Thông tin giá cả thị trường tuần từ 22/03/2014 đến 28/03/2014
04:20 PM 22/03/2014 | Lượt xem: 3063 In bài viết |
TIÊU ĐIỂM |
Tiêu thụ lúa ở ĐBSCL: Tìm hướng đi bền vững
Giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nhích lên sau khi Chính phủ quyết định triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo. Người trồng lúa tại đây, nhất là bà con các dân tộc thiểu số đã bớt đi nỗi lo “được mùa, rớt giá”. Tuy nhiên, vẫn cần có những giải pháp dài hạn về đầu ra cho hạt lúa ở khu vực này.
Mong giá lên khi thực hiện tạm trữ lúa gạo
Theo Quyết định số 373a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì từ ngày 15/3 đến 30/4/2014 sẽ triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông Xuân 2013 - 2014 ở ĐBSCL với tỷ lệ quy đổi thóc: gạo là 2:1. Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ thóc, gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 20/9/2014 với lãi suất cho vay tối đa 7%/năm. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 20/7/2014.
Đây là tin vui cho người trồng lúa ở khu vực ĐBSCL khi thời điểm thu hoạch lúa Đông Xuân 2013 - 2014 đang vào chính vụ và giá lúa bị sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương thì giá lúa mặc dù có nhích lên nhưng vẫn chưa đảm bảo có lãi 30% cho nông dân. Vài ngày sau khi triển khai chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo, giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL đã tăng từ 100 - 200 đồng/kg, cụ thể lúa tươi IR50404 là 4.450 đồng/kg, lúa hạt dài cũng tăng lên 4.700 đồng/kg.
Tại khu vực ĐBSCL hiện có khoảng 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống, thu nhập phụ thuộc chủ yếu vào nghề nông nên rất mong chờ giá lúa lên để đảm bảo cuộc sống. Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết: Trà Cú là huyện nghèo, đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 62% nên khi giá các mặt hàng nông sản biến động và giảm giá sẽ gây bất lợi cho nông dân. Với giá lúa như hiện nay, bà con nông dân nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng tại Trà Vinh sẽ không đủ bù chi phí vật tư đầu vào cho sản xuất lúa.
Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân
Anh Danh Hoàng Vu, dân tộc Khmer ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn, tỉnh Sóc Trăng cho biết, gia đình anh có 1,5 công đất, mỗi năm làm hai vụ lúa và thu về từ 30 - 40 giạ/công, nếu giá lúa ổn định thì cũng lời chút đỉnh. Tuy nhiên, từ đầu vụ tới nay, giá lúa đang sụt giảm nên nhiều nông dân, nhất là đồng bào dân tộc, đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ông Sơn Cưa, xã Phong Thạnh, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh bộc bạch, gia đình tôi có hơn 20 công lúa, thu hoạch vụ này trên 1.000 giạ nhưng vẫn chưa bán được nhiều, các thương lái bảo phải đợi doanh nghiệp có chỉ tiêu mua tạm trữ thì họ mới mua của nông dân.
Chính vì thế, để thoát cảnh “được mùa, rớt giá” thì bên cạnh chính sách tạm trữ lúa gạo, cả nông dân và doanh nghiệp đều cần tính tới hướng đi bền vững cho mình. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, đầu ra sản phẩm nhất là cây lúa đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình xuất khẩu không thuận lợi và giá thu mua có xu hướng giảm. Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục xác định lại cơ cấu giống, không nên chọn quá nhiều loại giống, tập trung lúa hạt dài chất lượng cao, lúa thơm, riêng giống IR50404 tỷ lệ sản xuất phải dưới 15%.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cũng được nhắc đến như một giải pháp lâu dài và bền vững cho tiêu thụ lúa gạo thay vì chờ đợi vào sự hỗ trợ giá từ Nhà nước. Theo ông Trương Thanh Mai, chủ doanh nghiệp kinh doanh lương thực Phương Tín tại xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, doanh nghiệp này đang có kế hoạch thu mua tạm trữ 500 - 600 tấn lúa vụ Đông Xuân này cao hơn giá thị trường, ở mức khoảng 4.800 đồng/kg, từ đó tạo mối liên kết bền vững với nông dân. Còn ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc - Bạc Liêu cho biết, mô hình liên kết cánh đồng mẫu giữa doanh nghiệp và nông dân được triển khai khá tốt và công ty đảm bảo thu mua lúa của nông dân với giá hợp lý. “Từ đầu vụ đến nay doanh nghiệp đã mua hơn 3.000 tấn lúa hợp đồng với nông dân với giá từ 5.500 - 6.150 đồng/kg. Vụ Đông Xuân này, công ty có kế hoạch thu mua 20.000 tấn lúa trên tổng diện tích cánh đồng 3.700 héc-ta của 2 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng. Trong đó, Bạc Liêu sẽ được ưu tiên mua gần 16.000 tấn trên diện tích hơn 2.400 héc-ta, đảm bảo nông dân ở vùng nguyên liệu hợp đồng với công ty sẽ có lãi 30%” - ông Dũng nói.
Vụ lúa Đông Xuân năm nay, ĐBSCL ước thu đạt khoảng 11 triệu tấn. Trong đó, riêng 2 tháng đầu năm 2014 là 1,1 triệu tấn. Dự kiến trong tháng 3 và 4/2014, ĐBSCL thu hoạch thêm khoảng 3,2 triệu tấn quy gạo. |
MUA GÌ? |
Quảng Ngãi: Thu nhập cao nhờ trồng ớt
Nông dân các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đang thu hoạch giống ớt mới TN 557 (kháng được bệnh thán thư, thời gian thu hoạch 70 - 75 ngày) cho năng suất bình quân đạt 20 - 24 tấn/héc-ta. Với giá bán từ 23.000 đến 25.000 đồng/kg ớt tươi, nhiều hộ có thu nhập từ 460 đến trên 500 triệu đồng/héc-ta. Đặc biệt, ớt phơi khô được các thương lái đến tận nhà thu mua xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bà con các huyện lân cận như Bình Sơn, Nghĩa Hành cũng đang rất phấn khởi vì giống ớt mới TN 557 “được mùa, được giá”. Điển hình như xã Bình Dương, huyện Bình Sơn từ chỗ trồng ớt với quy mô nhỏ lẻ đến nay đã vươn lên đứng đầu cả tỉnh về diện tích canh tác, đến vụ Đông Xuân (2013 – 2014) đã lên tới hơn 100 héc-ta.
Cà Mau: Nông dân được mùa cá đồng
Mặc dù gần 2 tháng nữa mới hết mùa thu hoạch, nhưng sản lượng cá đồng ở Cà Mau đã lên tới 15.000 tấn, tăng gần 5.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, sản lượng cá đồng năm nay có thể lên tới 25.000 – 30.000 tấn. Giá cá lóc loại một giá 80.000 đồng/kg; cá rô 100.000 đồng/kg; cá bổi 60.000 đồng/kg. Cá đồng ở tỉnh Cà Mau là loài cá được nuôi vùng nước ngọt, tập trung ở vùng rừng U Minh Hạ. Cá đồng được nuôi xen với trồng lúa, trồng rừng có tổng diện tích gần 200.000 héc-ta. Hiện nay, số hộ nuôi cá đồng của Cà Mau lên tới gần 2.000 hộ. Nhờ nuôi cá đồng kết hợp với trồng lúa và trồng rừng mà có hàng trăm hộ dân thoát nghèo. Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cá đồng được quy hoạch phát triển chung với kinh tế thuỷ sản, theo đó khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi cá đồng, mục tiêu lâu dài là sẽ xuất khẩu cá đồng.
Giá lúa, gạo trong tuần
An Giang
Mặt hàng |
Giá (đồng/kg) |
Lúa khô OM 2514 | 5.600 – 5.700 |
Lúa khô OM 1490 | 5.500 - 5.600 |
Lúa khô OM 2517 | 5.500 - 5.600 |
Lúa khô OM 4218 | 5.700 – 5.800 |
Lúa tươi Jasmine | 4.900 |
Lúa tươi OM 6976 | 4.700 |
Lúa tươi OM 4218 | 4.700 - 4.800 |
Lúa tươi IR 50404 | 4.200 - 4.300 |
Lúa tươi OM 1490 | 4.500 - 4.600 |
Gạo thường | 10.000 - 10.500 |
Gạo thơm Jasmine | 13.500 |
Gạo thơm Nàng Hoa | 16.000 |
Gạo Hương Lài | 18.500 |
Gạo thơm Đài Loan | 16.600 |
Gạo thơm sữa | 13.400 |
Tấm thơm Jasmine | 10.500 |
Tiền Giang
Mặt hàng |
Giá (đồng/kg) |
Gạo CLC IR 64 | 10.500 |
Gạo CLC IR 504 | 9.500 |
Gạo Nàng thơm chợ Đào | 17.500 |
Gạo một bụi | 10.500 |
Gạo nàng thơm | 17.000 |
Gạo Tài nguyên Chợ Đào | 16.500 |
Gạo thơm Jasmine | 13.500 |
Gạo Lài sữa | 17.000 |
Gạo thơm Thái | 16.000 |
Gạo nếp thường | 14.500 |
Gạo nếp Thái | 25.000 |
Sóc Trăng
Mặt hàng |
Giá (đồng/kg) |
Lúa khô ST 5 | 7.300 |
Lúa khô OM 4900 | 6.100 |
Lúa khô OM 6976 | 5.700 |
Lúa tươi ST5 | 5.950 |
Lúa tươi OM 4900 | 5.800 |
Lúa tươi OM 6976 | 4.900 |
Gạo ST 5 | 12.500 |
Gạo thơm nhẹ | 11.500 |
Gạo thường | 10.500 |
Giá gia cầm tăng trở lại
Sau một thời gian dài ế ẩm vì dịch bệnh, hiện nay, giá các sản phẩm gia cầm ở một số tỉnh miền Nam đã nhích lên trở lại. Tại Long An, giá trứng gà các loại đã tăng từ 150 - 200 đồng/trứng so với cách đây 1 tuần, lên mức từ 1.100 - 1.300 đồng/trứng, tùy loại. Giá gà thịt cũng tăng nhẹ so với thời điểm thông tin dịch cúm gia cầm lan rộng. Tại Đồng Nai, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng xác nhận, giá các sản phẩm gia cầm tại địa phương đang nhích lên từng ngày, dù mức tăng chưa giúp giá bán sản phẩm bán vượt giá thành. Cụ thể, giá gà tam hoàng, gà thả vườn đang ở mức 28.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg. Số lượng thương lái về gom hàng cũng đã nhộn nhịp trở lại khiến người chăn nuôi phấn khởi hơn.
Miền Bắc: Rau màu ảnh hưởng bởi mưa dầm kéo dài
Tại miền Bắc, cả tháng nay không có ngày nắng, cây trồng luôn chìm trong những màn sương mù dày đặc, mưa phùn ẩm ướt, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển. Thời tiết bất lợi khiến sâu bệnh bùng phát, gây hại mạnh rau màu. Thân lá cây bị thối, chết rạc vì nấm sương mai gây hại, sâu ăn cùn hết lá, dưới đất thì bộ rễ bị úng nước, thối hỏng và chết dần. Trước tình trạng này, bà con nông dân chuyên canh rau màu ở Hải Dương đã rất tích cực áp dụng mọi biện pháp như phun thuốc phòng bệnh, chống úng cho ruộng, bổ sung các dòng phân vi lượng cao cấp... để cứu vãn, giữ được lượng rau trên đồng ruộng nhưng cũng bó tay. Nhiều hộ định kỳ phun thuốc nhưng rau cũng rạc hết lá rồi nhũn chết. Cung không đủ cầu nên giá rau ăn lá rất đắt. Rau muống từ 6. 000 - 7.000 đồng/mớ, rau cải ăn lá từ 4.000 - 5.000 đồng/mớ.
Tây Nguyên: Giá cà phê giảm
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã đồng loạt giảm 300 đồng/kg, xuống còn 40.900 - 41.600 đồng/kg. Trung tâm Xúc tiến thương mại, Đầu tư và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, do giá cà phê liên tục tăng cao nên đã khuyến khích nông dân bán ra mạnh hơn, giao dịch vô cùng sôi động nên giá cà phê đã giảm một chút, song bà con vẫn có lãi khá. Hiện nay hầu hết nông dân đang rất cần tiền để chống hạn và chuẩn bị vật tư phân bón chăm sóc cho cà phê niên vụ 2014 - 2015 nên tới đây, bà con sẽ tiếp tục phải đẩy mạnh bán ra.
BÁN GÌ? |
Muối đầu vụ giá cao
Thời điểm này, diêm dân trong tỉnh Bình Định đang bắt đầu thu hoạch vụ muối mới nhưng do sản lượng chưa nhiều nên giá muối đang ở mức khá cao. Hiện tại, giá thu mua muối đang ở mức 1.550 đồng/kg mua tại xí nghiệp. Với mức giá này, diêm dân có lãi trên 700 đồng/kg. Tại Bến Tre, giá muối tại huyện Ba Tri được thương lái thu mua khá cao. Muối nhuyễn (phèn) giá từ 75 – 85.000 đồng/giạ, từ 50 – 55.000 đồng/giạ (đong gạt ngọn) đối với muối đen thô. Giá muối đầu vụ như vậy là cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số diêm dân, vụ sản xuất muối năm nay gặp nhiều khó khăn: Trước Tết, điều kiện thời tiết bất thường, trời lạnh, mát, gió không mạnh nên làm ảnh hưởng đến sự kết tinh của muối, dẫn đến năng suất thấp. Cho đến thời điểm này, hầu hết bà con mới chỉ thu hoạch những mẻ muối đầu tiên, trong khi những năm trước, chưa Tết, bà con đã có muối để bán. Dự báo, trong thời gian tới, nhiều khả năng giá muối sẽ giảm do thời tiết đang diễn biến thuận lợi cho việc sản xuất muối, năng suất muối đạt cao.
Đồng Tháp: Phân bón tăng giá nhẹ
Tại Đồng Tháp, giá phân bón urê Cà Mau đang giữ mức 405.000 - 410.000 đồng/bao; đạm Phú Mỹ khoảng 415.000 đồng/bao 50kg. DAP hạt xanh 64% ở mức 650.000 đồng/bao; DAP hạt nâu 64% có giá 550.000 - 570.000 đồng/bao. Giá nhiều loại urê nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 525.000- 530.000 đồng/bao... Mức giá được các đại lý cấp 2 phân phối đến nông dân có giá cao hơn khoảng 20.000 - 25.000 đồng/bao (tùy đại lý). Dù tăng nhưng mức giá trên vẫn nằm trong biên độ ổn định. Dự báo, giá các loại phân bón sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới do đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, nguồn cung các loại phân bón trên thị trường khá dồi dào và có sự cạnh tranh gay gắt về giá giữa nhiều loại phân bón trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ phân đạm sẽ tăng để phục vụ cho nhu cầu vụ lúa hè thu 2014 sắp tới. Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng nhận định, so với mọi năm, đây là mức tăng bình thường không đáng kể và mang tính mùa vụ.
Phú Yên: Đậu đỏ mất mùa
Đậu đỏ là cây trồng phổ biến ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên), nhưng do ảnh hưởng thời tiết, 3 năm qua liên tiếp mất mùa. Theo nhiều nông dân miền núi, đậu đỏ dễ trồng, không kén đất vì thế thường trồng trên các vùng gò đồi. Tháng 7, 8 (âm lịch), khi trời mưa cày một bận vãi giống rồi bừa lấp hạt, đậu đỏ tự vươn lên không tốn công chăm sóc, làm cỏ đến tháng 2 năm sau trái chín cho thu hoạch. Đậu đỏ còn là cây trồng lấp khoảng trống ở vùng đất trồng sắn bị chết không thể trồng dặm. Một nông dân ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) cho biết: “Đậu đỏ thân dây leo nên khi trồng sắn gặp nắng hạn làm chết thưa thớt hoặc chết từng chòm thì đem đậu đỏ trỉa vào, dây mọc lên quấn vào các thân cây bụi, trái sai hơn là trồng ở nơi đất trống. Năm nay nắng hạn sắn chết nhiều nhưng tìm không ra giống đậu đỏ để trỉa”.
Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, năm 2014, toàn huyện gieo trồng 1.065 héc-ta đậu đỏ, năng suất đạt 4 tạ/héc-ta, diện tích và năng suất giảm gần nửa so với cách đây 4 năm. Còn tại huyện Sông Hinh, năm 2010, diện tích đậu đỏ là 2.500 héc-ta, đến nay chỉ còn chưa đến 1.000 héc-ta.
Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cá tra tăng
Những ngày qua, giá cá tra ở ĐBSCL đã tăng từ 10 - 12% (từ 22.000 đồng/kg đã tăng lên 25.000 đồng/kg) khiến bà con nông dân hết sức phấn khởi, nhưng thiếu cá bán cho doanh nghiệp. Với giá doanh nghiệp thu mua hiện nay là 25.000 đồng/kg, người nuôi lãi từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Bình quân một 1 héc-ta nuôi cá tra cho sản lượng 400 tấn cá, lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Mặc dù giá cá tăng cao đột biến nhưng nhiều nông dân ở ĐBSCL không có cá bán. Nguyên nhân do thua lỗ triền miên trong nhiều năm qua nên người nuôi treo ao quá nhiều dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu cá tra.
Đường tồn kho lớn do nhập lậu
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, lượng đường tồn kho tại các nhà máy tính đến thời điểm này là gần 420.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 80.000 tấn. Hiện giá đường đang tiếp tục giảm với giá bán đường ở một số nhà máy (đã có thuế VAT) chỉ từ 12.500 - 13.500 đồng/kg. Do giá đường giảm mạnh, nên giá thu mua mía nguyên liệu cũng giảm chỉ còn 800.000 - 900.000 đồng/tấn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định, nguyên nhân đường tồn kho chủ yếu do đường cát nhập lậu từ Thái Lan qua đường biên giới Tây Nam ngả Campuchia hiện đang chiếm lĩnh 70 - 80% thị phần vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
LƯU Ý, CẢNH BÁO |
Trung Quốc lại thu mua cây cút mây
Cây cút mây được dùng để làm gì, việc đua nhau bứt cây cút mây có ảnh hưởng như thế nào đối với những cánh rừng... là những việc cần được làm sớm để ngăn chặn việc cây cút mây bán sang bên kia biên giới.
Trong chuyến đi công tác ở Bảo Lâm, Cao Bằng, qua địa bàn xã Lý Bôn vào lúc chiều tối, chúng tôi tình cờ gặp các bà, các chị lũ lượt gùi trên lưng những bó dây tựa như dây tơ hồng nhưng có mầu nâu đen. Theo chân các chị đến điểm thu mua, chúng tôi còn gặp rất nhiều chị em khác đang cân bán loại cây này. Hỏi chuyện các chị được biết: Đây là loại cây rừng có tên gọi là cút mây. Cũng tùy loại rừng mà cút mây sinh sống nhiều hay ít. Đây chính là lý do khiến cả huyện Bảo Lâm, chỉ có xã Lý Bôn là có 2 địa điểm thu mua loại cây này. “Muốn lấy được cút mây, phải vào trong rừng từ sáng sớm. Trung bình, một người có thể lấy được 20 – 25 ki-lô- gam cút mây/ngày. Với giá bán 5.000 đồng/ki-lô-gam, mỗi ngày, mỗi chị em thu được 100.000 đồng. Năm ngoái cút mây có sẵn, lấy dễ hơn. Năm nay phải đi xa, leo cao hơn rồi” - chị Hoàng Thị Khuyên , người dân tộc Mông cho biết. Các cơ sở thu mua cút mây thường gom hàng để đó, khi nào đủ số lượng, sẽ có ô tô đến lấy. Nghe nói, cút mây sẽ bán sang Trung Quốc, còn cút mây được sử dụng để làm gì thì không ai biết. Một cán bộ phòng nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho biết: Cút mây mọc tự nhiên, có tác dụng giữ ẩm cho rừng. Chính vì vậy, nếu thu hái quá nhiều, tập trung vào 1 thời điểm sẽ khiến cút mây không kịp mọc thay thế, lâu dần sẽ ảnh hưởng tới tính đa dạng sinh học của những cánh rừng. Chưa kể tới việc, do cút mây thường mọc chằng chịt vắt ngang ngọn cây, bò dưới đất, lan vào các khe đá, nên để lấy được cút mây, có khi phải kéo đổ nhiều loại cây khác.
Tận thu các loại cây rừng để bán sang Trung Quốc là vấn đề được nhắc đến đã nhiều năm nay. Trong đó, có nhiều loại dược liệu quý chảy qua biên giới, được sơ chế rồi lại được nhập về Việt Nam với giá cao gấp nhiều lần. Với cây cút mây ở Bảo Lâm, do lượng thu hái chưa nhiều và những tác động của nó với tự nhiên cũng chưa bộc lộ nên chính quyền địa phương chưa có sự can thiệp. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có những nghiên cứu chính thức để hiểu rõ tác dụng của các loại cây rừng này để từ đó có giải pháp phù hợp, vừa bảo vệ được rừng, vừa thu được giá trị thực sự từ cây cút mây.
Cây huyết đằng trước nguy cơ tuyệt diệt
Thời gian qua, người dân các xã thuộc huyện Đắk Glei (Kon Tum) đã kéo nhau vào rừng tìm cây huyết đằng đem bán cho thương lái Trung Quốc khiến cho cây thuốc này đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt.
Tại các điểm thu mua cây huyết đằng ở thị trấn Đắk Glei, huyết đằng được bà con chặt ngắn, phơi khô, chờ để xuất bán cho thương lái Trung Quốc. Một người dân cho biết, trước đây thương lái thu mua với giá 1.600 đồng/kg nhưng mấy ngày trở lại đây giá chỉ còn 1.000 - 1.200 đồng/kg do có quá nhiều người chặt về bán. Một ngày đi rừng, mỗi người có thể được tìm được 150 – 200 kg dây huyết đằng tươi, thu nhập khoảng 200.000 – 300.000 đồng, cao hơn đi làm công.
Chủ 1 cơ sở thu mua lớn nhất tại địa bàn huyện Đắk Glei cho biết, cơ sở của bà đã ký hợp đồng bán cho Công ty Đông Phong của Trung Quốc 500 tấn thân cây huyết đằng cắt lát phơi khô nhưng hiện tại mới chỉ giao được 60 tấn. "Tôi đã trực tiếp sang xưởng chế biến bên Trung Quốc để nhập hàng, cũng có tò mò xem họ chế biến như thế nào nhưng chỉ thấy họ đổ hết trong hồ chứa để ngâm” - bà cho biết thêm. Cây huyết đằng theo cách gọi của người dân địa phương là cây máu chó, hoặc có tên khác là hồng đằng, dây máu. Theo y học cổ truyền, huyết đằng thường được dùng trị đau ruột, đau bụng, phong thấp đau nhức...
Không chỉ ở Kon Tum, nhiều nơi ở Quảng Trị, Gia Lai, Cao Bằng... cũng bùng phát những điểm thu mua cây thuốc nam với số lượng lớn. Tại đây, cây thuốc được phơi từng sân, chất hàng đống như núi, sau đó sẽ được xe tải vận chuyển qua biên giới sang Trung Quốc tiêu thụ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở các địa phương trên bị giảm đi đáng kể.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glei, cây huyết đằng là những loại lâm sản phụ được phép khai thác tận thu. Do không có quy định xử phạt khi khai thác, buôn bán nên cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được hướng xử lý, ngăn chặn một cách triệt để. Trước mắt, Hạt Kiểm lâm chỉ nghiêm cấm người dân không được chặt hạ cây gỗ để lấy các loại cây trên, các hộ dân muốn được khai thác phải xin ý kiến của chính quyền địa phương. Đồng thời, tăng cường vận động bà con khi tiến hành khai thác không làm ảnh hưởng đến gỗ rừng và các loại cây khác...
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Minh Tâm (Cao Bằng): Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
Những năm gần đây, xã Minh Tâm (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, đem lại nguồn thu nhập khá cho các hộ gia đình.
Nét nổi bật ở xã Minh Tâm trong thời gian gần đây là việc phát triển chăn nuôi gia súc, trong đó, tập trung vào 2 vật nuôi chính là lợn và dê. Tại các xóm, hầu hết các hộ đều nuôi lợn, hộ ít nhất từ 3 - 5 con , hộ nhiều nhất gần 100 con. Chỉ tính riêng tại xóm Pác Phai, có 37 hộ, thì 100% hộ đều phát triển chăn nuôi lợn, trong đó, có hơn 10 hộ đã đầu tư chuồng trại với quy mô khá lớn. Có hộ đã phát triển chăn nuôi lợn nái, lợn thịt gần 20 năm nay với cách làm bài bản như đầu tư vốn để xây dựng chuồng trại theo đúng quy cách, khoa học, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm và đọc sách hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại. Nhờ có sự tìm tòi, học hỏi và biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trong chuồng trại của gia đình lúc nào cũng có trên dưới 100 con lợn thịt. Trung bình 1 năm xuất bán khoảng 10 - 12 tấn lợn hơi, trừ chi phí thu được hơn 70 triệu đồng tiền lãi.
Xác định đưa chăn nuôi trở thành sản xuất hàng hóa và chỉ có chăn nuôi mới đem lại thu nhập cao cho nông dân, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Trong năm 2013, xã đã mở được 2 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn về kỹ thuật chăn nuôi dê và nông - lâm tổng hợp. Qua đó, nhiều hộ dân đã vận dụng kiến thức vào thực tế, tập trung phát triển chăn nuôi dê. Bước đầu xã đã phát triển được đàn dê với vài trăm con. Từ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo. Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi với quy mô lớn và trở thành hàng hoá, đòi hỏi phải có sự đầu tư thích đáng, nhất là về cơ sở vật chất, chuồng trại, con giống, thức ăn và thuốc phòng dịch bệnh. Hiện phong trào chăn nuôi ở Minh Tâm phát triển khá mạnh, song bà con muốn mở rộng thêm chuồng trại lại phải cần vốn, vì vậy họ mong muốn được vay vốn với mức vay cao hơn và thời hạn dài hơn để tiếp tục tái đầu tư, có như vậy thì mới đạt hiệu quả kinh tế cao.
Điện Biên: Khó khăn trong kiểm soát chất phụ gia thực phẩm
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên, thời gian qua, tình hình gian lận thương mại và vệ sinh an toàn thực phẩm có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Hiện tượng sử dụng hóa chất, chất cấm, chất phụ gia trong bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm trái quy định tăng lên trên địa bàn toàn tỉnh.
Qua kiểm tra, giám sát và xét nghiệm đã phát hiện hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất thực phẩm, như: Gà đông lạnh có thuốc kháng sinh cấm sử dụng, tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong rau, củ quả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng vẫn bày bán nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Thời gian vận chuyển, giao trả hàng chủ yếu vào đêm khuya, ngày nghỉ, ngày lễ để trốn tránh, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý.
Hiện nay, trên thị trường tỉnh Điện Biên, các chất phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc được kinh doanh và sử dụng khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài một số siêu thị lớn, mặt hàng phụ gia thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhiều cửa hàng, ki ốt bán đồ khô ở các chợ trung tâm 1, chợ đầu cầu Mường Thanh… sản phẩm được bày bán tràn lan với đầy đủ các loại; từ nhóm hương liệu sử dụng trong pha chế các loại nước giải khát, chè, hoa quả; các món ăn phổ biến, đến nhóm phụ gia tẩm, ướp thịt, cá… nhưng xuất xứ không rõ ràng. Để người tiêu dùng sử dụng chất phụ gia thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan chức năng đã tăng cường phổ biến Luật An toàn thực phẩm, các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh an toàn thực phẩm; công bố danh mục các chất phụ gia được sử dụng theo quy định của Bộ Y tế… Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về chất phụ gia thực phẩm đảm bảo an toàn. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2014, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Hòa Bình: Tình trạng cam Trung Quốc "đội lốt" cam Cao Phong vẫn tiếp diễn.
Để tránh mua phải cam Trung Quốc trà trộn cam Cao Phong và đánh giá đúng chất lượng cam của địa phương, người tiêu dùng khi mua mặt hàng cam, quýt cần lưu ý: Cam xuất xứ Trung Quốc có màu sắc rực rỡ hơn, quả đẹp, sáng, phần cuống và lá để nhiều ngày vẫn xanh sậm, vị ngọt nhạt khi nếm, trọng lượng quả tương đương. Còn cam Valenxia (V2) xuất xứ địa phương có 2 loại quả hình tròn - cầu và hình trứng, màu sắc không sáng (muội hơn và hơi xanh trên cuống), khi cắt cuống dính lá, dấu hiệu dễ nhận thấy là mo lá sẽ bị héo chỉ sau nửa ngày, khi bổ ăn, cam rất ít hạt và gần như không có hạt, màu sắc đỏ, tép giòn và vị ngọt sắc.
Đối với huyện Cao Phong, cam, quýt là cây trồng cho sản lượng, năng suất và chất lượng cao, giá bán cũng cao hơn hẳn các loại cam nhập khẩu từ Trung Quốc bán ra trên thị trường. Đang trong thời điểm cuối vụ, một số hộ kinh doanh dọc tuyến Quốc lộ 6 đoạn từ thị trấn Cao Phong đến xã Thu Phong đã nhập cam, quýt xuất xứ Trung Quốc trà trộn vào cam, quýt sản xuất tại Cao Phong gây ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu sản phẩm địa phương. Hiện tượng này đã xuất hiện vài năm gần đây, thường hay phát sinh ở đầu và cuối vụ khi sản phẩm cam Cao Phong thu hoạch không nhiều. Hiện nay đã kết thúc vụ thu hoạch quýt nên các sản phẩm quýt đang bán trên thị trường đều không phải là quýt Cao Phong. Đối với sản phẩm cam, chỉ còn duy nhất loại cam vẫn đang kỳ thu hoạch và bán ra trên thị trường là cam V2.
Qua rà soát của cơ quan chức năng, trên địa bàn huyện dọc trên tuyến Quốc lộ 6 có hơn 100 điểm bán buôn, bán lẻ cam, quýt Cao Phong chuyên cung cấp cho khách thập phương qua lại tuyến đường này. Với chất lượng sạch, tươi ngon, cam, quýt Cao Phong đang tiến tới xây dựng thương hiệu và được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Thế nhưng, do một số tiểu thương, hộ kinh doanh chưa ý thức trong việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu đã lợi dụng lúc cam khan hiếm, giá cao để trà trộn cam giá rẻ, không được kiểm chứng về chất lượng để trục lợi. Trên thị trường hiện nay, mỗi ki-lô-gam cam Trung Quốc khi đến tay người tiêu dùng chỉ từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, trong khi giá mỗi ki-lô-gam cam V2 sản xuất ở Cao Phong có giá 40.000 – 45.000 đồng.
HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ |
Huyện Bảo Lâm, Cao Bằng: Những lo ngại từ thuốc diệt cỏ trôi nổi
Là huyện miền núi xa xôi, hẻo lánh với hơn 44% hộ nghèo, nên sản phẩm giá rẻ luôn là lựa chọn của nhiều đồng bào ở huyện Bảo Lâm, Cao Bằng. Tuy nhiên, sử dụng cả thuốc diệt cỏ bị cấm vì giá rẻ, thì quả là điều đáng lo ngại!
Thuốc diệt cỏ trôi nổi bày bán ở chợ xã
Chợ phiên xã Thái Học, huyện Bảo Lâm có diện tích khá khiêm tốn, nhưng có tới 3 cửa hàng bày bán thuốc bảo vệ thực vật. Thoáng thấy bóng của các thành viên đội liên ngành của huyện xuống kiểm tra, một số chai thuốc lạ có nhãn mác Trung Quốc ngay lập tức bị mang đi cất giấu.
Đội liên ngành đi xa rồi, một người đàn ông dân tộc Mông ghé lại quầy hàng, dễ dàng mua ngay 1 lít thuốc có nhãn mác Trung Quốc với giá 80.000 đồng. Hỏi chuyện, người đàn ông này cho biết, ông và một số người trong xóm vẫn sử dụng loại thuốc này để diệt cỏ. “Cỏ chết hết mà, nhưng mùi khó chịu lắm, không ngửi lâu được đâu” – ông cho biết.
Tuy nhiên, khi chúng tôi dừng lại mua, mọi chuyện lại không đơn giản vì chủ cửa hàng nói, họ không bán loại thuốc đó? Ghé mua lạc của một đồng bào người Sán Chỉ, tôi lân la tìm hiểu, bác này cho biết: “Thuốc diệt cỏ Trung Quốc có nhiều, nhưng chỉ bà con đã quen mặt mới mua được thôi. Mày ở xa về, nó không bán cho đâu!”.
Theo anh Thế Anh – kiểm soát viên đội quản lý thị trường Bảo Lạc, hiện công tác tại huyện Bảo Lâm cho biết: Bảo Lâm có mấy người chuyên bán thuốc bảo vệ thực vật lẫn với giống cây và đồ tiêu dùng. Trước kia, thuốc diệt cỏ Trung Quốc bày bán khá tự nhiên, nhưng từ khi có sự tuyên truyền, nhắc nhở, các chủ hàng này không còn bày công khai như trước, nhưng vẫn lén lút bán kèm với các mặt hàng có giấy phép.
Quầy hàng của chị Giàng Thị Xí mà chúng tôi gặp ở chợ Thái Học là một ví dụ. Chị Xí vốn là một trong những hộ kinh doanh bán luân phiên tại chợ phiên ở các xã của Bảo Lâm. Sau lần bị phạt 750.000 đồng vì bán thuốc bảo vệ thực vật không có giấy phép, những lần kiểm tra sau, chị Xí đã trình giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, bên cạnh những mặt hàng có giấy phép, nhiều khách quen của chị Xí vẫn mua được từ quầy hàng này những chai thuốc diệt cỏ nhãn mác được ghi bằng chữ Trung Quốc.
Một cán bộ đoàn liên ngành ở huyện Bảo Lâm cho hay: Các hộ kinh doanh ở chợ do đã buôn bán nhiều năm và cũng nhiều lần bị các lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, xử lý… nên đã bắt đầu có nhiều thủ đoạn để đối phó. Cụ thể như, giấu hàng khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện; với các mặt hàng không có giấy phép, chủ hàng hầu như không bán cho người lạ, mà chỉ bán cho đồng bào địa phương, khách quen ở các chợ.
Biết nhưng vẫn sử dụng
Cuối năm 2013, quản lý thị trường Bảo Lâm thu giữ được 4 can nhựa, mỗi can chứa 3 lít thuốc diệt cỏ không nhãn mác. Đối tượng khai là người dân tộc thường trú ở Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng đang trên đường vận chuyển hàng đến các chợ xã ở Bảo Lâm để bán. Theo người đàn ông này, nếu không bị lực lượng chức năng thu giữ, ông ta sẽ bán thuốc với giá 50.000 – 60.000 đồng/lít.
Dẫn chúng tôi vào kho chứa những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ thu giữ được, ông Hoàng Quốc Long – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Bảo Lâm cho biết: Các loại thuốc này chủ yếu là do một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ sang Trung Quốc mua về, hoặc do những người dân sang Trung Quốc lao động xách về bán. Mặc dù số lượng thuốc chứa trong kho không nhiều, nhưng cửa kho vừa mở, chúng tôi đã có cảm giác ngộp thở vì mùi thuốc. Giơ chai thuốc diệt cỏ được đóng trong vỏ chai Coca Cola cho chúng tôi xem, anh Khánh – nhân viên trạm bảo vệ thực vật Bảo Lâm - ái ngại: “Với cách đóng chai như thế này, bà con hoặc trẻ em không biết mà uống vào thì hậu quả khó lường!”.
Lo lắng của anh Khánh nhắc chúng tôi nhớ tới câu chuyện được nghe ở xã Thái Học. Đó là cách đây vài tháng, trâu bò của bà con thả trên nương, do ăn nhầm vào đám cỏ vừa sử dụng thuốc diệt cỏ mà 1 con bò đã lăn ra chết khiến chủ nuôi khốn đốn vì con bò là cả gia tài của hộ đồng bào dân tộc nghèo.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, các loại thuốc diệt cỏ Trung Quốc đang được bán lén lút ở Bảo Lâm có nhiều loại là hàng Trung Quốc cấm sử dụng, bắt buộc tiêu hủy. Nhưng thay vì tiêu hủy, một số đối tượng đã tìm cách mang về Việt Nam tiêu thụ. Với giá bán chỉ bằng 1/3, thậm chí có loại chỉ bằng 1/10 các loại thuốc diệt cỏ đã qua kiểm định, được phép lưu hành, nên mặc dù đã được tuyên truyền, nhiều bà con dân tộc vẫn mua về sử dụng.
“Có cán bộ nhắc rồi, nhưng ít tiền, chỉ mua thuốc này để làm chết cái cỏ thôi” - câu trả lời hồn nhiên của một người dân tộc Mông phần nào cho thấy: Không đơn giản là do nhận thức kém mà bà con sử dụng thuốc diệt cỏ bị cấm của Trung Quốc. Nguyên nhân sâu xa vẫn là do cuộc sống còn quá nghèo.
Thiết nghĩ, tuyên truyền để bà con không sử dụng; kiên quyết với các đối tượng buôn bán thuốc diệt cỏ bị cấm chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt. Quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, xây dựng được cho bà con thói quen mua sản phẩm đã qua kiểm định để sử dụng trong sản xuất. Làm được điều này, với huyện nghèo như Bảo Lâm, cần có sự vào cuộc, sự nỗ lực của nhiều ban ngành, đoàn thể.