Thông tin giá cả thị trường tuần từ 3/11/2014 đến 7/11/2014
04:07 PM 05/11/2014 | Lượt xem: 2551 In bài viết |
TIÊU ĐIỂM |
Gian nan trồng cao su trên đất trống, đồi trọc
Để cây cao su “đâm chồi, nảy lộc” tại Lai Châu, ngay sau khi có chủ trương trồng cao su trên các vùng đất trống, đồi núi trọc ở các tỉnh vùng Tây Bắc, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh Lai Châu đã vào cuộc cùng các doanh nghiệp cao su vận động người dân tham gia. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 11.000 héc-ta cao su đại điền và tiểu điền, trong đó đại điền chiếm 10.600 héc-ta, còn lại là tiểu điền tập trung tại các huyện Phong Thổ hơn 420 héc-ta, Nậm Nhùn 105 héc-ta. Trong đó có nhiều diện tích cao su tiểu điền được trồng từ năm 2006, 2007 người dân đã tiến hành khai thác mủ. Tuy nhiên vướng mắc hiện nay là hầu hết diện tích cao su được trồng ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu. Do cấu tạo địa hình đồi dốc, nên vào mùa mưa, các khu vực trồng cao su thường hay xảy ra sụt lún, sạt lở, ảnh hưởng đến công tác đo đạc, nhận đất và tiến độ trồng mới. Trong khi đó hệ thống đường giao thông phục vụ cho nuôi trồng và sản xuất chưa phát triển đang là rào cản lớn cho việc canh tác cơ giới cây cao su.
Hơn nữa người dân Lai Châu có tới hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi hơn 90% công nhân làm việc tại các công ty cao su là người địa phương. Mặt bằng trình độ dân trí thấp cũng đang là rào cản không nhỏ đến tập huấn, đào tạo kỹ thuật khai thác, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động. Nhiều diện tích cao su tiểu điền lại nằm gần đường biên giới giáp với Trung Quốc, nên kỹ thuật khai thác “ngược chiều” với kỹ thuật khai thác vốn có hàng trăm năm nay ở Việt Nam, đó là cạo mủ theo hướng từ dưới lên, trong khi kỹ thuật khai thác ở Việt Nam là cạo theo hướng từ trên xuống. Đáng buồn hơn do trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến mủ nên sản phẩm mủ cao su khai thác được hầu hết người dân địa phương đành phải bán sang Trung Quốc. Việc bán sang thị trường nước ngoài cũng rất bấp bênh về giá, “lúc trồi, lúc sụt”, mà thông thường thì nông dân bị tư thương ép giá thu mua, nên ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân có cao su tiểu điền.
Cần có chính sách thu mua mủ cao su cho nông dân
Để cây cao su thật sự là cây làm giàu cho đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo các cấp chính quyền khu vực Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng cần bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt với bước đi phù hợp. Ngoài giải pháp về giống, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, quyết định một số chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển diện tích cao su ở miền núi phía Bắc là: Mở rộng đối tượng cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng cao su trên đất nương rẫy được trợ cấp gạo; hỗ trợ kinh phí đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hộ dân tham gia góp đất trồng cao su; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cao su với các mức 2 đến 6 triệu đồng/héc-ta; hỗ trợ 50% giá giống chịu lạnh. Doanh nghiệp trồng, chế biến mủ cao su được hưởng ưu đãi theo chính sách khuyến khích của Chính phủ khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích, mở rộng các hình thức hỗ trợ nông dân bảo hiểm cây cao su.
Về phía tỉnh Lai Châu, để từng bước khắc phục những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm mủ cao su, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng cao su đại điền đến năm 2020. Theo đó tỉnh sẽ xây dựng 5 vùng với 7 nhà máy chế biến mủ cao su nằm rải rác tại các huyện để tiện cho việc chế biến. Khi những nhà máy này đi vào hoạt động, cộng với các công trình hạ tầng thiết yếu vùng cao su như điện, nước, đường giao thông. Đồng thời, có chính sách thu mua mủ để nông dân yên tâm sản xuất.
MUA GÌ |
Sơn La: Trồng ngô làm thức ăn ủ ướp cho thu nhập cao
Trên cao nguyên Mộc Châu, trồng ngô làm thức ăn ủ ướp đang đem lại thu nhập gấp đôi cho bà con nông dân trong khi những chủ trang trại bò sữa chủ động được nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng với giá phải chăng. Đây là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo chế độ ăn của bò do các chuyên gia dinh dưỡng quốc tế xây dựng, được chứng minh bằng kết quả phân tích do Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu thực hiện tại Mỹ. Thức ăn ủ ướp kết hợp với thức ăn hỗn hợp TMR được sản xuất bởi nhà máy do Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu đầu tư xây dựng với số tiền lên tới trên 1 triệu đô-la Mỹ, sử dụng công nghệ của Hàn Quốc và Israel. Hố ủ ướp xây dựng rất đơn giản và không tiêu tốn nhiều tiền, kỹ thuật ủ ướp thức ăn lại rất dễ, ai cũng có thể làm được. Nguyên liệu được băm nhỏ, cho vào hố, đầm nén kỹ, bọc kín bằng bạt cho yếm khí, sau 21 ngày là có thể sử dụng cho bò ăn. Trên cao nguyên Mộc Châu hiện có 500 trang trại đang nuôi gần 16.000 con bò sữa. Chủ các trang trại mua ngô, bao gồm cả thân, lá, bắp để ủ ướp thức ăn đang mở ra cơ hội làm giàu cho bà con nông dân trong vùng.
Giá ngô tại một số tỉnh trong tuần cuối tháng 10/2014
Tỉnh |
Giá |
Sơn La |
5.150 – 5.200 |
Điện Biên |
5.850 – 5.950 |
Lai Châu |
|
Lạng Sơn |
5.200 – 5.250.000 |
Từ trung tuần tháng 10, các vườn cam lòng vàng tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đang cho thu hoạch rộ. Theo người trồng tại đây, giống cam này năm nay được mùa hơn giống cam khác như cam Canh, cam Xã Đoài. Bên cạnh được mùa, hiện giá cam được các thương lái mua tại vườn cũng tăng mạnh và đạt 24.000 đồng/kg. Đến nay, diện tích trồng cam các loại tại huyện Cao Phong lên đến 1.200 héc-ta, dự tính sản lượng ước đạt 16.500 tấn.
Hà Tĩnh:Các xã ven sông trúng mùa rươi
Tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, mùa rươi năm nay đang vào độ chín. Hàng nghìn người dân các xã ven sông La lại đổ ra đồng bắt rươi. Nhiều gia đình trúng đậm, thu nhập cả chục triệu đồng trong một đêm.
Mùa rươi bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch khi thời tiết bắt đầu có những cơn mưa. Người dân Đức Thọ bắt rươi bằng nhiều cách. Trẻ con thì dùng vợt, rớ bằng vải mùng, thậm chí huy động cả rổ, rá, dần, sàng… ấy là cách vớt thô sơ. Còn người lớn thường khơi bờ ruộng tạo thành dòng chảy rồi giăng mành rộng theo hình cái phễu chắn lại. Rươi từ dưới đất chui lên, theo dòng nước lọt vào mành. Khi mành căng cứng, họ chỉ cần vớt lên cho vào rổ. Hiện các thương lái thu mua rươi với giá khá cao, từ 380.000 – 400.000 đồng/kg nên bà con các xã ven sông rất phấn khởi. Nhiều hộ gia đình chỉ trong một đêm đã bắt được gần 2 tạ rươi, thu về 65 - 70 triệu đồng.
Bắc Giang: Hạt dẻ mất mùa, khó bán
Tỉnh Bắc Giang có hàng nghìn héc-ta trồng hạt dẻ rừng (hay còn gọi là hạt dẻ gai) và là địa phương có cây dẻ rừng phân bố nhiều nhất trong cả nước. Năm nay, hạt dẻ mất mùa, sản lượng chỉ bằng 1/3 năm ngoái. Tuy bà con nông dân bán được giá cao hơn mọi năm nhưng lại khó tiêu thụ do chất lượng thấp: Quả dẻ nhỏ, nhiều hạt lép. Một nông dân ở xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang cho biết: “Mỗi năm nếu trúng vụ thu được 5 tạ hạt dẻ, năm nay chỉ thu được 1 tạ thôi. Mới giữa tháng 10 đã gần hết mùa dẻ, ngắn hơn mọi năm khoảng một tháng”. Đặc biệt, năm nay do gặp thời tiết bất lợi, nên khả năng đậu quả thấp. Hạt dẻ rừng Bắc Giang là món quà được nhiều người thành phố yêu thích. Với sản lượng ít như năm nay, sẽ có nhiều khách hàng không được thưởng thức loại hạt này.
BÁN GÌ |
Tiềm năng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á - Nam Á (Bộ Công Thương), nhu cầu nhập khẩu gạo của châu Phi tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam, song gạo Việt cũng phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá khi xuất khẩu sang thị trường này. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở khoảng 450 – 550 đô-la Mỹ/tấn. Trong khi đó, Ấn Độ và Pakistan giá bình quân chỉ khoảng 400 đô-la Mỹ/tấn. Nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc cho thấy, mặc dù có sự tăng trưởng khá về sản xuất gạo, nhưng nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước châu Phi sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn từ nay đến năm 2022. Dự kiến châu lục này cần phải nhập khẩu thêm 14,6 triệu tấn gạo để bảo đảm an ninh lương thực.
Tăng tần suất kiểm tra thanh long xuất khẩu
Bắt đầu từ ngày 1/10 năm nay, trái thanh long Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Âu sẽ bị kiểm tra tăng với tần suất 20%, để phân tích tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, để tránh gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu thanh long vào thị trường này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông báo và phổ biến kịp thời quy định mới này tới các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy định của châu Âu.
Xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản tăng cao
Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, hiện có 51 nước xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này và Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 20. Trong đó, sản phẩm thăn cá ngừ đông lạnh mã HS0304 là sản phẩm dẫn đầu chiếm gần 60%, cá ngừ đóng hộp chiếm gần 25%. Một tín hiệu đáng mừng là Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thăn cá ngừ đông lạnh sang Nhật Bản cao nhất, đạt hơn 76%. Trong khi, Trung Quốc chỉ tăng gần 36%, Philippines là 3,6%. Xét về giá, Việt Nam hiện đang là nước có lợi thế cạnh tranh so với các nước còn lại.
Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, với những kết quả bước đầu đạt được trong việc hợp tác nâng cao chất lượng cá ngừ sau khai thác của Việt Nam với Nhật Bản, dự đoán thời gian tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, do nước ta đang vào cuối vụ khai thác nên sản lượng khai thác sẽ không cao như những tháng trước, nên việc tăng cường xuất khẩu sang đây sẽ khó khăn hơn.
Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu 2014 dự kiến đạt 1 tỷ đô-la Mỹ
Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm nay xuất khẩu hồ tiêu sẽ đạt khoảng 150.000 tấn, trong đó tạm nhập tái xuất khoảng 20.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 1 tỷ đô-la Mỹ. Đây sẽ là năm xuất khẩu đạt mức kỷ lục cao nhất trong lịch sử phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam.
Những năm gần đây, thị trường tiêu trong nước luôn bình ổn, giá tiêu trong nước và xuất khẩu giữ ở mức cao ngay từ đầu vụ thu hoạch. Do có sự phối hợp kịp thời giữa bà con nông dân, doanh nghiệp và VPA nên các doanh nghiệp có cơ hội tạo nguồn hàng, chủ động đàm phán ký hợp đồng xuất khẩu, hạn chế bán hàng trên giấy nên tránh được rủi ro. Tuy nhiên, theo VPA, năm nay ngành hồ tiêu trong nước cũng đứng trước nhiều thách thức do thiên tai, sâu bệnh, chi phí sản xuất gia tăng. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu ngày càng nâng cao yêu cầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: Sản phẩm sạch, canh tác hữu cơ, có chứng chỉ chất lượng. Vì vậy, ngay từ bây giờ người trồng và chế biến hồ tiêu cần triển khai các giải pháp phù hợp. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua VPA khuyến cáo nông dân chuyển sang hướng trồng tiêu hữu cơ, hạn chế dùng phân, thuốc hóa học. Hiện tại, nhiều hộ trồng tiêu đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ theo hướng hữu cơ bền vững, hàng trăm hộ nông dân trồng tiêu được cấp chứng chỉ sản xuất theo quy trình GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Sản xuất ngô bền vững ở Tây Bắc: Cần sự liên kết chặt chẽ của 4 nhà
Với điều kiện tự nhiên, đất đai phù hợp, Tây Bắc là một trong những vùng sản xuất ngô trọng điểm của nước ta, với gần 300.000 héc-ta, năng suất bình quân đạt 37 – 39 tạ/héc-ta. Tuy nhiên, để phát triển cây ngô bền vững đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Tạo lòng tin để bà con yên tâm sản xuất
Năm 2013, tổng diện tích ngô các tỉnh phía Bắc đạt 707.000 héc-ta (chiếm 61,2% diện tích ngô cả nước), năng suất trung bình đạt 39,1 tạ/héc-ta, sản lượng đạt hơn 2.700.000 tấn. Nhiều giống ngô năng suất đã và đang được trồng rộng rãi tại các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai... Tuy nhiên, hiện nay sản lượng ngô chưa theo kịp tốc độ tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước; năng suất trung bình mới chỉ đạt 80% so với trung bình thế giới; giá thành sản xuất cao; sản phẩm ngô còn đơn điệu; các giống ngô phục vụ cho vùng đất khó khăn (hạn, chua, phèn) còn hạn chế… Chính vì vậy, sự liên kết 4 nhà trong phát triển sản xuất ngô bền vững vùng Tây Bắc được đưa ra như một trong những điều kiện tiên quyết để sản xuất ngô bền vững. Đồng thời xây dựng một vùng trọng điểm, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của cả nước trong bối cảnh hiện nay.
Trên thực tế, phần lớn diện tích trồng ngô của các tỉnh vùng Tây Bắc tập trung trong vụ xuân, xuân hè và hè thu, chủ yếu trồng ở nơi có độ dốc cao, không chủ động được nước tưới. Do gần như chỉ phụ thuộc nước trời, ít thâm canh nên năng suất cây ngô đạt thấp, không ổn định, dễ mất mùa khi gặp hạn và mưa lũ. Công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch còn thiếu, gây tổn thất lớn; chưa có sự gắn kết giữa khâu sản xuất và khâu tiêu thụ. Trên cơ sở đó, Nhà nước cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các viện, trường, trung tâm nghiên cứu tuyển chọn và lai tạo các giống ngô lai cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Bên cạnh đó cần ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cây ngô; gắn kết giữa cơ sở chế biến với bà con nhằm ổn định giá cả, tránh tình trạng tư thương ép giá, tạo lòng tin để bà con yên tâm trồng ngô.
Tăng cường tập huấn kỹ thuật cho bà con
Nhìn chung, ở khu vực Tây Bắc, việc thâm canh ngô theo hướng bền vững cũng được đặt ra cấp thiết. Và để thâm canh ngô theo hướng bền vững, điều cơ bản là quy hoạch phát triển vùng sản xuất ngô tập trung, thực hiện tốt các cơ chế chính sách; mở rộng diện tích ngô vụ xuân trên chân ruộng một vụ, ngô vụ đông trên đất hai vụ lúa; trồng luân, xen canh với các loại cây họ đậu. Cần tăng cường đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ năng canh tác, quy trình công nghệ, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản; chú trọng sự đồng bộ từ khâu sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Đặc biệt, các tỉnh miền núi phía Bắc cần có chính sách cởi mở hơn trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến gắn với bao tiêu sản phẩm giúp nông dân sản xuất bền vững.
Thông qua các cuộc hội thảo có thể thấy, bà con nông dân chưa hiểu hết tác hại của việc trồng ngô theo cách cũ trên đất dốc, đất rất dốc. Bên cạnh đó, việc quảng bá các mô hình, các nghiên cứu tiến bộ mới chưa triệt để nên bà con chưa hiểu, chưa ứng dụng rộng rãi... Vì thế, cần thiết phải triển khai các diễn đàn khuyến nông nói riêng và các hoạt động tập huấn về kỹ thuật liên quan tới ngô. Tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận với các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ khuyến nông ở vùng Tây Bắc để bàn về việc trồng ngô, vẫn có thu nhập, có năng suất mà không làm tổn hại đến môi trường đất và hạn chế tối đa tác hại đến các công trình thủy điện trên địa bàn. Phát triển, nâng cao năng suất, sản lượng ngô dựa trên diện tích sản xuất ngô có sẵn, nhưng không ảnh hưởng đến diện tích rừng, giảm thiểu xói mòn... cũng là một trọng tâm được ngành nông nghiệp, cùng chính quyền địa phương các cấp đặc biệt chú trọng.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Vĩnh Long :Tổ chức khảo sát nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu
Vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long đã có chuyến tìm hiểu, khảo sát tình hình tiêu thụ hàng hóa nông sản qua đường tiểu ngạch tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Với lượng xe lưu thông qua cửa khẩu mỗi ngày khoảng 300 xe tương đương lượng hàng hóa nông sản 4.000 tấn, cửa khẩu Tân Thanh được xem như là nơi xuất khẩu khoảng 90% rau củ quả Việt Nam vào Trung Quốc, chủ yếu là qua đường tiểu ngạch. Đánh giá qua chuyến khảo sát, các doanh nhân trẻ Vĩnh Long cho rằng nông sản của Việt Nam chủ yếu là thanh long, dưa hấu, khoai lang, trái cây có múi, rau, lúa gạo và một số loại trái cây theo mùa. Phía Trung Quốc cũng đưa vào Việt Nam phần lớn là táo, lê, nho, cam… Nhưng nhìn chung chất lượng, độ chín và kích cỡ nông sản của Việt Nam không đồng đều. Các loại nông sản chúng ta xuất sang đều là những thứ họ cần do giá rẻ, vụ mùa khác nhau, chủ động trong việc cung cấp nên nông sản Việt Nam ở góc độ nào đó vẫn là sự lựa chọn của Trung Quốc. Trong khi các thị trường khác đòi hỏi khắt khe hơn, đảm bảo an toàn chất lượng và sản lượng ổn định thì hầu như chúng ta chưa khai thác được.
Vĩnh Long xuất tiểu ngạch chủ yếu khoai lang, lúa gạo và một số loại cây ăn trái theo mùa sang Trung Quốc. Nên một câu hỏi khó là làm sao để giảm sự phụ thuộc và phát triển nền nông nghiệp bền vững vẫn chưa tìm được câu trả lời ưng ý. Theo đề xuất của Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, trước mắt, việc cập nhật thông tin thường xuyên tình trạng hàng hóa tại cửa khẩu cần được triển khai kịp thời và thường xuyên. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ phần nào giảm bớt việc ùn tắc hàng hóa ảnh hưởng chất lượng, cung vượt cầu nhất thời làm mất giá nông sản. Về dài hạn, hàng nông sản cần được nâng cao chất lượng để tạo dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm bằng cách áp dụng các công nghệ chế biến, bảo quản.
Cà Mau: Giá mía giảm mạnh
Giá mía năm nay tại Cà Mau tiếp tục giảm khiến bà con trồng mía trong vùng quy hoạch tập trung bị thua lỗ nặng. Hiện tại, bà con đang vào vụ thu hoạch rộ, giá mía tiếp tục giảm thấp chỉ được giá 500 đồng/ki-lô-gam. So với thời điểm này năm trước giá mía đã giảm 200 – 250 đồng/ki-lô-gam. Nguyên nhân giá mía giảm là do lượng đường tồn đọng trong nước còn nhiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến còn phải chịu sức ép từ đường ngoại nhập lậu. Hiện tại giá mía thu mua trung bình ở Cà Mau cũng đang ở mức thấp so với các tỉnh khác.
Quảng Nam: Nâng cao vị thế hàng Việt
Trong hai quý đầu năm 2014, Sở Công Thương Quảng Nam đã thực hiện hơn 10 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới tại các huyện miền núi của tỉnh như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Tiên Phước, Phú Ninh… Tại những phiên chợ này, các doanh nghiệp phối hợp đã đưa những mặt hàng sản xuất trong nước, có chất lượng đến tay người dân ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, trong nhiều tháng qua, siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ cũng thường xuyên có những chuyến hàng “Tự hào hàng Việt” về các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên… song song với việc chạy chương trình ngay tại Co.op Mart Tam Kỳ. Các sản phẩm sản xuất trong nước thông qua chương trình “Tự hào hàng Việt” đã có doanh số tiêu thụ khá tốt. Một số sản phẩm như nước rửa chén Lix, dầu ăn Tường An… có lúc “cháy hàng” trên kệ. Ngay tại một số các chợ, trung tâm thương mại phần lớn hàng hóa tiêu dùng cũng được tiểu thương nhập về có xuất xứ Việt Nam, hàng có nguồn gốc không rõ ràng hoặc xuất xứ Trung Quốc rất ít vì bây giờ người tiêu dùng khi chọn mua hàng đều coi nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng.
box: Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức vào tháng 7/2014 cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 63% số người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (tăng 4% so với năm 2010). Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Đắk Nông: Nhiều lợi ích từ trồng xen cây ăn quả, cây rừng trong vườn cà phê
Để khai thác hiệu quả diện tích đất sản xuất, nâng cao thu nhập, tái tạo môi trường sinh thái thích hợp cho cây cà phê, nhiều hộ nông dân trong tỉnh Đắk Nông đã chọn giải pháp trồng xen các loại cây ăn quả, cây rừng như sầu riêng, bơ, tiêu… vào vườn cà phê. Các loại cây này vừa không cạnh tranh dinh dưỡng với cây cà phê, đồng thời làm giảm lượng nước phải tưới nếu trồng độc canh. Nhờ thế, cách làm này đã đem lại cho nhiều hộ bà con đã thu nhập rất cao tới vài trăm triệu đồng mỗi vụ.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, khi trồng xen cây ăn quả hoặc cây rừng nhằm chắn gió, che bóng mát trong vườn cà phê, bà con nông dân không chỉ thu hoạch được các sản phẩm nông sản phụ mà còn giúp cho cây cà phê tăng khả năng chịu hạn, vừa cho năng suất ổn định và hạn chế được sự xói mòn của đất. Đây là mô hình xen canh dễ làm, thích hợp với các nông hộ và thân thiện với môi trường.
Đắk Lắk:Tổ chức phiên chợ "Đưa hàng Việt về miền núi"
Trong tháng 11 và 12 tới, Sở Công Thương Đắk Lắk sẽ chủ trì tổ chức 2 phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” năm 2014 tại các địa phương trong tỉnh. Phiên chợ tại huyện Ea Súp diễn ra tại sân Nhà Văn hóa huyện từ ngày 1 đến 7/11, còn tại huyện Buôn Đôn, sẽ tổ chức tại Quảng trường huyện từ ngày 27/11 đến 2/12. Dự kiến, mỗi phiên chợ có quy mô tối thiểu 30 gian hàng, với tổng kinh phí thực hiện là 100 triệu đồng/ phiên. Tại mỗi phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” sẽ có các nội dung như giới thiệu và bày bán hàng Việt Nam chất lượng cao (hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, may mặc, máy móc, thiết bị, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề, nông lâm thủy sản, đặc thù của địa phương…), tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân, biểu diễn văn hoá văn nghệ phục vụ người dân… Đặc biệt, chú trọng tổ chức các hoạt động trao đổi, xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” tại địa phương biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Bình Phước Vụ điều được giá
Vụ điều năm 2013 - 2014, doanh nghiệp thu mua điều thô của nông dân với giá tương đối ổn định. Cụ thể, giá đầu mùa 27.000 đồng/ki-lô-gam, giữa mùa 23.000 đồng, cuối mùa là 19.000 – 20.000 đồng và bình quân cả vụ là 23.000 đồng/ki-lô-gam. Đây cũng là năm giá chênh lệch đầu và cuối vụ không lớn, nhờ trong suốt mùa thu hoạch điều (gần 3 tháng) không có mưa và doanh nghiệp không lấy lý do giá giảm vì chất lượng hạt điều đen, lép.
Trước đây, vào quý 4 (giáp hạt) giá điều thô nông dân cất trữ tăng cao do doanh nghiệp phải tăng tốc sản xuất phục vụ thị trường Noel và tết dương lịch của Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến 2013, giá điều thô giảm đột ngột trong tháng 9 và 10 khiến nhiều nông dân cất trữ điều lỗ nặng. Nguyên nhân do doanh nghiệp có nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu châu Phi (chính vụ tháng 4, tháng 5). Năm nay trái lại, từ đầu tháng 10 đến nay giá 43.000 – 45.000 đồng/ki-lô-gam điều nhưng cũng rất khó mua vì bà con đã bán hết vào cuối tháng 8 đầu tháng 9, khi giá điều nhích lên. Sở dĩ giá điều thô cao là do lượng điều thô tồn kho ít mà nhu cầu điều nhân của khách hàng đang tăng. Đa số doanh nghiệp không có hàng để đáp ứng. Mặt khác, tình trạng nhiều doanh nghiệp điều Việt Nam đã và đang bị nhà xuất khẩu châu Phi “chơi xấu”, trộn lẫn điều sâu, cũ vào điều mới, giao hàng không đúng hợp đồng. Ở Đông Nam Á, In-đô-nê-xia đã vào vụ thu hoạch điều nhưng giá cao và doanh nghiệp Việt Nam khó mua hàng cũng đã đẩy nhà máy chế biến điều Việt Nam trong tình trạng thiếu nguyên liệu buộc phải đẩy giá lên.
Hiệp hội Điều Việt Nam dự báo năm 2015, chế biến và xuất khẩu điều nhân sẽ tiếp tục tăng trưởng. Hiện điều sản xuất ở Việt Nam vẫn được khách hàng đánh giá cao nhất về chất và lượng. Theo nhận định của chuyên gia ngành điều, vụ 2014 - 2015, khả năng giá điều thô của nông dân trong nước sẽ tốt hơn niên vụ trước. Dự báo, giá điều thô tươi trong vụ 2014 - 2015 bình quân đạt khoảng 25.000 đồng/kg.
ĐƯA HÀNG VIỆT VỀ NÔNG THÔN |
Mong có “bà đỡ” mạnh tay
Địa hình đồi núi khó khăn, đời sống người dân còn nhiều hạn chế là những nguyên nhân khiến hàng Việt về khu vực nông thôn Tây Bắc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực không ngừng, những sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đã dần xuất hiện nhiều hơn ở các địa phương này.
Trăn trở cách làm
Tây Bắc là khu vực còn nhiều khó khăn, hàng hóa thiếu thốn. Chưa kể, với những địa phương giáp biên, hàng Việt còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập lậu giá rẻ. Do đó, 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là 5 năm các địa phương này trăn trở làm sao để đưa hàng đến tay người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Theo đó, suốt thời gian qua, hàng trăm chuyến hàng Việt đã được đưa về các khu vực khó khăn của những địa phương này, mang lại hiệu quả không nhỏ. Để hàng hóa dễ dàng đến với người dân, “bí quyết” của Tây Bắc là lựa chọn những mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu sử dụng của người dân như hàng gia dụng, may mặc, hàng điện tử… Đặc biệt, hàng hóa phải có giá thấp và độ bền cao. Bên cạnh đó, các phiên chợ thường được tổ chức trùng với các buổi họp chợ phiên, nhờ đó, bà con dễ dàng tiếp cận với hàng hóa hơn.
Ông Nguyễn Văn Tưởng – Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên cho biết, từ tháng 8/2009 đến hết tháng 5/2014, tỉnh Điện Biên đã tổ chức 59 hội chợ, triển lãm, trong đó có 1 hội chợ thương mại vùng (hội chợ thương mại quốc tế vùng Tây Bắc Điện Biên 2014) với nội dung “Đưa hàng Việt về nông thôn; Đưa hàng Việt về vùng cao; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…” 10 chuyến đưa hàng Việt về vùng cao cũng được thực hiện. Các hoạt động hội chợ và đưa hàng về nông thôn đã mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng, với khoảng 560 nghìn lượt khách tham quan mua sắm.
Lựa chọn hàng hóa thiết yếu, có chất lượng và nguồn gốc rõ ràng cũng chính là nguyên nhân chính giúp các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn Lai Châu được thực hiện thành công. Ông Nguyễn Văn Sáng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Lai Châu nhấn mạnh, thời gian qua, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn Lai Châu đã thu hút được 8.600 lượt khách đến thăm quan, mua sắm, doanh thu đạt hơn 3,7 tỷ đồng.
Cùng với chất lượng hàng hóa, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn Tây Bắc còn bao gồm những hoạt động văn hóa, mua hàng khuyến mãi… Người dân đã dần quen với những tiếng loa giới thiệu hội chợ, những hoạt động bên lề đầy âm thanh và màu sắc. Đây được đánh giá là yếu tố “mồi”, nhưng không kém phần quan trọng, vì nó giúp thu hút người dân đến chợ thăm quan và mua sắm.
Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng những điểm phân phối hàng Việt
Theo ông Nguyễn Quốc Trụ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn chưa được DN thực hiện thường xuyên, bởi chi phí cao, sức mua của người dân không ổn định.
Phân tích về nguyên nhân này, ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cho biết thêm, đối với các tỉnh miền núi, giao thông trở ngại, địa bàn chia cắt, nên các DN sản xuất không dám đưa hàng về vì lo ngại lỗ vốn do chi phí vận chuyển tăng, bán hàng không đủ doanh số dẫn đến không đủ bù đắp chi phí. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các nhà sản xuất với các DN phân phối và đại lý bán hàng tại địa phương chưa được quan tâm ở một số mặt hàng thiết yếu, dẫn tới làm hạn chế mạng lưới phân phối hàng Việt tại các địa bàn miền núi. Chính vì vậy, thời gian tới, rất cần thêm kinh phí để các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn được triển khai thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Văn Sáng cũng kiến nghị, cần nhiều hơn những sự hỗ trợ của Nhà nước để không chỉ đơn thuần thực hiện các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, mà quan trọng hơn là xây dựng những điểm phân phối cố định tại các địa phương này.
Riêng với các địa phương biên giới cần được ưu tiên hơn nữa, ví dụ như thực hiện đề án “Tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới” kết hợp với chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, để có thêm kinh phí, từ đó thực hiện hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn có hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các chợ, trung tâm thương mại nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, để tạo điều kiện cho mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tại khu vực này được thực hiện hiệu quả hơn.
NHÀ NÔNG CẦN BIẾT |
Cấp bách phòng chống bệnh nhiệt thán trên gia súc
Tháng 9/2014, tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang), khi phát hiện 5 con gia súc (bò, dê) bị mắc bệnh và chết, người chăn nuôi đã tự ý mổ xác gia súc mắc bệnh để ăn và chia cho 215 người trong bản cùng ăn, kết quả đã có 9 người nhiễm bệnh nhiệt thán.
Những mối nguy từ bệnh nhiệt thán
Sự việc xảy ra ở Hà Giang chính là lời cảnh báo để bà con có ý thức hơn trong việc sử dụng các loại thịt của gia súc chết do bệnh, trong đó có bệnh nhiệt thán.
Các chuyên gia thú ý cho biết, bệnh nhiệt thán làm trâu, bò, ngựa chết đột ngột do sốt cao. Bệnh do trực khuẩn nhiệt thán hay còn gọi là trực khuẩn than gây ra. Trực khuẩn có thể sống lâu vài chục năm ở ngoài môi trường. Khi gia súc có bệnh than chết được chôn nông hoặc vứt bừa bãi thì vài chục năm sau trâu bò đến ăn cỏ ở nơi đó sẽ bị bệnh.
Người tham gia mổ thịt gia súc ốm và ăn thịt rất dễ bị lây bệnh, phổ biến là thể lở loét ngoài da. Nếu nhiễm vi khuẩn vào đường hô hấp thì người đó sẽ thấy chóng mặt, đau ngực, khó thở, ho khan. Nếu ở thể ruột thì con người sẽ bị nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, chướng bụng, thở khó. Các chuyên gia cảnh báo, thể phổi và thể ruột rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong sau một, hai ngày.
Nhận định nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh nhiệt thán trên gia súc rất cao, đặc biệt ở địa phương có ổ dịch thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh nhiệt thán; hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng bệnh cho người và gia súc.
Theo đó, bà con khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh nhiệt thán, gia súc chết bất thường phải khai báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để xử lý triệt để mầm bệnh vệ sinh, khử trùng, thu gom chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi, xác gia súc để đốt, chôn và đổ bê tông hố chôn theo đúng quy định.
Đặc biệt, không tự ý giết mổ gia súc mắc bệnh, chết để ăn hoặc chia cho mọi người trong thôn, bản cùng ăn. Đồng thời, nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ gia súc và tiêu thụ gia súc mắc bệnh, chết bất thường trên địa bàn xã có dịch và các xã xung quanh trong thời gian có dịch để hạn chế lây lan dịch bệnh nhiệt thán cho gia súc và người.
Cách nhận biết gia súc nhiễm bệnh
Mọi lứa tuổi trâu bò đều có thể nhiễm bệnh, thời kỳ ủ bệnh vào khoảng 1 - 2 tuần. Bệnh bao gồm các thể sau:
- Thể quá cấp tính: Gặp ở đầu ổ dịch hoặc những nơi lần đầu có dịch. Bệnh xảy ra nhanh, trâu, bò đột ngột run rẩy, hai bên má hơi sưng, khó thở, bỏ ăn và đổ mồ hôi, sốt cao 40,5 độ C – 42,5 độ C, nghiến răng lè lưỡi, mắt đỏ, co giật, mê man, thú quỵ xuống. Ở âm hộ hay hậu môn có thể chảy máu, chết nhanh.
- Thể cấp tính: Diễn biến bệnh khoảng 24 – 48 giờ với triệu chứng sốt cao 40 – 42 độ C, mệt mỏi, thở khó và nhanh, nhu động ruột, dạ cỏ giảm, niêm mạc đỏ thẩm, tiêu chảy hoặc kiết, phân đen có lẫn máu, nước tiểu có máu. Xung huyết và xuất huyết niêm mạc bên ngoài, mồm mũi có bọt hồng lẫn máu, hầu ngực bị sưng. Ở bò sữa có sự giảm sữa đột ngột. Thú mang thai có thể bị sẩy, con vật chết và máu chảy ra từ các lỗ tự nhiên. Tỷ lệ chết khoảng 80%.
- Thể bán cấp tính: Bệnh tiến triển chậm hơn, thú sốt, ăn ít, những chỗ da mỏng sưng lên, niêm mạc mắt mũi hậu môn đỏ, nhu động dạ cỏ yếu, chảy máu mũi và mắt là triệu chứng duy nhất trước khi chết khoảng 2-3 ngày.
- Thể ngoài da: Xuất huyết ở cổ. Ngực sưng và phù cục bộ, ban đầu đau, ung thối, sau thành mụn loét đỏ chảy nước màu vàng đỏ. Hạch lampa sưng, con vật không kêu được đưa cổ họng ra phía.
Gia súc nhiễm bệnh thường chết đột ngột, bụng chướng to, lòi đơm, hậu môn có phân lẫn máu đen chảy ra từ các lỗ tự nhiên. Trước khi mổ khám bệnh tình cần phải xác định nếu là bệnh nhiệt thán thì phải hủy ngay để tránh lây lan mầm bệnh.
HÀNG THẬT GIẢ |
Tây Bắc: Hàng giả nhiều hơn hàng thật
Ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, từ đồ điện gia dụng đến chai nước mắm, bột giặt, mỳ chính... có tới 60 - 70% là hàng nhái, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng. Bà con nơi đây dường như chỉ quan tâm tới giá rẻ, hình thức bắt mắt mà hầu như chưa tìm hiểu về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm này. Cũng chính vì thế mà đến nay, các sản phẩm này dù được cảnh báo tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại vẫn được bà con mua và sử dụng thường ngày.
Không có khái niệm hàng giả, hàng nhái
Tìm hiểu tại chợ Ngã Ba Kim, thị trấn Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), các cửa hàng tiêu dùng đều bày bán các sản phẩm tiêu dùng nhái như: Dầu gội đầu Dove, Sunsilk, X-men, đến bột giặt Omo, Lix; nước mắm Chinsu, Tam Thái Tử…; mỳ chính Vedan, Ajnomoto… và bánh kẹo đa phần chữ nước ngoài không có nguồn gốc, xuất xứ.
Theo anh Nguyễn Văn Thao, một người sống lâu năm ở huyện Mù Cang Chải thì đây là điều rất bình thường. Đặc biệt là với đa số đồng bào dân tộc thiểu số, khi cái ăn còn chưa đủ thì làm gì có điều kiện để nghĩ về thương hiệu, chất lượng hàng hóa. “Khái niệm và sự quan tâm đến hàng giả, hàng nhái là chuyện rất xa với khu vực miền núi, đặc biệt với đồng bào dân tộc. Họ không chú trọng nhiều đến thương hiệu mà chỉ quan tâm đến giá cả”. - anh Thao chia sẻ.
Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm này, nhiều tiểu thương trong chợ cho biết: Có người đưa hàng từ dưới xuôi đưa lên, họ chở hàng xe ra chợ bán đổ cho các tiểu thương. Các loại này có giá rẻ bằng 1/3 so với các sản phẩm thật nên rất dễ bán. Bà con cũng chưa bao giờ thắc mắc về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, chỉ miễn sao dùng được.
Thực tế ở thị trấn Mù Cang Chải là tình trạng chung của tất cả các địa phương miền núi, đặc biệt là khu vực Tây Bắc, đa phần là đồng bào dân tộc sinh sống. Cũng chính vì lý do đó mà hàng giả, hàng nhái đội lốt những thương hiệu lớn rất phổ biến ở chợ miền núi. Tận dụng được lợi thế giá rẻ nên những mặt hàng này rất hút khách. Mặc dù biết rõ điều này nhưng ngay cả ban quản lý chợ, việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở tiểu thương và người tiêu dùng để tránh mua phải hàng chất lượng kém.
Không chỉ bán trong các quầy hàng, hiện ở các tỉnh miền núi Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… còn xuất hiện các quầy hàng lưu động. Các quầy hàng thường là ô tô tải chở hàng trăm mặt hàng nhái, kém chất lượng tìm các điểm đông dân cư đổ hàng rao bán, thu hút sự quan tâm của người dân. Nắm bắt được tâm lý bà con thích giá rẻ nên hầu hết các điểm bán lẻ đều tập trung vào yếu tố giá để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm với đủ các mặt hàng từ hóa mỹ phẩm đến giày dép, quần áo…
Theo một chủ hàng, thì các mặt hàng thực phẩm như: Mỳ chính, nước mắm, bánh kẹo đến hóa mỹ phẩm chủ yếu nhập từ Thổ Tang (Vĩnh Tường) – thủ phủ của các loại hàng giả, hàng nhái. Còn các loại đồ điện, hàng gia dụng chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập của các đầu nậu dưới xuôi đưa lên miền núi bán.
Các lực lượng chức năng khó xử lý
Một câu hỏi đặt ra với cơ quan quản lý, tại sao hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn đang bày bán tràn lan tại các chợ nông thôn, miền núi mà không bị kiểm soát. Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Yên Bái, các mặt hàng này thường được các tiểu thương trà trộn với các sản phẩm chính hãng. Hơn nữa mỗi cửa hàng chỉ có vài ba gói mỳ chính, vài hộp dầu gội đầu… nên rất khó xử lý. Đối với các quầy hàng lưu động thì không thể xử lý được vì các loại hình này không cố định mà “nay đây, mai đó”. Chi Cục QLTT Lai Châu cũng cho rằng, mặc dù đã đẩy mạnh công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xử phạt hành chính và tịch thu, tiêu huỷ hàng nghìn sản phẩm giả, kém chất lượng nhưng hàng giả vẫn len lỏi vào thị trường và có mặt trong đời sống sinh hoạt của người tiêu dùng tại địa bàn này.
Theo Sở Công Thương Yên Bái, để giảm thiểu hàng giả ở vùng cao, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính dài hạn. Nhưng trước mắt, để đồng bào vùng cao khỏi mua phải hàng giả, cần tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cách nhận biết hàng thật, hàng giả cho cả người tiêu dùng và người kinh doanh. Mặt khác, phải xử lý triệt để một số kênh tiêu thụ hàng giả. Theo đó, các lực lượng chức năng cần xử lý tận gốc các ổ nhóm, đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả, những đối tượng chuyên đi giao “hàng rẻ” để “cắt” nguồn hàng giả tuồn vào địa bàn.
box: Nếu các cơ quan quản lý không có biện pháp mạnh thì nỗ lực tăng cường thực hiện cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" sẽ khó đạt hiệu quả cao ở các khu vực miền núi, nông thôn.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)