Thông tin giá cả thị trường tuần từ 02/06/2014 đến 06/06/2014

04:13 PM 02/06/2014 |   Lượt xem: 2823 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Nghịch lý: Xoài được mùa, mất giá,     doanh nghiệp thiếu nguyên liệu

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ, hiện toàn vùng trồng khoảng 41.000 héc-ta xoài các loại với sản lượng tương đương 420.000 tấn. Trong đó, xoài cát Chu, cát Hòa Lộc chiếm gần 40% diện tích và được trồng chủ yếu ở 2 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang.

Nông dân được mùa, mất giá

Chủ một nhà vườn ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngay từ đầu vụ, thương lái đến tận vườn mua xoài cát Hòa Lộc với giá dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/kg; xoài cát Chu cũng đứng ở mức từ 13.000 - 14.000 đồng/kg. Nhiều chủ vựa còn thu mua cả xoài non với cùng mức giá như xoài già để bán lại cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khi phía Trung Quốc ngừng mua thì giá xoài “rơi tự do” xuống còn 4.000 đồng/kg xoài cát Chu và 8.000 đồng/kg xoài cát Hòa Lộc có bao trái... Theo thương lái, có nhiều nguyên nhân tác động khiến giá xoài giảm. Thứ nhất là do vào chính vụ thu hoạch, xoài từ miền Tây và các tỉnh, thành khác đưa về khá nhiều, nhiều vùng được mùa xoài nên nguồn cung nhiều. Thứ hai, hiện nay xoài ba mùa xuất khẩu sang Trung Quốc rất chậm, đầu ra tương đối khó khăn. Thứ ba, do giá cước vận chuyển tăng cao nên thương lái đã hạ giá thu mua để bù chi phí vận chuyển. Vụ xoài năm nay giá giảm mạnh khiến nhiều nhà vườn miền Tây Nam Bộ thất thu nặng. “Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên xoài ra hoa và đậu trái thấp. Trong khi đó, dịch bệnh trên xoài diễn ra nhiều nên nông dân gánh nặng chi phí sản xuất. Nếu giá xoài ổn định ở mức 20.000 đồng/kg thì nhà vườn mới hy vọng có lãi” - một chủ vựa ở Đồng Tháp cho biết. Tại Tịnh Biên, An Giang, nhiều nhà vườn bỏ trái chín vàng cây, rụng đầy dưới đất do thương lái không mua. Thậm chí, tình trạng thương lái ép giá nông dân mỗi khi vào chính vụ đã trở thành một thông lệ.

Doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu

Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 9 chủ vựa lớn và 7 công ty chuyên xuất khẩu xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu. Điều nghịch lý là trong lúc xoài rớt giá và khó tìm nơi tiêu thụ thì các DN lại lo thiếu nguyên liệu chế biến. Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải cho biết, các DN đang phân khúc thị trường để tiêu thụ hết lượng xoài tại các vườn ở cả 3 vụ/năm. Cụ thể, xoài được thu hoạch trong mùa nghịch có lượng đường thấp thì DN xuất sang châu Âu, ngược lại thì chuyển sang Nhật. Tuy nhiên, ông Liêm cho rằng với tập quán ủ trái như hiện nay của nông dân thì không bảo đảm về mẫu mã cũng như chất lượng để xuất khẩu. “Hiện thị trường tiêu thụ trên thế giới còn rất lớn nhưng chúng tôi không có đủ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Do đó giữa nông dân và DN phải có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ nhằm tránh tình trạng có cầu mà lại thiếu cung” - ông Liêm chia sẻ. Các thương lái chuyên thu mua xoài xuất khẩu cũng cho rằng, sản lượng xoài hiện nay vẫn chưa đủ so với nhu cầu xuất khẩu do khâu bảo quản và ý thức của bà con còn yếu. Ngay cả việc nhà vườn hái hết cả xoài già lẫn xoài non bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc như thời gian qua cũng sẽ làm nhiều DN lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng. Thậm chí có nhiều DN, chủ vựa đã giải thích thiệt hơn mà người trồng vẫn hái xoài non để bán. Trong đó, trái xoài cát Chu đang được thị trường ưa chuộng và có thể vượt qua cả xoài Thái Lan nhưng cũng nằm trong tình trạng chung này.  

box: Các nhà quản lý cho rằng, để việc tiêu thụ được thuận lợi thì DN và nông dân phải được gắn kết nhau trong chuỗi giá trị gia tăng. Các DN nên tìm giải pháp trực tiếp ký hợp đồng với người trồng xoài để giảm bớt chi phí ở các khâu trung gian. Nếu làm được việc này thì nhà vườn không phải chịu cảnh thương lái ép giá giống như lúa gạo. PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cũng cho rằng việc sản xuất và tiêu thụ xoài hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Một trong những mục tiêu đặt ra là phải giảm lệ thuộc vào Trung Quốc vì thị trường này hiện chiếm hơn 34% sản lượng xoài xuất khẩu. Do đó, cần khai thác tối đa thị trường nội địa, nhất là tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như xoài sấy dẻo và nước ép xoài.

MUA GÌ?

Kiên Giang:  Giá tôm nuôi giảm nhưng vẫn cao

Năm nay, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 89.000 héc-ta tôm nước lợ. Hiện nhiều địa phương đã bước vào thu hoạch tôm nuôi chính vụ, năng suất đạt khá cao, cộng với giá tôm ở mức cao nên nông dân rất phấn khởi. Tại các huyện vùng U Minh Thượng (vùng quy hoạch nuôi tôm - lúa chính của tỉnh), nông dân đã vào vụ thu hoạch cả tháng nay và hiện đang là đỉnh điểm, sản lượng khá dồi dào. Nhờ đó, tình hình khan hiếm tôm nguyên liệu phục vụ chế biến ở các nhà máy cũng đã giảm, kéo theo sự hạ nhiệt của giá tôm. Cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng hiện ở mức 100.000 đồng/kg đối với loại 100 con/kg, loại 60 con 125.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với cách đây 10 ngày. Giá tôm sú cũng lần lượt giảm từ 5.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại, so với cách đây hơn 1 tuần giá chỉ còn 280.000 đồng/kg loại 20 con, loại 40 con 225.000 đồng/kg. Đây là mức giá tại nhà máy, còn tại vùng nuôi giá tôm sú loại 40 con có lúc xuống dưới 200.000 đồng/kg, thẻ chân trắng 98.000 đồng/kg loại 100 con. Trong khi tôm thẻ giảm đều ở tất cả các cỡ thì tôm sú lại chỉ giảm mạnh đối với cỡ lớn, loại 15 - 20 con/kg. Mặc dù giá đang biến động theo chiều hướng giảm nhưng theo nhiều nông dân nuôi tôm thì mức giá hiện tại vẫn rất hấp dẫn người nuôi. So với cùng kỳ năm ngoái, mức giá bình quân vẫn tăng từ 9 - 33%.

Vải thiều cho thu hoạch sớm

Giới thương lái kinh doanh vải thiều cho biết, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã bắt đầu vào vụ vải sớm, chủ yếu là giống vải u trứng, u hồng, tàu lai với giá thu mua tại vườn từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ 2013 khoảng 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản lượng vải sớm cũng không nhiều, ước đạt hơn 30.000 tấn, chiếm 1/4 tổng sản lượng vải năm 2014 ở 2 tỉnh trên. Các chủ vườn vải cũng cho biết, vải thiều chính vụ năm nay sẽ cho thu hoạch muộn hơn từ 15 - 20 ngày (dự kiến vào trung tuần tháng 6) do thời tiết rét đậm, rét hại vào thời điểm vải chuẩn bị ra hoa. Tuy nhiên, các tỉnh trồng nhiều vải thiều như Bắc Giang, Hải Dương đều ước tính sản lượng vải thiều năm nay sẽ cao hơn năm trước do thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh. Hiện các thương lái đã bắt đầu đặt hàng trước tại các diện tích trồng vải thiều VietGAP, trong đó có cả thương lái nước ngoài.

Sầu riêng được mùa, giá ổn định 

Sầu riêng được xác định là 1 trong 11 loại cây ăn trái chủ lực của ĐBSCL. Hiện toàn vùng có trên 11.000 héc-ta diện tích trồng sầu riêng, tập trung nhiều ở tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Sầu riêng trồng được 4 năm bắt đầu cho thu hoạch và từ 5 - 6 năm cho năng suất ổn định ở mức 30 - 40 tấn/héc-ta. Các giống sầu riêng chất lượng cao như Ri6, Ngũ Hiệp, Mong Thong... đang được thương lái mua tại vườn với giá từ 22.000 đến 23.000 đồng/kg. Mỗi héc-ta sầu riêng vẫn cho thu 300 - 400 triệu đồng.

Tiền Giang: Ca cao tăng giá mạnh 

Sau thời gian rớt giá, nhiều hộ trồng ca cao ở Tiền Giang cũng như nhiều tỉnh khác không đầu tư chăm sóc dẫn đến năng suất kém, nhiều hộ còn đốn bỏ ca cao chuyển sang trồng những loại cây trồng khác. Và hiện nay ca cao đang khan hàng, giá bắt đầu tăng mạnh trở lại. Ca cao khô lên men từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, ca cao tươi dao động từ 4.500 - 4.800 đồng/kg tùy loại trái. Sau khi trừ các chi phí thì mỗi héc-ta ca cao trồng xen dừa cho nông dân thu nhập trên 20 triệu đồng/năm. Hiện nhu cầu sô-cô-la thế giới tiếp tục tăng, dẫn đến nguồn cung không đáp ứng kịp. Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có trên 2.000 héc-ta ca cao trồng xen vườn dừa tập trung tại các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Tân Phú Đông. Nếu chăm sóc tốt, ca cao có thể đạt năng suất khoảng 600 kg hạt khô/héc-ta, tương đương 6 tấn trái tươi/héc-ta/năm.

Giá một số mặt hàng thủy hải sản trong tuần

Tại Đắk Lắk
Mặt hàng
Giá (đồng/kg)
Cá trắm
43.000 
cá trôi
38.000 
Cá trê lai
32.000 
Cá điêu hồng
50.000 
Cá lóc
73.000 
Tôm đất
148.000 
Cua thịt
290.000
 
Tại Vĩnh Long
Mặt hàng
Giá (đồng/kg)
Cá trê lai 
32.000 
Cá rô nuôi
43.000 
Cá điêu hồng
33.000 
Cá tra thịt trắng
23.000 
Cá lóc nuôi
48.000 
Tôm càng xanh
350.000 
 
Tại Đồng Tháp
Mặt hàng
Giá (đồng/kg)
Cá quả
130.000
Cá chép, trắm
38.000
Cá biển L4
35.000
Cá thu
130.000
Cá basa
80.000
Tôm (40 con/kg)
180.000

BÁN GÌ?

Hỗ trợ Kiên Giang phòng, chống dịch  bệnh tôm nuôi

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 30 tấn hóa chất sát trùng Chlorine thuộc hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Kiên Giang phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.

Thời gian gần đây, do điều kiện thời tiết, môi trường không thuận lợi làm cho dịch bệnh trên tôm phát sinh và gây thiệt hại đáng kể cho các hộ nuôi thả tại một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi được 86.442 héc-ta. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm, chủ yếu nuôi công nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên đã bị thiệt hại 72,27  héc-ta, chiếm tỷ lệ 7,2% diện tích. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh đốm trắng và hoạt tử gan tụy, thiệt hại gần như 100% (do tôm khoảng 1 tháng tuổi nên không thu hoạch được gì). 
Đồng Tháp: Trồng mè (vừng) lãi khá

Hiện nay, nông dân tỉnh Đồng Tháp đang tiến hành thu hoạch mè (vừng) trồng trên đất lúa vụ hè thu với năng suất đạt từ 1,5 - 2 tấn/héc-ta. Giá mè thời gian qua đã tăng thêm từ  3.000 – 4.000 đồng, lên mức 45.000 đồng/kg, với mức giá này nông dân lãi ròng từ 50 - 70 triệu đồng/héc-ta. Tại huyện Cao Lãnh, thương lái vào tận ruộng đặt cọc trước, chờ thu hoạch xong là đến cân ngay. Bà con nông dân cũng phấn khởi do năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất mè khá cao. Vả lại, trồng mè không tốn nhiều công chăm sóc như các loại rau màu khác, chi phí đầu tư cũng chỉ tương đương với trồng lúa nhưng lãi cao gấp 3 - 4 lần. Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, tiến hành đốt hết rơm rạ rồi bơm nước lên ngâm 1 - 2 ngày là có thể gieo sạ mè. Chi phí giống, phân bón, chăm sóc khoảng 1 triệu đồng/công; nhân công thu hoạch khoảng 800.000 – 900.000 đồng/công. 

Trà Vinh: Bà con chuyển sang trồng cam sành

Bất chấp sự vận động, khuyến cáo của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay nhiều hộ dân ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh tiếp tục đổ xô lên liếp trên đất lúa để trồng cây cam sành. Hiện toàn huyện có hơn 300 hộ nông dân chuyển đổi trên 250 héc-ta đất trồng lúa sang trồng cây cam sành. Đây chỉ là con số khảo sát sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, còn trên thực con số diện tích đất trồng cam sành trên đất lúa lớn hơn rất nhiều. Trong đó, xã Thông Hòa là địa phương đi đầu trong huyện, với 170 hộ nông dân đã chuyển 102 héc-ta đất trồng lúa sang trồng cam sành.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nguồn lợi nhuận từ cây cam sành mang lại trong 2 năm vừa qua cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa 3 vụ trong năm trên cùng một diện tích. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người chuyên cam sành từ các tỉnh khác đến thuê đất, hoặc mua vườn cam non chưa cho trái với giá cao. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cam sành một cách tự phát sẽ phá vỡ quy hoạch vùng lúa chất lượng cao và cánh đồng lớn của địa phương.               
                                      
Giá cá tra đang giảm 

Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho biết, giá cá tra đang giảm liên tục xuống mức khoảng 24.000 đồng/kg, có nơi chỉ còn 23.000 đồng/kg, giảm từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so thời điểm tháng 4/2014. Với giá này người nuôi hầu như không có lãi, sau khi trừ chi phí. Có nhiều nguyên nhân khiến giá cá tra giảm, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố lại kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 giai đoạn từ ngày 1/8/2011 đến 31/7/2012 (POR 9) đối với sản phẩm philê cá tra đông lạnh nhập từ Việt Nam.  Ngoài Công ty Vĩnh Hoàn được giảm thuế từ 0,03 đô-la Mỹ/kg xuống còn 0 đô-la Mỹ/kg, thì các công ty bị đơn tự nguyện khác đều tăng mức thuế từ 0,42 đô-la Mỹ/kg lên mức 1,2 đô-la Mỹ/kg.
Gốm sứ xây dựng đồng loạt tăng giá do chi phí vận tải

Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn với gần 100 doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh để đi đến thống nhất tăng giá đồng loạt trên toàn quốc. Theo đó, mỗi mét vuông gạch ốp lát và sứ vệ sinh sẽ tăng khoảng 15 - 20% so với trước do phải đáp ứng chi phí vận tải từ việc cân tải trọng xe. Những mặt hàng đầu tiên công bố điều chỉnh giá bán là gạch ốp lát – cotto, bắt đầu tăng từ ngày 20/4. Các đại lý, cửa hàng tiêu thụ gạch ốp lát và sứ vệ sinh trong toàn quốc cũng  điều chỉnh giá bán cho phù hợp với chi phí tăng lên. Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xi măng, sắt thép… cũng đang tính đến chuyện điều chỉnh giá. Hiện, hầu hết các đại lý, nhà phân phối xi măng, sắt thép, gạch ốp lát ở Hà Nội đều đã thông báo giá bán lẻ cao hơn trước từ 5 - 10%.

LƯU Ý, CẢNH BÁO

 Để con tôm không “khát” nước 

Với tiềm năng và lợi thế về bờ biển dài, độ mặn phù hợp, những năm qua, các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là con tôm. Hiện diện tích NTTS  toàn vùng đạt xấp xỉ 34.000 héc-ta, mỗi năm cho thu hoạch hơn 180.000 tấn sản phẩm. Trong đó riêng diện tích tôm nuôi chiếm gần 50%, sản lượng đạt trên 51.000 tấn. Thế nhưng đợt nắng nóng kéo dài đã khiến vùng nuôi tôm tại nhiều địa phương thiệt hại nặng. Do đó, bà con cần thực hiện các biện pháp quản lý ao tôm hiệu quả.

 Người nuôi tôm gặp khó

Thời tiết nắng nóng làm môi trường ao nuôi tôm nước lợ dễ biến đổi đột ngột, nhất là yếu tố pH và nhiệt độ nước từ đó làm tôm nuôi bị sốc môi trường, sức khỏe yếu và rất dễ bùng phát dịch bệnh. Nắng nóng còn làm nước ao tôm bốc hơi nhanh, độ mặn trong ao cũng tăng theo, tôm dễ phát sinh bệnh hoại tử gan tụy. Bên cạnh đó, nắng nóng cùng với độ mặn tăng cao làm các loại cây cỏ thủy sinh trong ao tôm bị chết và phân hủy nhanh là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, kéo theo sự biến đổi về độ trong của nước trong ao. Tảo xuất hiện với mật độ dày cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng do thiếu ô-xy, nếu nặng sẽ chết hàng loạt. Nước trong vuông nuôi cạn cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi pH của môi trường nuôi. Những yếu tố môi trường ao nuôi tôm càng thay đổi đột ngột hơn khi xuất hiện những cơn mưa trái vụ hay mưa đầu mùa với lưu lượng nước lớn dẫn đến hiện tượng tôm yếu bị chết đột ngột, mất khả năng đề kháng và dễ mắc bệnh.

Chỉ mới sau 2 tháng thả nuôi, đã có gần 70 héc-ta tôm ở Quỳnh Lưu, Hoàng Mai (Nghệ An) bị chết hàng loạt. Tính mức thấp nhất, cũng đã thiệt hại đến gần 10 tỷ đồng, cộng với kinh phí tái đầu tư cũng xấp xỉ con số này. Thậm chí các mô hình nuôi tôm theo hướng VietGap của tổ nuôi tôm cộng đồng gồm 20 hộ tại phường Quỳnh Xuân cũng gần như bị xóa sổ. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn một cách đồng bộ, dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng... Thừa Thiên - Huế nắng nóng và mưa dông kéo dài những ngày qua là điều kiện thuận lợi để các ký sinh trùng sinh sôi nảy nở, gây bùng phát dịch bệnh đốm trắng trên tôm sú nuôi nước lợ. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 8 triệu con tôm giống (từ 40 đến 50 ngày tuổi) được nuôi ở các địa phương bị chết mà nguyên nhân chính là do nắng nóng làm bùng phát dịch bệnh. Trong đó, phần lớn diện tích nuôi tôm bị chết tập trung ở các xã Vinh Thanh; Phú Xuân, huyện Phú Vang (30 héc-ta) và huyện Phú Lộc (20 héc-ta) khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh khốn đốn do tôm chết gây thiệt hại từ 100 đến 120 triệu đồng. Còn tại phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) trên địa bàn có 356 hộ nuôi tôm với 470 héc-ta đìa (ao), nhưng chỉ trong vụ 1 (từ tháng 3 đến nay) đã có 160 hộ bị thiệt hại với 215 héc-ta đìa tôm thẻ chân trắng bị chết. Ông Ngô Duy Thoại, Cán bộ quản lý Nông nghiệp phường Ninh Hà cho biết: “Kết quả xét nghiệm cho biết tôm trên địa bàn phường chết nhiều là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nước hồ bốc hơi… trong khi bà con không có ao lắng, xử lý nước trong đìa thấp, lấy nước ở ngoài vào bị sốc nên tôm chết, chứ không phải do dịch bệnh”.

Cần tuân thủ quy tắc quản lý ao tôm

Bà con cần xây dựng ao lắng riêng, chủ động được nguồn nước và xử lý nước trước khi lấy vào ao nhằm tạo các yếu tố môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của tôm cũng như hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài. Đồng thời, cần chủ động duy trì mực nước trong ao (trên 1,2m) để hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nắng nóng. Thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ bao sau mỗi vụ nuôi để tránh tình trạng nước rò rỉ từ ngoài vào hay từ ao này sang ao khác. Nếu nước trong ao tôm có màu đậm, pH cao cần lập tức tiến hành thay 20% lượng nước hoặc cấp thêm nước vào ao nuôi thông qua ao lắng. Vào mùa nắng nóng, khi thấy có dấu hiệu mưa trái mùa, cần rải vôi xung quanh ao tôm với liều lượng 10 - 15kg/100m2 để hạn chế phèn rửa trôi xuống ao nuôi. Bà con nên cấp nước từ từ, khoảng 20 - 30% lượng nước trong ao, cấp vào lúc trời mát, khoảng sau 19 giờ tối, cấp nước cần qua ao lắng và xử lý. Nên sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi. Sau những trận mưa, bà con phải kiểm tra các yếu tố môi trường trong vuông nuôi, để có những biện pháp khắc phục kịp thời, xả bớt lớp nước mặt, hay dùng quạt, xuồng máy chạy đảo trong vuông để phá vỡ sự phân tầng nhiệt độ nước. Bà con cần thả nuôi tôm với mật độ vừa phải. Về phía các nhà quản lý, cần có biện pháp tích cực hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm an toàn sạch bệnh cho người dân, từ  nghiên cứu đổi mới công nghệ (sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch và bảo quản...), đến tập huấn các quy trình sản xuất mới, hiện đại giúp bà con tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và không gây tổn hại tới môi trường, cuối cùng là tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm... 

Với tất cả những nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân địa phương, nghề nuôi tôm của vùng duyên hải miền Trung nhất định đạt được mục tiêu phát triển bền vững, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng trong lĩnh vực thủy sản Việt Nam. 

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Xây dựng thương hiệu mật ong "Miền Tây Quảng Bình":
 

Còn nhiều khó khăn

 
Với phần lớn diện tích tự nhiên của hai huyện là rừng, huyện Minh Hóa hơn 100 nghìn héc-ta (chiếm 75,7%) và Tuyên Hóa khoảng 80 nghìn héc-ta (chiếm 72%). Trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên có độ che phủ cao với hệ thực vật đa dạng, nguồn hoa phong phú, đây là một tiềm năng rất lớn, thuận lợi cho sự phát triển của nghề nuôi ong lấy mật.
 
Trước đây đa số người dân nuôi theo kiểu tự phát, năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Từ năm 1997, được sự hỗ trợ từ dự án An toàn lương thực do chính phủ Đức tài trợ, nhiều hộ gia đình nuôi ong chuyển sang phương pháp nuôi ong cải tiến, năng suất và chất lượng được nâng cao rõ rệt. Hội nuôi ong ở hai huyện cũng được thành lập, các thành viên trong hội giúp nhau truyền nghề, làm chủ kỹ thuật nuôi ong. Đến nay, cả hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa có hơn 1.000 hộ nuôi ong ổn định, năng suất hằng năm khoảng 60 tấn mật, có hộ thu nhập vài ba trăm triệu đồng/năm. 

Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD – trụ sở đóng tại Tuyên Hóa) đã phối hợp với Hội Nuôi ong của hai huyện xây dựng thương hiệu mật ong “Miền Tây Quảng Bình”. Các thủ tục đã được tiến hành, sắp tới CIRD sẽ thành lập tổ hợp tác dịch vụ cung ứng mật ong để thúc đẩy quá trình xây dựng và quảng bá thương hiệu, giá trị đặc sản của sản phẩm mật ong ở hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Tuy nhiên, khi đã được công nhận thương hiệu, bắt buộc người sản xuất phải liên kết để tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng sản phẩm, phải có đủ số lượng cung ứng liên tục cho thị trường. Trong khi ở Tuyên Hóa và Minh Hóa vẫn còn rất nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa tập trung, “non” tay nghề. Bên cạnh đó, để khẳng định được một thương hiệu cần thời gian, bởi vậy chi phí tốn kém, dài hơi cho quảng bá, tuyên truyền cũng dễ khiến người nuôi nhụt chí. 

Theo thống kê, cả nước ta mỗi năm xuất khẩu khoảng 30 nghìn tấn mật ong ra thị trường nước ngoài chủ yếu là châu Mỹ và châu Âu, chiếm 85% tổng lượng sản xuất. Nhưng yêu cầu của các đối tượng khách hàng này rất khắt khe. Để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường này, người nuôi ong cần phải đầu tư máy móc, áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, khép kín từ khâu: Nuôi dưỡng, khai thác đến vận chuyển, sơ chế, bảo quản, xuất khẩu... Đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với các hộ nuôi ong, phần lớn còn ở quy mô nhỏ lẻ như hiện nay. 
 
Kim Bôi (Hòa Bình): Dưa được giá
 
Thời tiết lúc trồng không mấy thuận lợi, năng suất dưa hấu, dưa bở không cao như mọi năm nhưng bù lại tình hình thị trường, giá cả lại ổn định suốt từ đầu đến cuối vụ nên người trồng dưa hấu, dưa bở trên địa bàn huyện Kim Bôi rất phấn khởi. 

Hiện đã ở vào thời điểm cuối vụ nhưng suốt dọc tuyến đường trải dài từ các xã Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Vĩnh Đồng đến Hợp Kim, Nam Thượng, Cuối Hạ, Sào Báy, Mỵ Hòa… vẫn còn hàng trăm điểm tập kết, buôn bán dưa bở, dưa hấu. Nông dân trồng dưa trên đất ruộng, đất bãi vẫn tiếp tục thu hái những lứa dưa kỳ cuối. Bà con nông dân cho biết, do mưa vào lúc dưa đang ra hoa, đậu quả nên tỷ lệ đậu giảm, sản lượng thu đạt thấp (chỉ đạt khoảng 70% so với các năm trước). Tuy nhiên, nhờ chủ động trong quá trình thu hoạch, theo dõi sát sao tình hình thời tiết nên diện tích dưa ở vùng này không bị ảnh hưởng đáng kể, kể cả khi phải trải qua 2 đợt mưa to, lốc xoáy tại địa bàn. Tuy các lứa quả không vượt trội so với mọi năm nhưng ở vụ dưa năm nay, cỡ quả có sự đồng đều, chất lượng lại không hề thua kém. Do vậy mà dưa hấu, dưa bở Kim Bôi tiếp tục được thị trường ưa chuộng bởi màu sắc tươi đỏ, vị ngọt đậm của dưa hấu và độ bở, ngọt mát của dưa bở vốn thích hợp trồng trên đồng đất nơi đây. Theo Phòng NN & PTNT huyện Kim Bôi, vụ này toàn huyện trồng gần 127 héc-ta dưa hấu và 131,5 héc-ta dưa bở, diện tích trồng dưa giảm chừng dăm chục héc-ta so với các vụ trước. Các xã đứng đầu về diện tích vụ dưa vẫn là Nam Thượng, Hợp Kim, Sào Báy, Mỵ Hòa, Vĩnh Tiến… Về năng suất vụ này qua kiểm tra thực tế và phản ánh của người trồng thì đối với dưa hấu chỉ đạt trên, dưới 17 tấn/héc-ta, dưa bở đạt 15 – 17 tấn/héc-ta. Đang thời điểm nắng nóng nên giá dưa hấu bán tại ruộng từ 8.000 - 12.000 đồng/kg tùy loại, dưa bở giá 5.000 – 6.000 đồng/kg. So sánh với các vụ dưa năm 2012, 2013, dưa tiêu thụ chậm, giá dưa bở có lúc chỉ 500 – 1.000 đồng/kg, nhiều nhà trồng dưa rơi vào tình cảnh phải đem dưa làm thức ăn cho gia súc… thì vụ này, người trồng dưa được lợi hơn.

 Năng suất không cao nhưng giá trị kinh tế khá đã tạo động lực để nông dân các xã trên địa bàn huyện hăng hái, khẩn trương tận thu sản lượng dưa và chuẩn bị bước vào sản xuất vụ tiếp theo. 
 
Chuyển động thị trường  

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Khánh Hòa: Vật liệu xây dựng đua nhau tăng giá 
 
Việc lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra tải trọng xe trên đường không chỉ đẩy giá cước vận tải hàng hóa tăng mà còn làm thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) tại Khánh Hòa biến động.
 
Từ đầu tháng 5 đến nay, các loại VLXD như sắt, thép, xi măng, gạch, cát... liên tục tăng giá. Nếu như đầu tháng, giá mỗi viên gạch ống tuynen chỉ đứng ở mức 500 - 600 đồng/viên thì nay đã tăng lên 800 - 1.100 đồng/viên. Xi măng trong nước như Nghi Sơn từ 1,6 triệu đồng/tấn tăng lên hơn 1,7 triệu đồng/tấn, Hoàng Thạch từ 1,5 triệu đồng/tấn lên hơn 1,6 triệu đồng/tấn; xi măng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia cũng tăng từ 165.000 đồng lên 180.000 đồng/bao loại 40kg. Sắt thép tăng khoảng 100 - 150 đồng/kg tùy hãng. Gạch men của các hãng như Đồng Tâm, Hoàng Gia, Bạch Mã... đều tăng giá lên 12 - 18%. Điều đáng nói, không chỉ biến động về giá cả mà trên thị trường hiện đang có dấu hiệu thiếu mặt hàng gạch ống và cát xây dựng.

Theo một số DN trên địa bàn, từ đầu năm, giá các mặt hàng VLXD đã âm ỷ tăng do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng để tái tạo sản xuất. Thứ hai là chi phí nhân công tăng và xăng dầu tăng giá. Tuy nhiên, giới kinh doanh VLXD vẫn cố xoay sở, không dám tăng giá thành nhanh, mức tăng chỉ dao động từ 3 - 4%. Từ cuối tháng 4, khi lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra tải trọng xe trên đường đã khiến các doanh nghiệp, chủ xe đồng loạt tăng giá cước vận tải hàng hóa. Trước đây, cước vận chuyển hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang chỉ 800.000 đồng/tấn, nay tăng lên 1 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế VAT). Để bù vào cước vận chuyển, DN phải tăng giá bán. 

Giá VLXD tăng không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn tác động mạnh đến từng dự án, công trình và cả thị trường bất động sản nói chung. 

Theo nhận định của giới kinh doanh VLXD, mật độ xây dựng trên địa bàn đã tăng 15 - 20% so với đầu năm. Đó là chưa kể dự án mở rộng Quốc lộ 1A cũng là cơ hội để thị trường và nhu cầu xây dựng tiếp tục tăng mạnh. Vì vậy, sự biến động giá nguyên vật liệu so với dự toán đang tạo ra một sức ép đáng kể lên người dân có nhu cầu xây dựng nhà cửa cũng như các nhà thầu, nhà đầu tư các dự án, công trình lớn.  
 
270 tấn củ quả Trung Quốc bị cảnh báo chất lượng

Cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản Việt Nam (Nafiqad) thông báo 17 lô hàng từ Trung Quốc có dư lượng chất bảo vệ thực phẩm vượt quy định. Tổng số lượng hàng hóa bị giữ để điều tra là 270 tấn, bao gồm 6 tấn chanh tươi, 20 tấn nho tươi, 15 tấn hồng, 40 tấn táo, 126 tấn quýt tươi, 9 tấn cam tươi, 10 tấn củ cải trắng, 54 tấn cà rốt, có nguồn gốc từ Thượng Hải, Vân Nam và Quảng Tây. Theo Nafiqad, những lô hàng củ quả trên có dư lượng chất Carbendazim, Difenoconazole, Thiophanate Methyl, Propargite vượt mức quy định. Đây đều là những chất được dùng để trừ diệt nấm, côn trùng và bảo quản trái cây trong thời gian dài. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nếu dùng vượt quá mức cho phép sẽ gây ung thư, các chứng bệnh về tim, gan, thận, hệ thần kinh hoặc vô sinh. Nhằm tránh tái diễn tình trạng nêu trên và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, Nafiqad đã có văn bản đề nghị Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu thông báo cho các cơ quan chức năng phía Trung Quốc điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc lô hàng bị cảnh báo và áp dụng biện pháp khắc phục, sớm thông báo kết quả thực hiện tới phía Việt Nam. 
 
Lý Sơn (Quảng Ngãi): Được mùa hành tím 

Mỗi năm nông dân Lý Sơn canh tác 3 vụ hành, 1 vụ tỏi. Vụ tỏi đông xuân vừa qua hầu như không có lãi nên nông dân đặt nhiều kỳ vọng vào mùa hành đầu tiên trong năm nay – vụ “hành tưới nước”. Tuy nhiên, được mùa được giá mà người trồng vẫn không vui. Có hộ gia đình thu hoạch tới 500 - 600 kg hành/sào nhưng kết quả thu được vẫn chỉ hòa vốn, không có lãi. 

Theo bà con nông dân, chi phí giống, phân, thuốc, dầu chạy máy tưới nước mỗi sào vào khoảng 10 triệu đồng. Thu hoạch hành bán giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đồng/kg, tính ra một sào được khoảng 11 triệu đồng. Nhà nào có nhân công không phải thuê người làm thì mỗi sào thu được 1 triệu đồng. Nhưng nhà nào không có người làm, phải đi thuê mướn nhân công thì coi như tiền bán hành không đủ bù đắp chi phí đã bỏ ra. Do chi phí trồng hành ngày một tăng cao, nên dù hành có được mùa, được giá thì cũng khó có lãi như trước đây. Khi trước, sản xuất hành chủ yếu là trồng xuống, tưới nước, bón ít phân là đến ngày hành cho thu hoạch. Chính vì nguyên nhân này mà bà con nông dân Lý Sơn đang chuyển từ trồng hành tím sang trồng các loại cây màu khác như bắp lai, đậu phộng vì chi phí thấp, giá bán ổn định. Trước những khó khăn của bà con nông dân, UBND huyện đảo Lý Sơn đang thực hiện thí điểm mô hình sản xuất hành, tỏi bền vững với nhiều giải pháp canh tác cải tiến. Đồng thời, huyện sẽ tăng cường kiểm soát hành vi giả mạo thương hiệu hành, tỏi Lý Sơn để có biện pháp can thiệp kịp thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân, giữ vững diện tích canh tác hành tỏi của huyện. Tuy nhiên, để có giải pháp hữu hiệu cần phải đầu tư thời gian, kinh phí thỏa đáng.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)