụng được 5 - 6 vụ. Đặc biệt, so với phương pháp sản xuất muối truyền thống thì mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần.

Cần hỗ trợ diêm dân nhiều hơn

Trên thực tế, khi thử nghiệm phương pháp sản xuất muối trải bạt kết hợp cất trữ nước chát sẽ giúp diêm dân chủ động trong sản xuất, tránh lệ thuộc vào thời tiết, giảm thời gian kết tinh muối khi gặp mưa trái mùa. Việc áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật đưa bộ chạt lọc ra giữa sân đã giảm 45 - 50% sức lao động do không phải dùng xe cút kít vận chuyển cát. Muối phơi từ sân trải bạt có năng suất cao hơn muối phơi từ sân ô nề truyền thống từ 15 - 20% vì nước chạt phơi trên sân trải bạt hấp thu nhiệt tốt hơn sân kết tinh truyền thống nên nhanh khô, tăng lượng nước và tránh được thất thoát trong khi phơi. Chất lượng muối trên sân trải bạt đảm bảo, hạt muối trắng tinh, khô chắc, lẫn ít tạp chất nên giá bán cao hơn từ 10 – 15% so với muối sản xuất trên ô nề truyền thống. Tuy nhiên, bà con diêm dân chưa mặn mà đầu tư sản xuất theo công nghệ này do chi phí đầu vào cao trong khi đầu ra chưa ổn định. Do vậy, để tạo điều kiện cho diêm dân đầu tư sản xuất theo mô hình này rất cần có chính sách hỗ trợ cho phù hợp theo thời giá từng thời kỳ; có phương án hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nhằm khẳng định giá trị, chất lượng đối với sản phẩm sạch, nâng cao hiệu quả kinh tế; hỗ trợ kinh phí xây dựng cánh đồng mẫu lớn...

Box: Tuy giá thành sân kết tinh trải bạt đầu tư ban đầu hơi cao là khoảng 5 triệu đồng/1 đơn vị sân phơi nhưng thời gian sử dụng được 5 năm, sau đó diêm dân không phải cải tạo sân. Trong khi đó, sân kết tinh truyền thống cứ sau mỗi vụ phải tu sửa, bình quân 2 năm phải làm mới sân một lần. Như vậy, nếu so với thời gian 5 năm thì 1 đơn vị ô nề chi phí tới khoảng 9 triệu đồng. Nếu tính chi phí đầu vào cho sản xuất, sản xuất muối trên nền sân kết tinh truyền thống có năng suất bình quân 52 tấn/héc-ta, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/héc-ta. Còn mô hình sản xuất muối trên sân kết tinh trải bạt thời gian kết tinh muối nhanh nên năng suất bình quân 75 tấn/héc-ta, sau khi trừ chi phí, người sản xuất có lãi 50 triệu đồng/héc-ta.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG


Tiên Yên (Quảng Ninh): Nâng tầm thương hiệu nông sản


Tại Hội chợ OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) của tỉnh Quảng Ninh được tổ chức tại TP. Hạ Long vừa qua, huyện Tiên Yên có 3 gian hàng giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Đó là: Gà Tiên Yên, trứng vịt Đồng Rui, mật ong Tiên Yên, khau nhục, bánh gật gù, bánh chưng, bánh gio, bánh bạc đầu, bánh lá ngải, bánh cốc mò, kẹo lạc hồng, bánh chả, bánh hạnh nhân, dưa chua… Các gian hàng của huyện đã thu hút đông đảo người tiêu dùng trong suốt thời gian diễn ra hội chợ. Hội chợ OCOP được đánh giá là một dịp để huyện đánh giá, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, huyện Tiên Yên đang tập trung xây dựng nhãn hiệu và mẫu mã bao bì cho các sản phẩm: Tàu xì, ba kích, bánh chưng, bánh bạc đầu, bánh lá ngải, bánh cốc mò…; tích cực áp dụng những nhãn hiệu, mẫu mã có kiểu dáng đẹp thay thế cho những nhãn hiệu, mẫu mã bao bì cũ.

Huyện cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để trang bị các loại máy móc phục vụ cho quá trình sản xuất, đóng gói các sản phẩm thuộc chương trình OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, cơ bản các loại sản phẩm của địa phương đã được dán nhãn tem. Huyện đang tích cực lập hồ sơ đăng ký mã số, mã vạch cho 5 sản phẩm: Bánh chả, khau nhục, mật ong, dưa chua và trứng vịt.

Qua Hội chợ OCOP, các cơ sở sản xuất tại địa phương cũng được khuyến khích chủ động liên hệ, ký hợp đồng cung cấp các sản phẩm cho các nhà hàng, đơn vị. Đến nay, các đơn vị tại Hà Nội như: Công ty Bảo Bình; chuỗi kinh doanh thực phẩm sạch Green food, chuỗi nhà hàng Quả Trám; nhiều nhà hàng ở TP. Hạ Long, như Hồng Hạnh, Thanh Thuỷ; điểm OCOP Hoành Bồ, điểm OCOP Hạ Long, điểm bán thực phẩm sạch Công ty Việt Long, HTX Hoa Phong (thị xã Đông Triều), đã làm việc, liên hệ, lấy sản phẩm của địa phương để tiêu thụ, bày bán, giới thiệu...

Hàng nông, thủy sản Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt

Quý 1/2015 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su và thủy sản đã bị suy giảm nghiêm trọng, tác động xấu đến nông nghiệp Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự giảm sút này không chỉ là hiện tượng nhất thời mà cho thấy hàng nông, thủy sản Việt Nam bắt đầu bước vào một giai đoạn khó khăn hơn trước do xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh cụ thể là:

- Với cà phê, Colombia đã thực hiện thành công chương trình tái canh, nên giá thành rẻ hơn, chất lượng cà phê cũng tốt hơn Việt Nam. Giá chào bán cà phê Brazil (nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới) cũng đang giảm mạnh.

- Gạo Campuchia, Myanmar (Miến Điện) đang rất thu hút khách hàng vì được xếp vào loại ngon, giá chào bán lại rẻ hơn Việt Nam. Chỉ xét riêng tại thị trường Trung Quốc, gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh rất vất vả với Thái Lan, nay có thêm 2 đối thủ cạnh tranh mới sẽ càng khó khăn hơn.

- Trong thủy sản, mặt hàng cá tra Việt Nam không giữ được thế độc quyền nữa do sự cạnh tranh của cá thịt trắng. Nhiều nước đang phát triển việc đánh bắt cá rô phi, cá thịt trắng từ tự nhiên nên dự báo việc nuôi cá tra Việt Nam sẽ không thể phát triển tràn lan như trước.

- Với trái cây, có những sản phẩm từ trước tới nay chúng ta cứ tưởng mỗi Việt Nam sản xuất được, các nước khó cạnh tranh như vải, mận, thanh long, dưa hấu… Nhưng thực tế, Trung Quốc đã có chương trình phát triển cây ăn quả rất mạnh. Chất lượng rất tốt và giá còn rẻ hơn Việt Nam. Thậm chí phải tính đến khả năng họ xuất khẩu vào Việt Nam để cạnh tranh với sản phẩm trong nước trong tương lai gần.

- Sản phẩm tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ đang bị con tôm của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Mexico cạnh tranh do giá thành tôm Việt Nam cao hơn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đậu phộng trái mùa mang hiệu quả kinh tế cao

Mặc dù trái vụ nhưng trồng đậu phộng (lạc) mùa khô luôn cho năng suất và chất lượng khá cao, sản lượng vẫn đạt từ 4 - 5 tấn/héc-ta. Sau khi trừ hết tất cả các chi phí, nông dân thu lãi gần 40 triệu đồng/héc-ta.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở ven tuyến quốc lộ 91B thuộc quận Ô Môn và quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã tìm hướng đi mới bằng việc canh tác cây đậu phộng trái mùa. Bà con tận dụng triệt để nguồn đất cát tơi xốp, phì nhiêu và địa hình khu vực có nhiều kênh rạch, ao hồ thuận lợi cho công tác tưới tiêu bởi yêu cầu chính để canh tác có hiệu quả cây đậu phộng vào mùa khô chính là phải đặc biệt chú ý đến hệ thống thủy lợi, nguồn nước tưới tiêu. Nhiều gia đình đã chia vụ đậu phộng thành nhiều đợt khác nhau trong năm để thu thêm lợi nhuận. Trồng đậu phộng chính vụ cho sản lượng cao nhưng giá bán lại thấp, có khi chưa đến 20.000 đồng/kg. Ngược lại, mặc dù trái vụ nhưng trồng đậu phộng mùa khô luôn cho năng suất và chất lượng khá cao, sản lượng vẫn đạt từ 4 - 5 tấn/héc-ta. Thương lái thu mua tại ruộng với giá từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, có lúc lên tới 28.000 đồng/kg, cao hơn từ 2.000 - 5.000 đồng/kg so với trồng chính vụ. Sau khi trừ hết tất cả các chi phí, bà con thu lãi gần 40 triệu đồng/héc-ta.

Tại xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), mô hình trồng đậu phộng trái vụ công nghệ cao cũng được triển khai trên nền đất trồng tỏi sườn đồi cát pha, chủ động điện và nước tưới có thiết kế hệ thống vòi phun. Mục đích nhằm giúp bà con tăng thu nhập từ cây đậu phộng mà lâu nay chỉ là cây trồng phụ. Bên cạnh đó, thân đậu phộng bà con còn tận dụng bán để làm thức ăn cho bò, bình quân thu thêm hơn 3 triệu đồng/héc-ta.

Hậu Giang: Trái cây đầu vụ cho quả ngọt, giá cao

Tại các chợ huyện Châu Thành (An Giang), những ngày này đầy ắp những loại trái cây được người dân từ trong vườn đem ra, hoặc được các tiểu thương lấy từ các tỉnh khác về bán lại.

Mỗi quầy bán trái cây đã có hàng chục loại, trong đó nhiều nhất là xoài, dâu, sầu riêng, mãng cầu xiêm... Lượng tiêu thụ khá cao, không chỉ có tiểu thương mà cả nhà vườn đều hồ hởi. Do đang là đầu mùa, nguồn cung còn yếu cho nên giá cả của các loại trái cây còn khá cao.

Theo các tiểu thương, người dân tiêu thụ mạnh là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng mặt hàng này để “giải nhiệt” tăng cao. Chôm chôm được bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn bình thường khá nhiều; thanh long ruột đỏ cũng bán với giá trên 20.000 đồng/kg. Khi về các đầu mối tiêu thụ, giá các loại trái cây đã được đẩy lên gấp đôi, mức chênh lệch khá cao so với mua tại vườn. Còn bà con xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A đã chủ động được mùa vụ rõ ràng, đón đầu được giá thị trường và cân bằng được giá thành sản xuất. Điều đó chứng tỏ, khi nhà nông bỏ công chăm sóc, mẫu mã sản phẩm ngày càng đẹp, chất lượng đồng đều, tạo dựng được thương hiệu thì sẽ ít lo đến bài toán được mùa rớt giá. Cũng tại huyện Châu Thành A, nhiều nhà vườn trồng dâu đang tất bật vào vụ thu hoạch. Dâu xanh bán tại vườn có giá khoảng 7.000 - 9.000 đồng/kg. Ước tính cho lãi 6 - 7 triệu đồng/công.

Theo nhận định của các tiểu thương, với sức tiêu thụ mạnh như hiện nay, nhiều khả năng giá các loại trái cây trên sẽ còn tăng mạnh vì khả năng trong vài ngày tới khi các thương lái ngoài tỉnh đến thu gom hàng để chuyển đi cung cấp cho các thành phố lớn.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở ven tuyến quốc lộ 91B thuộc quận Ô Môn và quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã tìm hướng đi mới bằng việc canh tác cây đậu phộng trái mùa. Bà con tận dụng triệt để nguồn đất cát tơi xốp, phì nhiêu và địa hình khu vực có nhiều kênh rạch, ao hồ thuận lợi cho công tác tưới tiêu bởi yêu cầu chính để canh tác có hiệu quả cây đậu phộng vào mùa khô chính là phải đặc biệt chú ý đến hệ thống thủy lợi, nguồn nước tưới tiêu. Nhiều gia đình đã chia vụ đậu phộng thành nhiều đợt khác nhau trong năm để thu thêm lợi nhuận. Trồng đậu phộng chính vụ cho sản lượng cao nhưng giá bán lại thấp, có khi chưa đến 20.000 đồng/kg. Ngược lại, mặc dù trái vụ nhưng trồng đậu phộng mùa khô luôn cho năng suất và chất lượng khá cao, sản lượng vẫn đạt từ 4 - 5 tấn/héc-ta. Thương lái thu mua tại ruộng với giá từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, có lúc lên tới 28.000 đồng/kg, cao hơn từ 2.000 - 5.000 đồng/kg so với trồng chính vụ. Sau khi trừ hết tất cả các chi phí, bà con thu lãi gần 40 triệu đồng/héc-ta.

Tại xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), mô hình trồng đậu phộng trái vụ công nghệ cao cũng được triển khai trên nền đất trồng tỏi sườn đồi cát pha, chủ động điện và nước tưới có thiết kế hệ thống vòi phun. Mục đích nhằm giúp bà con tăng thu nhập từ cây đậu phộng mà lâu nay chỉ là cây trồng phụ. Bên cạnh đó, thân đậu phộng bà con còn tận dụng bán để làm thức ăn cho bò, bình quân thu thêm hơn 3 triệu đồng/héc-ta.

Hậu Giang: Trái cây đầu vụ cho quả ngọt, giá cao

Tại các chợ huyện Châu Thành (An Giang), những ngày này đầy ắp những loại trái cây được người dân từ trong vườn đem ra, hoặc được các tiểu thương lấy từ các tỉnh khác về bán lại.

Mỗi quầy bán trái cây đã có hàng chục loại, trong đó nhiều nhất là xoài, dâu, sầu riêng, mãng cầu xiêm... Lượng tiêu thụ khá cao, không chỉ có tiểu thương mà cả nhà vườn đều hồ hởi. Do đang là đầu mùa, nguồn cung còn yếu cho nên giá cả của các loại trái cây còn khá cao.

Theo các tiểu thương, người dân tiêu thụ mạnh là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng mặt hàng này để “giải nhiệt” tăng cao. Chôm chôm được bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn bình thường khá nhiều; thanh long ruột đỏ cũng bán với giá trên 20.000 đồng/kg. Khi về các đầu mối tiêu thụ, giá các loại trái cây đã được đẩy lên gấp đôi, mức chênh lệch khá cao so với mua tại vườn. Còn bà con xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A đã chủ động được mùa vụ rõ ràng, đón đầu được giá thị trường và cân bằng được giá thành sản xuất. Điều đó chứng tỏ, khi nhà nông bỏ công chăm sóc, mẫu mã sản phẩm ngày càng đẹp, chất lượng đồng đều, tạo dựng được thương hiệu thì sẽ ít lo đến bài toán được mùa rớt giá. Cũng tại huyện Châu Thành A, nhiều nhà vườn trồng dâu đang tất bật vào vụ thu hoạch. Dâu xanh bán tại vườn có giá khoảng 7.000 - 9.000 đồng/kg. Ước tính cho lãi 6 - 7 triệu đồng/công.

Theo nhận định của các tiểu thương, với sức tiêu thụ mạnh như hiện nay, nhiều khả năng giá các loại trái cây trên sẽ còn tăng mạnh vì khả năng trong vài ngày tới khi các thương lái ngoài tỉnh đến thu gom hàng để chuyển đi cung cấp cho các thành phố lớn.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Cẩn thận với đường vàng làm từ hóa chất


Hiện đang là cao điểm trong mùa hè, nhu cầu mua đường vàng của người dân rất lớn, nhất là để ngâm các loại hoa quả, nấu chè... Chính vì thế, bà con phải hết sức cẩn trọng với loại đường vàng được sản xuất từ hóa chất.

Ngày 17/5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bình Thuận bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất của bà Lý Lệ Châu (52 tuổi) ngụ phường Đức Long, TP. Phan Thiết (Bình Thuận) và bắt quả tang cơ sở này đang sản xuất đường có màu vàng bằng hóa chất độc hại.

Lực lượng chức năng đã thu giữ 150kg đường vàng thành phẩm, một thùng nhựa có chứa 18kg axít phốtphoric và hóa chất nghi phẩm màu vàng. Theo điều tra, cơ sở này đã trộn axít phốtphoric, nước và hóa chất màu vàng vào đường cát trắng để cho ra đường cát có màu vàng óng ánh đẹp, mang đi tiêu thụ. Axít phốtphoric là hóa chất công nghiệp chuyên dùng để tẩy rửa, không nằm trong danh mục được cho phép dùng để chế biến thực phẩm.

Theo Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm miền Trung, axít phốtphoric là loại hóa chất nếu sử dụng quá nồng độ và liều lượng cho phép có thể gây phỏng niêm mạc, loét bao tử, gây kích thích, tác động tới hệ thần kinh, về lâu dài, có thể gây hoại tử đối với các bộ phận cơ thể. Do vậy để mua được đường vàng không bị tẩy rửa từ axít phốtphoric người tiêu dùng nên chú ý những điểm sau: Khi chọn mua đường nên cẩn thận, chọn đường vàng có mùi thơm ngọt của mía, hạt đường màu xỉn, không sáng. Không chọn hạt đường có màu vàng sáng óng ánh, bởi nguy cơ loại này đã bị nhuộm màu. Ngoài ra để nhận biết đường còn chứa nhiều axít phốtphoric, bà con chỉ cần để đường ở ngoài nắng sẽ dễ dàng nhận biết được, nếu thấy đường có màu ánh lên cách bất thường chính là đường đã được tẩy rửa. Tốt nhất, bà con nên mua đường tại cơ sở uy tín có nguồn gốc xuất xứ, bao bì được các cơ quan chức năng chứng nhận, để tránh mua nhầm loại đường độc hại.

Công bố đường dây nóng chống hàng giả

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về các hành vi gian lận thương mại trên thị trường.

Thông tin được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp nhận, xử lý gồm: Thông tin tố giác về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; thông tin tố giác cá nhân, đơn vị chức năng không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, có hành vi tiêu cực, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Mặc dù thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, tình trạng buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, hàng tiêu dùng, vận chuyển trái phép hàng cấm chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả...

Để khắc phục tình trạng trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Trong đó, Phó Thủ tướng có yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia công bố đường dây nóng, hộp thư của Ban Chỉ đạo để tiếp nhận thông tin người dân phản ánh, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại...

Đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia:
Số điện thoại: 0981.389.389 - 0961.389.389
Fax: 04.3944.0848
Email: bcd389@customs.gov.vn

Địa chỉ tiếp nhận đơn, thư, văn bản: Tầng 14, tòa nhà Tổng cục Hải quan, Lô E3, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Quả vải xuất khẩu sang pháp: Phải áp dụng công nghệ xông hơi lưu huỳnh


Vải là một loại quả đặc sản nhưng rất nhanh bị hư hỏng, vì vậy đòi hỏi phải có biện pháp bảo quản để kéo dài thời hạn sử dụng, dễ dàng vận chuyển đi xa.

Đặc biệt, để xuất khẩu vải sang thị trường Pháp, các doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ xông hơi lưu huỳnh.

Quy trình công nghệ

Thu hái

Để quả vải có chất lượng tốt nhất thì nên thu hái khi quả đạt độ chín thích hợp. Quả có thể thu hoạch khi vỏ quả đỏ đồng đều, gai trên vỏ nhẵn hơn. Thu hái quả vào thời điểm dịu mát trong ngày, lúc trời khô ráo, tránh hái vào ngày mưa. Bẻ cả chùm không kèm theo lá.

Làm lạnh sơ bộ

Mục đích làm ức chế tức thời hoạt động hô hấp và trao đổi chất của quả vải cũng như sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh. Quả vải được làm lạnh sơ bộ bằng cách nhúng vào nước đá đang tan trong 5 phút.

Chọn lọc, phân loại

Sau khi làm lạnh sơ bộ, vải được cắt tỉa, lựa chọn và phân loại để loại bỏ quả giập, nứt, khuyết tật, không đạt kích thước (quá bé hoặc quá to); quả không đạt tiêu chuẩn về độ chín (quá xanh hoặc quá chín), quả bị sâu bệnh. Buộc quả vải thành từng chùm (1 - 2 kg/chùm).

Xử lý hóa chất chống nấm, mốc

Nhúng chùm vải sau khi đã chọn lựa vào dung dịch thuốc Topsin M pha nồng độ 0,05% trong 2 phút. Trong trường hợp cần xử lý, bảo quản với khối lượng lớn, sau khi xử lý bằng thuốc trừ nấm Topsin M thì vớt ra để ráo nước rồi tiếp tục xử lý bằng xông hơi lưu huỳnh.

Đóng gói, bảo quản, vận chuyển

Sau khi xử lý để ổn định màu vỏ quả, vải được vớt ra để ráo nước tự nhiên rồi đóng gói bằng túi PE có đục lỗ thoáng khí (3 kg/túi), xếp vào thùng gỗ (25 - 30 kg/thùng) có lót thảm cói xung quanh đáy và nắp thùng.
Vải được bảo quản trong kho lạnh có nhiệt độ ổn định 4 - 5oC, độ ẩm không khí 90 - 95%. Trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển đến nơi tiêu thụ, quả vải phải luôn ở trong môi trường lạnh.

Công nghệ xông hơi lưu huỳnh

Các nước châu Âu chỉ công nhận phương pháp xông hơi lưu huỳnh là phương pháp cho phép duy nhất để đưa trái cây nhập khẩu vào đây. Nắm bắt được tình hình này, đầu tháng 6/2015, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và một số đơn vị liên quan tổ chức tập huấn công nghệ “Xông hơi khử trùng bằng khí lưu huỳnh trên quả vải thiều”. Theo ông Michel Jahiel, tiến sĩ - kỹ sư nông nghiệp người Pháp, công nghệ xông hơi lưu huỳnh giúp làm chậm sự suy thoái của vỏ quả, giữ được màu đỏ trên quả vải thiều. Đồng thời ngừng sự phát triển của các tác nhân gây bệnh và nấm, không ảnh hưởng đến vị ngọt và độ mọng nước của quả vải thiều. Khi sử dụng công nghệ này, vải tươi có thể bảo quản được từ 30 - 45 ngày trong nhiệt độ từ 1 - 2 độ C tùy vào liều lượng lưu huỳnh sử dụng và thời gian xông hơi. Do đó, nếu có thể áp dụng công nghệ này thành công tại Việt Nam, trái vải thiều của Việt Nam sẽ được vận chuyển bằng đường biển thay vì đường hàng không và giá thành sẽ giảm đi nhiều.

Trước đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ này hỗ trợ việc vận chuyển và cước vận chuyển cho khoảng 2 - 3 tấn vải ngay trong năm 2015 để thăm dò nhu cầu thị trường. Vietnam Airlines đã đề xuất mức giá cước vận chuyển cho nguồn hàng vải quả tươi đi Pháp là 1,7 đô-la Mỹ/kg, tương đương giảm 20% so với mức giá cước hiện hành đang áp dụng. Như vậy, giá bao gồm phụ phí nhiên liệu và phụ phí bảo hiểm là khoảng 2,95 đô-la Mỹ/kg.

HÀNG VIỆT


Rong ruổi theo những chuyến hàng Việt


Hơn 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) cũng là hơn 5 năm tôi gắn bó với vai trò là “người đưa tin” cho CVĐ này. Rong ruổi theo những chuyến xe, chuyến tàu đưa hàng Việt về những vùng xa xôi, hẻo lánh và khó khăn nhất, tôi luôn mang trong mình trăn trở, làm sao để hàng Việt “bám rễ” tại những khu vực đặc biệt này?

Đưa những mặt hàng người dân thực sự cần

Nếu có người hỏi ấn tượng sâu đậm nhất khi một người làm báo như tôi tham gia những chuyến đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo là gì thì câu trả lời sẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ khi nhìn thấy vẻ háo hức, ngóng chờ của những người dân khu vực này khi những chuyến hàng Việt “cập bến”. 5 năm gắn bó với chương trình cùng vài chục chuyến công tác nhưng có lẽ sự háo hức, niềm vui sướng tôi có thể tìm thấy vẹn nguyên trong tất cả những chuyến đi. Lần sau vui hơn, háo hức hơn lần trước…

Tuy nhiên, những chuyến đưa hàng về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo không thể tổ chức mãi. Mục tiêu lớn nhất của những chuyến đi này là xây dựng những điểm bán hàng cố định. Và để những điểm bán hàng này trụ lại thành công, điểm cốt yếu là chọn được những mặt hàng người dân thực sự cần.

Trong chuyến công tác đến huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) vào những ngày cuối năm 2014, bên cạnh niềm vui, tôi cũng nhận được rất nhiều những băn khoăn của người dân như: “Giá như chuyến hàng này mang thêm đặc sản của những vùng miền núi như miến dong, rượu cần, rễ cây thuốc…”.

Giao thông ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng đi lên, nhu cầu hàng hóa do đó cũng tăng lên rất mạnh. Tuy nhiên, điều cốt yếu ở bất cứ thị trường nào cũng là tìm được ra những món hàng người tiêu dùng thực sự cần. Người hải đảo thích đặc sản miền núi. Người miền núi khao khát hải sản biển… - nắm bắt rõ điều đó chính là “chìa khóa” giúp hàng Việt bám rễ sâu ở những khu vực khó khăn này.

Bền và rẻ

Trong những chuyến đưa hàng Việt về miền núi, điều đầu tiên tôi thường hỏi người dân chính là, đâu là điều họ mong muốn nhất đối với hàng Việt?. Câu trả lời đồng nhất mà tôi thu được là: “Bền và rẻ”.

Tại sao hàng Trung Quốc dễ sống và bám rễ rất sâu ở những khu vực khó khăn? Lý do lớn nhất là giá rất rẻ. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của hàng Trung Quốc là chất lượng không tốt. Trong những chuyến đưa hàng Việt về Tuyên Quang, miền núi Quảng Ninh, những sản phẩm của các làng nghề như đồ gia dụng, nồi, chảo… được tiêu thụ rất nhanh ở những khu vực này cũng vì giá rẻ và độ bền cao. Đời sống người dân khu vực này dù khá hơn những năm trước nhưng thực tế, đây vẫn là khu vực còn nhiều khó khăn và hàng hóa với tiêu chí rẻ và bền vẫn là ưu tiên số một.

Lòng yêu nước cùng với sức lan tỏa của CVĐ đang là động lực rất lớn đối với doanh nghiệp Việt. Nắm bắt rõ ràng nhu cầu của người tiêu dùng và tập trung vào những mặt hàng có giá cả phải chăng – đây chính là yếu tố quan trọng nhất giúp hàng Việt trụ vững hơn ở những khu vực khó khăn.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương:

Với những khu vực khó khăn như vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh vận động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Việt kết hợp với bán hàng bình ổn giá để giải quyết vấn đề giá, phục vụ nhất nhu cầu cho người dân khu vực này.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)