Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 15/5/2015

03:17 PM 16/05/2015 |   Lượt xem: 2802 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Trái cây Việt: Cơ hội mở rộng thị trường

Nhiều loại trái cây của Việt Nam (VN) đang đứng trước cơ hội vươn rộng hơn ra quốc tế. Mới đây, vải và nhãn ở phía Bắc vừa đón tin vui khi mới được Úc mở cửa nhập khẩu (NK). Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số hiệp hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tìm giải pháp tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con.

Thêm nhiều loại hoa quả được xuất khẩu

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), tất cả vấn đề liên quan đến kỹ thuật tại các vùng trồng vải và nhãn ở phía Bắc đã đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật sẵn sàng xuất khẩu (XK) sang Úc và Mỹ. Nhờ công tác tuyên truyền phổ biến, bà con nắm rất vững các nội dung về quy trình sản xuất và làm rất tốt theo hướng dẫn. Cục BVTV đã mời được một số DN có kinh nghiệm XK nhãn, chôm chôm, thanh long… tại phía Nam ra Bắc nắm bắt tình hình, làm việc với các tỉnh cũng như trực tiếp tại các vùng trồng đã được Cục BVTV cấp mã số. Ngoài vải và nhãn tại phía Bắc, sắp tới sẽ có một số loại trái cây nào có khả năng tìm được thị trường mới. Cục BVTV đang đàm phán các bước cuối cùng với Đài Loan để mở cửa trở lại đối với thanh long và tiếp theo là vải và xoài. Đây là thị trường rất tiềm năng đối với rau quả XK của VN, trước đây chúng ta đã từng XK thanh long 14.000 - 15.000 tấn/năm. Đối với thị trường Úc, ngoài quả vải vừa được họ cho phép NK, hiện 2 nước đang xúc tiến hoàn tất các văn kiện cuối cùng để sớm có thể XK xoài. Cùng với Nhật, Hàn Quốc cũng là thị trường rất giàu tiềm năng, hiện chúng ta đã XK được thanh long và xoài sang Hàn Quốc, sắp tới họ xem xét thêm đối với chôm chôm và quả vải. Newzeland cũng đang chuẩn bị đồng ý cho phép NK chôm chôm của nước ta.

Gỡ khó bài toán chiếu xạ

Về bản đồ chiếu xạ, đối với nhãn hiện đã xây dựng xong ở phía Nam và có thể áp dụng ngay cho nhãn tại phía Bắc. Để chủ động cho việc chiếu xạ vải, nhãn ngay tại phía Bắc, vừa qua, Bộ NN&PTNT và Bộ KH-CN đã thống nhất chỉ đạo giao Cục BVTV khẩn trương phối hợp với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội bổ sung, nâng cấp trung tâm này nhằm đáp ứng cho việc chiếu xạ hoa quả XK. Sau khi hoàn tất các hạng mục cơ sở chiếu xạ tại Hà Nội đáp ứng được theo pháp luật VN, sẽ phải mời chuyên gia của Mỹ và Úc sang trực tiếp kiểm tra. Chỉ khi họ trực tiếp công nhận cơ sở chiếu xạ này đạt yêu cầu thì mới có thể vận hành. Lúc đó, việc XK vải, nhãn tại phía Bắc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều vì không phải chuyển vào Nam nữa. Dự kiến cuối 2015, mọi công việc sẽ hoàn thành để đưa cơ sở chiếu xạ này vào hoạt động. Trước mắt đầu vụ vải 2015, các lô hàng XK sẽ vẫn phải chuyển vào phía Nam chiếu xạ.

Chủ động kết nối cung cầu

Bộ Công Thương cũng sẽ chú trọng các chương trình xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia sẽ được nhà nước hỗ trợ trong các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp khẳng định chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, với thị trường XK, tập trung tổ chức tốt khâu phân phối bán hàng, tổ chức xúc tiến thương mại, mở các văn phòng đại diện ở các thị trường trọng điểm trên thế giới. Xây dựng các sàn giao dịch, trung tâm ký gửi đối với từng ngành hàng xuất khẩu, tiếp cận với giao dịch thương mại hiện đại của thế giới. Đồng thời, kiện toàn và mở rộng hệ thống thông tin của ngành, bao gồm thông tin về sản xuất, về thị trường trong nước và thế giới để giúp doanh nghiệp và nông dân sản xuất, kinh doanh theo thị trường và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả ngày càng cao.

MUA GÌ

Quảng Bình: Dưa hấu cũng gặp khó

Vụ dưa hấu năm nay giá mua tại ruộng chỉ bằng 50% so với vụ trước, khiến nhiều hộ trồng dưa tại thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) điêu đứng... Diện tích thu hoạch đợt 1 đã bắt đầu vào kỳ rộ, người trồng dưa như ngồi trên đống lửa. Thương lái cũng chỉ trả giá 3.500 đồng/kg, loại dưa có trọng lượng trên 1,5 kg/quả. Trên ruộng, dưa đang chín dần, thời tiết lại nắng nóng, không thu hoạch sớm dưa sẽ thối nhanh. Hiện nhiều hộ trồng dưa tự cứu mình bằng cách thuê xe vận tải nhỏ đưa dưa hấu đến các chợ đầu mối như chợ Ba Đồn, chợ Đồng Hới hay các chợ nhỏ trong vùng để tự tiêu thụ. Trên các tuyến đường QL1, đường liên huyện, liên xã, các sạp dưa bày bán la liệt.

An Giang: Rau màu nhà lưới giá bán cao

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh An Giang về Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện Phú Tân đã nghiên cứu, xây dựng thí điểm 7 mô hình nhà lưới sản xuất rau màu theo hướng an toàn ở các xã Tân Trung, Phú Mỹ, Tân Hòa, Phú Bình... và 2 nhà trồng nấm ở xã Tân Hòa. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các mô hình là 129 triệu đồng. Đến nay các nhà lưới đã thu hoạch từ 3 vụ trở lên, năng suất, giá bán và lợi nhuận đều cao hơn cách trồng truyền thống. Lợi nhuận bình quân của 2 nhà lưới hiệu quả nhất ở Phú Mỹ và Tân Trung từ 8 - 10 triệu đồng/1.000 m2/vụ. Hiện một chủ nhà lưới ở Phú Mỹ đã tự vay tiền dựng thêm 1 nhà lưới mới, nâng tổng diện tích lên 1.700 m2 và một nông dân xã Phú Bình đã tự bỏ vốn xây dựng 1.800 m2 nhà lưới, cả 2 hộ này đều sản xuất rất hiệu quả, giá bán chênh lệch với trồng bên ngoài từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Riêng 2 nhà trồng nấm rơm ở xã Tân Hòa đều đã thu hoạch 2 - 3 vụ nấm.

Hậu Giang: Ba ba, cua đinh giống đắt hàng

Hiện nay phong trào nuôi ba ba và cua đinh đang phát triển mạnh ở các tỉnh ĐBSCL, vì có đầu ra ổn định, đồng thời giúp nhiều nông dân làm giàu. Giá tăng từ 5 - 10% so với năm ngoái. Tại ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân (Châu Thành A, Hậu Giang), hiện nay đang vào vụ thả nuôi nên nhu cầu con giống rất lớn. Cụ thể, ba ba giống loại 1 tuần tuổi 2.000 đồng/con; 4 - 8 tuần tuổi giá 5.000 đồng/con; trọng lượng 100 gam/con giá 10.000 đồng. Còn ba ba thịt loại từ 1,5kg trở lên có giá 290.000 đồng/kg; loại từ 1,2 - dưới 1,5kg/con có giá 190.000 đồng/kg; loại từ 1 - 1,2kg có giá 150.000 đồng/kg. Cua đinh giống 2 tuần tuổi (khoảng 5 phân) giá 300.000 - 350.000 đồng/con; loại 4 tuần tuổi (7 - 8 phân) giá 400.000 - 450.000 đồng/con; loại 700 gam giá trên dưới 700.000 đồng/con. Còn cua đinh thịt loại 2 - 5 kg/con có giá 600.000 - 700.000 đồng/kg; loại 5 - 10 kg/con giá 500.000 - 600.000 đồng/kg; cua đinh bố mẹ giá 1 triệu đồng/kg.

Đồng Nai: Chôm chôm được giá

Nhiều nhà vườn ở các huyện Long Thành, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và thị xã Long Khánh (Đồng Nai) cho biết năm nay, do thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài nên một số loại trái cây như chôm chôm, măng cụt vào mùa chậm hơn do đó bán được giá cao so với cùng kỳ. Xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), chôm chôm đầu mùa giá đang ở mức cao, khoảng 20.000 đồng/kg. Giá chôm chôm tăng là do các vùng trồng chôm chôm lớn, như Long Khánh, Xuân Lộc và một số địa phương khác chưa bước vào vụ thu hoạch nên chôm chôm đang hút hàng, đẩy giá lên cao và có thể sẽ giảm dần trong thời gian tới khi bước vào vụ thu hoạch đại trà. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng “được mùa mất giá,” các nhà vườn ở Đồng Nai cần áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để sản xuất trái cây rải đều trong năm, không cho thu hoạch tập trung vào chính vụ hay trái vụ dễ dẫn đến đầu ra không ổn định.

BÁN GÌ

Úc cho phép nhập khẩu trái vải Việt Nam

Bộ Công Thương cho biết, Bộ Nông nghiệp Úc đã có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam kể từ ngày 18/4/2015. Đây là kết quả sau nhiều năm đàm phán giữa Việt Nam và Úc.
Theo quy định của Úc, để xuất khẩu trái vải tươi của Việt Nam vào thị trường Úc phải đảm bảo năm yêu cầu như vải để xuất khẩu phải không bị nhiễm sâu bệnh, không dính đất, không được để lẫn với các sản phẩm từ các vùng trồng chưa được cấp mã số và được đựng trong các thùng (hộp) được ghi rõ thông tin cơ sở trồng phục vụ cho việc truy nguyên nguồn gốc. Úc là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Việc đưa trái vải thành công vào thị trường Úc sẽ mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác như thanh long, nhãn, xoài…

Tiềm năng xuất khẩu gạo đồ

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo đồ Việt Nam đã được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, châu Phi và một số quốc gia châu Á. Giá xuất khẩu gạo đồ đang ở mức tương đối cao so với gạo trắng. Nếu việc mở thị trường thuận lợi, Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 - 150.000 tấn gạo đồ trong năm nay.

Gạo đồ là loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô, sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn chế biến khác như xay, xát, đánh bóng. Tại một số quốc gia, xu hướng sử dụng gạo đồ thay cho gạo trắng đang tăng lên, đặc biệt là ở các vùng dân cư có thu nhập cao.

Mặc dù xuất khẩu gạo đồ có mức giá hấp dẫn và cho lợi nhuận cao, lại giải quyết được lúa ướt vụ hè thu cho bà con nông dân, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này vì xây dựng nhà máy gạo đồ đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn các nhà máy thường.

Cà Mau: Trồng gừng cho lợi nhuận cao

Sau một thời gian lao đao vì cây mía, người dân xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đang thu lời lớn nhờ trồng gừng. Ngay khi gừng mới bắt đầu tươi tốt, thương lái đã tìm vào tận vườn đặt tiền cọc. Nhiều hộ trồng mía đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại cây này. Theo tính toán sơ bộ của Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Thới Bình, toàn huyện có khoảng 200 héc-ta đất trồng gừng, bình quân mỗi hộ dân đầu tư khoảng 300 - 400 triệu đồng/ 1héc-ta. Với giá mà thương lái đặt cọc và đồng ý thu mua hiện từ 180 - 200 triệu đồng một công (1.000m2) như hiện nay, mỗi héc-ta gừng người dân thu lãi không dưới một tỷ đồng, gấp 10 lần so với trồng mía trước đây.

Hậu Giang: Giá chanh không hạt tăng cao

Hiện nay, tại xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, giá chanh không hạt tăng mạnh dẫn đến nguồn cung không đáp ứng được cầu. Mức giá thu mua tại vườn dao động từ 30.000 - 33.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Giá tăng do nguồn hàng khan hiếm. Riêng tại Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước, thương lái đặt hàng cần mua khoảng 5 tấn chanh/ngày nhưng đơn vị chỉ thu mua được hơn 2 tấn/ngày. Theo các thương lái cho biết, hiện nhu cầu cần thu mua hơn 20 tấn chanh/tuần để cung cấp cho các thị trường lớn trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất khẩu sang Thái Lan và Campuchia…, nhưng không tìm đủ nguồn hàng thu mua, buộc giảm lại sản lượng cung cấp cho khách hàng.

Các nhà vườn cho biết, hiện vườn chanh đang vào mùa trái vụ, sản lượng quả giảm, trong khi đó nhu cầu thị trường tăng mạnh, nhất là vào mùa nắng nóng, dịp lễ... Tại huyện Châu Thành, diện tích vườn chanh không hạt tăng mạnh khoảng vài năm trở lại đây. Bởi trên thực tế, đây là loại cây trồng có đầu ra khá ổn định, giá bán cao, cho thu nhập khá. Cái lợi nhất khi trồng chanh không hạt là sớm cho thu hoạch, cây cho quả quanh năm, thị trường khá ổn định. Đặc biệt, bà con có thể trồng chanh không hạt đan xen với loại cây ăn quả khác, đặc biệt là trồng trên diện tích đất vườn tạp, đất kém màu mỡ.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo

Xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc từ nửa cuối tháng 4/2015 đến nay tiếp tục gặp khó khăn do Trung Quốc cấm biên (không cho nhập khẩu tiểu ngạch) tại các cửa khẩu tiếp giáp giữa hai nước. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Phải tiêu thụ tối đa lượng gạo hàng hóa trong dân.

Nhu cầu của các thương nhân Trung Quốc vẫn lớn

Dù không có con số thống kê chính thức từ các địa phương, nhưng theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc, hiện đang có hàng ngàn tấn gạo bị dồn ứ tại các cửa khẩu tiếp giáp quốc gia này. Nguyên nhân chủ yếu là do phía Trung Quốc thực hiện lệnh cấm biên tại các cửa khẩu ở các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng... Mục đích của Trung Quốc là để họ thu thuế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào, chứ thực ra nhu cầu mua của các thương nhân vẫn rất lớn. Bởi thực tế cho thấy, trong khi thực hiện lệnh cấm biên đối với gạo của Việt Nam thì Trung Quốc vẫn đẩy mạnh mua gạo từ Campuchia. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn một nguồn thống kê về thương mại lúa gạo thế giới cho thấy Trung Quốc là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Campuchia trong những tháng đầu năm 2015. Riêng trong tháng 3/2015, Trung Quốc nhập khẩu 36.000 tấn gạo của Campuchia, chiếm 48% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của quốc gia này.

Phải tiêu thụ tối đa lượng gạo hàng hóa trong dân

Chỉ đạo các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, cơ quan liên quan rà soát các lối mở biên giới có đủ điều kiện để cho phép xuất khẩu gạo qua biên giới theo quy định. Phối hợp với VFA tiếp tục rà soát, phân tích kỹ tình hình xuất khẩu gạo giảm tại từng thị trường trong những tháng đầu năm 2015. Trong đó, xác định rõ nguyên nhân, điểm yếu, hạn chế cần khắc phục; từ đó có những giải pháp cụ thể để giải quyết. Đặc biệt phải tiêu thụ tối đa lượng gạo hàng hóa trong dân. Cần xác định hoạt động xúc tiến thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát huy mạnh mẽ vai trò của VFA, các thương nhân xuất khẩu gạo. Đối với thị trường xuất khẩu, cần chú trọng các thị trường lớn, thị trường tập trung truyền thống (Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia), khôi phục các thị trường châu Phi, Hồng Kông và mở thêm các thị trường tiềm năng (Nga, châu Mỹ La tinh...).

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với VFA, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nắm chắc nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài về số lượng, chủng loại, yêu cầu chất lượng gạo để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất cho phù hợp về quy mô, cơ cấu giống, quy trình canh tác, yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, trong đó đối với ngành lúa gạo phải căn cứ nhu cầu, yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước để cơ cấu lại sản xuất lúa cho phù hợp, đẩy mạnh liên kết, đặt hàng với người nông dân; giảm diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp; có lộ trình và chính sách phù hợp để chuyển sang sản xuất những loại nông sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bộ Tài chính xem xét đề nghị bỏ quy định áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với gạo sản xuất, tiêu dùng trong nước để có giải pháp xử lý bảo đảm công bằng và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng gạo sản xuất trong nước. Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chủ lực là Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam, chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp đồng xuất khẩu, quản lý chặt chẽ chi phí để đẩy mạnh xuất khẩu gạo có hiệu quả.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Thanh Hóa: Hàng Việt bước đầu đứng chân được ở địa bàn nông thôn, miền núi

Thời gian qua, tại một số vùng nông thôn thuộc tỉnh Thanh Hóa, chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" đã phát huy hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Người tiêu dùng đã thay đổi dần thói quen mua sắm, hàng hóa thương hiệu Việt được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Cùng với các hội chợ hàng Việt Nam, các doanh nghiệp thương mại trong tỉnh luôn chú trọng việc tổ chức đưa hàng Việt tới các xã miền núi, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Qua đó, bảo đảm phục vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho đồng bào các dân tộc ở 11 huyện miền núi Thanh Hóa, giúp bà con vùng miền núi tiếp cận và sử dụng hàng Việt có chất lượng. Ngoài ra, tập trung phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tự chọn, các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao, với giá bán rẻ hơn giá thị trường từ 5 đến 10%, thậm chí có mặt hàng rẻ hơn đến 20% nhằm thu hút được người dân tin tưởng lựa chọn.

Tại các huyện miền núi Thanh Hóa, chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" cũng đang được triển khai khá hiệu quả. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, giúp người dân miền núi tiếp cận các sản phẩm tiêu dùng trong nước có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn còn ít doanh nghiệp tính đến phương án dài hơi như lên kế hoạch quảng bá sản phẩm phù hợp hay xây dựng hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi do còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển mạng lưới phân phối. Địa bàn miền núi Thanh Hóa rất rộng, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn cho nên việc phân phối và bán hàng gặp không ít trở ngại. Vì vậy, cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trực tiếp đưa hàng Việt lên miền núi. Hơn nữa, do trình độ dân trí và thu nhập của bà con các dân tộc ở miền núi còn thấp, các cấp chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền để bà con hiểu rõ những lợi ích từ việc sử dụng hàng Việt. Lực lượng quản lý thị trường cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường thì hàng Việt mới có cơ hội tồn tại.

Thiếu những mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ

Năm 2005, xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu vận động nhân dân đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống điện thủy lợi hóa đất màu. Và chỉ 4 năm sau đó, xã Duy Trinh đã phát triển gần 20 cây số đường dây điện ra tận đồng ruộng, phục vụ sản xuất hiệu quả cho 150 héc-ta đất màu. Có điện, chủ động nước tưới, bà con nông dân các vùng trọng điểm trồng cây màu mạnh dạn đưa cây giống mới vào gieo trồng, chuyển đổi phương thức sản xuất, thâm canh, giúp nông dân tăng thu nhập gấp đôi trên cùng đơn vị diện tích. Cũng như ở Duy Trinh, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã hình thành những cánh đồng sản xuất cây màu cho giá trị 100 - 120 triệu đồng/héc-ta/năm. Thế nhưng, giá trị đạt được đó, thấp hay cao, lâu nay vẫn do thị trường quyết định chứ không phải nông dân.

Từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Duy Xuyên tập trung nhiều hơn vào xây dựng cánh đồng chuyên canh cây rau màu, thực phẩm tại các vùng trọng điểm như xã Duy Châu, Duy Trinh, Duy Phước… Vụ đông xuân 2014 - 2015, huyện Duy Xuyên bắt đầu liên kết với doanh nghiệp ký kết hợp đồng cùng nông dân đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết với doanh nghiệp đã tăng giá trị thu nhập cây màu cho nông dân lên thành hơn 120 triệu đồng/héc-ta/năm. Trong khi đó, các địa phương như Duy Thành, Duy Phước, thị trấn Nam Phước… cũng đã chủ động liên kết với doanh nghiệp sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thảo dược, sản phẩm được bao tiêu, nên giá trị thu nhập tăng hơn 25 - 30% so sản xuất lúa thương phẩm.

Tuy nhiên, thực tế đáng suy nghĩ là sự liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ ở Quảng Nam cũng như trên cả nước hiện nay vẫn còn quá ít và vẫn chưa chắc chắn. Tình trạng đầu ra bế tắc, nông sản thừa ế như thời gian qua chắc chắn sẽ còn lặp lại nếu như không có những giải pháp đủ mạnh, quyết liệt.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Nghệ An: Liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con

Những ngày qua, nhiều cơ quan, đơn vị, người dân quan tâm, chia sẻ với người nông dân về sản phẩm nông sản khó tiêu thụ. Tuy nhiên, sau những giải pháp tình thế, không ít sản phẩm nông sản vẫn đang trong vòng luẩn quẩn được mùa - rớt giá.

Từ dứa xuống giá...

Nhờ thời tiết thuận lợi, công tác chăm sóc tốt nên vụ dứa năm nay nông dân ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) được mùa bội thu về sản lượng. Tuy nhiên, giá dứa năm nay thấp hơn so với năm trước đạt từ 25 – 27 tấn/héc-ta, có những vùng được chăm sóc tốt hơn đạt 30 tấn/héc-ta. Nếu như năm trước, dứa đầu vụ nông dân bán ra với giá 540.000 đồng/tạ và cuối vụ trên 700.000 đồng/tạ thì vào thời điểm dứa chín rộ năm nay, giá từ 350.000 – 400.000 đồng/tạ. Mấy năm nay chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua mà chủ yếu do thương lái ở dưới xuôi lên mua. Vì thế, vào đợt dứa chín rộ cũng là thời cơ cho các thương lái ép giá. Với tâm lý bán thì lỗ, không bán thì khổ nên bà con đành chấp nhận bán với giá thấp. Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có gần 600 héc-ta dứa. Để phần nào hạn chế điệp khúc được mùa, mất giá, các ban, ngành của huyện đang tích cực chỉ đạo các xã miền núi có vùng thâm canh cây dứa rà soát lại toàn bộ diện tích, đồng thời khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích một cách ồ ạt, gây ra tình trạng sản phẩm dư thừa, cung vượt quá cầu. Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
...đến định hướng tiêu thụ chè Shan tuyết

Lâu nay, chè Shan tuyết được trồng nhiều trên mảnh đất vùng rẻo cao của huyện Kỳ Sơn. Diện tích chè của xã biên giới Nậm Càn 16 héc-ta, chủ yếu ở 2 bản Thăm Hín và Liên Sơn. Ở 2 bản này hầu như hộ nào cũng trồng chè nhưng đầu ra cho sản phẩm này rất khó khăn. Nhiều hộ đã có ý định phá bỏ diện tích trồng chè để chuyển sang các loại cây khác nhưng còn do dự vì tiếc công chăm sóc lâu nay. Tại bản Liên Sơn có 55 hộ trồng chè Shan tuyết, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng núi cao nên phát triển rất nhanh, sau hơn 1 năm đã cho thu hoạch nhưng bà con không biết bán đi đâu cho hết. Thỉnh thoảng mới có một số người đi bán hàng từ thị trấn Hòa Bình vào mua mấy bó về bán lại. Giá một bó chè to bằng một vòng tay người lớn chỉ bán được 10.000 đồng nhưng không phải ngày nào họ cũng mua. Ngược vào bản Thăm Hín, cả bản có 47 hộ thì 40 hộ trồng chè Shan tuyết. Ông Và Giống Chùa – Trưởng bản cho biết thêm: “Hiện nay, tại bản có nhiều hộ đã bỏ hoang đồi chè của mình, không đầu tư chăm sóc nữa. Diện tích chè của bản đang ngày càng giảm để nhường chỗ cho các loại cây khác như sắn, dứa, gừng”.

Qua khảo sát 2 sản phẩm nông sản nêu trên cho thấy, bài học không chỉ đối với cây dứa ở Quỳnh Lưu, bởi diện tích tự phát tăng lên rất nhiều so với nhu cầu của một số nhà máy, cơ sở chế biến - hệ lụy như đã nêu, cung vượt quá cầu, sản phẩm rớt giá, thậm chí ế ẩm. Còn với cây chè Shan tuyết ở một số xã của Kỳ Sơn chỉ mới chú trọng đến việc trồng mà chưa tính đến đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề mấu chốt nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay chính là khâu liên kết giữa các nông hộ với các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở chế biến. Trong đó, bao hàm cả việc xác định trồng cây nào, nuôi con gì và cần có vùng quy hoạch ổn định gắn với thu mua, chế biến, tiêu thụ.

BÀ CON CẦN BIẾT

Cách nào để nông sản Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc?

Hàn Quốc có nhu cầu rất lớn đối với hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Hiện có không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được xuất sang Hàn Quốc. Về trái cây có những sản phẩm như dừa, thanh long, xoài, măng cụt, chuối, ổi, bưởi... Về rau củ có cà rốt, tỏi, bông cải xanh, rau diếp hay cải thảo... Song để nông sản Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường này không phải dễ.

Sản phẩm thiếu tính đồng nhất

Theo các nhà xuất nhập khẩu Hàn Quốc, sản phẩm nông sản Việt Nam khá được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc, giá cả cạnh tranh hơn so với Thái Lan, Trung Quốc, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu còn hạn chế do vướng phải các rào cản kỹ thuật với nhiều quy định khắt khe. Trong đó, có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến mà sản phẩm nông sản Việt khó thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc. Đó là chưa đáp ứng được tính đồng nhất của sản phẩm về kích cỡ, màu sắc, hương vị; đóng gói, bao bì còn kém so với các nước khác; kiểm soát ở khâu chọn lựa sản phẩm, tạp chất, thời gian giao hàng chưa đảm bảo…

Để khắc phục những hạn chế trong hoạt động xuất nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc, đại diện Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) kiến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần kiểm tra danh mục hàng hóa bị cấm nhập khẩu tại Hàn Quốc đối với từng thời gian cụ thể dành cho mặt hàng nông sản, tham khảo luật kiểm dịch và tuân thủ triệt để các quy định này. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam thuộc nhóm thực phẩm tươi sống gồm các ngành thủy hải sản, nông sản, rau củ, quả… được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc chủ yếu bằng phương thức đông lạnh nên phải áp dụng đúng yêu cầu kỹ thuật trong sơ chế, bảo quản. Riêng một số mặt hàng được cấp phép xuất khẩu tươi nhưng phải trải qua quá trình kiểm tra chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, phương pháp vận chuyển đảm bảo về mặt dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý

Hàn Quốc hiện được xem là thị trường khó tính nhất châu Á về điều kiện đối với nông sản nhập khẩu. Rào cản đối với mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc là các quy định nhập khẩu ngặt nghèo. Các loại rau quả tươi nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan chức năng của Hàn Quốc ban hành. Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp cần phải đạt được giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp sau khi họ đã kiểm tra dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị chế biến, kho lưu giữ bảo quản sản phẩm…

Để “chinh phục” thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp và nhà sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông sản cần khắc phục một số điểm sau. Thứ nhất, tính đồng nhất của sản phẩm. Có không ít trường hợp những chuyến hàng đầu đảm bảo nhưng những chuyến sau không đảm bảo. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp thiếu sự kiểm duyệt cẩn trọng trước khi xuất khẩu, trong khi những đối tác Hàn Quốc lại rất nhạy cảm với tính ổn định và lâu dài, chính vì thế họ có thể mất niềm tin. Thứ hai, đóng gói bao bì của sản phẩm Việt Nam hiện vẫn còn kém hơn so với những sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ… Điều này phần nào lý giải vì sao Hàn Quốc vẫn nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc thay vì Việt Nam. Ngoài ra, việc để lẫn những dị vật như đất, tóc, lá cây… vào trái cây xuất khẩu cũng là nguyên nhân khiến một vài lô hàng bị trả về. Thứ ba là vấn đề thời gian, vì Hàn Quốc có 4 mùa nên nếu không đảm bảo thời gian giao hàng có thể nhà nhập khẩu sẽ từ chối sản phẩm do thị trường không còn nhu cầu nữa.

CHỐNG BUÔN LẬU - MUA BÁN GIAN LẬN

Phụ tùng xe máy giả : Tiêu thụ tràn lan ở thị trường vùng cao

Liên tiếp trong một thời gian ngắn, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất – kinh doanh phụ tùng xe máy giả nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng. Điều đáng bàn là, một số lượng không nhỏ các loại phụ tùng bị làm giả này được tiêu thụ ở địa bàn thuộc các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Mọi bộ phận đều có thể bị làm giả

Qua thực tế kiểm tra và phát hiện các vụ vi phạm cho thấy, mọi loại phụ tùng xe máy từ ống pô, nhông, đĩa, niềng, càng chống, má phanh, xích, đĩa... đều có thể bị làm giả. Nhiều nhất là các sản phẩm giả thương hiệu của Honda hay ngang nhiên ghi xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản…

Thậm chí nhiều chi tiết phụ tùng nhỏ và phức tạp cũng bị làm giả như: Mạch điện tử, mobil lửa, IC, cục sạc, bố ly hợp, bố thắng đĩa… Nhiều cơ sở còn cùng một lúc sản xuất nhiều mặt hàng giả thương hiệu của các thương hiệu khác nhau như: Ruột xe nhãn hiệu Casumina, Chengshin; dầu nhớt Honda, Yamaha, Castrol; sên cam giả nhãn hiệu KMC, DID; bố thắng giả hiệu Nisin, IC mâm lửa; cục tín hiệu đèn xi nhan….
Do phụ tùng xe máy là các sản phẩm không phổ biến, lại được làm giả khá tinh vi, dán mác thương hiệu nước ngoài nên hầu như người tiêu dùng rất khó phân biệt. Nhiều chuyên gia trong ngành và một số thợ sửa xe có kinh nghiệm khẳng định: Gần 80% phụ tùng xe máy trên thị trường là hàng giả, hàng nhái được sản xuất bởi các cơ sở tư nhân ở nhiều địa phương trong cả nước. Các cơ sở này tập trung chủ yếu ở Vĩnh Yên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Hậu quả khó lường


Đại diện hãng Honda – thương hiệu bị làm giả nhiều nhất hiện nay - cho biết: Các phụ tùng của xe máy Honda được sản xuất tại những nhà máy có công nghệ tiên tiến nhất, vượt qua những kiểm định khắt khe nhất của Honda về các tiêu chuẩn về tính năng, độ bền, tính tiện dụng. Trong khi đó, các sản phẩm bị làm giả chất lượng không được đảm bảo, thậm chí một số sản phẩm như săm, dầu nhớt còn bị làm giả bằng từ ruột xe và nhớt đã hư hỏng rồi xử lý sơ bộ lại, đóng mác các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì mua phụ tùng giả, người tiêu dùng vừa phải trả giá cao như khi mua hàng thật, vừa dùng phải hàng không đảm bảo chất lượng, có thể gây hư hỏng phương tiện, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Thực tế cho thấy, người dân thành thị còn khó phân biệt được đâu là phụ tùng xe máy thật, đâu là sản phẩm bị làm giả; nói gì tới đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, ở thành phố lớn, người tiêu dùng còn có điều kiện để đến với các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý của các nhãn hàng nổi tiếng. Ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, bà con chỉ biết trông chờ vào thợ sửa xe của những cửa hàng sửa xe hiếm hoi. Trong khi, bản thân những người thợ sửa xe này cũng không biết đâu là phụ tùng thật – giả. Chính vì vậy, rất nhiều phụ tùng xe máy giả được mang lên vùng sâu, vùng xa tiêu thụ rộng rãi.

Rõ ràng, với điều kiện sống ngày càng được cải thiện, những chiếc xe máy đang ngày ngày giúp đồng bào đi lại thuận lợi, giảm bớt sức lao động. Tuy nhiên, để bà con không mất tiền oan, đảm bảo chất lượng phương tiện, tránh nguy hại đến sức khỏe…, các nhà sản xuất phụ tùng chính hãng nên phối hợp hiệu quả hơn với lực lượng QLTT để ngăn chặn hàng giả; đồng thời phổ biến cách phân biệt thật giả để bà con biết; từ đó bà con có thể phát hiện, mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.

HÀNG VIỆT

Đưa hàng Việt vào các chợ Lạng Sơnl Hành trình còn xa!

Là một địa phương biên giới, mong muốn được sử dụng hàng Việt của người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ Lạng Sơn còn quá ít so với nhu cầu.
Nhan nhản hàng nhái “Made in Vietnam”

Trong một chuyến công tác đến Lạng Sơn, chúng tôi có dịp đến chợ Đông Kinh – một trong những chợ đầu mối lớn nhất Lạng Sơn. Chọn một đôi dép mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”, tôi khá bất ngờ khi nghe anh Nguyễn Văn Tuấn – chủ cửa hàng nói: “Đây là hàng Trung Quốc nhái hàng Việt Nam. Thời gian vừa qua, do người tiêu dùng có nhu cầu lớn về hàng Việt nhưng cửa hàng không đáp ứng đủ nên nhiều mặt hàng nhái Made in Vietnam đã ra đời. Mặc dù có giá đắt hơn hàng Trung Quốc từ 10.000 – 20.000 đồng/đôi nhưng những đôi dép được gắn mác “Made in Vietnam” bán chạy hơn hẳn”.

Ví dụ trên cho thấy, nhu cầu hàng Việt của người dân Lạng Sơn nói riêng và các khu chợ biên giới nói chung tương đối lớn. Dạo quanh các chợ Lạng Sơn khác như chợ Kỳ Lừa, Đồng Đăng… mới thấy, tỷ lệ hàng Trung Quốc vẫn chiếm đa số tại các khu chợ này. Mặc dù người dân có nhu cầu tương đối lớn nhưng hàng Việt hiện còn chiếm quá thấp. Doanh nghiệp Việt dường như vẫn “bỏ ngỏ” thị trường đầy tiềm năng này. Chưa kể hệ thống các chợ đầu mối lớn với khoảng gần 90 chợ ở khu vực nông thôn cũng có nhu cầu rất lớn về hàng Việt.

Chia sẻ về tình trạng này, đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, khoảng cách địa lý tương đối xa là lý do đầu tiên khiến các doanh nghiệp Việt chưa mặn mà đưa hàng hóa về các chợ vùng biên giới. Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, giá rẻ vẫn là một thách thức lớn đối với hàng hóa tại các chợ địa phương biên giới.

Anh Nguyễn Văn Tuấn cũng thẳng thắn nói: “Doanh nghiệp Trung Quốc có đặc điểm là họ thường mang hàng đến tận các sạp chợ để chào hàng. Tiểu thương có thể lựa chọn lượng hàng phù hợp với nhu cầu và có thể trả tiền sau. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam lại không thường xuyên mang hàng đến chào hàng và thường yêu cầu trả tiền trước. Hàng Việt Nam cũng có giá cao hơn và mẫu mã không đa dạng bằng hàng Trung Quốc. Đây chính là những hạn chế lớn khiến hàng Việt Nam không được bày bán nhiều tại các chợ vùng biên”.

Doanh nghiệp cần chủ động


Được triển khai hơn 5 năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thu được nhiều hiệu quả khi giúp định hình thói quen của người tiêu dùng theo hướng tăng cường chọn lựa và sử dụng hàng Việt. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tận dụng để đưa hàng hóa về các khu vực này.

Kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công khi đưa hàng về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cho thấy, họ luôn dành một nguồn lực nhất định, cả về tài chính và nhân lực để nghiên cứu thị trường, định hình thương hiệu tại các địa bàn khó khăn. Những doanh nghiệp này cũng thẳng thắng cho biết, cần loại bỏ suy nghĩ rằng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là khu vực không tiềm năng bởi với dân trí và thu nhập đang tăng lên từng ngày, nhu cầu hàng Việt ở đây không hề nhỏ. Ở thời điểm này, doanh nghiệp Việt thuận lợi hơn khi họ đã có sức đẩy từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, cần nâng cao hơn nữa sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc đưa hàng hóa về các địa phương vùng biên.

Box: Cùng với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo đã được thực hiện hơn 5 năm. Hỗ trợ của Chính phủ đã và chắc chắn sẽ có, nhưng không thể mãi trông chờ vào sự hỗ trợ này. Sự chủ động của doanh nghiệp mới là yếu tố tiên quyết giúp hàng Việt “bám rễ” sâu hơn ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)