Thông tin giá cả thị trường tuần từ 15/02/2014 đến 21/02/2014
04:21 PM 15/02/2014 | Lượt xem: 2967 In bài viết |
TIÊU ĐIỂM |
Vi rút cúm gia cầm - nguy cơ lây lan cao tại Việt Nam
Vào thời điểm này, một vấn đề đang được nhiều người quan tâm, đó là tình trạng vi rút cúm gia cầm A/H5N1 và vi rút cúm A/H7N9 đang bùng phát ở nhiều vùng. Trước tình hình này, trong Công điện đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ dịch cúm gia cầm, kịp thời xử lý, không để bùng phát dịch.
Nguy cơ lây lan cao cả sang người
Tình trạng vi rút cúm gia cầm A/H5N1 bùng phát trở lại, đặc biệt tại một số tỉnh ĐBSCL, khu vực các tỉnh biên giới giáp với Campuchia. Trong khi đó, ở phía Bắc cúm A/H7N9 đang diễn biến rất phức tạp, khi số ca tử vong ở Trung Quốc gia tăng, chỉ hơn 1 tháng đầu năm 2014, nước này đã có 161 người bị nhiễm bệnh cúm A/H7N9, với 16 ca tử vong, trong đó có nhiều địa phương biên giới giáp với Việt Nam. Do đó, không thể không đề phòng nguy cơ dịch có thể lan sang nước ta.
Sau Bắc Ninh công bố dịch gia cầm, hiện nhiều tỉnh có dịch cúm gia cầm nhỏ lẻ. Trên địa bàn tỉnh Long An từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay đã có gần 10 ngàn con gà chết bất thường. Hàng chục ngàn con gia cầm tại các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kon Tum… đã bị tiêu hủy vì nhiễm vi rút cúm A/H5N1.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y - Bộ NN&PTNT cho biết: Dịch cúm gia cầm đáng báo động, bởi năm 2013, qua kiểm tra có đến 80% các ổ dịch xảy ra trên đàn thủy cầm và tại 141 chợ, có tới 61% số mẫu gia cầm có dương tính với H5N1. Nguy cơ nhiễm hiện nay rất cao, vì đang ở thời điểm giao mùa, thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát, cộng với trước và sau dịp Tết Nguyên đán, việc buôn bán, vận chuyển gia cầm nhỏ lẻ tăng mạnh, là nguyên nhân dịch bệnh lây lan diện rộng. Việc vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới, mặc dù được kiểm soát, ngăn chặn quyết liệt, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp… Đây là những lý do, khiến liên Bộ NN&PTNT và Y tế đã đưa ra cảnh báo cúm gia cầm có nguy cơ cao, rất dễ bùng phát ra diện rộng trong gia cầm, cũng như lây lan sang người.
Cách phòng tránh lây nhiễm vi rút cúm gia cầm
Một trong những nguyên nhân gây nguy cơ cao lây truyền dịch bệnh cúm gia cầm trong cộng đồng, chính là tình trạng người dân chăn nuôi vịt thả đồng tự do và buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm sống không qua kiểm dịch, gia cầm ốm chết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo hạn chế việc đi lại và giao lưu thương mại, nhưng đã có khuyến cáo khách du lịch không nên đến khu vực có ổ dịch và tiếp xúc với gia cầm. Để phòng lây nhiễm các loại cúm gia cầm, việc người dân tuyệt đối tuân thủ yêu cầu về vận chuyển, buôn bán, chăn nuôi, giết mổ của cơ quan chức năng là biện pháp phòng chống dịch hữu hiệu.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã có hướng dẫn người dân thực hiện 5 biện pháp phòng tránh lây nhiễm vi rút cúm gia cầm, như: Thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện có gia cầm ốm và chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương, để được theo dõi sức khỏe.
Cục Thú y - Bộ NN&PTNT từ nhiều năm nay cũng đã liên tục có các văn bản hướng dẫn người chăn nuôi, buôn bán gia cầm nhận biết và phòng, chống dịch cúm gia cầm. Theo đó, gia cầm mắc bệnh cúm thường có các biểu hiện như: Chết đột ngột hàng loạt với tỷ lệ cao trong đàn; chảy nước mắt, nước dãi, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất, khó thở, phù đầu và mặt, mắt đỏ, mào và tích sưng to, da tím tái, da chân phần không có lông xuất huyết tím thành vệt, ỉa chảy rất nặng… Khi mổ khám gia cầm thấy: Khoang bụng tích nước hoặc viêm dính; xuất huyết trên bề mặt các cơ và các cơ quan nội tạng, đặc biệt là ở dạ dày tuyến và ruột; khí quản xuất huyết, chứa đầy dịch nhầy.
Để phòng chống, Cục Thú y lưu ý người nông dân chỉ mua gia cầm ở những cơ sở giống có nguồn gốc rõ ràng, không có bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm khác; nuôi nhốt gia cầm, phải luôn khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông, dễ vệ sinh khử trùng tiêu độc; định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi (1 lần/tuần) bằng các loại hóa chất, như: Cloramin, hanIodine, benkocid và vôi bột...
"Khi có hiện tượng gia cầm ốm, chết nghi cúm gia cầm, hoặc không rõ nguyên nhân phải báo cáo nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương và phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia cầm theo quy trình chăn nuôi. Người dân cần thực hiện tốt 6 không: Không nuôi thả rông gia cầm; không buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết; không ăn thịt gia cầm ốm, chết; không được giấu dịch; không ăn tiết canh gia cầm; không vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường”.
MUA GÌ? |
Đồng bằng sông Cửu Long: Giá dừa tươi tăng cao
Nắng nóng trở lại sau Tết đã làm giá dừa tươi tăng mạnh, nguyên nhân do nhu cầu giải nhiệt của người dân tăng cao, năng suất ra trái của cây dừa giảm phân nửa so với mùa mưa. Tại huyện Châu Thành, Đồng Tháp, giá dừa tươi là 110.000 - 130.000 đồng/chục mà không có để bán. Ở Cần Thơ giá 8.000 - 12.000 đồng/trái, tăng từ 2.000 - 2.500 đồng/trái so với trước Tết Nguyên đán. Dừa dứa của trung tâm ở U Minh Thượng (Kiên Giang), trung bình mỗi tháng bán từ 12.000 – 15.000 trái. Giá thương lái vào tận vườn tự đốn là 10.800 đồng/trái. Còn dừa dứa giống vào bầu sẵn giá 40.000 đồng/cây. Các nhà vườn dự đoán giá dừa tăng cao còn kéo dài, vì nguồn cung đang bị thiếu hụt. Nguyên nhân do nhiều nhà vườn bỏ bê chăm sóc, thiếu đầu tư sau đợt giá dừa giảm chỉ còn 1.000 đồng/trái thời gian trước, khiến năng suất bị sụt giảm. Trong khi đó, trồng cây dừa cho trái phải mất từ 3 - 5 năm và để thu hoạch được một lứa dừa tươi từ trổ bông đến hái phải từ 7 - 8 tháng, dừa khô thì cả năm.
Đồng Tháp: Còn trên 400 tấn quýt hồng chờ tiêu thụ
Do sức mua giảm tại các chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long vào 2 phiên chợ cuối năm (ngày 29 và 30 Tết) nên tình hình tiêu thụ quýt hồng của các thương lái gặp khó khăn, số diện tích quýt đã mua tại các nhà vườn không thể thu hoạch để tiêu thụ. Hiện tại, các vườn quýt vẫn còn tồn lại sản lượng quýt trên 400 tấn. Số quýt này được thương lái mua đặt từ trước Tết với giá từ 30.000 - 33.000 đồng/kg, nhưng do hiện nay thị trường tiêu thụ đang gặp khó, giá quýt giảm mạnh chỉ còn khoảng 24.000 - 25.000 đồng/kg, nên thương lái vẫn đang neo trái chờ giá. Tình trạng này ít nhiều gây khó khăn cho nhà vườn trong việc chăm sóc phục hồi vườn quýt sau 1 năm mang trái. Dự kiến số quýt còn lại này sẽ được thương lái thu hoạch tiêu thụ dứt điểm vào rằm tháng giêng âm lịch.
Ninh Thuận: Người trồng nho trúng lớn
Ninh Thuận là thủ phủ của cây nho với tổng diện tích hiện vào khoảng 1.200 héc-ta. Giá nho tươi Red Cardinal ở Ninh Thuận hiện được bán tại vườn khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg (loại 1); 29.000 - 32.000 đồng/kg (loại thường). Đây là mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, tăng hơn 2 lần so với giá bình quân của năm 2013. Hiện các vườn nho ở Ninh Thuận đang thu hoạch vụ chính, năng suất cao xấp xỉ 2 tấn/sào nên người trồng nho vừa được mùa lại trúng giá.
Giá cả trong tuần
Tại Thái Nguyên
Mặt hàng |
Giá (đồng/kg) |
Bắp cải trắng | 4.000 |
Cà chua | 9.000 |
Khoai tây ta | 14.000 |
Chè xanh búp khô | 250.000 |
Chè cành chất lượng cao | 400.000 |
Chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) | 300.000 |
Tại Đắk Lăk
Mặt hàng |
Giá (đồng/kg) |
Cà phê vối nhân xô | 34.500 |
Tiêu hạt thuỷ phần 15% | 134.000 |
Cà chua | 14.500 |
Khoai tây | 19.000 |
Cà rốt | 17.000 |
Bí đỏ | 13.000 |
Dân miền Tây trúng cá bông lau
Các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ đang vào mùa đánh bắt cá bông lau ở trên các tuyến sông Hậu và sông Tiền. Ngư dân năm nay trúng đậm loài cá này. Thông thường mùa cá bông lau khởi động từ đầu tháng Chạp năm trước đến cuối tháng Tư âm lịch năm sau. Thời điểm này mỗi ngày có hàng trăm xuồng lưới đánh bắt cá bông lau ở trên 2 dòng sông Tiền và Hậu. Năm nay cá bông lau xuất hiện nhiều hơn so với mọi năm, nên việc thả lưới bông lau mỗi ngày bắt được cá từ 5 - 10 kg, giá bán cho thương lái từ 180.000 - 200.000 đ/kg. Còn ngày nào trúng, bắt được cá lớn nặng từ 7 - 9 kg/con giá bán cao gần gấp đôi. Bình quân, một ngày các ngư dân bắt cá bông lau ở đây thu nhập hơn triệu đồng.
Sóc Trăng: Tôm thẻ cho năng suất cao
Trong những ngày sau Tết, tôm thẻ có sức hút mạnh khi các nhà máy chế biến thủy sản mở cửa thu mua, sản xuất. Tại Sóc Trăng, giá tôm thẻ tăng 5.000 đồng/kg tùy loại; trong khi tôm sú giảm 10.000 - 30.000 đồng/kg so với tuần trước. Hiện nay tôm thẻ loại 50 con/kg giá cao nhất 175.000 đồng; loại 80 - 100 con/kg giá 140.000 - 115.000 đồng. Bà con chuyển sang nuôi tôm thẻ càng nhiều, do thời gian nuôi ngắn hơn, năng suất cao. Hiện Sóc Trăng có hơn 3.772 héc-ta tôm thẻ.
Đặc sản tiêu Phú Quốc đang được giá cao
Tiêu hạt, một trong những đặc sản nổi tiếng của Phú Quốc, Kiên Giang hiện đang ở giá rất cao. Mỗi ki-lô-gam tiêu đen bán cho các đầu mối tiêu thụ trên thị trường vào khoảng 180.000 đồng và tiêu đỏ (tiêu chín) là 250.000 đồng. Riêng giá bán lẻ thì lên đến 220.000 đồng/kg đối với tiêu đen và tiêu đỏ là 300.000 đồng. Với giá này, người trồng tiêu sẽ có lãi to, dù cho sản lượng tiêu năm nay được dự báo sẽ không đạt bằng năm ngoái.
Ngư dân Sông Đốc được mùa khai thác biển
Từ ngày 7 đến 9/2, có hơn 100 tàu khai thác xa bờ của ngư trúng mùa vụ tôm, cá… đã về bến, sau 20 ngày vừa bám biển khai thác đánh bắt. Theo ước tính, bình quân mỗi phương tiện, sau chuyến ra khơi từ 15 - 20 ngày vừa trở về, sau khi trừ chi phí sản xuất, còn lãi từ 80 - 100 triệu đồng. Hiện giá các loài thủy sản sau Tết vẫn ổn định, ngư dân rất phấn khởi. Liên tiếp trong những ngày qua, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở thu mua tại các cửa biển Sông Đốc đã mua vào sản lượng hải sản tăng đột biến từ 8 - 10 tấn/ngày.
BÁN GÌ? |
Xuất khẩu gạo sang Châu Phi: Hướng tới dòng sản phẩm chất lượng
Châu Phi là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới với nhu cầu trên 9 triệu tấn gạo/năm; trong đó lượng gạo nhập khẩu khoảng 6,4 - 6,5 triệu tấn/năm. Chính vì vậy, hướng đến dòng sản phẩm chất lượng là giải pháp mà Việt Nam đang triển khai để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường đầy tiềm năng này, nhất là trong hoàn cảnh xuất khẩu gạo đang gặp khó như hiện nay.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ phía Bộ Công Thương, ngoài các sản phẩm gạo có chất lượng và giá cả trung bình vẫn được xuất khẩu đều đặn sang châu Phi, doanh nghiệp nên tập trung vào phân khúc sản phẩm có chất lượng tốt như gạo thơm, gạo đồ... Đơn cử như năm 2013, có những thời điểm một loạt các sản phẩm gạo sụt giảm sản lượng xuất khẩu thì gạo thơm vào châu Phi vẫn có sự gia tăng đáng kể. Trong 8 tháng năm 2013, lượng xuất khẩu riêng sản phẩm này đã lên đến 600.000 tấn, chiếm đến gần một nửa tổng lượng xuất khẩu sang thị trường này. Đặc biệt khi Việt Nam gặp phải khó khăn vì phải cạnh tranh với gạo rẻ từ Ấn Độ và Thái Lan, phân khúc gạo có chất lượng đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiến sâu hơn vào thị trường.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Phi, năm 2014, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các đoàn đi xúc tiến thương mại tại 2 thị trường trọng điểm, có lượng nhập khẩu gạo lớn là Ăngôla và Bờ Biển Ngà. Từ đó đề xuất các thị trường này ký kết những bản ghi nhớ về thương mại gạo để xuất khẩu gạo trực tiếp. Bộ cũng tổ chức mời các doanh nghiệp châu Phi vào Việt Nam để giới thiệu và tìm đối tác xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, thông qua Thương vụ, Bộ sẽ có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xác minh đối tác, tư vấn để tránh rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường này. Đặc biệt, Bộ còn hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp mở văn phòng đại diện, mở kho ngoại quan… tại các thị trường để xuất khẩu trực tiếp, giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi xuất khẩu gạo sang châu Phi.
Long An: Trồng dứa trái đỏ cho thu nhập cao
Năm nay, một số hộ gia đình ở xã Thạnh Lợi thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã thu lãi lớn nhờ trồng dứa son (khóm có màu đỏ). Các khóm dứa son đã giúp bà con thu lãi vài chục triệu đồng một héc-ta, gấp 10 lần so với trồng dứa xanh. So với dứa xanh, giá dứa son cao hơn trong khi quy trình chăm sóc cũng không khác với cây dứa xanh. Tuy nhiên, do mỗi năm dứa chỉ cho quả duy nhất một vụ nên phải có cách chăm sóc để dứa ra quả đúng vào thời điểm Tết, trái đều, làm sao để vào 25 - 26 âm lịch hàng năm có quả giao cho khách hàng ở các tỉnh lân cận đặt mua. Đặc biệt là phải biết kỹ thuật tạo những trái dứa có con đeo (chồi con) ôm gọn xung quanh trái nhiều con thì trái dứa đó giá trị càng tăng có khi lên đến 200.000 - 300.000 đồng một trái, nhất là những trái ôm tròn chín con đeo giá trị từ 300.000 - 400.000 đồng một trái.
Hiện nay, khó khăn nhất khi trồng loại dứa son là không có nguồn giống. Khi ươm một cây giống mất gần 2 năm mới thu hoạch chưa kể rủi ro do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, cây sẽ không phát triển như ý muốn, không ra trái hoặc trái xấu, hiệu quả kinh tế kém, trong khi đó người dân đã quen với lối trồng cây dứa xanh cho trái 2 - 3 đợt/năm.
Giá khoai tây giảm
Giá khoai tây những ngày gần đây liên tục hạ. Nguyên nhân là do những tác động bất lợi từ lượng lớn khoai Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Điều đáng nói, cho đến lúc này vẫn chưa lấy gì để khẳng định là đã chấm dứt tình trạng thương lái trà trộn, lấy khoai tây Trung Quốc giả danh khoai tây Đà Lạt. Nông dân Đà Lạt đang rất bức xúc và lo ngại trước nguy cơ mất thương hiệu ngay trên sân nhà.
Thiếu mực, bạch tuộc để chế biến xuất khẩu
Theo số liệu thống kê của các địa phương ven biển như: Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bình Thuận, sản lượng khai thác mực, bạch tuộc hiện đang giảm từ 30 - 70% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp xuất khẩu hải sản gặp rất nhiều khó khăn về nguyên liệu. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn nguyên liệu trong nước đang bị lạm thác một cách cạn kiệt, chất lượng giảm và không đủ kích cỡ để xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang phải tìm kiếm nguyên liệu từ các nước: Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Pakistan.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2013, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt hơn 403 triệu đô-la Mỹ, giảm 13% so với năm 2012. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2013.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Hòa Bình: Đón cơ hội đưa nông sản vươn ra thị trường lớn
Theo Sở NN & PTNT tỉnh Hòa Bình, tới năm 2020, tỉnh sẽ có 5.000 héc-ta cam trong vùng quy hoạch, trong đó, vùng sản xuất tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 3.000 héc-ta, chủ yếu ở các huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi và một phần diện tích thuộc vùng Mường Khói.
Bên cạnh đó có 1.500 héc-ta bưởi trên địa bàn các huyện Tân Lạc, Lương Sơn, Kỳ Sơn. Diện tích mía đạt 10.000 héc-ta, trong đó có từ 5.500 - 6.000 héc-ta mía tím. Vùng rau sản xuất hàng năm đạt 11.000 héc-ta, trong đó tập trung phát triển rau bản địa ở các xã vùng cao như su su, lặc lày, tỏi tía, cây rau họ bầu, bí ở huyện Lạc Sơn và các loại rau ăn lá ở các huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình...
Tỉnh cũng bước đầu hình thành vùng nông sản hàng hóa, 3 sản phẩm nông sản chính được định hướng phát triển thị trường hàng hóa gắn với tiêu dùng gồm nhóm cây ăn quả (cam, bưởi, nhãn, na, chè), rau và mía. Một số địa phương hình thành vùng cây ăn quả, rau trái vụ như nhãn Hương Chi (Kim Bôi), bí xanh (Tân Lạc)… Đặc biệt, vùng rau su su an toàn ở huyện Tân Lạc, Mai Châu được biết đến ngày càng nhiều nhờ phương pháp canh tác an toàn, gần như không có tác động của hóa chất. Thêm một thuận lợi là các sản phẩm nông sản trên đều đã có quy hoạch, trong đó quy hoạch vùng rau an toàn đang xúc tiến thực hiện vào năm 2014. Đến thời điểm này, diện tích cây ăn quả có múi (cam) toàn tỉnh đạt khoảng 1.436 héc-ta, diện tích mía duy trì ổn định với khoảng 9.000 héc-ta.
Việc ký văn bản cam kết hỗ trợ tiêu thụ trên hệ thống siêu thị, sàn giao dịch giữa Sở NN & PTNT Hòa Bình và Hà Nội vừa qua cũng cho thấy cách làm đúng của tỉnh Hòa Bình về xác định thị trường tiêu thụ tiềm năng, tìm hướng ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đặt ra bởi muốn tạo vùng nông sản cung cấp cho thị trường lớn, sản phẩm hàng hóa phải đáp ứng chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở cả thời điểm hiện tại cũng như lâu dài, các vùng cam, rau, mía của tỉnh phải được sản xuất theo hướng an toàn. Đến nay, sản lượng rau đã cấp chứng chỉ VietGap được tiêu thụ trên sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn của thành phố Hà Nội có 3 héc-ta su su vùng cao Tân Lạc. Diện tích rau nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Lương Sơn cũng khẳng định được chỗ đứng tại một số siêu thị lớn của Hà Nội. Dự kiến trong khoảng tháng 4 - 5/2014, diện tích 25 héc-ta bí xanh an toàn của huyện Yên Thủy sẽ được lên sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cũng như chất lượng, độ an toàn của sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường.
Nghệ An: Rau xanh được mùa, mất giá
Được coi là “thủ phủ rau” nhưng không khí mua bán ở xã Quỳnh Lương - Quỳnh Lưu (Nghệ An) sau Tết âm lịch khá là vắng lặng. Người dân ở đây cho biết, tất cả các loại rau từ su hào, bắp cải, cải thảo, cải ngọt đến gia vị hành, mùi, hành tây… đều rất rẻ: Giá 1.000 đồng/củ su hào, bắp cải, 200 đồng/kg hành… Trong khi Tết năm trước 15.000 đồng/kg hành và 6.000 – 8.000 đồng/bắp cải. Thậm chí có hộ phải phá vườn rau để làm phân xanh. Toàn xã Quỳnh Lương có gần 200 héc-ta rau, lâu nay nhờ rau mà nhiều hộ dân ở Quỳnh Lương vươn lên làm giàu. Năm nay giá rẻ bất ngờ khiến người trồng rau không kịp trở tay. Ngoài trồng rau giỏi, xã còn có đội ngũ trên 40 người chuyên thu mua rau buôn bán “xuyên quốc gia”. Nhưng do giá rau rẻ nên những hộ thu mua này không thể cứu vãn nổi người trồng rau. Đến thời điểm này Quỳnh Lương đã phá bỏ trên 170 héc-ta rau, chủ yếu là các diện tích rau cải Hà Nội, cải bắp, su hào… do không bán được. Xã tiếp tục vận động bà con làm đất để trồng hành, vì hành dù giá rẻ vẫn đang tiêu thụ được còn hơn là để đất trống.
Theo lý giải của ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu thì giá rau rẻ bất ngờ là do sau đợt ngập úng lịch sử cuối năm qua toàn bộ diện tích rau màu của Quỳnh Lưu bị hư hỏng, bà con vùng chuyên canh rau và vùng rau trên đất 2 lúa cùng lúc khôi phục trồng rau trên 800 héc-ta, riêng vùng bãi ngang 600 héc-ta. Không trồng theo rải vụ nên cùng lúc thu hoạch ồ ạt khiến cho lượng rau không thể tiêu thụ kịp dẫn đến tình trạng tắc đầu ra. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để vụ sau Quỳnh Lưu chỉ đạo bà con tập trung trồng rải vụ, tránh tình trạng thu hoạch cùng lúc với khối lượng lớn. Để tìm đầu ra cho rau, củ, quả thì Quỳnh Lưu tiếp tục thực hiện các biện pháp tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau sạch VietGap, vì thực tế Quỳnh Lưu có trên 10 héc-ta rau sạch được chứng nhận VietGap tại Quỳnh Lương đã tiêu thụ được ở các khách sạn tại Hà Nội trên 50 tấn rau/năm.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Quảng Ngãi: Người trồng rau gặp khó sau Tết
Sau Tết, hàng trăm hộ dân trồng rau ở tỉnh Quảng Ngãi phải phá bỏ hoặc nhổ về làm thức ăn cho gia súc vì... không có người mua do thị trường Trung Quốc không nhập khẩu.
Tại xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh (vựa rau lớn nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi) những ngày này, nông dân không buồn ra đồng thu hoạch. Các loại xà lách, củ cải, rau muống, đậu tây… đã trổ bông. Một số hộ phải nhổ về cho bò, lợn ăn để giải phóng đất.
Theo thống kê, chỉ riêng xã Tịnh Long có hơn 100 héc-ta rau xanh được nông dân trồng, trong đó hơn một nửa diện tích phải phá bỏ. Nhiều hộ trồng rau ở các nơi khác như huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn cũng chung cảnh ngộ. Theo các chủ vựa rau lớn ở tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sở dĩ các loại rau xanh rớt giá là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm. Nhiều loại rau như đậu tây, dưa leo… còn tồn đọng hàng chục tấn chờ xuất sang Trung Quốc.
Theo ông Võ Việt Chính, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng rau rẻ như hiện nay có thể một phần do thương lái ép giá, còn chủ yếu do cung vượt cầu. "Việc cung vượt cầu, chúng tôi không thể can thiệp được. Còn việc các thương lái ép giá, chúng tôi luôn phối hợp cùng cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý, bảo đảm quyền lợi cho nông dân trồng rau!" - ông Chính nói.
Quảng Nam: Sả tăng giá do cung khan hiếm
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Sơn, Quảng Nam cho biết, chưa năm nào sả lại được giá như năm nay. Mấy năm trước, giá sả chỉ có 2.000 - 3.000 đồng/kg, nông dân trồng không đủ tiền công. Từ giáp Tết Giáp Ngọ đến nay, giá sả tăng và đạt từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Người trồng sả ở Quế Sơn vui mừng vì bội thu sả và giá bán cao. Nguyên nhân khiến giá sả cao như hiện nay là do trước Tết liên tục xảy ra lụt bão khiến nhiều diện tích sả ở các vùng khác bị ngập úng, dẫn tới khan hiếm. Cây sả là loại cây gia vị rất dễ trồng, khoảng 5 tháng là có thể thu hoạch, được người dân trồng ven bìa rừng và xen kẽ trong vườn cây keo tràm…
Thương gia Trung Quốc thu mua hoa hồng Đà Lạt
Trung tuần tháng 2, có nhiều thương lái Trung Quốc đến làng hoa Vạn Thành, nơi trồng hoa hồng lớn nhất của thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), đặt hoa số lượng lớn để đưa sang Trung Quốc với mức giá khá cao.
Theo một số chủ vựa hoa, đây là lần đầu tiên hoa hồng Đà Lạt được thu mua để bán sang Trung Quốc, nguyên nhân có thể do thời tiết lạnh tại Trung Quốc khiến hoa hồng không nở kịp để phục vụ cho thị trường. Hoa được thương lái Trung Quốc thu mua để phục vụ thị trường Valentine nên tập trung chủ yếu vào các loại hồng đỏ, hồng phấn, hồng trắng và hồng cam với mức giá dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/bông tùy loại. Tại làng hoa Vạn Thành, hiện giá hoa hồng bán tại vườn đã cao hơn bình thường từ 2 - 3 lần. Cụ thể, giá bán tại vườn một cành hồng nhung, hồng đỏ dao động khoảng 5.000 đồng (bình thường từ 1.500 - 2.000 đồng/cành). Trong khi đó, các loại hoa hồng màu khác như hồng vàng, hồng phấn, hồng cánh sen, hồng trắng… giá thấp hơn, khoảng 3.000 đồng/cành, cao gấp 3 lần so với ngày thường.
Bình Định: Khai thác cá ngừ đại dương lãi lớn đầu năm
Bà Mại Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Bình Định cho biết, từ ngày 10 - 15/2 sẽ có 80/1.580 tàu tàu của ngư dân Bình Định hành nghề câu cá ngừ đại dương cập các cảng cá Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn và phường Hải Cảng - Quy Nhơn. Đợt khai thác lần này hầu hết số tàu đều “trúng lộc cá ngừ đại dương” đầu năm Giáp Ngọ với sản lượng đạt từ 2 - 3 tấn/tàu.
Đây cũng là sản lượng khai thác cá ngừ đại dương cao nhất từ đầu vụ cá Bắc đến nay. Với giá bán hiện nay là 80 nghìn đồng/kg, trừ các chi phí mỗi tàu lãi từ 120 - 200 triệu đồng. Có tàu sau chuyến đi biển dài ngày và ăn Tết trên biển (từ ngày 9/1 đến ngày 10/2) đã khai thác được 100 con cá ngừ đại dương với tổng sản lượng trên 4,5 tấn. Với giá thu mua hiện nay, trừ mọi chi phí cũng lãi trên 180 triệu đồng. Ông Diệp Văn Thương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Quan Bắc cho biết thêm chỉ từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của các tàu cá trong và ngoài tỉnh nhập vào cảng cá Tam Quan Bắc trên 1.200 tấn.
LƯU Ý, CẢNH BÁO |
Thuốc tân dược giả khai thác thị trường nông thôn
Thị trường dược phẩm Việt Nam, doanh số năm 2013 là hơn 3 tỷ đô-la Mỹ, đứng thứ 13 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng chi tiêu dược phẩm. Việt Nam đang là “miếng mồi” béo bở của những đối tượng chuyên sản xuất, buôn bán tân dược giả, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Thuốc giả ngày càng tinh vi
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nhận định, tình hình thuốc giả, thuốc kém chất lượng hiện nay diễn biến hết sức phức tạp. Thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng được làm giả một cách tinh vi, nếu nhìn bằng mắt thường rất khó có thể phát hiện được. Các loại tân dược bị làm giả nhiều là: Tanganil điều trị chóng mặt, Mobíc điều trị bệnh lý xương khớp, cota điều trị về viêm xoang, viêm mũi dị ứng, Ampicillin (của Pháp), Zinnat dạng viên 500 mg…
Các cơ quan chức năng cho biết, thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Tội phạm cấu kết với nhau thành các đường dây sản xuất buôn bán, vận chuyển tân dược giả. Chúng dùng các máy móc hiện đại, ăn cắp bao bì, mẫu mã, nhái thương hiệu, hoặc mua thuốc chất lượng kém gửi ra nước ngoài đóng hộp, rồi nhập vào Việt Nam dưới danh nghĩa các công ty nhập khẩu thuốc.
Theo Thiếu tướng Đặng Xuân Khang, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, hiện tân dược giả được các đối tượng tiêu thụ chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa, các nơi dân trí thấp, thậm chí còn được tiêu thụ ở các bệnh viện địa phương. Ở các chợ nông thôn, vùng cao chỉ với khoảng vài chục loại thuốc chữa các loại bệnh thông thường được bày trên chiếc bàn gỗ nhỏ, kệ, thùng xốp hay tấm nilon trải dưới đất là có thể thành một “quầy thuốc” có thể hành nghề. Đa phần thuốc tân dược ở chợ nông thôn thường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, khó kiểm định về chất lượng. Việc tồn tại các hình thức bán thuốc như trên sẽ tạo điều kiện cho thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc không bảo đảm chất lượng xâm nhập thị trường, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người tiêu dùng. Điều đáng nói là, việc này đang diễn ra một cách công khai, nhưng dường như lực lượng chức năng lại đang buông lỏng quản lý.
Các thuốc đặc trị giả được bán rẻ hơn thuốc thật rất nhiều, thậm chí giá chưa tới 1/3. Trong khi thuốc Vastarel 20 mg thật được bán với giá 96.500 đồng/hộp thì thuốc giả chỉ có 55.000 đồng/hộp, Viagra 100 mg giá bán 720.000 đồng/hộp 4 viên thì thuốc giả chỉ có 230.000 đồng/hộp, Tanagil bán 120.000 đồng/hộp thì thuốc giả là 70.000 đồng/hộp… Nhiều người ham rẻ mua phải thuốc giả không ngờ rằng thuốc họ mua về không chữa được bệnh mà còn là nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe.
Cách nhận biết thuốc Zinnat giả
Theo Bộ Y tế, dược phẩm là loại hàng hóa đặc biệt có liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người nên việc kinh doanh phải tuân thủ triệt để những quy định nghiêm ngặt. Vì thế, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc tuyên truyền, có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, bà con nên tìm đến các hiệu thuốc có chứng nhận của cơ quan y tế địa phương để tìm mua các sản phẩm chính hãng, tránh ham sản phẩm rẻ dẫn đến “tiền mất, tật mang”.
Các bác sĩ khuyến cáo, thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng thì bác sỹ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng kháng thuốc, thậm chí cả tử vong. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10. Trong đó đáng nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. Vì vậy, việc tăng cường nhận thức và cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng thuốc giả được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu và có tính bền vững hiện nay.
Đối với sản phẩm Zinnat là dòng thuốc kháng sinh mạnh, đắt tiền được sử dụng khá phổ biến cho cả người lớn và trẻ em tại Việt Nam. Loại thuốc này thường được chỉ định trong các bệnh về đường hô hấp như: Viêm phổi, viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữa hay các bệnh về nhiễm khuẩn niệu - sinh dục (viêm niệu đạo, bệnh lậu)... Tuy nhiên, hiện trên thị trường xuất hiện thuốc kháng sinh Zinnat dạng viên 500 mg bị làm giả. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, khi mua người tiêu dùng nên chú ý các đặc điểm để nhận biết thuốc Zinnat giả như sau:
Phần đầu của hộp thuốc: Phần đầu của hộp thuốc khi nhìn nghiêng đối với mẫu thật thì ô giấy mờ có một cạnh nằm ngang bằng mặt trên của cụm từ "comprimés 500 mg"; đối với mẫu giả thì ô giấy mờ có một cạnh nằm ngang bằng mặt dưới của cụm từ "comprimés 500 mg".
Lưu ý trên nhãn phụ: Cụm từ “Rx Thuốc bán theo đơn” trên nhãn phụ đối với sản phẩm thuốc thật chữ in thường đậm còn thuốc giả chữ in thường không đậm. Cụm chữ - số “ZIN/SV0703/V1” trên nhãn phụ trên thuốc thật chữ V cách điệu, nét chữ mảnh hơn các chữ cùng cụm từ; trên thuốc giả chữ V cách điệu, nét chữ tương tự như các chữ cùng cụm từ.
Nhìn tổng thể: Bao bì của thuốc thật có màu sắc, hình dáng, kiểu chữ sắc nét hơn so với bao bì của thuốc Zinnat giả.
Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện