Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 13/03/2015

03:07 PM 14/03/2015 |   Lượt xem: 2174 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tạo nguồn lực mới cho cây bông

Đối với bà con các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc, Nam Trung bộ, cây bông vải được coi là loại cây giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, mang lại lợi ích kinh tế cao.

Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt - may Việt Nam định hướng đến năm 2020, thì riêng về phần nguyên liệu, mục tiêu đặt ra là phải đáp ứng từ 40.000 đến 60.000 tấn bông xơ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa từ 60 - 70%. Vậy ngành sản xuất bông phải làm gì để đạt mục tiêu này?

Tăng diện tích

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù năm 2014 năng suất và sản lượng bông tăng trưởng mạnh nhưng so với các loại cây công nghiệp khác, diện tích trồng bông ở các địa phương còn rất khiêm tốn. Tại các tỉnh vùng Tây Bắc, điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng khá phù hợp với cây bông vải. Đây cũng là vùng có truyền thống trồng bông, dệt vải từ lâu đời và thích hợp để cây bông vải phát triển. Do vậy, Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã xây dựng chương trình phát triển cây bông vải. Dự kiến đến năm 2015 sẽ có 5.000 héc-ta và năm 2020 sẽ là 10.000 héc-ta, sản lượng đạt 25.000 tấn bông. Tỉnh cũng sẽ hình thành các cơ sở chế biến từ bông hạt ra bông xơ tại các điểm có sản lượng bông lớn, tạo điều kiện thuận lợi từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang tiểu, thủ công nghiệp, khôi phục vững chắc nghề truyền thống.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, mới đây Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên đã xây dựng kế hoạch phát triển cây bông vải trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đến năm 2020 là 19.000 - 20.000 héc-ta. Phấn đấu đưa năng suất bông hạt bình quân đạt 18 tạ/héc-ta, với sản lượng 15.000 tấn bông xơ/năm, chiếm khoảng 25% sản lượng của toàn ngành bông cả nước. Công ty ưu tiên đưa giống bông mới cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng đại trà; các quy trình, kỹ thuật canh tác cũng sẽ được tiếp tục cải tiến để vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm bông xơ. Hình thành các tổ, hội nông dân liên kết, hợp tác trồng bông để trao đổi, học tập lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất. Để giúp nông dân trồng bông có thu nhập cao hơn, ngay từ đầu vụ, tất cả các hộ dân ký hợp đồng trồng bông đã được Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên hỗ trợ 100% chi phí hạt giống (8 kg/héc-ta) và ứng trước một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư chuyên dùng để đầu tư cho cây bông. Công ty còn tăng giá thu mua bông hạt loại 1 và loại 2 từ 9.000 đồng lên 11.500 đồng/kg và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân. Nhờ có chính sách ưu tiên này mà người trồng bông đã mặn mà hơn trước và không ngần ngại đầu tư tăng diện tích cây bông lên nhiều hơn so mọi năm. Bên cạnh đó, ngành bông khẩn trương xúc tiến hình thành Quỹ bình ổn giá bông để chủ động ứng phó với biến động của thị trường.

Giảm nhập khẩu bông xơ

Việc các địa phương mở rộng diện tích trồng bông, cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sợi trong nước giảm nhập khẩu nguyên liệu bông xơ, nâng cao sức cạnh tranh. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, vẫn tồn tại hiện tượng bán phá giá đối với các mặt hàng sợi filament nhập khẩu vào Việt Nam với mã hàng 5402.33 và 5402.47. Đây là các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh, chèn ép không công bằng này đã và đang khiến các doanh nghiệp sản xuất sợi trong nước gặp nhiều khó khăn, đôi khi phải bán dưới giá thành sản xuất, bán lỗ để giữ thị phần trong nước. Điều đó ít nhiều cũng sẽ tác động ngay đến giá bông xơ nguyên liệu và người trồng bông là chịu thiệt thòi nhất. Được biết mới đây Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện các thủ tục khởi xướng điều tra chống bán phá giá sợi filament nhập khẩu với mã HS 5402.33 và 5402.47.

Theo tính toán của Hiệp hội Bông Sợi, giá thành sản xuất của các doanh nghiệp trong nước dao động trung bình từ mức 1,78 - 1,98 đô-la Mỹ/kg. Tình trạng bán phá giá này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong ngành. Vì vậy cần được ngăn chặn trong thời gian sớm nhất, nhằm lập lại môi trường cạnh tranh sòng phẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Chỉ khi đó các doanh nghiệp sản xuất sợi mới có thể nâng cao lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng sản phẩm may mặc xuất khẩu của Việt Nam.

MUA GÌ

Diêm dân giữ được giá muối

2 tháng đầu năm, không khí lạnh liên tục tràn về theo hướng từ biển vào, nền nhiệt độ các vùng muối cả nước xuống thấp, sương mù nhiều nên lượng muối sản xuất ra không nhiều, giá muối trên cả nước vẫn giữ ở mức hợp lý. Theo Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày cuối tháng 2/2015 diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 15.022 héc-ta, sản lượng muối ước đạt khoảng 72.787 tấn. Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 77.455 tấn. Trong đó, miền Bắc tồn khoảng 19.100 tấn; Miền Trung tồn 42.644 tấn; Đồng bằng sông Cửu Long tồn 15.711 tấn.

Giá muối hiện ổn định và giữ ở mức hợp lý, cụ thể: Miền Bắc từ 1.300 - 2.500 đồng/kg; Nam Trung bộ: Muối thủ công từ 600 - 1.100 đồng/kg, muối công nghiệp từ 800 - 1.100 đồng/kg; Đồng bằng sông Cửu Long từ 850 - 1.400 đồng/kg.

An Giang: Ngư dân trúng đậm cá bông lau to

Đầu năm, nhiều ngư dân đánh lưới cá bông lau trên sông Hậu, đoạn cồn Bà Hòa và Vàm Chắc Cà Đao (An Giang) bắt được nhiều cá bông lau to, con lớn nặng đến 8kg, con nhỏ nhất cũng 4kg. Cá sau khi đánh được chở xuống chợ Bình Khánh, TP. Long Xuyên cắt khúc bán lẻ. Khúc nạc bán giá 250.000 đồng/kg, còn khúc bụng, đầu và đuôi giá 200.000 đồng/kg vẫn luôn hút hàng. Những ngư dân có kinh nghiệm trong nghề dự đoán con nước mùng 10 và con nước 25 tháng Giêng này là cao điểm xuất hiện cá bông lau ở các con sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao. Do đó, có khả năng nhiều xuồng lưới đánh cá bông lau sẽ kiếm được bạc triệu trong những ngày tới.
Kiên Giang

Phú Yên: Tôm hùm giảm giá

Các vùng nuôi tôm ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đang bước vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán 2015, giá tôm hùm thương phẩm giảm mạnh khiến bà con hết sức lo lắng. Thời điểm trước tết, giá tôm trên 1,9 triệu đồng/kg, những ngày gần đây, giá tôm đột ngột giảm mạnh, chỉ còn 1,4 triệu đồng/kg. Với giá tôm hùm như hiện nay, người nuôi sẽ không có lãi, vì chi phí đầu tư cho một vụ nuôi quá cao, mà không phải nông dân nào cũng có vốn để làm; nếu không vay ở ngân hàng thì nhờ đến đại lý bán thức ăn hỗ trợ và phải chịu nhiều thiệt thòi nên bà con gặp rất nhiều khó khăn. Theo nhiều hộ nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, nguyên nhân giá tôm hùm giảm là do thời điểm hiện nay, tại một số lồng bè có hiện tượng tôm nuôi khoảng 10 tháng tuổi, trọng lượng 0,2 - 0,3 kg/con chết rải rác, người dân phải bán rẻ kéo theo giá tôm thương phẩm giảm theo. Thêm vào đó, lâu nay tôm hùm chủ yếu được xuất sang Trung Quốc, tuy nhiên gần đây thương lái chỉ thu mua cầm chừng.

Dứa Queen đắt hàng

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, dứa Queen (khóm Tắc Cậu) tại huyện Châu Thành, Kiên Giang tiêu thụ rất mạnh, giá tăng cao từ 100.000 – 120.000 đồng/chục đối với khóm loại 1. Hiện nay nông dân trồng dứa đã biết cách xử lý cho ra trái rải vụ nên gần như có dứa thu hoạch quanh năm. Mỗi héc-ta trồng được 10.000 gốc dứa, cứ cách 2 tháng xử lý khí đá khoảng 2.000 gốc, sẽ cho thu hoạch 1.500 - 1.700 trái. Nhờ có đường hành lang ven biển phía Nam đi qua vùng trồng dứa nên người dân mang ra hai bên đường dẫn lên cầu Cái Lớn, Cái Bé để bán, giúp việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Huyện Châu Thành đã thành lập Tổ hợp tác trồng dứa và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho dứa Queen nên việc tiêu thụ khóm thời gian qua khá tốt, nông dân có thu nhập ổn định.

BÁN GÌ

Đà Lạt – Lâm Đồng: Atisô giảm giá mạnh

Sau tết, giá hoa atisô có xu hướng giảm mạnh giá khiến nhà vườn lo ngại. Tại chợ Đà Lạt, giá hoa tươi chỉ còn 30.000 đồng/kg, trong khi vào tháng 9/2014 có giá 300.000 đồng/kg, có lúc tăng lên đến 350.000 đồng/kg.

Atisô là một trong những đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt. Tuy nhiên, nửa năm gần đây, giá atisô giảm dần khiến nhiều nhà vườn lo ngại tình trạng chặt bỏ vườn atisô có khả năng tái diễn giống như 2 năm về trước. Trên thực tế, trồng cây atisô rất khó nên diện tích hằng năm không tăng nhiều. Ngay tại vùng nguyên liệu chính của atisô Đà Lạt, nhiều thời điểm nông dân cũng phải phá bỏ loại cây trồng này để trồng các loại cây trồng khác do giá atisô xuống quá thấp.

Việt Nam trúng thầu cung cấp 300.000 tấn gạo

Việt Nam đã chính thức giành được hợp đồng cung cấp 300.000 tấn gạo trắng hạt dài cho Philippines thông qua thỏa thuận liên Chính phủ (G2G). Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) chỉ đồng ý mua gạo của Việt Nam khi doanh nghiệp tham gia đấu thầu là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đồng ý giảm giá xuống ngang bằng với mức giá bỏ thầu của Thái Lan. Như vậy, sau khi thỏa thuận với NFA, mức giá trúng thầu của Việt Nam là 150.000 tấn với giá 441 đô-la Mỹ/tấn và 150.000 tấn với giá 421 đô-la Mỹ/tấn. Được biết, loại gạo được NFA nhập khẩu lần này là 5% tấm và 15% tấm, giao hàng được chia làm hai đợt, vào 31/3/2015 và 30/4/2015.

Ngay sau khi Việt Nam trúng thầu cung cấp 300.000 tấn gạo cho Philippines, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện tiếp tục tăng thêm 5 đô-la Mỹ/tấn so với thời điểm trước đó. Hiện giá chào là 365 - 375 đô-la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm và 340 - 350 đô-la Mỹ/tấn đối với gạo 25% tấm.

Hàng trăm héc-ta tỏi Lý Sơn có nguy cơ mất trắng

Theo thông tin từ Phòng KT&HTNT huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), thời gian qua hạn hán kéo dài đã khiến 300 héc-ta tỏi của nông dân Lý Sơn sắp cho thu hoạch có nguy cơ mất trắng. Trước khó khăn của bà con nông dân, huyện đã chỉ đạo địa phương các xã tổ chức nạo vét các giếng nước tưới tiêu trên đồng. Đồng thời, vận động người dân chuyển nước từ giếng nước sinh hoạt tại các khu dân cư lên đồng để tưới tỏi. Hầu hết các hộ gia đình trồng tỏi ở thôn Đông, xã An Vĩnh đều đứng trước nguy cơ mất sạch gần 60 triệu đồng vốn đầu tư vào tỏi… Đây cũng là tình cảnh chung mà hàng ngàn hộ nông dân trồng tỏi trên đảo Lý Sơn gặp phải.

Hậu Giang: Trồng cam sành không hạt hướng đến xuất khẩu

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành hỗ trợ cho các hộ dân trong huyện trồng thí điểm 4.000 cây cam sành không hạt. Việc triển khai để nông dân trong tỉnh trồng thí điểm giống cam sành không hạt nhằm từng bước thay thế cho giống cam sành có hạt đang bị thoái hóa, nhiễm bệnh nhiều, đồng thời hướng tới thị trường xuất khẩu.
Trong thời gian qua, nông dân tỉnh Hậu Giang thu lợi nhuận rất cao từ cây cam sành có hạt. Bình quân mỗi héc-ta cam sành vào giai đoạn cho trái rộ có thể giúp cho nhà vườn thu nhập 700 đến 800 triệu đồng/năm, có hộ lên đến cả tỷ đồng. Vì thế, nhiều nhà vườn trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi, thậm chí đốn bỏ các loại cây ăn trái khá để trồng cam sành. Hiện Hậu Giang có gần 10.000 héc-ta cam sành, chủ yếu tập trung ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành. Tuy nhiên, do sự chuyển đổi sang trồng cam sành diễn ra nhanh thành phong trào tự phát, trong khi quy trình canh tác của nhiều nông dân chưa đáp ứng kỹ thuật như: lên liếp thấp, chuẩn bị đất chưa tốt, quản lý dịch bệnh chưa đúng cách, mật độ trồng dày, mặt khác do nhiều nông dân đổ xô trồng cam sành, gây khan hiếm cây giống nên nhiều bà con phải mua cây giống trôi nổi được ghép, bo từ cây đã nhiễm bệnh.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Khoai lang Bình Tân: Mở rộng thị trường xuất khẩu

Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho “Khoai lang Bình Tân, Vĩnh Long, Việt Nam”. Theo đó, có 21 thành viên đại diện Hội nông dân huyện cùng các đơn vị sản xuất, kinh doanh khoai lang trên địa bàn chung nhãn hiệu “Khoai lang Bình Tân, Vĩnh Long, Việt Nam”.

Đây là điều kiện thuận lợi để khoai lang Bình Tân xuất khẩu theo con đường chính ngạch sang nhiều thị trường. Đồng thời, đáp ứng được niềm mong mỏi bấy lâu của bà con nông dân, hạn chế được tình trạng bấp bênh trong sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản này.

Không lo thương lái ép giá

Bình Tân, Vĩnh Long vốn được biết đến là thủ phủ khoai lang, là địa phương trồng khoai lang nhiều nhất đồng bằng sông Cửu Long. Vụ khoai vừa rồi, nông dân trên địa bàn đã xuống giống 560 héc-ta khoai lang, trong đó chiếm đến 90% là khoai lang tím - loại chuyên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy đây là thị trường truyền thống, thuận lợi về giao dịch, vận chuyển hàng hóa nhưng từ trước đến nay bà con vẫn chịu sức ép từ phía thương lái. Đặc biệt, vào những thời điểm thu hoạch rộ, thương lái thường xuyên ép giá khiến bà con luôn phải sống trong cảnh “bấp bênh”.

Ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành cho biết, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho khoai lang Bình Tân là cột mốc rất quan trọng. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long đã có định hướng mở rộng thị trường khoai lang sang Malaysia, Singapore, Hồng Kông… Như vậy, thời gian tới, bà con nông dân sẽ không còn lo bị thương lái Trung Quốc thao túng, ép giá. Tuy nhiên, để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn an toàn, nhất là dư lượng thuốc hóa học của những thị trường này, cần nâng cao nhận thức của bà con nông dân.
Trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP

Hiện nay, Hội Nông dân huyện Bình Tân đang kết hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tập huấn, hướng dẫn cho bà con trồng khoai theo mô hình an toàn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động tất cả các đơn vị được sử dụng nhãn hiệu trên địa bàn huyện Bình Tân cùng có trách nhiệm, đảm bảo, nâng cao uy tín thương hiệu để khoai lang Bình Tân xuất khẩu vào các nước khác, chứ không chỉ dừng lại ở thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, để tránh tình trạng trồng khoai lang không theo quy hoạch dẫn đến mất mùa, không bán được giá, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu theo quy trình sản xuất sạch VietGAP tại ấp Thành Hậu, xã Thành Đông, huyện Bình Tân. Theo tính toán của nhiều hộ nông dân tham gia mô hình, năng suất khoai đạt bình quân từ 36 - 37 tạ (60kg)/công, cao hơn ngoài mô hình từ 1- 2 tạ/công. Khoai thu hoạch loại 1 cũng nhiều hơn ngoài mô hình từ 300 - 500 kg/công, chất lượng khoai cao hơn, hình thức đẹp hơn. Hơn nữa, dây và củ khoai phát triển rất tốt, hiếm có sâu bệnh xuất hiện, nếu có xuất hiện cũng với mật độ rất thấp và dễ phòng trị.

Mặt khác, tham gia mô hình chi phí sẽ giảm 30% nên lợi nhuận thu về nhiều hơn khoảng 3 triệu đồng/công. Dự kiến với giá khoai từ 820.000 – 850.000 đồng/tạ, bà con sẽ thu lời từ 135 - 150 triệu đồng/héc-ta. Đặc biệt, khi tham gia mô hình cánh đồng mẫu, thay vì sử dụng phân hóa học người dân toàn sử dụng phân sinh học nên rất có lợi cho môi trường. Ngoài ra, bà con còn ghi được nhật ký ngoài đồng, bảo vệ môi trường, người tiêu thụ sản phẩm sẽ an tâm hơn.

Thực tế cho thấy, việc phát triển diện tích khoai lang ở huyện Bình Tân là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, nhằm đẩy mạnh việc đưa cây màu xuống đất ruộng kém hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân. Vì vậy, mô hình cánh đồng mẫu khoai lang cũng sẽ được mở rộng thêm ở một số địa phương lân cận xã Thành Đông.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Sung Tích (Quảng Ngãi): Nghịch lý giá cả sau tết

Hiện tại, người trồng rau ở Sung Tích (xã Tịnh Long, Quảng Ngãi) đang đứng ngồi không yên vì giá rau tuột dốc sau tết.

Năm nào cũng vậy, quy luật người trồng rau vẫn thường thấy là giá rau rớt thê thảm sau tết. Nguyên nhân do cung vượt cầu khi vùng nào cũng ồ ạt trồng rau để bán sau tết. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ rau sau tết ở Quảng Ngãi không cao, rau của nông dân chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh nên không thể giải phóng được hàng trăm tấn rau ngoài đồng. Mặt khác, người trồng rau thường tự trồng rồi tự tìm nguồn tiêu thụ nên thường bị động ở đầu ra, dẫn tới cảnh “được mùa mất giá” và ít có hệ thống siêu thị để tiêu thụ rau.

Tuy nhiên, nghịch lý là tại các chợ, siêu thị, giá rau khi tới tay người tiêu dùng tuy có giảm so với trước tết, nhưng giá vẫn không hề rẻ. Cụ thể, giá đậu tây được bán tại chợ có giá 8.000 -10.000 đồng/kg, xà lách giá 6.000 – 12.000 đồng/kg, rau cải giá 6.000 – 8.000 đồng/kg. Như vậy, so với giá bán tại ruộng, rau tại các chợ, hệ thống siêu thị vẫn cao hơn gấp 4 - 5 lần, thậm chí còn nhiều hơn.

Không chỉ rau xanh bị đội giá tại chợ sau tết, dịch vụ kinh doanh ăn uống cũng được các chủ hàng đồng loạt tăng lên. Không rầm rộ như những năm trước, vì năm nay giá xăng đã giảm nhiều, nhưng các cửa hàng vẫn lấy cớ sau tết thực phẩm khan hiếm mà tăng giá từ 5 - 10%. Nghịch lý giá cả hàng hóa, dịch vụ này đang diễn ra không chỉ riêng Quảng Ngãi mà còn ở nhiều địa phương trên cả nước đã gây ra không ít thiệt thòi cho cả người nông dân lẫn người tiêu dùng.



Khánh Hòa: Ngư dân được mùa ruốc



Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ngư dân trong tỉnh Khánh Hòa rất phấn khởi vì một mùa ruốc (giống tôm nhỏ 1 - 4 cm) năm nay hứa hẹn sẽ bội thu. Thông thường, mùa đánh ruốc bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán và kéo dài hết tháng Giêng. Tuy mới đầu mùa nhưng từ mùng 6 Tết Âm lịch, không khí mua bán giữa ngư dân và thương lái đã diễn ra tấp nập, thu nhập của bà con đạt hàng triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, do lượng cung nhiều nên giá cũng giảm hơn so với năm ngoái, dao động trong khoảng 8.000 - 13.000 đồng/kg và có khả năng càng về cuối mùa càng giảm.



Bình Thuận: Thận trọng với việc phát triển cây mắc ca



Trong hoàn cảnh nhiều sản phẩm cây trồng tại Bình Thuận, từ mủ cao su, hạt điều đến cả trái thanh long đều không được giá trong năm thì câu chuyện về cây mắc ca được xếp vào loại cây “tỷ đô” đã thu hút sự chú ý của bà con nông dân.



Dù được khuyến cáo, loại cây trồng này thích hợp nhất ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Nhưng họ giải thích, đấy mới là thích hợp nhất, bên cạnh sẽ còn vùng thích hợp khác, vả lại cây mắc ca phát triển tốt ở Úc mà khí hậu ở nước này có nét tương đồng với vùng Bình Thuận. Hơn nữa, nhiều vùng của Bình Thuận cũng đã phát triển cao su, cà phê, ca cao… vốn dĩ là thế mạnh của đất Tây Nguyên.



Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhân hạt mắc ca có chứa nhiều đường bột, chất khoáng, vitamin, với hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn lạc, hạt điều. Ngoài ra, hạt mắc ca còn có công dụng trong việc giảm cholesterol, chữa các bệnh về trầm cảm, bổ xương, khớp, giúp tăng cường trí nhớ… Vì vậy, nó được dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Còn dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn. Trong khi nguồn cung cấp chỉ mới đáp ứng được 25% nhu cầu thị trường thế giới... Tất cả những yếu tố này đã tạo ra làn sóng quan tâm đến cây mắc ca, không chỉ những hộ dân đang ấp ủ dự định trồng cây mới trên đất thiếu nước mà còn có đơn vị đang chuẩn bị xin lập dự án trồng hàng chục héc-ta mắc ca.



Tuy nhiên, điều cần lưu ý là giá hạt mắc ca cũng biến động theo từng thời điểm trên thị trường và chắc chắn khi nguồn cung tăng thì giá sẽ giảm chứ không thể ở ngưỡng hiện tại (từ 500.000 - 700.000 đồng/kg còn vỏ khô). Vì thế, dù là cây “tỷ đô”, mắc ca cũng cần phải xây dựng chiến lược cho chế biến và xuất khẩu để nâng cao giá trị xuất khẩu và nhất là giảm tỷ lệ xuất khẩu thô với giá rẻ - vốn cũng là điểm hạn chế của các cây trồng được xem là lợi thế ở Bình Thuận. Thực tế này cần được chính quyền, các cơ quan chức năng và bà con ở Bình Thuận tính toán thận trọng trước khi quyết định đầu tư cho cây mắc ca.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Giá lúa đang chững lại

Sau khi triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2014 - 2015 (bắt đầu từ 1/3/2015) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giá lúa, gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã không tăng như kỳ vọng của bà con nông dân mà có chiều hướng chững lại.

Vụ lúa đông xuân năm nay năng suất lúa khá cao, có hộ trúng đạt đến 1,5 tấn (lúa tươi)/công, còn hộ thấp nhất cũng 1 tấn/công. Chi phí đầu tư vụ này thấp do ít sâu bệnh nên dù giá chỉ tăng nhẹ mấy ngày sau tết rồi chững lại và hiện còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 500 đồng/kg nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân khoảng 30%. Hiện giá lúa IR 50404 tươi cắt máy thương lái thu mua tại ruộng 4.250 - 4.280 đồng/kg, lúa hạt dài OM 4900, OM 5451 (lúa chất lượng cao) 4.700 đồng/kg, lúa thơm Jasmine 85 từ 4.800 - 4.900 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân vẫn có lãi nhưng không nhiều. Do đã vào đợt thu mua tạm trữ nên nhiều thương lái cũng tranh thủ chạy ghe đi thu mua lúa trong dân để thêm thu nhập. Một thương lái ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết: “Mấy ngày qua, chiếc ghe 30 tấn của tôi lúc nào cũng nổ máy chạy từ cánh đồng này sang cánh đồng khác để thu mua lúa. Lúc nào đầy ghe là chở ngay đến lò sấy, xay xong gạo là bán cho nhà máy luôn”. Theo Cục Trồng trọt, việc thu mua tạm trữ thời điểm này là kịp thời vì diện tích lúa đông xuân 2014 - 2015 toàn vùng ĐBSCL mới chỉ thu hoạch hơn 680.000 héc-ta/1,6 triệu héc-ta, chiếm 40% diện tích gieo trồng. Tuy nhiên, một số tỉnh gieo sạ sớm như: Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng đã thu hoạch gần dứt điểm, phần lớn nông dân đã bán lúa tươi ngay khi thu hoạch nên nếu giá lúa có tăng do tác động từ chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo thì ít người được hưởng lợi. Cụ thể ở huyện Tháp Mười và Tân Hồng (Đồng Tháp), nơi có lúa thu hoạch sớm nhất ở ĐBSCL, nông dân không hy vọng nhiều vào chính sách thu mua tạm trữ. Bà con ở huyện Tháp Mười tranh thủ cho rút nước lũ sớm để xuống giống, nên trước tết đã thu hoạch, đúng vào thời điểm giá lúa xuống thấp, bán chỉ được 3.900 đồng/kg. Do thời gian xuống giống ở các địa phương khác nhau, nên chăng cần phân kỳ thu mua tạm trữ theo từng tỉnh, như vậy sẽ giải quyết đầu ra cho nông dân tốt hơn.

Măng Đen (Kon Tum): Mở rộng thị trường tiêu thụ hoa


Sau năm năm trồng thử nghiệm, hai năm gần đây rau hoa trồng tại Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) không chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu thụ tại chỗ mà đã bắt đầu vươn ra được thị trường ngoài tỉnh tiêu thụ ở các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi...

Nằm ở độ cao trung bình 1.200 mét so với mực nước biển, độ che phủ rừng đạt hơn 78%, nhiệt độ trung bình quanh năm dao động từ 18 - 20 độ C, Măng Đen Kon Tum được ví như Đà Lạt thứ hai của Việt Nam. Để phát triển ngành nghề mới trồng rau xứ lạnh này, huyện Kon Plông đã cho chuyển đổi gần 600 héc-ta đất rừng sang quy hoạch phát triển rau hoa xứ lạnh. Theo phòng Nông nghiệp huyện Kon Plông, các loại hoa như hoa lan, đồng tiền, hoa hồng, hoa tuy-lip, hoa li-ly,.... được trồng tại Măng Đen bước đầu đã được thị trường chấp nhận tiêu thụ với thương hiệu "Hoa Măng Đen" trên bao bì. Trong dịp Tết Nguyên đán, khu vực trồng hoa Măng Đen cho ra thị trường 19 loại hoa như hoa li-ly, hoa hồng, tuy-lip, lan hồ điệp, địa lan, hoa thu hải đường, dạ yên thảo... Năm nay, nhờ thời tiết khí hậu thuận lợi nên hầu hết các loại giống hoa trồng ở Măng Đen đều rất đẹp và trổ đúng dịp tết. Tại hai cơ sở này đã có khoảng 30.000 cành hoa li-ly được khách hàng đặt mua với giá từ 28.000 - 30.000 đồng/cành; hàng nghìn chậu hoa tuy-lip; anh thảo, cúc lá nho, lan hồ điệp đã được khách đặt hàng với giá từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng/chậu. Nếu bán hết các sản phẩm với mức giá này thì nhà vườn có lãi từ 40 - 60%. Thị trường đặc biệt thích các sản phẩm hoa li-ly sản xuất tại Măng Đen do giá bán thấp hơn giá hoa sản xuất tại Đà Lạt, vận chuyển thuận lợi và nhanh chóng nên hoa ít hư hỏng và bảo quản được lâu... Những thành công bước đầu về phát triển rau hoa xứ lạnh ở Măng Đen đang mở ra cho huyện Kon Plông một hướng đi mới trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát khỏi huyện nghèo và vươn lên làm giàu trong tương lai.

BÀ CON CẦN BIẾT


Thu hoạch – phân loại bông hạt


Cây bông từ lúc gieo đến khi quả đầu tiên nở thường mất 100 - 115 ngày. Giống như trình tự nở hoa, đậu quả, quả bông chín từ cành dưới lên và từ trong ra ngoài. Thời kỳ đầu do đặc tính của cây và khí hậu còn ẩm do mưa, tốc độ nở quả thường chậm hơn một chút. Đợt thu hái đầu tiên khi cây có 2 - 3 quả nở và cách quả đầu tiên nở từ 10 - 15 ngày, những đợt sau chỉ cách đợt trước khoảng 7 - 8 ngày. Khi hết mưa, nắng chiều, nhiệt độ cao, gió lớn bông chín nhanh hơn.



Những sai sót thường gặp khi thu hoạch bông hạt



- Thu bông chưa nở đầy đủ: Bông nở đầy đủ là những quả bông có các múi bông bung, xốp, toàn bộ bông phủ kín quả. Quả chưa chín đủ múi bông chưa bung, còn ở dạng múi cau, vỏ quả đang còn tươi, màu xanh. Những quả bông chưa nở hết thường xơ, hạt có độ ẩm cao, nếu không phơi kịp thì dễ bị mốc, làm giảm chất lượng.



- Thu lẫn bông múi cau, bông vàng ố, bông đen: Khi quả chín gặp mưa, bông sẽ bị thối dẫn đến múi bông không thu được, hạt bị thối lép, hoặc do ẩm nên bông bị mốc. Những loại bông này không được thu để chung với loại bông tốt vì nó sẽ làm giảm phẩm cấp bông hạt, nên để riêng.



- Để lẫn lá, tai quả, đất: Khi thu hái không cẩn thận, dễ bị dính đất, lá khô, tai quả vào bông hạt, nhất là thu hái về buổi trưa nắng, chiều, tai lá khô và giòn.



- Để lẫn vật lạ, nhất là sợi nylon: Khi để lẫn sợi nylon vào bông sẽ gây khó khăn lớn cho công đoạn nhộm màu công nghiệp, đây là vấn đề hết sức cẩn trọng vì ảnh hưởng rất lớn đến phẩm cấp.
Cách thu hoạch và phân loại bông



Dụng cụ thu bông tốt nhất là bằng sọt tre, bao bố, bao vải. Thu bông tốt trước, bông múi cau, sâu bệnh thu đợt sau. Hoặc có thể mang 2 túi, một túi đựng bông tốt, một túi đựng bông xấu. Nhất thiết phải phân loại ngay trong lúc thu hái bởi như vậy sẽ đỡ tốn công về nhà phân loại lại. Thời gian thu tốt nhất là 8 - 11 giờ sáng và 3 - 6 giờ chiều. Nếu thực hiện tốt nhất thì có đến 90% là bông loại 1 còn nếu để lẫn thì ngược lại có đến 90% là bông loại 2 và loại 3. Bông thu hái về phải phơi ngay, chỉ cần phơi 2 - 3 nắng là khô (cắn hạt bông kêu là được). Không nên để bông ở nhà nhiều vì bông cồng kềnh, chiếm diện tích trong nhà, vì vậy bông khô nên đem đi bán ngay.



Tiền Giang: Thả nuôi tôm sú đúng lịch để có hiệu quả cao



Nhằm hạn chế thiệt hại do những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh cho bà con nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã khuyến cáo thời vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2015.



Theo đó, đối với các hộ nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh, bà con không nên thả giống nuôi trong các tháng 01, 02, 11 và 12 (dương lịch), vì trong thời gian này thời tiết không phù hợp với đặc tính sinh học của tôm sú, đồng thời chất lượng tôm giống thường không tốt. Đối với các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bà con có thể thả giống nuôi ở tất cả các tháng trong năm. Tuy nhiên, bà con cần chú ý, phải có thời gian ngưng nuôi giữa hai vụ ít nhất là 02 tháng, để đủ thời gian cải tạo ao đầm, cắt đứt mầm bệnh, hạn chế thiệt hại cho vụ nuôi sau.



Trước đó, Chi cục Thủy sản tỉnh đã khuyến cáo thời điểm thả giống trong vụ nuôi tôm quảng canh cải tiến năm 2015 bắt đầu từ ngày 22/12/2014. Tuy nhiên, thời điểm thả giống cụ thể tùy theo điều kiện của từng khu vực và đảm bảo độ mặn nước ao thả nuôi hoặc ao ương cao hơn 6 phần ngàn.



Theo số liệu thống kê, những năm gần đây, tình hình bệnh trên tôm nuôi ngày càng diễn biến phức tạp. Năm 2014, tình hình bệnh trên tôm nuôi không còn tập trung vào các tháng nắng nóng với bệnh hoại tử gan tụy là chủ yếu như các năm trước, mà chủ yếu là bệnh đốm trắng và xảy ra tương đối rải đều ở các tháng trong năm. Để hạn chế tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên tuyền, phổ biến nội dung thông báo này cho tất cả người nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh sớm biết để chủ động thực hiện. Đồng thời, giao Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Chi cục Thú y cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã Gò Công theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nuôi, tình hình thời tiết thủy văn, thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, quan trắc mầm bệnh, để có những khuyến cáo cụ thể, phù hợp và kịp thời cho từng vùng nuôi tập trung trên địa bàn.

CHỐNG BUÔN LÂU MUA BÁN HÀNG GIẢ


Đi lễ hội đầu năm: Tránh mua phải hàng giả


Tháng giêng là tháng ăn chơi, dịp đầu năm bà con hay đi lễ ở các đền chùa thường không để ý nên hay bị mua phải hàng giả, hàng nhái. Nhất là các sản phẩm thông dụng như bánh kẹo, rượu, thuốc, trà...

Vào những ngày đầu tháng giêng, tại Đền Và – Sơn Tây (Hà Nội) mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt người đến tham quan và mua đồ cúng lễ ngay tại những cửa hàng cạnh đền. Thông thường một mâm lễ bao gồm bánh kẹo, hoa quả, chai rượu, bao thuốc… Hầu hết bà con đều đến một quầy hàng và bảo người bán hàng sắp luôn cho một lễ đầy đủ. Tuy nhiên, phần rượu và chè hay bị làm giả nhất. Hầu hết các chai rượu cúng nhỏ đều không có nguồn gốc xuất xứ, đựng trong các lọ nhựa nhỏ, bên ngoài ghi sơ sài mấy dòng chữ “rượu vodka” hay “rượu nếp cái hoa vàng”, không có thông tin nhà sản xuất, địa chỉ… Những chai rượu này được bán giá khoảng 3.000 đồng. Tất cả mọi người đều mua loại rượu này cho vào mâm lễ vì giá trị không cao, và sau lễ cũng bỏ đi chứ không dùng. Bên cạnh đó là các túi chè nhỏ được đóng gói 10 gam/túi với giá bán khoảng 2.000 đồng. Các gói chè này nhìn sơ qua ở tất cả các nơi có lễ đều giống nhau, in hình bông hoa sen đỏ, lá xanh trên nền bạc. Vì giá trị nhỏ nên hầu như chẳng ai để ý. Thế nhưng theo tìm hiểu, trên thị trường chỉ có một đơn vị sản xuất loại chè này đó là Công ty TNHH sản xuất thương mại Trà Thăng Long, Sóc Sơn, Hà Nội. Tuy nhiên, có thể thấy loại chè sen được bán này có xuất xứ từ rất nhiều nơi. Có nơi in là sản xuất tại Cổ Nhuế, Từ Liêm. Lại có nơi in sản xuất tại Hoài Đức – Hà Nội…



Tuy nhiên, bị làm giả nhiều nhất vẫn là bánh kẹo. Nhất là các loại bánh kẹo nhập khẩu được bao hộp đẹp mắt. Chẳng hạn như bánh Chocopie rất quen thuộc thì bị ghi là Chocopai, bánh quy Danisa nổi tiếng của Đan Mạch thì bị nhái thành Danity, hay bánh bông lan Solite của Kinh Đô lại bị nhái là Silate, café G7 của Trung Nguyên biến thành café CF7…



Với vỏ ngoài bắt mắt khó phân biệt, nhưng giá tiền lại chỉ bằng 1/4 sản phẩm chính hãng. Người đi lễ rất hay mua vì trông “lịch sự” mà giá lại phải chăng, đưa lên mâm cúng lễ cho đẹp. Theo khảo sát, hộp bánh Danisa loại 681gam có giá khoảng 155.000 đồng, loại nhái chỉ bán 30.000 đồng, bánh “Chocopai” chỉ có giá là 18.000 đồng/hộp (trong khi bánh Chocopie chính hãng có giá từ 45.000 - 50.000 đồng/hộp, bánh “Silate” có giá 18.000 đồng/hộp…



Tuy nhiên, chất lượng của các loại bánh nhái này rất kém. Khi cầm trên tay các loại bánh nhái “Danity” hay “Chocopai”, bà con có thể cảm nhận rõ trọng lượng nhẹ bẫng, trong đó, vỏ hộp “Danity” rất mỏng manh. Ăn thử thấy bánh bở, ngọt lờ lợ, không rõ mùi hoặc quá đậm mùi hương vani nhân tạo.



Đánh vào tâm lý bà con là không quá kỹ tính khi mua đồ lễ, các quầy hàng bán đồ lễ tại các nơi đều trà trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng vào để bán. Chính vì thế, bà con cũng cần lưu ý hơn khi chọn những đồ này. Khi chọn mua bánh, kẹo, mứt tết nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu và địa chỉ rõ ràng. nên mua ở những đại lý, siêu thị, cửa hàng uy tín... Các loại bánh, mứt có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng là do sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.



Phát triển thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy



Dầu tràm Lộc Thủy là một trong những nghề tiểu thủ công nghiệp trọng điểm của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng nghề đang có những nỗ lực trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, quản lý chất lượng, phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, khẳng định thương hiệu một làng nghề mà hạt nhân là Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ chế biến dầu tràm Lộc Thủy.
Khó khăn về nguyên liệu



Dọc theo quốc lộ 1 đoạn qua xã Lộc Thủy, những lò nấu dầu tràm nghi ngút khói bên đường cùng những quầy hàng bán dầu tràm với những mẫu chai, nhãn hiệu mới của những thành viên trong HTX Sản xuất chế biến dầu tràm Lộc Thủy. Từ sau khi thành lập HTX, sản phẩm tinh dầu tràm của Lộc Thủy từng bước nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ ra một số tỉnh thành khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; thị trường một số nước Thái Lan, Lào, Campuchia. Nhờ vậy, thu nhập từ nghề làm dầu tràm của người dân làng nghề cũng từng bước ổn định. Theo tính toán của những người làm nghề, cứ mỗi hộ có một lò tinh luyện dầu tràm, tháng cao điểm mỗi ngày tinh luyện được một mẻ dầu. Vào mùa đông, 1 lít dầu tràm có giá hơn 1 triệu đồng, còn mùa hè thì giảm hơn với khoảng 800.000 đồng/lít. Như vậy, sau khi trừ chi phí thu mua nguyên liệu, vật liệu, chai lọ đựng dầu, bao bì, nhãn mác… thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng 7,5 triệu đồng cho 2 – 3 người tham gia làm nghề. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm như đã đăng ký, các hộ chuyên nấu dầu tràm sử dụng 100% nguyên liệu cây tràm, không pha trộn loại nguyên liệu khác. Nếu có đơn đặt hàng loại dầu rẻ mới nấu riêng nguyên liệu tràm và chổi, giá thành thấp hơn và không thể mang nhãn hiệu sản phẩm tinh dầu tràm như đã đăng ký chất lượng. Tuy vậy hiện nay khó khăn của làng nghề đó là nguồn nguyên liệu ngày càng khan hụt. Vào mùa mưa càng khó khăn hơn về nguyên liệu nên nghề tinh luyện dầu tràm chỉ tập trung vào mùa tạnh nắng. Nguyên liệu mua ở những vùng khác thì chi phí tăng, chất lượng lại không cao bằng nguồn nguyên liệu tại địa phương.

Mở rộng vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ



Để giải quyết khó khăn của hộ dân trồng tràm nơi đây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư, hỗ trợ HTX chế biến dầu tràm Lộc Thủy phát triển vùng nguyên liệu, với mục tiêu mở rộng quy mô cũng như phát triển dầu tràm trở thành thương hiệu đặc trưng của địa phương.



Với diện tích 3 héc-ta ban đầu được hỗ trợ đầu tư để trồng cây nguyên liệu tinh chế dầu tràm. Toàn bộ cây giống được cán bộ hợp tác xã dầu tràm Lộc Thủy lựa chọn từ giống cây tràm bản địa sau đó được ươm hom với sự hỗ trợ kỹ thuật của một công ty sản xuất cây giống nước ngoài. Hơn 12 ngàn cây giống được ươm thành công và đưa vào gieo trồng. Đây cũng là lần đầu tiên, một vùng nguyên liệu dầu tràm được đầu tư với diện tích quy mô. Dự kiến, sau khoảng 1 năm, giống cây tràm sẽ cho thu hoạch và năm thứ 2 khi cây tạo tán sẽ thu hoạch đại trà. Số nguyên liệu thu được đủ cung cấp cho 6 hộ sản xuất trong một năm. Trong khi đó, toàn xã có đến 35 hộ tham gia chế biến tinh dầu tràm. Do đó, cùng với vùng nguyên liệu này, HTX dầu tràm Lộc Thủy cũng kiến nghị chính quyền địa phương đưa hơn 30 héc-ta đất mía hiện nay đang bỏ hoang, kết hợp hỗ trợ nhân giống và khuyến khích hội viên chuyển đổi các diện tích đất màu kém hiệu quả chuyển sang trồng cây tràm nguyên liệu để cung ứng đủ nguyên liệu cho bà con. Ông Trương Viết Đính – Chủ nhiệm HTX sản xuất dịch vụ chế biến dầu Tràm Lộc Thủy cho biết: "Trước mắt về phía HTX thời gian tới sẽ khuyến khích, kêu gọi bà con hội viên trồng cây tràm để tự chủ về nguyên liệu, có như vậy, mới duy trì được làng nghề, nếu không với diện tích tràm tự nhiên ngày càng ít sẽ rất khó để mở rộng sản xuất chưa nói đến nâng cao chất lượng”.



Cùng với việc khắc phục tình trạng khan hiếm nguyên liệu, thì việc sắp xếp lại các cơ sở chế biến theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là giải pháp cần thiết để phát triển thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy theo hướng bền vững, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người dân nơi đây.



Với những giải pháp thiết thực, những bước đi tích cực của HTX chế biến dầu tràm Lộc Thủy, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu dầu tràm Lộc Thủy sẽ ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường, mang lại hiệu quả cao hơn cho người dân làng nghề, những thành viên của HTX chế biến dầu tràm nơi đây.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)