Thông tin giá cả thị trường tuần từ 21/12/2013 đến 27/12/2013

09:38 AM 21/12/2013 |   Lượt xem: 2734 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Buôn bán tiểu ngạch qua biên giới: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Hoạt động thương mại, buôn bán qua biên giới phía Bắc đã đóng góp đáng kể, làm biến đổi thị trường, tạo điều kiện thông thương, cải thiện đời sống cư dân vùng biên. Tuy nhiên hoạt động này đang cho thấy nếu không có biện pháp quản lý phù hợp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, đặc biệt cho thị trường nông sản Việt Nam.

Trung Quốc vốn được xem là thị trường lớn, dễ tính, không yêu cầu quá cao về chất lượng hàng hóa chúng ta cần tận dụng và phải biết cách làm ăn, trong đó cần tạo sự liên kết khăng khít giữa doanh nghiệp và nông dân. Tuy nhiên, lâu nay Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, không có hợp đồng. Hàng của ta mang lên biên giới mới thỏa thuận, chấp nhận giá nào thì bán giá nấy, dễ bị ép giá. Tình trạng dưa hấu, vải thiều, thanh long… của bà con xuất sang bị tồn đọng ở cửa khẩu chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những giao dịch biên mậu không hợp đồng. Hiện tượng thương lái phía Bắc về tận vườn vải, ruộng khoai lang để chọn lựa hàng rồi xuất đi cho thấy, họ buôn tận gốc, bán tận ngọn. Bóng dáng các doanh nghiệp Việt Nam đang quá mờ nhạt trong các giao dịch hàng nông sản. Do đó, gần như không thể dự báo được nhu cầu thị trường, hay có thể điều tiết được giá cả.

Xuất tiểu ngạch là dạng “ăn tươi, bán tươi”, nếu mối quan hệ giao thương chưa bền vững, chắc chắn sẽ có rủi ro, do đó bà con nông dân khi xuất khẩu nông sản biên mậu, cần phải có hệ thống bao biên. Họ là những người nhận lệnh từ xa để thu mua nông sản ở khu vực biên giới, còn doanh nghiệp nhập hàng thực sự nằm rất sâu trong nội địa. Khi giao dịch cần có đầu mối giữa 2 nước, thậm chí có đại diện của ta ở bên kia Trung Quốc để nắm nhu cầu, khi trao đổi cũng cần phải ràng buộc chặt chẽ. Trung Quốc là thị trường láng giềng với 1,3 tỷ dân. Khai thác tiềm năng xuất nông sản sang thị trường này, không thể dựa mãi vào buôn bán tiểu ngạch ở vùng ven biên giới. Muốn bền vững phải chuyển sang thương mại chính ngạch, đồng thời thâm nhập sâu vào nội địa, vùng Tây Nam, phía Bắc và Đông Bắc Trung Quốc, nơi đang rất khó khăn về nông sản, thực phẩm. Thông qua xúc tiến thương mại chính ngạch, các cơ quan chức năng 2 phía sẽ có trách nhiệm trong việc đảm bảo tính pháp lý, bảo trợ rủi ro cũng như hỗ trợ bà con khi cần thiết. Các đối tác mà doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm được sau các kỳ giao thương giữa 2 nước đều hợp tác ổn định; có tính liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam cho tới khi xuất sang nước ngoài, chứ không phập phù, rủi ro như xuất tiểu ngạch.

MUA GÌ?

Nghệ An: Tư thương ép giá mua ngô, gừng

Những ngày này, tại xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, người dân đang khốn khổ vì nông sản làm ra đành phải bán với giá rẻ mạt. Tại điểm thu mua của thương lái, giá ngô bán được 3.000 đồng/kg, còn thương lái vào tận nơi mua giá chỉ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Mặt hàng gừng của Kỳ Sơn đầu ra khá ổn định nhưng đối với các xã giao thông khó khăn thì giá gừng rớt thảm hại, chỉ 3.000 - 4.000 đồng, thậm chí 1.000 - 2.000 đồng/kg. Biết bị ép giá nhưng bà con cũng bán, vì đường sá xa xôi, đi lại khó khăn. Để lâu gừng sẽ kém chất lượng và mọc mầm, phải đổ bỏ. Kỳ Sơn đang rất cần được Nhà nước đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông để người dân thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, từ đó tránh bị tư thương ép giá.

Lâm Đồng: Giá kén tăng cao do diện tích trồng dâu giảm

Tại các vùng chuyên canh tập trung dâu tằm của tỉnh Lâm Đồng như Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, kén tằm đang được thu mua ở giá 140.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong khoảng 10 năm qua. Giá kén tăng cao là do thị trường tơ tằm hút hàng, diện tích trồng dâu nuôi tằm của nông dân ngày càng giảm. Ngoài ra, theo người dân vào mùa khô giá kèn tằm thường cao hơn so với mùa mưa nên trong thời gian tới giá kén tằm năm nay có thể tăng lên 150.000 đồng/kg.

Theo kế hoạch phát triển dâu của Lâm Đồng, dự kiến đến năm 2015 sẽ đạt 9.000 héc-ta dâu, trong đó có 80% giống dâu mới cao sản, năng suất bình quân mỗi năm đạt 25 tấn lá/héc-ta, năng suất kén là 2.500 kg kén/héc-ta.

Bình Thuận: Thanh long được giá, mất mùa

Mặc dù hiện nay giá thanh long ở Bình Thuận đang ở mức cao từ 20.000 – 21.000 đồng/kg, nhưng nông dân vẫn không có lãi, do chi phí tăng cao, sản lượng giảm. Bình Thuận được mệnh danh là thủ phủ thanh long, với diện tích khoảng 20.000 héc-ta, tập trung nhiều ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân. Do mấy năm gần đây, thanh long được giá nên diện tích ngày càng được mở rộng. Đi liền đó là bệnh tật trên cây thanh long cũng phát sinh nhiều. Đặc biệt là bệnh đốm trắng hại cành hay còn gọi nấm tắc kè có chiều hướng lan nhanh trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng. Thời tiết nắng mưa thất thường, nên việc chong điện không đạt hiệu quả. Có vườn phải chong đi chong lại từ 2 - 3 lần, nhưng số lượng trái lại không nhiều. Thanh long bị nhiễm bệnh thương lái chỉ mua ở mức thấp từ 2.000 – 5.000 đồng/kg, thậm chí còn bị thải loại khiến bà con thất thu.

Giá cả trong tuần

    Tại Đồng Tháp

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Lúa

6.000

Gạo nguyên liệu loại 1

7.800

Đậu nành

20.000

Đậu xanh

26.000

Thanh long

18.000

Xoài cát Hòa Lộc

40.000

      Tại Long An

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Lúa

7.000

Gạo nguyên liệu loại 1

8.500

Lạc

32.000

Thanh long

18.000

Cà chua

9.000

Bí xanh

6.000

    Tại Bình Phước

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Gạo nàng thơm

16.400

Gạo tẻ trắng

11.000

Cám gạo loại 1

7.000

Cám gạo loại 2

6.000

Ngô lai MX 4

90.000

Ngô hạt sấy

7.000

BÁN GÌ?

Bắc Kạn: Quýt rụng hàng loạt vì mưa tuyết và rét hại 
Những ngày rét đậm, rét hại kèm mưa phùn gần đây làm diện tích quýt ở các xã Quang Thuận, Dương Phong thuộc huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) bị thối quả và rụng hàng loạt gây thiệt hại lớn cho nông dân. Lo ngại thời tiết tiếp tục có rét đậm, rét hại kèm mưa phùn làm cho quýt mọng nước sẽ thối, rụng, nhân dân xã Quang Thuận và Dương Phong đã huy động nhân công tập trung hái quýt nhằm tránh thiệt hại. Lượng quýt được thu hái quá nhiều trong thời gian ngắn, trời rét làm cho tiêu thụ hạn chế nên giá quýt hiện nay đã giảm 20 - 30% so với lúc bình thường.

Quýt Bắc Kạn mọng nước, ngọt, không dùng thuốc bảo quản, giàu dinh dưỡng, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, được trồng nhiều ở các huyện Bạch Thông và Chợ Đồn.

Xuất gạo đường tiểu ngạch tăng vọt

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo qua biên giới Trung Quốc tăng vọt do phía nhập khẩu không cần quota và đóng thuế, hiệu quả cao hơn nhập khẩu chính thức và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các tỉnh biên giới Trung Quốc. Lượng gạo Việt Nam xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch trong cả năm 2013 ước đạt 1,4 - 1,5 triệu tấn. Như vậy, Trung Quốc tiếp tục là thị trường gạo lớn nhất của nước ta và sẽ tiếp tục chi phối xuất khẩu gạo trong thời gian tới do nhu cầu lớn và vận chuyển gần.

Cà phê có chứng nhận bền vững khó bán

Diện tích và sản lượng cà phê canh tác theo hướng bền vững đang tăng nhanh. Tuy nhiên, hiện nay có 1 thực trạng là một lượng lớn cà phê có chứng nhận bền vững khó tiêu thụ. Năm 2012, các nhà rang xay cà phê hàng đầu có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đã cùng cam kết sẽ thu mua hết sản lượng cà phê có chứng nhận 4C - tiêu chuẩn bền vững cơ bản áp dụng cho cộng đồng cà phê thế giới. Tuy nhiên, đến nay, lượng lớn cà phê có chứng nhận 4C hiện vẫn tiêu thụ khó khăn. Nguyên nhân là trong quá trình thu mua cà phê 4C rất dễ xảy ra tình trạng gian lận thương mại thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, do có giá thưởng đối với cà phê canh tác bền vững, nên có tình trạng cùng diện tích canh tác cà phê lại đăng ký tham gia chứng nhận bền vững của các công ty khác nhau. Do đó, trên thực tế diện tích và sản lượng cà phê có chứng nhận bền vững có thể thấp hơn nhiều so với con số thống kê. 

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Nhiều lo ngại từ chuyện tẩm hóa chất vào quả sầu riêng

Chuyện thương lái nước ngoài (chủ yếu người Trung Quốc) bằng mọi cách xâm nhập vào mọi ngóc ngách nước ta để thu mua cả quả non, chè bẩn và gạo mốc… không còn là chuyện lạ.

Tuy nhiên, mới đây các thương lái nước ngoài  thuê người Việt Nam thu gom sầu riêng tại huyện Cai Lậy, vùng chuyên canh lớn nhất trái cây của tỉnh Tiền Giang thì thật đáng lo ngại. Có những toan tính gì đằng sau những hoạt động mua bán bất thường này

Sầu riêng được các chủ vựa mua gom cả quả non và quả bị hỏng với giá 50 - 55.000 đồng/kg, một mức giá kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây.  Điều đáng chú ý, là tất cả các lô hàng sầu riêng đều được yêu cầu tẩm hóa chất lạ. Đứng sau chỉ huy việc thu gom và tiêu thụ sầu riêng là thương nhân Trung Quốc. Với hình thức thu mua này thị trường nhiều trái cây có giá trị của nước ta, trong đó có sầu riêng gần như đã bị thương nhân nước ngoài thao túng.

Theo người trồng, sầu riêng phải ít nhất 3 tháng 10 ngày mới được thu hái, nhưng mới 2 tháng, hoặc 2 tháng 20 ngày, họ đã thúc hái. Tất cả trái sầu riêng non này đều được đối tác bên Trung Quốc đưa hóa chất qua để ngâm tẩm.  Không hiểu đây là loại gì, nhưng sau khi được xử lý qua hóa chất,  thì trái sầu riêng từ xấu mã đều trở nên tươi đẹp và bên trong “cơm” trắng trở nên “cơm” vàng… Được biết, hầu hết lô hàng tẩm hóa chất kia được xuất khẩu qua biên giới phía Bắc. Nhiều lô hàng sầu riêng sau khi xử lý qua hóa chất, đã bị chính các ông chủ bên kia biên giới trả về với lý do có chất độc…

Biết sầu riêng non, nhưng họ vẫn mua, khi bán qua cửa khẩu bị trả về và tất nhiên các thương lái lại tìm mọi cách tuồn ra thị trường nội địa, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam. Điều lo ngại tiếp nữa, là thương hiệu trái cây Việt Nam nói chung, sầu riêng Tiền Giang nói riêng bị mất uy tín, sẽ khó khăn hơn trong việc  xuất khẩu theo đường chính ngạch ra thị trường khác, ngoài bán tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Cai Lậy hiện có khoảng 6.000 héc-ta sầu riêng, trong đó 60% đang cho trái. Giá sầu riêng hiện chỉ còn khoảng 20 - 25.000 đồng/kg. Hàng ngàn tấn sầu riêng ở đây mà các chủ vựa đã đặt cọc với các nhà vườn trước đó theo đơn hàng từ thương nhân Trung Quốc đang trắc trở về đầu ra. Thật đáng trách các chủ vựa người Việt hám lợi cho riêng mình, nhưng gây hại lớn cho trái cây Việt Nam.

NHẬN BIẾT HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Phân bón Đầu Trâu

Công ty Phân bón Bình Điền với thương hiệu phân bón Đầu Trâu có doanh số hàng năm trên 1.000 tỷ đồng và được sự tín nhiệm của đông đảo bà con nông dân trong cả nước. Chính vì vậy, sản phẩm của công ty cũng là mục tiêu của những đối tượng làm hàng giả, hàng nhái nhắm đến. Đứng trước thực trạng đó, công ty đã có những nỗ lực để tự bảo vệ mình và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Ông Ngô Quốc Phong – Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền lưu ý: Hiện nay tất cả các loại phân bón Đầu Trâu trước khi xuất xưởng đều phải trải qua các công đoạn kiểm tra hết sức nghiêm ngặt. Trong mỗi sản phẩm đều có phiếu kiểm tra, trên đó in ca sản xuất, ngày sản xuất để nông dân có căn cứ kiểm tra khi khui bao phân. Để phân biệt phân bón Đầu Trâu thật - giả, bà con có thể căn cứ vào phiếu kiểm tra trong bao phân, cùng với đường chỉ may trên miệng bao. Hiện nay, công ty chỉ sử dụng bao bì một lần nên trên miệng bao chỉ có một đường may. Nếu thấy trên miệng bao phân có hơn 1 đường may thì bà con nên lưu ý. Công ty cũng đang thử nghiệm trên những sản phẩm xuất khẩu như: NPK 20-20-15, NPK 15-15-15... với dây nhựa rút để cột miệng túi ny-lon bên trong bao phân, trên dây nhựa có in chữ nổi "Đầu Trâu" nên khả năng làm giả là rất thấp, vì đòi hỏi chi phí làm giả cao. Thời gian tới, công ty sẽ áp dụng phương pháp này cho tất cả các sản phẩm phân bón Đầu Trâu. Để yên tâm không bị mua hàng giả, hàng nhái, bà con nên mua phân bón Đầu Trâu tại các cửa hàng, đại lý của công ty. Trên thị trường, những sản phẩm phân bón Đầu Trâu giả chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, nhưng để phát hiện được, bảo vệ uy tín công ty và quyền lợi của bà con, Công ty Phân bón Bình Điền rất mong sự hợp tác, phản ánh kịp thời của bà con.

Cùng với chiến lược sản phẩm vượt trội, Bình Điền luôn sát cánh kề vai với nông dân, tổ chức hàng ngàn buổi tập huấn kỹ thuật nhằm trang bị cho nông dân các kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp và phân bón. Bình Điền cũng phát tặng hàng triệu tờ rơi, cẩm nang và cùng nông dân thực hiện hàng ngàn mô hình trình diễn. Chính những việc làm này đã giúp nâng cao kiến thức và hiểu biết cho nông dân, giúp nông dân trở thành những chủ thể chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả nhất.

Phân bón Đầu trâu NPK 20-20-15thật có hình ảnh sắc nét

 

Phân bón vôi lân Địa Long

Phân bón vôi lân Địa Long là sản phẩm của Công ty CP Khai thác Khoáng sản và Xây dựng miền Nam (KTKS&XDMN) sản xuất đang bị một số đơn vị kinh doanh phân bón ở Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang… làm giả một cách trắng trợn, rồi tung ra thị trường bán gây thiệt hại lớn cho sản xuất của bà con nông dân.

Ông Dương Hùng Đỗ, Tổng Giám đốc Công ty KTKS&XDMN bức xúc cho biết: “Các địa phương phát hiện sản phẩm vôi lân Địa Long giả nhiều nhất là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Một số nông dân mua phải hàng giả về bón cho hồ tiêu, cao su không những không có tác dụng mà còn làm cho cây bị nhiễm bệnh và chết, với diện tích lên đến hàng ngàn héc-ta”. Theo điều tra riêng của phóng viên, cả Công ty CP Phân bón công nghiệp Nano và Công ty CP sinh hóa Cần Thơ đều không trực tiếp sản xuất sản phẩm phân bón vôi lân mà mướn các cơ sở chuyên xay bột đá ở khu vực huyện Kiên Lương, Kiên Giang (nơi có nhà máy sản xuất phân bón vôi lân Địa Long của Công ty KTKS&XDMN) gia công, đóng bao rồi mang đi tiêu thụ.

Theo ông Đỗ, sản phẩm phân bón vôi lân Địa Long được sản xuất từ nguồn nguyên liệu lân tự nhiên có được trong quá trình khai thác khoáng sản, sau đó bổ sung thêm nhiều thành phần khác nữa và được vo viên cho dễ sử dụng. Qua quá trình khảo nghiệm, phân bón vôi lân Địa Long đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận thuộc nhóm phân trung vi lượng dùng để bón rễ.

Công ty cũng đã tiến hành đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp đối với bao bì mang nhãn hiệu vôi lân Địa Long. Phân bón vôi lân Địa Long được đánh giá cao bởi tính hiệu quả trong việc xử lý đất bị ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, giúp cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, đặc biệt là bảo vệ cây hồ tiêu và cây cao su chống lại các mầm bệnh. Do đó, việc các đơn vị khác cố tình làm giả phân bón vôi lân Địa Long không những gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty mà còn gây thiệt hại lớn cho sản xuất của bà con nông dân.

Để phân biệt phân vôi Địa Long thật và giả, ông Đỗ cũng lưu ý bà con khi mua hàng: phân vôi Địa Long thật được vo viên thành hạt tròn, sắc nét, còn phân vôi Địa Long giả chỉ là bột đá.


Phân bón vôi lân Địa Lon thật (bên trái) được vo viên còn vôi lân Địa Long giả chỉ là bột đá

((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện))