Thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội

05:08 PM 04/10/2015 |   Lượt xem: 6296 |   In bài viết | 

Ông Trần Việt Hùng, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Giám sát việc thực hiện cam kết hỗ trợ an sinh xã hội

Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3-2015 được chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công, thể hiện ở các mặt: Hội nghị được tổ chức với quy mô lớn, thời gian chuẩn bị ngắn nhưng với quyết tâm, chủ động, phương pháp triển khai khẩn trương… nên diễn ra đúng tiến độ, thời gian và đạt kết quả cao. Hội nghị nhận được sự tham gia tích cực của nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong, ngoài nước; khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự chỉ đạo sát sao và sự phối hợp chặt chẽ của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh liên quan nhằm tạo sự lan tỏa và tăng sức mạnh thu hút đầu tư cho cả khu vực, qua đó tạo sự phối kết hợp tốt giữa các tỉnh trong vùng.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc và giám sát việc thực hiện cam kết hỗ trợ an sinh xã hội cho khu vực Tây Nguyên của các ngân hàng, tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân; chịu trách nhiệm phân bổ công bằng, minh bạch cho các địa phương. Chủ trì Hội nghị sơ kết một năm đánh giá việc thực hiện các ký kết hợp đồng tín dụng, tiến độ triển khai các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ an sinh xã hội, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và rút kinh nghiệm.

Ông Thào Xuân Sùng,Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương:Quan tâm đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, Tỉnh ủy Đắk Nông đã chỉ đạo có hiệu quả các chương trình, chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo các kết luận, nghị quyết của Trung ương góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc trên địa bàn. Đối với đồng bào đã di cư đến Đắk Nông trước đây, tỉnh lập dự án ổn định nơi ở và đất sản xuất. Đến nay, Đắk Nông đã hoàn thành 4 dự án ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số di cư vào địa bàn tỉnh. Hiệu quả mang lại của các chương trình, chính sách đã góp phần thay đổi bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học,Lao động và Xã hội: Nhiều người được hưởng lợi từ chính sách an sinh xã hội

Tổ chức thực hiện tốt hệ thống chính sách về an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xây dựng một xã hội văn minh và hiện đại. Ở nước ta, hệ thống chính sách lao động - việc làm và an sinh xã hội đã được hình thành và phát triển từ nhiều thập kỷ, ngày càng nhiều nhóm đối tượng được tham gia và hưởng lợi từ chính sách này, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.

Bảo đảm an sinh xã hội cho người dân là một chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Tại kỳ họp thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 1/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Tiếp đó, ngày 1/11/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về Kế hoạch hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TW. Hai Nghị quyết quan trọng này một lần nữa đã thể hiện rõ nét sự quan tâm, cam kết của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Anh Y Diêm, xã Đắk Phơi, huyện Lắk (Đắk Lắk):Yên tâm làm ăn để thoát nghèo

Trước đây, gia đình tôi có người ốm đau bệnh tật quanh năm, sản xuất chỉ đủ ăn. Cả 6 con người sống trong căn nhà sàn dột nát, xiêu vẹo, xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn không có tiền để sửa chữa. Năm 2013, được Ngân hàng Công thương Việt Nam hỗ trợ trên 50 triệu đồng, tôi đã đầu tư xây dựng lại ngôi nhà và giờ đây cả gia đình không còn sợ cái mưa, cái nắng nữa, yên tâm lo làm ăn để có “của ăn, của để”…

Thực hiện chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống những hộ dân bị ảnh hưởng của mưa lũ, huyện Đắk G’Long đã quyết định hỗ trợ cho 36 hộ dân ở xã Đắk Ha bị thiệt hại do mưa đá và lốc xoáy gây ra vào giữa tháng 5/2015. Các hộ dân được hỗ trợ các mức khác nhau tùy theo mức độ thiệt hại, trong đó những hộ bị thiệt hại nặng nhất được hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ. Đắk G’Long cũng đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ thêm cho bà con nhanh chóng ổn định sản xuất và cuộc sống. Chính quyền xã Đắk Ha cũng vận động cán bộ, nhân viên và người dân địa phương đóng góp hàng ngàn ngày công, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các hộ dân bị thiệt hại sửa chữa và dựng lại nhà cửa, mua cây con giống để tổ chức lại sản xuất, vượt qua khó khăn. Xã Đắk Ha là xã nghèo của huyện Đắk G’Long, dân cư chủ yếu là bà con dân tộc M’Nông và dân tộc Mông, đời sống còn rất nhiều khó khăn.

Chị Y Toul ở xã Kon Pne, huyện Kbang (Gia Lai): Thoát nghèo nhờ vốn vay ngân hàng

Thực hiện chương trình an sinh xã hội, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng, gia đình tôi đã mua một đôi bò cái sinh sản, đến nay đôi bò này chuẩn bị sinh lứa đầu lòng. Được các chị em trong xã hướng dẫn kỹ thuật nên dần mình cũng biết cách chăm sóc bò và các loại cây trồng như lúa nước, bời lời… cho năng suất cao hơn. Mình mong muốn được tạo điều kiện tiếp tục cho vay vốn để phát triển kinh tế, phấn đấu thoát nghèo.

Không chỉ riêng tôi, các chị em phụ nữ vùng sâu có kiến thức, tay nghề, vững tin vào các mô hình kinh tế mà mình đã lựa chọn, các cấp hội phụ nữ đã chủ động tham mưu, phối hợp với trường Cao đẳng nghề mở các lớp dạy nghề cho lao động nữ nông thôn. Các mô hình Tổ liên kết “Dịch vụ chăm sóc gia đình”, “Cải tạo và chăm sóc cây hồ tiêu năng suất cao” được duy trì cả về bề rộng và chiều sâu trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế xã hội ở các địa phương.

Viết Tôn (baotintuc.vn)