Thông tin giá cả thị trường tuần từ 02/11/2013 đến 08/11/2013

06:17 PM 02/11/2013 |   Lượt xem: 2993 |   In bài viết | 
MUA GÌ?

Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện 2 trường hợp thương lái người Trung Quốc tổ chức thu gom thủy sản trái phép và đã tiến hành trục xuất 2 trường hợp này theo quy định.

Lai Châu: 4 chợ biên giới đã được đầu tư xây dựng

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có 4 chợ biên giới đã được đầu tư xây dựng, trong đó có 3 chợ đang hoạt động là chợ Dào San, Sì Lờ Lầu thuộc huyện Phong Thổ và chợ Pa Tần thuộc huyện Sìn Hồ. Chợ Nậm Xe huyện Phong Thổ đã được đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động. Các chợ biên giới của tỉnh Lai Châu chủ yếu nằm sâu trong nội địa, cách đường biên giới từ 5 - 20 km nên không thu hút được thương nhân Trung Quốc sang kinh doanh. Hoạt động thương mại tại các chợ này chủ yếu phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương. Trong khi đó, hoạt động thương mại của cư dân biên giới Việt Nam – Trung Quốc chủ yếu diễn ra tại các chợ sát đường biên nằm bên đất Trung Quốc như: Chợ Nà Phà tại cửa khẩu Kim Thủy Hà của Trung Quốc; chợ phiên Cửa Cải của Trung Quốc... Các chợ phiên này thu hút khá đông cư dân biên giới của Việt Nam sang mua bán, trao đổi những hàng hóa thông dụng như: Nông sản, giống cây trồng vật nuôi và một số hàng gia dụng khác. Tuy nhiên số lượng hàng hóa trao đổi không lớn, chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày của người dân.

Thừa Thiên - Huế: Tăng cường trao đổi, mua bán với Lào

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Lào vào Việt Nam trong 9 tháng đạt 394,6 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tại Thừa Thiên - Huế, các mặt hàng cư dân biên giới thị trấn A Lưới, huyện A Lưới thường xuyên mua bán, trao đổi với cư dân phía Lào gồm: Gạo, mỳ tôm, muối, bột ngọt, kiệu, cá suối. Phương thức mua bán, trao đổi chủ yếu là người Lào ở các bản giáp biên mang các mặt hàng nông sản sang Việt Nam bán, sau đó mua gạo và các nhu yếu phẩm của cư dân Việt Nam về sử dụng. Số lượng hàng hóa trao đổi qua lại chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, trị giá dưới 1 triệu đồng.

Giá mua nông sản trong tuần

 Tại Lai Châu

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Thóc tẻ thường

9.000

Gạo tẻ thường

9.000

Thịt lợn thăn

100.000

Thịt lợn mông sấn

90.000

Thịt bò thăn

250.000

Gà ta còn sống

140.000

 

  Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng)

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Thịt lợn thăn

89.000

Thịt lợn mông

74.000

Thịt bò thăn

225.000

Gà ta còn sống

98.000

Chè búp tươi (hạt)

5.500

Chè búp tươi (cành)

7.500

 

   Tại Tây Ninh

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Gạo tẻ thường

11.000

Thịt lợn hơi

44.000

Thịt lợn đùi

80.000

Thịt bò đùi

200.000

Gà ta còn sống

120.000

Gà ta làm sẵn

140.000

 

BÁN GÌ?

Bán 120.000 tấn gạo cho Phi-líp-pin

Việt Nam mới đây đã ký các hợp đồng bán tổng cộng 120.000 tấn gạo cho các công ty tư nhân ở Phi-líp-pin. Điều này cộng với nhu cầu từ Trung Quốc, đã đẩy giá gạo Việt Nam tăng 10% trong những tuần cuối tháng 10.

Một nửa khối lượng trong các hợp đồng của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) bán cho Phi-líp-pin là gạo 5% tấm, phần còn lại là gạo 15% tấm và 25% tấm. Hàng sẽ bắt đầu bốc xếp từ tháng tới. Ngay khi thông tin này được lộ ra ngoài, giá gạo xuất khẩu đã tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, giá gạo Việt Nam tăng lên có thể đồng nghĩa với những khách mua tiềm năng sẽ chuyển sang nhập gạo của Thái Lan hoặc Pa-ki-xtan. Hương Giang

Lạng Sơn

- Trong tháng 9/2013, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh đạt trên 75,04 triệu USD. Hàng xuất khẩu gồm: Thanh long, chuối, cau quả khô, lạc nhân, dưa hấu, thạch dừa, nấm sấy khô, gỗ mỹ nghệ, chổi chít, thảo quả... Hàng nhập khẩu gồm: Táo, cam, lê, quýt, dưa vàng, hành tây, tỏi, hành củ, hàng dệt may, hàng tiêu dùng... Đáng chú ý là hiện nay, phía Trung Quốc vẫn hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam như lạc, đỗ…

- Trong tháng 9/2013, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam đạt trên 14,41 triệu USD, giảm so với tháng trước. Hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, thủy hải sản (dừa quả, măng cụt, vải, khoai lang, lươn, cua…). Hàng nhập khẩu chủ yếu gồm các loại máy công cụ cầm tay và mặt hàng tiêu dùng.

- Đầu tháng 10/2013, xuất khẩu quả thanh long qua cửa khẩu Tân Thanh giảm mạnh so với tháng 9/2013 do trước Quốc khánh Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tập trung nhập hàng để bán nhân dịp lễ. Sau Quốc khánh, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc giảm nên lượng nhập của Trung Quốc cũng giảm mạnh. Hiện nay, mặt hàng thanh long của Việt Nam đang vụ rộ, giá thành quả thanh long vẫn khá cao, giá thu mua tại vườn loại 0,5 kg/quả khoảng 28 - 30 nghìn/kg.

Lai Châu

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2013 qua các cửa khẩu biên giới tỉnh Lai Châu đạt trên 12,4 triệu USD; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sắn khô thái lát, quả chuối, thảo quả... Trong 9 tháng đầu năm không có hàng hóa xuất khẩu mậu dịch qua các cửa khẩu của tỉnh Lai Châu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt trên 11,7 triệu USD; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thiết bị thủy điện, vải phin, dép nhựa...

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Xuất khẩu nông sản hàng hóa qua các cửa khẩu phía Bắc: Cần chủ động thực hiện cam kết theo hợp đồng

Từ nay đến cuối năm là thời kỳ cao điểm hàng hóa nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu phía Bắc trong đó có cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu thuận lợi, các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn đã có nhiều biện pháp chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện thông quan hàng hóa thuận lợi và đảm bảo an ninh trật tự khu vực cửa khẩu.

Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định không dừng xe kiểm soát hoặc gây cản trở đối với các xe chở trái cây xuất khẩu khi xe đảm bảo các yếu tố an toàn kỹ thuật, đồng thời khuyến cáo đối với doanh nghiệp và lái xe trong quá trình vận chuyển hàng nông sản là trái cây lên cửa khẩu có hiện tượng dừng, chặn xe không đúng quy định cần phản ánh ngay để các ngành chức năng xử lý. Các tỉnh, các doanh nghiệp có trái cây xuất khẩu khi vào vụ thu hoạch, mỗi ngày chỉ nên đưa khoảng 250 xe để tránh xảy ra tình trạng ách tắc. Đặc biệt, Sở Công Thương các tỉnh và hiệp hội các ngành hàng các địa phương cũng cần khuyến cáo doanh nghiệp không dồn dập đưa hàng lên trong những ngày phía Trung Quốc nghỉ lễ, nghỉ Tết. Về việc hợp tác với phía Trung Quốc, có thể tới 9 - 10 giờ đêm khi khối lượng hàng hóa vận chuyển lên cửa khẩu vượt quá năng lực bến bãi của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Để việc thông quan hàng hóa nhanh chóng, Cục Hải quan Lạng Sơn đã tăng cường lực lượng, chỉ đạo Chi cục Hải quan Tân Thanh làm thêm giờ, đặc biệt là tạo điều kiện làm thủ tục nhanh chóng nhất để xuất khẩu các loại hàng hóa tươi sống, tránh tình trạng hàng hóa tồn đọng lâu ngày dẫn tới hư hỏng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Hiện tại mỗi bộ hồ sơ khai hải quan chỉ mất từ 5 - 10 phút là hoàn thành; trung bình mỗi ngày Chi cục Hải quan Tân Thanh có thể làm thủ tục cho khoảng trên dưới 250 xe hàng xuất khẩu các loại.

Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hàng nông sản được xuất khẩu, nhưng thực tế việc buôn bán này vẫn còn nhiều rủi ro do đây là quan hệ thương mại biên giới. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thực hiện các cam kết theo các quy định chặt chẽ của hợp đồng kinh tế.

((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện))