Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 16/01/2015

02:55 PM 17/11/2014 |   Lượt xem: 2311 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Giảm giá và lượng thu mua sữa tươi: Người chăn nuôi khốn đốn

Chăn nuôi sữa bò là một trong những thu nhập chính của hàng trăm hộ dân xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội thế nhưng hơn 1 tháng trở lại đây, một số công ty sữa lại khống chế số lượng và giảm giá thu mua khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn.

Công ty sữa hạn chế thu mua

Chỉ tính riêng ba xã ở huyện Gia Lâm là Dương Hà, Phù Đổng, Trung Màu đã có khoảng 3.000 con bò sữa. Mỗi ngày sản xuất được trên dưới 25 tấn sữa tươi. Hiện có hai đơn vị đầu mối thu mua sữa chính là Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty CP sữa Quốc tế (IDP) với khoảng 95% lượng sữa.

Theo báo cáo của UBND xã Phù Đổng, hơn một tháng trở lại đây, hai công ty này đã khống chế số lượng thu mua cho bà con, nghĩa là chỉ thu mua theo hợp đồng đã ký kết còn số sữa thừa thì không thu mua nên mỗi ngày các trạm ùn ứ từ 1,5 - 2 tấn sữa. Không những thế giá cả cũng bị giảm khoảng 1.000 đồng/kg. Đơn cử như giá sữa thu mua của IDP trước đây là 13.300 đồng thì nay chỉ còn 12.300 đồng.

Ông Vương Đình Bình ở xóm mới, thôn Phù Dực cho biết, gia đình ông nuôi 3 con bò nhưng mới 2 con cho sữa, vào mùa thời tiết thuận lợi hai con cho sữa tới 45 kg, nhưng hiện giờ chỉ còn 35 kg. Với giá bán giảm nên gia đình gặp nhiều khó khăn vì nhà có bao nhiêu ruộng chuyển hết sang trồng ngô, cỏ để nuôi bò. Tất cả cuộc sống, sinh hoạt đều trông chờ vào đàn bò này.
Đối với nhiều trang trại của ông Nguyễn Đức Dư ở thôn Hạ, Dương Hà tình trạng còn bi đát hơn. Trước đây, nghe theo chủ trương khuyến khích chăn nuôi, ông mạnh dạn vay tiền thuê đất, đầu tư xây trang trại, máy móc thiết bị để nuôi bò. Thấy đầu ra tương đối ổn định, chăn nuôi thuận lợi, ông quyết định đầu tư thêm trang trại, lắp đặt nhà xưởng chế biến thức ăn thì đùng một cái công ty sữa hạn chế thu mua, giá giảm khiến ông dở khóc dở cười. “Tổng vốn tôi đầu tư lên tới 4 tỷ đồng, hầu hết là tiền đi vay, mượn nếu sắp tới Công ty IDP không ký hợp đồng thu mua nữa thì chỉ có nước phá sản” - ông Dư lo lắng cho biết.

Đâu là lối ra?

Theo ông Dư, sữa tươi vắt ra phải đem ngay cho các chủ bồn (trạm thu mua) ngay, ở đây họ sẽ lưu trữ bằng thiết bị bồn lạnh chờ công ty đến lấy. Quá 24 giờ là bỏ đi. Khi lượng sữa thừa ra, IDP không nhập, nhiều bà con tìm cách bán lẻ ngoài đường quốc lộ chính hoặc tìm cách liên hệ bán cho các công ty khác nhưng họ đều lắc đầu vì “chưa có kế hoạch”. Hiện bà con nuôi bò trong xã rất hoang mang vì sắp tới IDP sẽ không nhập sữa nữa. Nguy cơ đàn bò bị thụt giảm là có thật.

Từ thực tế trên có thể thấy, thị trường sữa hiện nay đang tồn tại một nghịch lý: Tuy thiếu nguồn nguyên liệu sữa, nhưng mỗi năm chúng ta cũng bỏ ra hàng tỷ đô-la Mỹ để nhập khẩu sữa bột về làm sữa tươi. Trong khi đó, sữa tươi có giá trị dinh dưỡng cao thì giá thu mua cho bà con lại rẻ như sữa nước hoàn nguyên.

Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, ngay sau khi có thông tin phản ánh, xã đã mời các chủ thu mua sữa, hợp tác xã chăn nuôi bò sữa họp để nghe báo cáo. Người dân cũng kiến nghị huyện Gia Lâm cần có ý kiến với các công ty sữa có chính sách mua hết sữa cho bà con với giá ổn định dựa trên cơ sở hợp đồng lâu dài; Đề nghị cơ quan thế có chính sách đặc thù cho các trạm thu gom sữa, giảm giá thu thuế VAT từ 7% xuống còn 3,5% như trước đây.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, còn về lâu dài cần có chiến lược chính sách đồng bộ hơn. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước cần tăng cường sự liên kết giữa 3 nhà “Nhà nước - Doanh nghiệp - Nông dân”. Như vậy các bên đều được lợi, giảm được nhập khẩu, tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho người dân, người tiêu dùng được lợi. Có như vậy ngành chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam mới phát triển bền vững.

MUA GÌ

Địa lan Sa Pa vào vụ Tết

Do thời tiết năm nay thuận lợi hơn năm ngoái và các nhà vườn cũng đã kịp thời đưa các chậu địa lan chuẩn bị xuất bán từ thị trấn Sa Pa xuống vùng thấp ấm hơn để tránh rét hại ngay từ đầu mùa đông nên hầu hết các chậu hoa thương phẩm đều đạt chất lượng cao. Vụ hoa Tết này các nhà vườn sẽ đưa ra thị trường khoảng 3.500 - 4.000 chậu hoa địa lan thương phẩm, tăng gần gấp đôi so với vụ trước. Hoa địa lan Trần Mộng Sa Pa được khách hàng cao cấp ở các thành phố lớn ưa thích vì hoa đẹp, hương thơm độc đáo và đặc biệt hơn cả là hoa nở 2 - 3 tháng mới tàn. Hiện giá hoa địa lan Trần Mộng dao động từ 400.000 - 500.000 đồng/cành. Theo đó, với những chậu lan 6 - 10 cành nở đúng dịp Tết Nguyên đán sẽ có giá từ 3 - 4 triệu đồng/chậu. Còn những chậu từ 10 cành trở lên có giá từ 10 - 30 triệu đồng trở lên/chậu.

Mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Sa Pa đã hướng dẫn cho hàng trăm gia đình người dân tộc Mông ở xã Trung Chải và người dân tộc Dao đỏ ở xã Tả Phìn kỹ thuật trồng hoa địa lan hàng hóa và trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi này cũng đã có sản phẩm hoa địa lan Trần Mộng bán ra thị trường.

Sóc Trăng: Giá bưởi tiếp tục tăng

Tại xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, Sóc Trăng, thương lái đến hợp đồng mua bưởi da xanh loại I (trọng lượng trên 1 kg/trái, không sâu bệnh) với giá 50.000 đồng/kg và bưởi Năm Roi 30.000 đồng/kg nhưng nhà vườn chưa dám bán, bởi giá bưởi có thể tăng. HTX Bưởi Năm Roi Kế Thành, một số nhà vườn đã hợp đồng bán bưởi da xanh và bưởi Năm Roi với giá lần lượt là 55.000 đồng/kg và 35.000 đồng/kg bưởi loại 1. Vụ Tết năm nay năng suất, sản lượng bưởi không thấp hơn năm ngoái, song tỷ lệ trái bị nhiễm bệnh loét vi khuẩn (còn gọi là bệnh ghẻ trái) tăng cao. Do đó, sản lượng bưởi có mẫu mã đẹp để chưng Tết giảm, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu và giá bưởi có thể sẽ tiếp tục tăng.

Bạc Liêu: Vụ muối giá ổn định

Giá muối thời điểm giao mùa khá cao, diêm dân huyện Đông Hải đang rất phấn khởi vào vụ sản xuất mới. Theo phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Đông Hải (Bạc Liêu), hiện giá muối tại địa phương đang ổn định ở mức 1.500 đồng/kg muối trắng và 1.100 đồng/kg muối đen. Huyện Đông Hải có diện tích muối lớn nhất tỉnh Bạc Liêu với hơn 1.900 héc-ta/1.153 hộ (muối trải bạt 5,6 héc-ta), tổng sản lượng thu hoạch năm qua đạt 100.963 tấn, muối trắng chiếm gần 41.000 tấn. Năm nay kế hoạch huyện vẫn giữ diện tích muối trong khoảng 1.935 ha và sản lượng khoảng 107.200 tấn. Mùa mưa vừa qua kết thúc muộn, bà con trên địa bàn tiến hành vụ muối trễ hơn thường niên khoảng 1 tháng. Hiện nay bà con đang ráo riết chuẩn bị đưa nước vào ruộng muối, thời tiết thuận lợi thì 2 tháng nữa bà con sẽ được thu hoạch muối đầu năm.

Trà Vinh: Trái cây đặc sản giá tăng từng ngày

Liên tiếp những ngày qua, các loại trái cây đặc sản như cam sành, bưởi da xanh, xoài… giá cứ nhích lên từng ngày, nhưng các nhà vườn tại Trà Vinh vẫn không đủ hàng để bán. Hiện quýt đường, cam sành, xoài Đài Loan loại 1 tại vườn ở Trà Vinh có giá 38.000 - 40.000 đồng/kg, tăng gần 15.000 đồng/kg so với tuần trước và tăng gần gấp đôi so với thời điểm giáp Tết năm ngoái. Bưởi da xanh, bưởi Năm Roi; mãng cầu sim... giá cũng rục rịch tăng theo. Nguyên nhân dẫn đến giá trái cây tăng cao là vì đang trong mùa nghịch, thời tiết năm nay không thuận lợi nên năng suất không cao, đồng thời là năm nhuận nên hầu hết các loại trái cây rất khó neo trái cho đến ngày cận Tết. Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có trên 6.000 héc-ta cây ăn trái, một phần ba trong số này được trồng chuyên canh, tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long và Cầu Kè. Đây cũng là 2 địa phương có truyền thống trồng cây ăn trái để bán vào dịp Tết với sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 6.000 tấn.

Giá rau quả tại một số tỉnh trong tuần

Thị trường

Sản phẩm

Giá (đồng/kg)

An Giang

Xoài cát Hòa Lộc

40.000

Thanh long

20.000

Mãng cầu ta

40.000

Nhãn tiêu da bò

30.000

40.000

Tiền Giang

Cam mật

20.000

Quýt đường

18.000

Cam Sành

20.000

Bưởi Năm Roi

18.000

Bưởi da xanh

35.000

Bưởi Lông Cổ

18.000

Lâm Đồng

Dâu tây loại 1

40.000

Dâu tây loại 2

30.000

Cà chua thường loại 1

6.000

Cà chua thường loại 2

5.000

BÁN GÌ

Bắc Kạn: Gừng cuối năm được giá

Năm nay, giá gừng đầu mùa khá cao, gấp 2 đến 3 lần những năm trước và hiện vẫn giữ được giá cao khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Hiện 100% các thôn của xã Tân Sơn đều trồng gừng. Trong đó, Nặm Dất và Bản Lù là 2 thôn có diện tích trồng gừng lớn trong xã, đặc biệt là thôn Nặm Dất hiện có 70 hộ thì hầu như gia đình nào cũng trồng gừng. Về mặt tiêu thụ, gừng năm nay được tiêu thụ khá dễ dàng. Ngoài một số lượng lớn các tư thương đến mua để đưa về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ, người dân địa phương cũng đã mở xưởng chế biến các sản phẩm từ gừng. Những năm qua cây gừng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, là cây trồng chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con trong xã. Tuy vậy, thị trường tiêu thụ gừng chưa thực sự ổn định, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người trồng.

Lý Sơn: Hành thất thu do thời tiết không thuận lợi

Mấy ngày qua, trời rét và mưa đã làm số diện tích hành của người dân đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn), thiệt hại nặng. Vụ hành năm nay giai đoạn đầu phát triển khá tốt. Tuy nhiên, đến giai đoạn chuẩn bị thu hoạch thì không khí lạnh và mưa liên tục làm hành hư hại. Theo người dân đảo Bé, để sản xuất vụ hành thu đông, người dân phải đầu tư trên 7 triệu đồng/sào để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đó là chưa kể hàng trăm ngày công chăm sóc, nhưng nay tất cả đều trắng tay. Vụ hành thu đông năm 2014, toàn xã An Bình gieo trồng trên 23 héc-ta diện tích, với tổng sản lượng ban đầu ước đạt trên 150 tấn. Hành chuẩn bị cho thu hoạch thì gặp mưa nhiều nên toàn bộ 80% diện tích bị hư và thối rữa. Hiện sản lượng thu hoạch ước chỉ còn khoảng 38 tấn.
Ảnh: Thời tiết không thuận lợi làm ảnh hưởng đến năng suất hành

Đồng bằng sông Cửu Long: Trái cây khan hiếm, giá tăng mạnh

Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên nhiều loại trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long mất mùa, khan hàng và giá tăng đột biến. Hiện bưởi Năm Roi loại đặc biệt hiện có giá 24.000 đồng/kg, loại 2 đạt mức 14.000 - 16.000 đồng/kg; tăng từ 3.000 - 8.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Bưởi da xanh có giá 30.000 đồng/kg, tăng 30% so với mùa trước. Sầu riêng cũng đạt mức kỷ lục 120.000 đồng/kg. Chôm chôm có giá 17.500 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg so với tháng trước.

Đồng Tháp: Giá khoai môn giảm

Hội An Đông là một trong 3 xã tập trung diện tích khoai môn lớn ở huyện Lấp Vò. Đến nay, đã có gần 50% diện tích khoai môn và kiệu của địa phương được thu hoạch. Diện tích còn lại sẽ được thu hoạch dần từ nay đến hết Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năng suất và giá khoai môn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, giá khoai môn được thương lái thu mua tại ruộng với mức 8.000 đồng/kg, giảm từ 2.000 - 3.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Năng suất bình quân đạt 3 tấn/công, giảm từ 1 - 1,5 tấn so với cùng kỳ năng trước.

Theo thông tin từ nhiều thương lái, do năm nay khoai môn xuất đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bị hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến giá cả khoai môn nội địa. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ của thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng giảm so với các năm trước nên giá khoai môn năm nay giảm mạnh. Với diện tích còn lại, bà con nông dân hy vọng thị trường cuối năm sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn.

Theo ngành chức năng khuyến cáo, để trồng khoai môn đạt năng suất cao, hạn chế sâu bệnh gây hại, ngoài áp dụng đúng kỹ thuật thì bà con nông dân cần lưu ý việc cách ly giữa các mùa vụ trong canh tác, không nên trồng liên tục khoai môn trên cùng một đơn vị diện tích qua nhiều mùa. Để khoai môn đạt năng suất cao, bà con nông dân có thể trồng luân canh hoặc xem canh các giống cây trồng khác trên nền đất đã trồng. Kỹ thuật này sẽ giúp cắt nguồn lương thực của một số ký sinh gây hại, đồng thời rễ cây trồng mới sẽ tiết những chất ức chế mầm bệnh của cây trồng vụ trước.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Cắt bán sầu riêng non: Nông dân thiệt hại nặng

Hiện nay, giá sầu riêng bán tại vườn chỉ còn trên dưới 50.000 đồng/kg so với mức kỷ lục 125.000 đồng/kg thời điểm cuối tháng 11. Với mức giá này, nhiều nông dân và cả thương lái đang bị thiệt hại nặng, đặc biệt là các nhà vườn tại Tiền Giang và một số tỉnh miền Tây.

Giá giảm mạnh

Sầu riêng lâu nay chủ yếu được xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, một số ít bán sang thị trường Campuchia. Riêng năm nay, do sản lượng và diện tích nghịch mùa ít, trong khi nhu cầu của khách hàng tăng nên hàng bán rất chạy. Vì vậy, để mua được sầu riêng, nhiều thương lái đã cạnh tranh quyết liệt và đẩy giá lên cao. Thậm chí, có người còn mua và cắt sầu riêng non để đóng thùng xuất khẩu. Đây là cách làm ăn kiểu chụp giật vì đến khi giao hàng thì sầu riêng chưa kịp chín hoặc hỏng nên không bán được. Thậm chí, nhiều thương lái đã hạ giá xuống mức thấp nhất nhưng đối tác vẫn từ chối không nhận hàng, đành phải bán lẻ hoặc đổ bỏ. Hệ lụy của tình trạng cắt bán trái non đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà vườn khác đang chờ trái chín để thu hoạch. Do vậy đến nay, mặc dù trái đã chín nhưng các nhà vườn ở Tiền Giang cũng chỉ bán được với giá 50.000 đồng/kg. Mức giá chưa bằng một nửa so với thời điểm trước khiến nhiều nhà vườn làm ăn chân chính lâm vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Nhiều vườn sầu riêng trái đã chín rộ nhưng chủ vườn vẫn có tâm lý chờ giá tăng mới bán. Trong khi đó, thị trường sầu riêng năm nay cũng có xu hướng tiêu thụ chậm hơn so với các năm trước.

Không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt

Anh T.M.T - xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Thời điểm đầu tháng 11 đang khan hàng, vườn sầu riêng của tôi còn chưa chín nhưng thương lái cứ quyết liệt đòi mua với giá 110.000 đồng/kg rồi họ cắt luôn khi trái mới được 80 ngày. Tôi đã cắt bán một nửa vườn để lấy tiền cọc mua phân bón, còn một nửa vẫn để chờ trái chín. Một số nhà vườn gần đây đã từ chối vì trái chưa chín thì thương lái xin đặt tiền cọc, đợi trái chín sẽ lấy hàng. Đến nay, khi giá giảm mạnh, thương lái lại tới năn nỉ, xin giảm giá, nếu không thì họ bỏ tiền cọc, không cắt. Thế là tôi bị thiệt vì đã không bán trái non”. Trường hợp của anh T chỉ là một trong số ít những hộ bị thiệt hại vì... không chạy theo lợi nhuận trước mắt. Còn lại, hầu hết các hộ làm ăn chân chính đều bị thiệt hại nặng do giá giảm quá mạnh.

Theo một thương lái có kinh nghiệm, nguyên nhân khiến sầu riêng giảm giá mạnh như hiện nay là do sản lượng và diện tích nghịch mùa ít, trong khi nhu cầu của khách hàng tăng cao. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất chính là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đã làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng sản phẩm. Vào thời điểm nghịch vụ, khan hàng, thương lái cứ nâng giá liên tục và cắt cả trái chưa chín, chất lượng kém để đóng thùng xuất khẩu. Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng hóa chất để thúc trái cây chín nhanh, chín đồng loạt. Thuốc ép trái chín hàng loạt là loại bột trắng, không có nhãn mác đã bị khuyến cáo không được sử dụng. Thế nhưng loại thuốc này vẫn được bày bán rất phổ biến tại các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường. Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã xác định, loại bột này có nguồn gốc từ chất ethrel, được phép sử dụng trên rau quả ở châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, hàm lượng cho phép sử dụng và nguồn gốc thuốc được quy định rất nghiêm ngặt, trong khi ở Việt Nam, chúng được sử dụng, vô tội vạ. Chỉ cần từ 2 – 3cc thuốc là trái non đã chín gấp ngay trong vòng 1 – 1,5 ngày.

Vô hình chung sự cạnh tranh không lành mạnh này đã gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân. Do vậy, bà con mong có một tổ chức đứng ra điều tiết, hướng dẫn việc mua, bán, xuất khẩu trái cây để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Quảng Ngãi: Người dân chưa được hưởng lợi từ giá xăng dầu giảm

Từ ngày 6/1/2015, giá xăng trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm 310 đồng/lít, xuống còn 17.570 đồng/lít xăng Ron92. Dầu diesel giảm ở mức 360 đồng/lít, giá bán lẻ chỉ còn 16.630 đồng/lít. Dầu hoả giá về mức 17.110 đồng/lít (giảm 290 đồng/lít) và dầu mazut giảm 200 đồng/kg tương ứng với giá bán lẻ xuống còn 12.630 đồng/kg.

Tính từ đầu tháng 7 trở lại đây giá xăng đã giảm 8.000 đồng/lít. So với cuối năm 2013, giá xăng hiện nay rẻ hơn 6.630 đồng/lít, tương đương mức giảm 26%; giá dầu diesel cũng giảm 26% trong khi giá dầu hỏa giảm 22% và dầu mazut giảm 28,2%. Với mức giảm giá xăng dầu mạnh nhất trong vòng 4 năm, người dân hy vọng giá cả các mặt hàng hóa, dịch vụ cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, thực tế các mặt hàng tiêu dùng ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không giảm, thậm chí có không ít những mặt hàng còn có dấu hiệu tăng giá vào dịp cuối năm. Theo một số hộ tiểu thương tại chợ Quảng Ngãi, nếu nhà cung cấp không hạ giá bán buôn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thì người bán lẻ dù có muốn cũng không hạ được giá.

Bên cạnh các mặt hàng thiết yếu, trong dịp cuối năm này, người dân cũng rất quan tâm giá cước vận tải có giảm theo xăng dầu hay không. Tuy nhiên, cũng như các loại hàng hóa khác, khi xăng dầu tăng giá thì các doanh nghiệp vận tải đồng loạt tăng giá cước, nhưng ngược lại khi xăng dầu giảm giá thì phản ứng của các doanh nghiệp vận tải lại rất chậm.

Trước tình hình này, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tiến hành giảm giá cước từ 3- 8% theo từng tuyến vận tải cố định. Tuy nhiên để chủ trương này được thực hiện một cách nghiêm túc, thiết nghĩ các ngành chức năng Quảng Ngãi cần có những biện pháp đốc thúc, kiểm tra sâu sát, đồng thời xử lý quyết liệt những doanh nghiệp không thực hiện đúng giá cước giảm đã đăng ký.

Không riêng Quảng Ngãi, hiện tình trạng giá nhiều mặt hàng, dịch vụ "án binh bất động" trong lúc giá xăng dầu đã giảm mạnh còn diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Có thể nói, đây chính là tư duy lợi ích cục bộ làm thiệt hại chung cho nền kinh tế.

Xây dựng thương hiệu khoai tây Đà Lạt

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Lâm Đồng đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xúc tiến xây dựng thương hiệu riêng cho khoai tây Đà Lạt.

Đây là động thái tích cực của tỉnh Lâm Đồng nhằm từng bước loại bỏ sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, đảm bảo quyền lợi cho nhà vườn trồng khoai tây Đà Lạt và người tiêu dùng.

Thời gian qua, ngành chức năng Lâm Đồng đã liên tiếp phát hiện hàng chục tấn khoai tây Trung Quốc được các tiểu thương nhập về bán tại thị trường các tỉnh, thành phía Nam bán với mác khoai tây Đà Lạt nhằm kiếm lời bất chính. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở kinh doanh khoai tây Trung Quốc đã xuất trình được các hóa đơn, chứng từ mua bán, phiếu kiểm định chất lượng hàng hóa… Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là các loại khoai này đều được người bán nói là hàng do nông dân trong nước trồng trọt. Thậm chí, tại chợ nông sản Đà Lạt, cơ quan chức năng đã phát hiện 400 kg khoai tây Trung Quốc đã được nhuộm đất đỏ để đánh lừa người tiêu dùng là khoai tây Đà Lạt. Theo chủ các cơ sở, họ nhập khoai tây Trung Quốc về Đà Lạt với giá 10.000 đồng/kg rồi bán ra với giá 11.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong các hóa đơn, chứng từ lại thể hiện giá khoai tây được nhập từ Trung Quốc chỉ 3.345 đồng/kg.

Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra và lấy mẫu trong kho 52 tấn khoai tây Trung Quốc của một cơ sở kinh doanh. Kết quả cho thấy, 26 tấn khoai tây hồng có dư lượng hoạt chất Chlorpyrifos (thuốc bảo vệ thực vật) vượt gấp 16 lần ngưỡng cho phép của Bộ Y tế. Cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy ngay số khoai tây Trung Quốc nhiễm độc này.

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, hiện Đà Lạt và các vùng phụ cận có khoảng 1.800 héc-ta trồng khoai tây/năm, sản lượng sấp sỉ 28.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay diện tích khoai tây đang bắt đầu có xu hướng giảm do nông dân đã chuyển dần sang trồng rau, hoa vì giá cả thất thường, không thể cạnh tranh với hàng cùng loại của Trung Quốc vốn có giá rất thấp trên thị trường.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Tiền Giang: Nhiều đặc sản “độc, lạ” cho thị trường Tết

Tết Nguyên đán Ất Mùi đang đến gần, các nhà làm vườn đã bắt đầu tung ra thị trường nhiều loại trái cây, hoa quả đẹp, lạ góp phần làm đa dạng nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho bà con.

Bưởi bàn tay phật

Lần đầu tiên nông dân trồng bưởi ở đồng bằng sông Cửu Long hết sức phấn khởi khi được Công ty Nguyễn Gia (Hà Nội) đứng ra cung cấp vật tư (khuôn), kỹ thuật, đồng thời bao tiêu 100% sản phẩm bưởi bàn tay Phật (còn gọi là bưởi lễ Cát Tường) để tung ra thị trường Tết. Bưởi bàn tay Phật được làm từ giống bưởi Năm Roi không hạt của người dân miền Tây, đặc biệt sản phẩm này được Công ty Nguyễn Gia ký hợp tác với CLB tạo hình bưởi ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành – Hậu Giang. Nơi đây đứng ra làm đầu mối liên kết với nông dân các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh với diện tích 160 héc-ta, trong đó có khoảng trên 120 nhà vườn trồng bưởi tham gia sản xuất bưởi bàn tay Phật để cung cấp cho Công ty. Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB tạo hình bưởi cho biết, sẽ cung cấp ra thị trường Tết năm nay khoảng 3.000 trái bưởi bàn tay Phật. Nếu sản xuất bưởi có bao tiêu như thế này giúp tăng lợi nhuận cao hơn gấp 4 - 5 lần so với canh tác bưởi thương phẩm vì có thể sản xuất theo đơn đặt hàng quanh năm. Chính vì vậy sẽ mở ra cơ hội mới cho nông yên tâm trồng bưởi.

Dưa hấu hình thỏi vàng Tài – Lộc

Dưa hấu hình vuông, hình thỏi vàng có chữ Tài – Lộc cũng đang được dự kiến bán với giá từ từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/cặp. Với khoảng 500 cặp dưa hấu này, người nông dân ở Cần Thơ có thể thu về gần một tỷ đồng trong dịp Tết này. Loại trái cây đặc biệt phục vụ dịp Tết này đang được thương lái tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu... tìm mua để phân phối cho thị trường Tết. Theo bà con, để có những quả dưa đẹp thì việc chăm sóc hết sức cẩn thận từ lúc mới gieo hạt đến khi ra hoa, kết trái và chọn đúng thời điểm để cho vào khuôn.
Kiểng bông trang

Để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường Tết Nguyên đán ngoài những loại hoa kiểng, kiểng thú, kiểng trái, nhà vườn ở Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách (Bến Tre) còn tạo ra nhiều loại kiểng làm bằng bông trang có giá bán vài chục triệu đồng/cặp. Cây bông trang chủ yếu ra hoa vào mùa hè, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, điển hình như có thể chịu được nắng và hạn nên chọn làm kiểng là rất thích hợp. Hơn nữa, đây là loại cây có thế cắt tỉa, tạo hình, khống chế chiều cao, tán cây… đơn giản, dễ dàng. Hoa thường mọc ở đầu cành và nếu chăm sóc tốt cây phát triển rất lớn nên rất có giá trị. Vài năm trở lại đây, bông trang được người dân “biến” thành kiểng để bán vào các dịp lễ, Tết. Để tạo ra một sản phẩm kiểng nhà vườn phải bỏ công tìm mua những cây bông trang có dáng đẹp, to, nhiều cành rồi đem về vô chậu, cắt tỉa, tạo dáng nên tốn nhiều thời gian và công sức. Vì thế giá của loại kiểng này đắt hơn rất nhiều so với các loại kiểng khác.

Kiểng hình dê

Nhiều nhà vườn ở Bến Tre đang tất bật hoàn thiện các loại cây kiểng hình thú, đặc biệt là hình dê do đây là linh vật của năm nên chắc chắn thị trường ưa chuộng. Để làm ra một sản phẩm hình con dê cao 2 - 3 mét phải tốn đến vài chục nhánh gừa tàu và khung sắt. Mỗi tác phẩm hoàn thiện, một nghệ nhận phải làm liên tục từ 5 - 10 ngày. Hiện giá kiểng hình dê có chiều cao 1,2 mét có giá 3 triệu đồng/cây, loại có chiều cao 2,5 – 3 mét có giá trên dưới 4 triệu, những loại có kích thước lớn hơn giá có thể lên đến chục triệu đồng. Ngoài sản phẩm chủ lực là kiểng hình con dê, Tết Nguyên đán năm nay các nhà vườn còn sản xuất kiểng hình con rồng, bình trà, bình bông, cây đàn, bộ 12 con giáp, hình trái tim, nai, hươu, trâu… với giá từ vài triệu đồng trở lên.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN

Gian lận về chất lượng xăng dầu: Gây hậu quả nghiêm trọng

Chất lượng xăng dầu có vai trò quyết định hiệu suất và tuổi thọ động cơ, đồng thời tác động không nhỏ tới môi trường. Lượng xăng dầu nếu hao hụt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng. Vậy, cách nào để người tiêu dùng, đặc biệt bà con tại vùng núi, vùng xa không mua phải xăng dầu thiếu lượng, kém chất?

Xăng dầu thiếu lượng, kém chất

Về số lượng, bằng trực quan, người tiêu dùng khó có thể biết được tình trạng gian lận. Mở bình xăng hay nắp can ra, xăng dầu được đổ trực tiếp từ cột bơm vào, người tiêu dùng cứ theo số trả tiền.

Gian lận về chất lượng xăng dầu là hình thức gian lận gây hậu quả nghiêm trọng nhất. Vấn đề không chỉ là sự sai khác tiêu chuẩn làm các động cơ hoạt động không đạt công suất mà còn có nguy cơ gây cháy nổ. Thời gian qua, nhiều vụ ô tô, xe máy tự cháy khi đang chạy, nhiều khi là không chạy và đã có rất nhiều nghi vấn hướng về chất lượng xăng dầu. Khi không thể kiểm soát chất lượng, định lượng xăng dầu thì điểm tựa duy nhất của người tiêu dùng chính là sự trung thực của người bán hàng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều cửa hàng xăng dầu có hành vi gian lận. Trong khi đó, dù các cơ quan chức năng đi kiểm tra, xử phạt, nhưng rất ít khi kết quả kiểm tra được công bố công khai, rõ ràng tên, địa chỉ cây xăng vi phạm để người tiêu dùng biết và đề phòng. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng xăng dầu chất lượng kém lưu thông trên thị trường là tình trạng xăng dầu nhập lậu hay xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không xuất mà đưa ra bán trong nước. Các loại xăng dầu này được bán thẳng cho các cây xăng với giá rẻ, đặc biệt cây xăng tư nhân tại vùng sâu, vùng xa.

Do điều kiện về địa lý, thị trường, không nhiều doanh nghiệp đầu mối mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn vùng sâu, vùng xa. Do đó, bà con dân tộc có khi đi hàng chục ki-lô-mét mới mua được xăng dầu tại cây xăng của doanh nghiệp nhà nước (Petrolimex, PV Oil…). Do vậy, nhiều khi bà con đã mua xăng dầu trôi nổi của những cây xăng mini, cửa hàng nhỏ lẻ... hai bên đường cho tiện. Tuy nhiên, sản phẩm của những cửa hàng này khó có thể đảm bảo về chất lượng và số lượng.

Kinh nghiệm mua xăng dầu đúng số lượng, đảm bảo chất lượng

Vì vậy, để tránh mua phải xăng dầu kém chất lượng, thiếu số lượng, khi mua xăng bà con cần lưu ý: sau khi cho biết số tiền hoặc số lượng xăng muốn mua, đừng vội mở nắp bình xăng mà hãy chú ý thật kỹ xem nhân viên có trả đồng hồ trụ bơm về số 0 và có nhập đúng con số mình yêu cầu hay không. Không để cho nhân viên bán xăng bơm nối số. Cũng cần chú ý quan sát đường ống xăng của vòi bơm mà nhân viên trạm xăng chuẩn bị bơm cho mình xuất phát từ trụ bơm nào. Khi xăng ngừng chảy, đồng hồ chỉ đúng số tiền mình định mua, đóng nắp bình xăng rồi hãy trả tiền. Kiểm tra xem số tiền và số lít xăng trên màn hình có tương đương hay không.

Quan trọng hơn cả, hãy chọn đổ xăng ở các cửa hàng xăng dầu có uy tín, thuộc sở hữu hay đại lý cho những doanh nghiệp lớn, đầu mối sản xuất kinh doanh xăng dầu; cột bơm còn nguyên niêm phong, kẹp chì và được kiểm tra định kỳ. Trong trường hợp nghi ngờ cửa hàng dùng thiết bị điện tử để gian lận số lượng, cần sớm báo cho các cơ quan chức năng để kiểm tra.

Về chất lượng, khi thấy bình xăng có hiện tượng có nước, người tiêu dùng nên kiểm tra lại cửa hàng mình vừa đổ xăng hoặc thấy khi đang chạy, xe có hiện tượng giật cục, hoặc chết máy thì rõ ràng, xăng đã bị pha tạp chất, không đúng chuẩn. Ngoài ra, cần xem xăng được đổ có màu đúng như màu được công bố hay không, nếu không đúng thì rõ ràng cửa hàng đã “treo đầu dê, bán thịt chó”. Thông thường, những nơi đổ xăng không an toàn về chất lượng chính là những người bán lẻ xăng dầu dọc đường hoặc những trạm xăng mini trái phép.

Bà con đặc biệt lưu ý, trong quá trình sử dụng, bà con có thể tự kiểm tra mức độ tiêu hao xăng dầu bằng kinh nghiệm thông qua theo dõi mức độ tiêu hao theo hành trình chạy xe (cự ly) trong điều kiện bình thường. Khi có dấu hiệu bất thường về số lượng sau khi mua hàng, có thể yêu cầu nhân viên cửa hàng dùng các phương tiện đo lường khác (bình chuẩn) để kiểm tra ngay tại chỗ, đồng thời yêu cầu cửa hàng lập biên bản sự việc để làm căn cứ xử lý.

BÀ CON CẦN BIẾT

Bắt đầu từ số 1 năm 2015 (ra ngày 2/1/2015) Chuyên đề DTTS & MN – Báo Công Thương mở chuyên mục “Bà con cần biết” nhằm cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước để bà con có hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu, hạn chế rủi ro.

Giá xăng dầu tiếp tục giảm

Bao giờ đến lượt hàng tiêu dùng và dịch vụ?

Trong năm 2014, giá xăng dầu đã có tới 12 lần giảm, riêng thời điểm cuối năm, xăng RON 92 giảm tới 2.050 đồng/lít, nhiều nhất trong vòng 4 năm qua. Những đợt giảm liên tục của giá xăng dầu khiến người tiêu dùng rất vui mừng và hy vọng giá các loại dịch vụ, hàng tiêu dùng cũng sẽ giảm theo, nhất là thời điểm đã gần Tết Nguyên đán.

Giá cước vận tải chỉ giảm nhẹ

Tuy nhiên, đến giữa tháng 1/2015, hầu hết giá các loại dịch vụ, hàng tiêu dùng vẫn "không nhúc nhích". Lý do mà các doanh nghiệp và tiểu thương kinh doanh đưa ra là vì giá cước vận tải chưa giảm. Từ trong năm 2014, một số doanh nghiệp vận tải cho biết đã tính toán phương án giảm giá cước nhưng phải có thời gian, chứ không phải chuyện xăng giảm giá hôm nay thì ngày mai có thể giảm giá cước. Vì theo luật quy định, kể từ thời điểm yếu tố đầu vào (như xăng dầu) có biến động, doanh nghiệp có 5 ngày tính toán, để xác định mức giá cước phù hợp. Sau đó gửi hồ sơ thủ tục lên cơ quan chức năng và 5 ngày sau khi gửi sẽ có kết quả trả lời chấp thuận hay không…

Trên thực tế, từ cuối năm 2014, đã có một số ít doanh nghiệp vận tải đăng ký giảm giá cước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong cơ cấu vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40%, đáng lẽ cước vận tải phải giảm từ 15 - 20% giá cước mới phù hợp. Việc các doanh nghiệp vận tải chỉ giảm 5 - 7% như vừa qua là không ăn thua, thậm chí có doanh nghiệp còn không giảm là điều rất vô lý.

Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn để bảo vệ người tiêu dùng, vì cước vận tải ảnh hưởng đến việc tăng hoặc giảm giá cả hàng hóa.
Vì sao giá cước vận tải lại ảnh hưởng tới giá các mặt hàng tiêu dùng?

Đến nay, nhiều người vẫn thắc mắc tại sao giá cước vận tải lại ảnh hưởng lớn tới giá cả các mặt hàng tiêu dùng. Đó là do hệ thống phân phối hàng hóa của nước ta còn chưa hợp lý, qua nhiều cầu, nhiều khâu trung gian. Vì lẽ đó, chi phí vận chuyển chiếm một phần rất lớn trong giá hàng hóa bán ra (được tính cho người mua gánh). Một thực tế khác, trong sinh hoạt hàng ngày, người tiêu dùng phải chi một khoản khá lớn cho nhiều loại dịch vụ như cắt tóc, xe ôm, ăn uống… Đáng nói là những dịch vụ này hầu như chỉ có tăng chứ không giảm..

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến thời điểm Tết Nguyên đán, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải tăng cường trách nhiệm quản lý, nếu phát hiện các doanh nghiệp vi phạm về giá cả, cần có biện pháp xử lý quyết liệt, triệt để nhằm ngăn chặn những doanh nghiệp, hộ kinh doanh cố tình sai phạm, "móc túi" người tiêu dùng một cách bất công. Người tiêu dùng, nhất là bà con ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đang mong đợi hiệu ứng từ việc giá dầu giảm sẽ kéo theo chi phí vận tải giảm, giá nông sản, hàng hóa qua đó sẽ giảm theo.

HÀNG VIỆT

Trái cây Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng thương hiệu để khơi thông thị trường

Diện tích cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) khoảng 295.000 héc-ta, sản lượng 3,8 triệu tấn/năm, chiếm gần 50% sản lượng của cả nước. Hiện đã có nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản nổi tiếng như: Xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang); bưởi Năm roi (Hậu Giang, Vĩnh Long); bưởi da xanh (Bến Tre); quít hồng Lai Vung (Ðồng Tháp)... Xây dựng thương hiệu sản phẩm là phương pháp giúp cho việc tìm kiếm và khơi thông thị trường. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề nan giải đối với vùng ĐBSCL.

Khó tạo thương hiệu

Đến nay, hầu hết các mặt hàng trái cây tại khu vực ĐBSCL vẫn chưa có thương hiệu mạnh. Ngay cả như cây dừa, một loại cây đã trở thành biểu tượng của tỉnh Bến Tre và sản phẩm từ dừa đã có mặt ở hàng chục nước trên thế giới, nhưng chúng ta chưa từng có một thương hiệu nổi trội nào về cây ăn trái này. Nguyên nhân khó hình thành thương hiệu được chỉ ra nhiều, nhưng chung quy vẫn là vấn đề kinh phí. Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, nên kinh phí eo hẹp, cho nên hạn chế trong việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu, cũng như tên tuổi của công ty. Đại diện doanh nghiệp thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây (Bến Tre) chỉ ra một thí dụ cụ thể: Đương nhiên, muốn xây dựng thương hiệu thì phải bắt nhịp theo các tiêu chí cao, như VietGAP, GlobalGAP nhưng thiếu kinh phí tái chứng nhận sản phẩm đạt các loại tiêu chuẩn nêu trên là một trong những nguyên nhân khiến diện tích sản xuất bưởi da xanh trên địa bàn còn khá khiêm tốn. Trên thực tế, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT), tính đến nay, diện tích cây ăn trái được chứng nhận VietGAP ở các tỉnh phía Nam chưa nhiều, khu vực ĐBSCL chỉ có chưa tới 1% trên tổng diện tích, còn các loại rau, màu, thủy sản, lúa gạo thì không đáng kể. Những chuẩn mực tối thiểu mà thị trường đòi hỏi còn chưa đáp ứng được thì chuyện có được thương hiệu lớn là điều rất khó khăn.

Thương hiệu hướng đến thị trường

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như vậy, thương hiệu cây ăn quả vẫn cần được xây dựng và phát triển để giữ vững niềm tin của khách hàng, để việc khai phá, mở rộng thị trường tốt hơn. Muốn xây dựng thương hiệu, cần xác định cho được thị trường đang ở đâu và lấy thị trường làm "đích" để xây dựng thương hiệu cho trái cây. Đồng thời dựa trên lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, dịch vụ được lựa chọn xây dựng thương hiệu mạnh, tránh dàn trải để tập trung đầu tư chiều sâu. Ví dụ Bến Tre sẽ tập trung vào cây dừa để làm thương hiệu, nhất là những sản phẩm từ loài cây nổi tiếng này, Bình Thuận chọn trái thanh long để tạo thương hiệu. Và để khai thông thị trường cho trái cây ĐBSCL rất cần tăng cường liên kết vùng và liên kết "bốn nhà" (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông) để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Thị trường lớn luôn đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hay nói rộng ra là những "hàng rào kỹ thuật", mà muốn hay không muốn, người trực tiếp trồng hoa trái đến các cơ sở thu gom, chế biến xuất khẩu cần đặc biệt coi trọng và tuân thủ. Thực tế tại ĐBSCL mặc dù Nhà nước rất quan tâm và đầu tư lớn, nhưng do có hệ thống sông ngòi chằng chịt, cho nên hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở khu này vẫn còn yếu kém, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc vận chuyển hoa quả tươi. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tiếp cận công nghệ mới và cần được sự hỗ trợ nhiều hơn của Nhà nước để hình thành mạng lưới đóng gói đạt chuẩn ở các vùng sản xuất, để đóng gói và tập kết sản phẩm trước khi vận chuyển đến kho cất trữ chờ xuất khẩu.

Hơn thế, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến việc đầu tư đa dạng hóa sản phẩm, chế biến từ cây trái ăn quả, bởi điều này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho sản phẩm tươi "dội" hàng ở một vài thời điểm trong năm, giảm lệ thuộc quá nhiều vào thị trường.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)