Thông tin thị trường giá cả tuần từ 11/01/2014 đến 17/01/2014
04:20 PM 11/01/2014 | Lượt xem: 2641 In bài viết |
TIÊU ĐIỂM |
Dưa hấu tết này mất mùa, mất giá
Trồng dưa hấu bán vào dịp Tết Nguyên đán từ lâu đã trở thành nghề truyền thống và là nguồn thu nhập chính của các hộ dân ở nhiều địa phương, nhất là duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mất mùa vì rớt giá...
Tại Lai Vung một huyện trồng nhiều dưa của tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng dưa hấu tết năm nay giảm hơn so với năm ngoái, do ảnh hưởng tình hình thời tiết, chi phí đầu vào tăng cao và một phần người dân còn lo ngại dưa hấu mất giá vào dịp Tết... Hiện giá dưa ở Đồng Tháp dưới 4.000 đồng/kg. Theo tính toán, nếu giá dưa dưới 4.000 đồng/kg thì bà con nông dân không có lợi nhuận.
Mọi năm, vào thời điểm này, thương nhân đã tích cực “săn” dưa hấu bán Tết, nhất là những loại giống dưa tròn, vì loại này rất được thị trường ưa chuộng bày trong 3 ngày Tết, nhưng các địa phương có nhiều diện tích trồng dưa hấu tết ở Đồng Tháp năm nay trồng chủ yếu giống dưa dài.
Tại Ninh Thuận - một tỉnh vùng Nam Trung Bộ đang là thời điểm bước vào thu hoạch rộ dưa hấu. Ông Nguyễn Thuận, thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, cho biết: Dưa hấu năm nay giá bán thấp hơn gần 40% so với thời điểm năm trước nên người trồng ít sẽ lỗ ít, người trồng nhiều thì càng lỗ nhiều. Thời điểm này niên vụ năm trước, giá dưa dao động từ 5.500 - 6.000 đồng/kg, nhưng năm nay, ngay từ đầu vụ giá dưa chỉ vào khoảng 3.000 - 3.200 đồng/kg, vào vụ thu hoạch rộ thì giá lại rớt thấp xuống còn trên dưới 2.500 đồng.
Theo bà Vương Thị Lam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Sơn, giá dưa năm nay thấp hơn mọi năm một phần là do thị trường dưa xuất khẩu sang Trung Quốc hầu như không còn như các năm trước, trong khi đó thị trường nội địa chủ yếu là các tỉnh miền Bắc và TP. Hồ Chí Minh lại đang “im ắng”. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất thường của giá dưa trên thị trường.
Được biết, theo kế hoạch, lãnh đạo huyện Ninh Sơn khuyến cáo bà con xuống giống với diện tích vài chục héc-ta. Thế nhưng vì vụ trước giá cao, nên nhiều hộ mở rộng diện tích lên đến vài trăm héc-ta. Bà Lam cho biết thêm, trong việc định hướng cơ cấu cây trồng hàng năm, địa phương không đưa cây dưa hấu vào khuyến khích cho bà con trồng, bởi giá cả luôn bấp bênh, nhiều rủi ro khi đầu tư. Nhưng việc chạy theo lợi nhuận trước mắt nên nhiều hộ đã tự ý trồng đại trà và mở rộng diện tích.
Có thể nói cây dưa hấu thực sự sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân nếu đầu ra ổn định. Tuy nhiên, lâu nay việc đầu tư trồng dưa hấu vẫn luôn là một “canh bạc” với người nông dân, mặc dù đã có rất nhiều bài học về những câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Mặc dù đã có sự khuyến cáo của chính quyền địa phương và các ngành chức năng mỗi khi bước vào niên vụ mới sản xuất dưa hấu, thế nhưng chưa thực sự là bài học kinh nghiệm cho người trồng dưa ở Ninh Sơn và nhiều vùng khác.
... Và mất mùa vì sâu bệnh
Ví như Trà Vinh vụ dưa Tết năm nay, toàn tỉnh trồng hơn 1.000 héc-ta, nhưng hầu hết diện tích dưa hấu đang bị nhiễm bệnh khảm, một loại bệnh phổ biến trên dưa hấu do bọ trĩ gây ra. Do ảnh hưởng của khí lạnh tăng cường từ phía Bắc, nên về đêm và sáng, Nam Bộ trời lạnh, thậm chí có những ngày nhiệt độ giảm xuống dưới 20 độ, trời chuyển rét, cộng thêm gió đông từ biển đưa ẩm vào trong đất liền tạo ra hiện tượng sương mù về đêm và sáng, làm độ ẩm trong không khí lên cao, gần 90%. Nhiệt độ thấp, sương mù dầy, độ ẩm cao đã khiến bo trĩ bùng phát mang vi rút truyền bệnh cho dưa hấu, khiến trồi non của cây bị chùn lại, lá đọt nhỏ hơn và soăn héo rũ dần rồi chết, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hiện tại khối khí lạnh ở phía Bắc đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam và từ ngày 8/1 trở đi đều đặn cứ khoảng 2 - 3 ngày lại có thêm những đợt sóng lạnh nhỏ tăng cường và khuyếch tán xuống Nam Bộ, khí lạnh tăng cường sẽ duy trì hiện tượng rét về đêm và sáng trên toàn miền Nam, nhất là ở khu vực miền Tây, vốn nhiều sông rạch. Tiết trời này tiếp tục duy trì cho bọ trĩ sinh sôi phát triển gây bệnh khảm cho dưa hấu… Để hạn chế thiệt hại, các chuyên gia khuyến cáo, bà con nông dân nên thường xuyên thăm đồng ruộng. Nếu thấy dưa hấu bắt đầu có triệu chứng nhiễm bệnh, ngay lập tức phun thuốc diệt trừ bọ trĩ. Với những diện tích bị bệnh nặng sau 3 ngày phun thuốc mà chưa có dấu hiệu phục hồi, thì cần nhổ bỏ ngay, để tránh lây lan ra diện rộng…
MUA GÌ? |
Bắc Giang: Đặc sản gà đồi sẵn sàng cung cấp thị trường Tết
Người nuôi gà của Bắc Giang đã chuẩn bị hơn 4 triệu con gà đồi Yên Thế để cung ứng cho thị trường Hà Nội trong dịp Tết Giáp Ngọ. Hiện, huyện có khoảng 27.000 hộ chăn nuôi, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 12 - 15 triệu con gà. Lượng tiêu thụ chủ yếu vẫn là gà lông do thói quen, tâm lý của người dân chưa quen ăn gà đã qua giết mổ sẵn. Chủ trương của huyện là phải quyết tâm giữ cho bằng được thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”, nên giải pháp trước mắt của huyện là cho thiết kế nhẫn bằng nhựa có in hình logo để gắn lên chân gà trước khi xuất bán ra thị trường. Nếu gà không có nhẫn tức là không phải gà đạt chuẩn thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”. Đến thời điểm này, UBND huyện Yên Thế đã có định hướng quy hoạch đến năm 2020 sẽ thu hút 3 doanh nghiệp vào sản xuất “Gà đồi Yên Thế”. Giá gà tại Yên Thế loại ngon từ 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Đồng bằng sông Cửu Long: Nhộn nhịp thị trường rau màu Tết
Những ngày giáp Tết về huyện cù lao Chợ Mới – An Giang, mới thấy hết không khí tất bật của bà con nơi đây. Mọi người đang khẩn trương cải tạo đất, xuống giống, chuẩn bị rau màu đáp ứng thị trường Tết Nguyên đán sắp đến. Năm nay thời tiết thuận lợi, bắp cải trồng ít bị sâu cắn phá, chi phí phân bón cũng giảm hơn so với các vụ khác. Thương lái tranh nhau vào ruộng tự thu hoạch. Năng suất bắp cải đạt 40 tấn/công, giá hiện nay cũng nằm ở mức 3.200 - 3.400 đồng/kg. Loại bắp cải này trồng 3 tháng trời mới thu hoạch, cho nên vụ kế tiếp bà con canh thu hoạch bán vào tháng 2 năm sau, thời điểm đó lúc nào rau màu cũng sốt giá. Bà con Chợ Mới còn trồng dưa hấu loại trái tròn bán Tết, thu lãi từ 5 - 6 triệu đồng/công, sau khi trừ chi phí.
Riêng đối với củ kiệu, cải bẹ…, nông dân đã bắt đầu thu hoạch sớm để các bà nội trợ kịp chế biến thành món dưa muối. Huyện Hòn Đất, Giồng Riềng là những địa phương có phong trào trồng rau màu phục vụ thị trường Tết truyền thống của tỉnh Kiên Giang. Ông Đào Xuân Nha, Trưởng phòng NN - PTNT Hòn Đất cho biết: Diện tích trồng rau màu Tết của huyện hằng năm vào khoảng 500 héc-ta, trong đó có 50 - 60 héc-ta chuyên trồng kiệu. Giá củ kiệu bán cho thương lái từ 10.000 -12.000 đồng/kg, lãi 40 - 50% so với chi phí.
Yên Bái: Giá dong riềng giảm
Mặc dù năm nay huyện Trấn Yên (Yên Bái) trồng được khoảng 70 héc-ta dong riềng. Tuy nhiên, hiện nay giá người dân bán ra chỉ được 500 – 600 đồng/kg, không có lãi, thậm chí còn lỗ nặng. Nguyên nhân chính là do nguồn cung nguyên liệu bột dong trên thị trường miền Bắc vượt quá nhu cầu của sản xuất, chế biến khiến người trồng dong riềng tuy được mùa nhưng chẳng vui bởi gặp quá nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm. Trước tình hình đó, chính quyền huyện Trấn Yên đã chỉ đạo các địa phương trồng dong riềng tích cực vận động bà con thu hoạch giãn vụ, diện tích trồng trước được thu hoạch trước để đảm bảo chất lượng củ và giải phóng đất trồng cây màu khác. Ngoài việc bán cho các cở sở chế biến sản xuất tại địa bàn, người dân các xã trồng dong còn bán cho các tư thương đến mua tại địa phương. Đồng thời, huyện còn vận động các gia đình chế biến bột dong xây thêm bể bảo quản với hy vọng chờ giá nhích cao mới bán để gỡ gạc chút vốn liếng đầu tư.
Sắn được mùa, được giá
Mùa thu hoạch sắn lại đến, chưa năm nào Văn Yên (Yên Bái) sắn lại được giá và tiêu thụ dễ như năm nay. Hàng ngàn chiếc lò sấy sắn khô từ cuối tháng 10 năm ngoái đã rực lửa, còn các nhà máy chế biến tinh bột cũng đang hối hả chạy hết công suất. Huyện Văn Yên có trên 1.000 lò sấy sắn khô, lò lớn mỗi mẻ sấy 10 - 12 tấn, lò nhỏ 3 - 5 tấn. Giá sắn tươi là 1.400 đồng/kg, giá sắn khô là 4.200 đồng/kg. Thu nhập từ cây sắn năm nay của nông dân Văn Yên sẽ không dưới 350 tỷ đồng... Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Nhà máy sắn Văn Yên cho biết: “Vụ sắn năm nay chúng tôi dự kiến tiêu thụ khoảng 50.000 – 60.000 tấn sắn củ tươi cho nông dân, kế hoạch sản xuất 15.500 tấn tinh bột. Sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc, giá chào hàng 9 triệu/tấn. Do tinh bột của nhà máy chúng tôi chất lượng cao, đã đăng ký chỉ dẫn địa lý với Cục Sở hữu trí tuệ, nên được nhiều khách hàng tìm mua”.
Đồng Nai: Giá lợn hơi tăng nhẹ
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá lợn trong những ngày gần đây đang có chiều hướng tăng nhẹ, khoảng 3.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết dương lịch. Cụ thể, giá lợn tăng từ 48.000 - 51.000 đồng/kg, nguyên nhân là do thương lái từ các tỉnh miền Trung vào mua để cung cấp thịt cho thị trường này. Được biết, những trận ngập lụt ở các tỉnh miền Trung năm 2013 đã làm cho sản lượng gia súc, gia cầm ở khu vực này bị sụt giảm mạnh nên nguồn cung không đủ.
BÁN GÌ? |
Bình Định: Các làng mai tấp nập bán mua
Cách Tết Giáp Ngọ gần 1 tháng, thủ phủ mai vàng An Nhơn (Bình Định) nườm nượp xe tải “ăn” mai. Mai xuân đất này vốn nổi tiếng lâu đời bởi dáng thế cầu kỳ, nụ to, hoa vàng sâu lắng.
Ông Phan Văn An - chủ vườn mai trên 1.000 chậu ở An Nhơn, nhìn nhận: Nhờ “trời thương”, các vườn mai xuân năm nay đều vào nụ rất đều. Lượng xe về ăn mai tấp nập hơn năm rồi, ra Bắc vào Nam đủ cả. Nhiều nhà vườn “dày” vốn ở An Nhơn đang đầu tư sâu vào loại mai bonsai, chậu nhỏ, tuy thời gian dài nhưng dễ vận chuyển, lại được giá hơn mai ngắn ngày.
Mai An Nhơn được thương lái săn mua về dưỡng quanh năm, mạnh nhất là khu vực TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cách Tết 1 tháng, khi mai vào nụ đầy đủ thì lượng “đi” tăng gấp bội. Nhiều nhà vườn đã được thương lái đặt cọc trước cả năm. Mai năm nay cũng được mùa, bù lại bao nhiêu thất bát do lũ lụt. May mà trận lũ vừa qua chỉ dâng ngâm nước các vườn mai trong một ngày, chứ nếu ngâm dài ngày hơn thì chắc là chết sạch. Lũ vừa rút, nhà vườn phải phun nước ngay để rửa sạch bùn non cứu mai. Từ vùng đất thuần nông, chuyển qua làng nghề trồng mai cảnh để có thu nhập bình quân 60 triệu đồng/sào (cao hơn nhiều so trồng lúa), giải quyết được công ăn việc làm, thu nhập cao cho người nông dân là một thành công của làng mai.
Tại Phú Yên, thời tiết se lạnh và có nắng nhẹ là điều kiện tốt để mai “dốc sức” ra hoa. Khác với mai Bình Định chủ yếu dành cho khách hàng thu nhập khá, mai Phú Yên có lượng khách hàng “bình dân” hơn. Ở vùng mai Tuy Hòa, mỗi chậu thường trồng dưới 5 năm, suất đầu tư thấp hơn vùng An Nhơn, nên giá bán cũng mềm hơn.
Hiện đang là cao điểm lặt lá ở các làng mai Tuy Hòa. Công việc lặt lá (để mai xuân dồn sức ra hoa đúng tết) khá nhẹ nhàng nên thu hút rất đông nhân công là phụ nữ, trẻ em; tiền công 70.000 – 80.000 đồng/người/ngày. Hàng trăm vườn mai ở Tuy Hòa luôn là nơi kiếm sống của hàng ngàn người với nghề uốn tỉa, làm cỏ, tưới nước, bón phân, vào chậu mai… quanh năm. Cuối năm, lại tấp nập nghề bốc hoa lên xe tải, trung chuyển mai bằng cộ bò từ những vườn mai có đường vào hẹp…
LƯU Ý, CẢNH BÁO |
Đầu nậu thao túng giá mía
Giá mía tím tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình đã giảm một nửa so với năm ngoái. Nhiều ruộng mía đến kỳ thu hoạch không có người hỏi mua khiến bà con nông dân điêu đứng.
Cây mía tím đã được trồng ở Thanh Hóa, Hòa Bình từ hàng chục năm nay, được coi là cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và thực tế đã có nhiều hộ giàu lên từ cây mía. Ngay vụ mía năm ngoái, người trồng mía ở Thanh Hóa cũng như Hòa Bình còn rất vui mừng vì mía được mùa, được giá. Nhưng năm nay, khi mùa mía đến, cũng là lúc giá mía rớt thê thảm, thậm chí nhiều ruộng mía đến kỳ thu hoạch nhưng không có ai mua. Tại huyện Bá Thước (Thanh Hóa), lượng mía tồn trên ruộng còn khoảng 60% trong khi năm ngoái thời điểm này chỉ còn 10 - 15%. Với giá thương lái trả 2.500 – 3.000 đồng/cây, ước tính mỗi sào mía, nông dân lỗ gần 3,5 – 3,7 triệu đồng.
Tương tự như ở Bá Thước, bà con trồng mía ở huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Cao Phong… (Hòa Bình) cũng đang đứng ngồi không yên. Hồi đầu vụ, giá mía 4.000 – 5.000 đồng/cây, nhưng giờ đây chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/cây (mía chọn). Thông thường, dịp giáp Tết giá mía sẽ tăng, nhưng năm nay càng giáp Tết mía càng giảm, trong khi đó mùa vụ sắp đến nên nhiều nhà đành bán đổ bán tháo, giải phóng lấy đất cấy. Nhiều hộ vì tiếc mồ hôi công sức cả năm trời, không đành lòng bán mía quá rẻ mạt, đã chặt cây kéo xe ra dọc Quốc lộ 12B, Quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh bán lẻ cho khách đi đường.
Theo phản ánh của bà con, nguyên nhân khiến giá mía giảm là do năm nay thương lái các nơi không đến mua. Thậm chí, để độc quyền và ép giá người dân, một số đầu nậu, thương lái người địa phương đã thuê đầu gấu… xử những thương lái từ nơi khác đến. Thiết nghĩ, để bảo vệ người trồng mía, các cấp, ngành chức năng và địa phương cần phải vào cuộc điều tra, bắt và xử lý nặng những đối tượng trục lợi bất chính này.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Đồng bằng sông Cửu Long: Trái cây tết trúng giá, hút hàng
Càng gần đến Tết Giáp Ngọ, giá các loại trái cây như bưởi, thanh long, quýt, dưa hấu… đều tăng nhanh và hút hàng khiến nhà vườn rất phấn khởi. Thậm chí, đối với một số loại trái cây khó bảo quản và vận chuyển như: Xoài cát Hòa Lộc (Đồng Tháp), mận An Phước, quýt hồng Lai Vung... thương lái “đích thân” đến tận vườn thu mua.
Hiện giá đặt mua bưởi Năm Roi tại vườn ở tỉnh Vĩnh Long đã tăng lên mức 30.000 - 32.000 đồng/kg đối với loại bưởi lớn (trên 1,2 kg/trái), tăng 8.000 - 10.000 đồng/kg so với hồi trung tuần tháng 11/2013 và cao hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2012. Giá bưởi loại 1 - 1,2 kg/trái cũng ở mức 25.000 đồng/kg. Đối với bưởi Năm Roi loại thường cũng có giá khoảng 15.000 đồng/kg, đảm bảo cho nhà vườn thắng lớn. Theo nhà vườn ở các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng… dự báo, giá bưởi từ nay đến Tết sẽ còn tăng vì hiện nay, các thương lái trái cây đã đặt cọc mua bưởi Tết tại vườn. Do đó, không ít nhà vườn trồng bưởi còn do dự chưa chịu nhận tiền cọc với mức giá hiện tại vì theo tính toán của họ, giá bưởi cận Tết Giáp Ngọ sẽ còn tăng cao hơn.
Đối với quả thanh long, nông dân trồng thanh long ở Long An, Tiền Giang cũng “vui như Tết” bởi thanh long ruột trắng được thương lái thu mua với giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 70.000 đồng/kg. Tính ra, người trồng thanh long thu lời 300 - 600 triệu đồng/héc-ta. Nhiều hộ dân trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng hể hả vì trúng giá. Thanh long ruột trắng đang cho lợi nhuận 200 - 400 triệu đồng/héc-ta, còn thanh long ruột đỏ lời nhiều hơn. Nếu tính trung bình 1 héc-ta thanh long, người trồng lời 400 triệu đồng, với tổng diện tích đang cho trái hơn 5.000 héc-ta của 2 tỉnh (Tiền Giang hơn 3.000 héc-ta, Long An gần 2.000 héc-ta), Tết này người trồng thanh long lãi hơn 2.000 tỷ đồng.
Không chỉ người dân trồng thanh long trúng giá, lời nhiều, mà người trồng cam, quýt cũng được mùa, được giá. Tại Đồng Tháp, giá quýt hồng Lai Vung cũng liên tục nhảy vọt. Nếu như cách nay khoảng một tháng giá quýt hồng ở mức 24.000 - 26.000 đồng/kg, thì nay thương lái nâng giá lên 30.000 - 32.000 đồng/kg nhằm thu gom quýt hồng chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết Giáp Ngọ 2014.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Điểm mới của chương trình bình ổn giá Tết Giáp Ngọ 2014
Bộ Công Thương cho biết, chương trình bình ổn giá dịp Tết Giáp Ngọ 2014 có nhiều điểm mới. Nếu những năm trước, chương trình chỉ hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, nhà phân phối thì năm nay sẽ hỗ trợ cả 3 đối tượng là nhà sản xuất, nhà phân phối và doanh nghiệp vận tải, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt, dịp Tết năm nay, ngoài những điểm bán hàng cố định, sẽ có các chuyến bán hàng lưu động đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp. Cùng với đó, các điểm bán hàng bình ổn không chỉ phục vụ trước và trong Tết mà còn kéo dài cả sau Tết để đảm bảo bình ổn giá bền vững. Những nhóm hàng trong chương trình bình ổn đều đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung ổn định giá vào 2 tháng cận Tết cho đến ngày 1/3/2014. Với mặt hàng bình ổn như thịt gia súc, gia cầm, trứng... sẽ có chương trình giảm giá sâu trong 3 ngày cuối cùng giáp Tết. Các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn thành phố như Big C, Vinatex-mart... chuẩn bị lượng hàng tăng gấp 2 đến 3 lần so với tháng thường. Từ nay đến Tết, thành phố tổ chức khoảng 700 chuyến bán hàng lưu động để đưa hàng hóa phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp... Tại Hà Nội, Sở Công Thương thành phố và nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất kế hoạch bình ổn giá từ rất sớm nhằm phục vụ người dân. Tổng giá trị hàng hóa mà các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ và cung ứng cho thị trường trong 2 tháng trước, trong và sau Tết là hơn 7.500 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với Tết năm ngoái.
Lâm Đồng: Cung cấp gần 2 triệu tấn rau củ cho Tết
2 triệu tấn rau củ đặc sản các loại như khoai tây, cà rốt, bắp cải, cà chua, dưa leo, hành lá, cải thảo… sẽ được Lâm Đồng cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2014. Hiện các vùng chuyên canh trồng rau củ của tỉnh như: Đơn Dương, Lạc Dương và Đức Trọng đang tập trung cho vụ Tết sắp đến. Những người làm vườn cũng đang dồn sức chăm sóc các vườn rau để kịp thu hoạch. Giá bán các loại rau tại vườn tương đối ổn định: Bắp cải là 2.000 đồng/kg, bắp cải tím 8.000 đồng/kg, hành tây 10.000 đồng/kg, khoai tây 18.000 - 20.000 đồng/kg, cà rốt 10.000 đồng/kg... Với nguồn cung phong phú như hiện nay, dự đoán, thị trường rau Đà Lạt thời gian tới tương đối bình ổn, không tăng giá nhiều và đủ sức cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong dịp Tết Giáp Ngọ.
Rộn ràng hoa kiểng miền Tây
Hai bên quốc lộ 57, bà con chăm bón, vô phân, tỉa nhánh các loại hoa, nhiều nhất là cúc mâm xôi do năm nay được mùa trúng giá. Hiện nay, thương lái đã đến đặt mua cúc mâm xôi với giá bình quân 70.000 đồng/cặp, cao hơn năm ngoái từ 15.000 đến 20.000 đồng. Các cơ sở hoa kiểng quy mô lớn năm nay cũng rất phấn khởi vì bạn hàng từ miền Trung và các tỉnh miền Đông xuống đặt hàng tăng đột biến, nhiều nhất là các loại mai vàng do các tỉnh miền Trung năm nay bị bão lũ lớn nên rất hiếm hàng. Các loại hoa treo năm nay khá phong phú về chủng loại và mẫu mã nhiều nhất là: Hoa dừa, dạ yên thảo, cúc sao băng, môi son…, giá trong khoảng từ 30.000 đến 80.000 đồng tùy loại.
((Thông tin do Báo Công thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện))