Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 22/5/2015

03:20 PM 27/05/2015 |   Lượt xem: 2421 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Chung tay gỡ khó cho rau củ, quả

Thời gian vừa qua, tình trạng nhiều mặt hàng nông sản của bà con nông dân như hành tím Sóc Trăng, dưa hấu Quảng Nam... gặp khó khăn trong tiêu thụ. Để góp phần “gỡ khó” cho bà con, thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ liên kết chặt hơn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này.
Khó khăn trong thông tin

Là nước có nền kinh tế nông nghiệp, nông sản là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Nông sản Việt không những được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới với kim ngạch lớn.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc tiêu thụ rau quả, trái cây của Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn ở cả trong nước và xuất khẩu. Tình trạng dư thừa hành tím ở Sóc Trăng hay dưa hấu Quảng Nam tắc nghẽn ở cửa khẩu Tân Thanh thời gian qua đã gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân và doanh nghiệp. Ông Lê Văn Ánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: “Rau quả Việt Nam có đặc trưng là mùa vụ ngắn, chỉ rộ lên trong một thời gian nên đòi hỏi tiêu thụ nhanh. Bài học dưa hấu vừa qua vẫn là nỗi ám ảnh cho doanh nghiệp và bà con. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến vụ vải thiều. Bà con nông dân và doanh nghiệp rất e ngại tình trạng như hành tím hay dưa hấu sẽ tiếp tục xảy đến với loại quả này nếu không có những giải pháp tối ưu”.

Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn lớn của công tác tiêu thụ nông sản nói chung và rau quả, trái cây thời gian qua là công tác thông tin còn hạn chế. Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho hay: “Khi biết có tình trạng hành tím ùn ứ trong dân, Bộ Công Thương đã ngay lập tức liên hệ với các địa phương để thống kê lại sản lượng hành tím còn lại trong dân để tìm cách tiêu thụ nhưng hoàn toàn không nhận được phản hồi. Xuống đến địa phương thì họ cũng không mặn mà với việc cung cấp thông tin hay nhận sự trợ giúp mà để doanh nghiệp tự liên hệ với nhau. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với quả dưa hấu. Sự đứt đoạn thông tin chính là hạn chế lớn nhất khiến việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn”.

Liên kết chặt hơn để tiêu thụ nông sản

Để tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản, ông Cao Văn Hóa - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang

cho biết: “Đã có thời gian, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đặt hàng Viettel với yêu cầu duy nhất là họ cung cấp thông tin về mùa vụ, thị trường… nông sản cho Sở nhưng họ không làm được. Thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản, cần sự chung tay của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông để chủ động thông tin thị trường, giúp bà con chủ động được lượng sản xuất và doanh nghiệp chủ động đơn hàng”.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Bộ Công Thương cam kết thời gian tới sẽ có cơ chế cung cấp thông tin dự báo về sản lượng, thị trường để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng quy hoạch diện tích rau quả, trái cây hàng năm và doanh nghiệp chủ động sản lượng sản xuất, xuất khẩu. Liên bộ Công Thương – Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ phối hợp để cung cấp thông tin về những thị trường mới, có tiềm năng mà ta mới ký kết các Hiệp định thương mại để tạo thêm thị trường mới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong xuất khẩu nông sản”.

Box: Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết tâm trong vụ vải 2015 sẽ đảm bảo cơ sở hạ tầng các chợ biên giới, không để xảy ra tình trạng ách tắc, đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm, tránh tổn thất cho bà con nông dân.

MUA GÌ

Đồng bằng sông Cửu Long: Tôm nước lợ giá giảm mạnh

Giá các loại tôm nước lợ như tôm sú và tôm thẻ chân trắng tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL như: Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau… hiện giảm bình quân 20.000 - 30.000 đồng/kg so với tháng trước và đang có mức giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Cụ thể: Tôm sú loại 20 con/kg có giá 250.000 - 255.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 175.000 - 180.000 đồng/kg, loại 40 con/kg khoảng 140.000 đồng/kg. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg giá 125.000 - 130.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá khoảng 110.000 đồng/kg, loại 100 con giá 75.000 - 80.000 đồng/kg. Với giá tôm hiện nay, các hộ dân nuôi tôm rất khó kiếm lời. Giá tôm giảm mạnh do ảnh hưởng bởi nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu nhập khẩu tôm tại nhiều nước chưa tăng. Hiện sản lượng nuôi tôm nước lợ phục vụ xuất khẩu tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới đã phục hồi mạnh sau các đợt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ những năm trước, khiến cung đang có dấu hiệu vượt cầu. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu không lo thiếu hàng, nên chờ đợi giá giảm chưa vội ký hợp đồng.

An Giang: Hành lá được mùa, được giá

Từ đầu năm đến nay, nông dân trồng hành ở huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) phấn khởi vì được mùa, được giá... Giá bán dao động theo từng thời điểm, tăng từ 8.000 lên 16.000 đồng/kg. Nguyên nhân do thị trường hút hàng, nhất là thị trường Campuchia đang tiêu thụ rất mạnh, nên đẩy giá lên cao, lợi nhuận mỗi héc-ta một vụ thu khoảng 150 triệu đồng. Hành là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, thương lái đến thu mua tại nhà nên bà con rất phấn khởi. Toàn huyện hiện có 70 héc-ta hành lá, tập trung ở hai xã Khánh Hòa và Bình Thủy. Từ đầu năm tới nay, hành lá hút hàng, giá cao hơn so với năm trước, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, huyện vẫn khuyến cáo nông dân không nên trồng ồ ạt, mà nên lựa chọn những hoa màu thị trường cần, như vậy mới tránh được rủi ro.

Bình Thuận: Thanh long bán có lãi

Sau một thời gian dài giữ giá thấp trong khoảng từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, vào đầu tuần này, giá thanh long tại Bình Thuận đã tăng khá cao. Thanh long loại 1 xuất khẩu được thương lái mua tại vườn với giá 15.000 đồng/kg; loại 2 giá 14.000 đồng/kg. Theo các thương lái, hiện nay nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc ổn định, mặt khác vào cuối vụ chong đèn, do nguồn hàng ít, nên giá thu mua tại vườn tăng cao.
Với giá như hiện nay, nông dân trồng thanh long có lãi khoảng 60 triệu đồng/héc-ta sau khi trừ chi phí tiền điện, phân thuốc và công chăm sóc.

Bến Tre: Giá dừa khô giảm

Dừa khô đang được nhiều cơ sở và nhà máy chế biến dừa xuất khẩu trong tỉnh Bến Tre thu mua xô ở mức 65.000 - 75.000 đồng/chục (12 trái). Trong khi đó, thương lái đến tận vườn của dân thu mua ở mức khoảng 60.000 đồng/chục (đối với dừa đã bẻ sẵn) và khoảng 55.000 đồng/chục đối với dừa mua dạng xô, thương lái tự bẻ dừa. Giá dừa khô giảm do gần đây đầu ra các sản phẩm dừa xuất khẩu có phần chậm hơn trước nên nhiều tiểu thương và nhiều nhà máy chế biến dừa xuất khẩu trong tỉnh không đẩy mạnh hoạt động thu mua dừa trái. Do có ít tiểu thương đi thu mua, hiện không ít nhà vườn trồng dừa trong tỉnh đang gặp khó trong việc bán dừa.

Sóc Trăng: Ổi rớt giá

Cả ngàn héc-ta trồng ổi tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đang rơi vào tình cảnh rớt giá thê thảm, nhiều nhà vườn bỏ không thu hoạch, thậm chí là chặt bỏ cây vì giá thấp kỷ lục. Tại xã Nhơn Mỹ, với giá được thương lái thu mua chỉ ở mức 400 - 500 đồng mỗi kg như hiện nay, tính ra mỗi tấn trái đẹp chỉ thu về 400.000 đồng, trong khi đó, chi phí thuê người thu hoạch, tiền phân thuốc, công cán, tiền bọc xốp bao trái... thì cao hơn rất nhiều lần. Theo các hộ dân trồng ổi, chưa bao giờ giá ổi trên thị trường lại rớt thê thảm đến mức kỷ lục và kéo dài như năm nay. Thông thường mỗi năm, thị trường cũng có lúc lên lúc xuống, nhưng nhìn chung giá cả không đến mức phải làm cho nhà vườn bỏ trắng cây hay đốn bỏ như lúc này.

BÁN GÌ

Vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang): Nông dân trúng mùa khoai mỡ

Vụ khoai mỡ 2015, nông dân vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, Tiền Giang) xuống giống được 413 héc-ta. Đến đầu tháng 5/2015, bà con đã thu hoạch 350 héc-ta, đạt trên 70% diện tích. Đáng mừng là năm nay, khoai mỡ trúng mùa và giá tiêu thụ khá cao, bà con rất phấn khởi. Hiện giá khoai mỡ dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Đặc biệt, trà khoai thu hoạch sớm vừa qua nông dân bán với giá kỷ lục, trên 10.000 đồng/kg. Với giá trên, sau khi trừ chi phí, bà con lãi từ 30 - 40 triệu đồng/héc-ta. Cây khoai mỡ là một trong những cây trồng chủ lực trên vùng Đồng Tháp Mười nhờ các yếu tố phù hợp thổ nhưỡng, năng suất, sản lượng cao và đầu ra thuận lợi. Huyện đã quy hoạch vùng trồng khoai mỡ tập trung tại các xã bị nhiễm phèn nặng: Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, Hưng Thạnh... nhằm giúp nông dân vùng đất mới khai hoang sớm ổn định đời sống và sản xuất.

Tiền Giang: Cam sành đầu vụ tăng giá mạnh

Các nhà vườn tại Tiền Giang đang rất phấn khởi bởi cam sành đầu vụ được mùa, được giá. Hiện, giá cam sành loại 1 thương lái đang thu mua tại vườn từ 47.000 - 50.000 đồng/kg, giá cam sành loại 2 từ 30.000 - 33.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tiền Giang hiện có trên 5.000 héc-ta trồng cam, trong đó cam sành chiếm khoảng 2/3 tổng diện tích, tập trung tại các địa phương vùng ngập lũ phía tây là Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành... Vụ cam sành thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 7, tháng 8 hàng năm. Vào đầu vụ thu hoạch năm nay, giá cam sành tăng mạnh, lợi nhuận cao. Đây là tiên đề để bà con mạnh dạn chuyển đổi sản xuất theo mô hình lập vườn chuyên canh cam sành, giúp ổn định và nâng cao mức sống cho nhân dân địa phương.

Sóc Trăng: Củ cải trắng tiêu thụ mạnh

Ngoài đặc sản hành tím, Vĩnh Châu còn là nơi nổi tiếng về đặc sản củ cải trắng. Củ cải trắng Vĩnh Châu đa số được bà con sản xuất không nhằm để bán củ tươi mà chỉ dùng để chế biến củ cải muối, gồm củ cải xẻ (chẻ nhỏ ướp muối phơi khô) và xá pấu. Mỗi năm, có thể gieo trồng 2 - 3 vụ củ cải trắng. Tính trung bình một hộ dân có khoảng 1.000 m2 đất trồng củ cải trắng, mỗi vụ sản xuất trên 5 tấn xá pấu, giá bán dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, trừ hết các chi phí còn lời khoảng 8 triệu đồng/công. Đặc biệt, bà con trồng củ cải trắng hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất trừ khi cây bị sâu bệnh nặng nên được nhiều người ưa dùng. Do vậy, củ cải phơi khô và xá pấu Vĩnh Châu hương vị rất nồng, chất lượng thơm ngon, chủ yếu cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Phú Yên: Giá rau câu giảm mạnh

Rau câu đang rớt giá khiến nhiều người trồng rau câu ở các phường Xuân Đài, Xuân Thành (TX Sông Cầu) méo mặt. Còn tại đầm Ô Loan (huyện Tuy An), mặc dù rau câu xuất hiện nhiều nhưng giá quá rẻ nên người dân cũng không màng đi vớt. Hiện nay, giá rau câu phơi khô chỉ 4.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá 13.000 - 15.000 đồng/kg của các năm trước.

Theo nhiều người, trồng rau câu không tốn nhiều chi phí. Đầu vụ, người dân mua rau câu giống mọc từ các hồ nuôi tôm, mỗi bao 100.000 đồng về cấy nuôi; sau khi thu hoạch chừa lại một góc để nhân giống nuôi tiếp vụ sau. Trước đây, nhiều hộ nông dân có hồ nằm trong khu dân cư, nước ô nhiễm, nuôi tôm thất bại nên chuyển sang trồng rau câu, cho thu nhập cao. Trước đây, nông dân thu hoạch, phơi khô rau câu rồi bán cho thương lái ở các tỉnh phía Bắc. Thế nhưng gần đây, giá rau câu xuống thấp khiến bà con nản lòng, không màng đi vớt nữa.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Chưa kiểm soát tốt chất lượng rau, quả

Tại hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, tiềm năng lớn, song chất lượng rau quả của Việt Nam chưa kiếm soát chặt chẽ dẫn đến trình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng vẫn diễn ra phổ biến.
Sản xuất tự do, tiêu thụ tự phát

Hiện cả nước có 845 héc-ta rau các loại, sản lượng khoảng 14,5 triệu tấn. Đối với cây ăn quả, hiện cả nước có khoảng 700 ngàn héc-ta với sản lượng khoảng 7 triệu tấn. Kim gạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5% mỗi năm. Trong 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 488 triệu đô-la Mỹ, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2014. Nhu cầu rau quả thế giới liên tục tăng trong thời gian qua, dẫn tới sản xuất rau quả Việt Nam phát triển mạnh trong giai đoạn 2010 - 2015. Song do nhiều nguyên nhân, khiến nhóm hàng này vẫn gặp nhiều bấp bênh trong sản xuất và tiêu thụ. Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phản ánh: Hiện nay rất nhiều nước đưa ra quy định nghiêm ngặt đối với vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, trong khi rau quả nhiều vùng vẫn lạm dùng thuốc bảo vệ thực vật, nên không đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng. "Tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau, quả vẫn còn phổ biến. Thực trạng trên dẫn tới chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Đây là rào cản lớn nhất đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam” - ông Hồng lưu ý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đánh giá, hiện nay công tác thông tin, kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hữu quan còn yếu. Thực tế là có sự đứt đoạn trong các khẩu xử lý thông tin và khai thác thông tin. Các cơ quan quản lý theo lĩnh vực có đầy đủ thông tin theo lĩnh vực của mình, nhưng cách thức phối hợp khai thác thông tin phục vụ cho công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất chưa hiệu quả đến tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, ách tắc nông sản tại các cửa khẩu...

Cần làm rõ vai trò của chính quyền địa phương

Theo Bộ Công Thương, để đáp ứng nhu cầu rau quả ngày càng gia tăng tại thị trường trong nước và nước ngoài, cần có các giải pháp tổng thể trong: Tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông sản theo hướng hiện đại. Cần ưu tiên đầu tư công nghệ sơ chế bảo quản rau quả tươi với các quy mô khác nhau, đặc biệt chú trọng quy mô vừa và nhỏ. Kết hợp công nghệ bảo quản truyền thống với tiên tiến, hiện đại trong điều kiện nước ta, hình thành hệ thống các xưởng sơ chế đóng gói ngay tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Đồng thời, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật bảo quản rau quả như: sấy chân không, nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến thủ công quy mô nhỏ theo hướng công nghệ tiên tiến, suất đầu tư thấp, chế biến tổng hợp...

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi cũng cần được chú trọng. Trong đó, ban hành các thông tư liên tịch làm rõ sự phân công và cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm củng cố thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, thông qua các hội chợ, hội thảo quảng cáo sản phẩm rau quả tại nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Quốc Doanh kiến nghị, để phát triển bền vững cần phải giải quyết các bất cập, khó khăn và thực hiện tốt các quy định của những thị trường. Theo đó, cần tập trung rà soát lại quy hoạch theo hướng tập trung, quy hoạch đến đâu phải đảm bảo chất lượng thâm canh đến đó.

“Nhiều địa phương chưa phát huy hết được vai trò trong việc quản lý và điều tiết sản xuất. Đã đến lúc làm rõ vai trò chính quyền địa phương trong canh tác sản xuất. Các địa phương phải làm gì để đảm bảo cho người nông dân tuân thủ theo quy hoạch" - Thứ trưởng Bộ Công Thương – Trần Tuấn Anh nêu vấn đề.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Tiêu thụ nông sản ở Đồng Nai: Vai trò quan trọng của hợp tác xã

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh, xuất khẩu tìm về Đồng Nai đặt vấn đề thu mua nông sản trực tiếp với nông dân. Nhưng những hợp đồng thực sự được ký giữa doanh nghiệp với nông dân chưa nhiều.

Xoài, chôm chôm, thanh long, ổi... đang là những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu tốt, được các doanh nghiệp quan tâm đặt vấn đề bao tiêu với nông dân. Nhưng cách nghĩ của bà con vẫn khác với doanh nghiệp. Ví dụ, chỉ riêng xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đã có gần 1.000 héc-ta trồng xoài, trong đó hơn 30 héc-ta được chứng nhận VietGAP. Những năm qua, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân. Vì bà con chỉ lấy mốc thời điểm giá cao để so sánh chứ chưa tính đến đầu ra dài hạn cho sản phẩm. Vì vậy, đầu vụ thu hoạch năm nay, giá xoài ba mùa mưa có thời điểm lên đến 16.000 đồng/kg nên các hộ trồng đổ xô bán cho thương lái. Đến khi giá xoài rớt xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, nông dân lại muốn bán cho doanh nghiệp nên không thể ký được hợp đồng.
Lại cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên còn do từ phía doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng một kế hoạch lâu dài trong hợp tác với nông dân, chỉ thiên về từng thương vụ dẫn tới sự lúng túng, bị động của cả 2 bên.

Để giải quyết được tình trạng này, mô hình trung gian của các hợp tác xã là rất quan trọng vì doanh nghiệp không thể ký hợp đồng thu mua với từng hộ nông dân được. Vì vậy, các Hợp tác xã cũng cần nâng cao năng lực và năng động hơn để thực sự trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Đồng thời, do nắm vững thực tế canh tác mùa vụ ở địa phương và có lợi thế thông tin thị trường, hợp tác xã cũng có khả năng đàm phán với doanh nghiệp để đạt được mức giá thu mua tốt nhất cho bà con nông dân. Mặt khác, để đầu ra nông sản ổn định lâu dài, bà con phải có ý thức gắn bó lợi ích với doanh nghiệp vì doanh nghiệp làm ăn được thì giá nông sản mới từng bước tăng lên.

Khánh Hòa: Bội thu cá ngừ đại dương

Từ đầu năm đến nay, ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa rất phấn khởi sau mỗi chuyến vươn khơi khai thác cá ngừ đại dương. Tuy giá bán cá không cao, nhưng sản lượng đạt gần gấp đôi so với năm trước nên ngư dân có lãi khá. Theo các ngư dân ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, các chuyến biển năm nay đều đạt sản lượng cao hơn năm ngoái, chủ tàu có lãi, bạn câu được chia tiền nhiều. Hiện, giá cá ngừ đại dương được các vựa ở Cảng Hòn Rớ thu mua khoảng 95.000 - 105.000 đồng/kg. Tuy giá cá có hạ so với thời điểm đầu năm nhưng không giảm quá nhiều như cách đây 2 năm.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui cũng vẫn còn những băn khoăn. Theo Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa, tuy sản lượng cá ngừ đại dương khai thác tăng, nhưng tỷ lệ đạt chất lượng xuất khẩu chưa nhiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến lại thiếu nguyên liệu, hàng năm phải nhập khẩu khoảng 15.000 tấn cá ngừ đại dương để chế biến xuất khẩu. Vì vậy, bà con ngư dân cần được hỗ trợ để sớm thay đổi công nghệ khai thác, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thừa Thiên Huế: Nông sản bán chạy

Trong khi một số loại trái cây, nông sản bị thừa ế tại nhiều địa phương, thì ở địa bàn Thừa Thiên Huế, các mặt hàng này vẫn tiêu thụ bình thường, thậm chí có ngày trái cây không đủ cung ứng cho khách hàng. Giá sản phẩm tương đối ổn định, được nhiều khách hàng chấp nhận. Ví dụ giá xoài từ 15.000 -16.000 đồng/kg, dưa hấu trên dưới 6.000 đồng/kg... Mùa nắng nóng cũng là thời điểm các loại rau, củ, quả được người dân tiêu thụ rất mạnh. Giá cả hàng hóa vẫn tương đương hoặc chỉ cao hơn đôi chút so với mọi năm. Mặt hàng nông sản tại các siêu thị cũng rất phong phú, đa dạng, phần lớn đều nhập từ các tỉnh khác. Giá nông sản tại các siêu thị tuy cao hơn ở các chợ truyền thống từ một ngàn đồng đến vài ngàn đồng/kg, nhưng chất lượng được kiểm định, đảm bảo an toàn nên vẫn thu hút nhiều người mua.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Hậu Giang: Giá lúa có chiều hướng tăng

Những ngày qua, giá lúa thương phẩm tại Hậu Giang có chiều hướng tăng trở lại sau thời gian giảm. Cụ thể, giống lúa OM 4900 loại đã qua phơi khô được thương lái mua với giá 6.000 đồng/kg, các giống khác cũng có giá dao động từ 5.500 - 5.800 đồng/kg tùy loại, tăng trung bình khoảng 500 - 700 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ đông xuân. Nhiều nhà nông cho biết, giá lúa gần đây tăng trở lại do thời điểm này Hậu Giang vào cuối vụ thu hoạch lúa đông xuân nên diện tích, sản lượng lúa giảm mạnh. Hiện trên địa bàn không còn lúa tươi, phần lớn trong dân chỉ còn lúa đã qua phơi khô, được nông dân trữ lại chờ giá. Tuy sản lượng lúa trong dân còn không nhiều, lúa thương phẩm giảm mạnh, nhưng thương lái vẫn thích mua lúa khô, vì lợi nhuận thấp. Trong khi đó, nhiều thương lái tìm đến các trà lúa hè thu sắp cho thu hoạch tranh nhau đặt cọc mua lúa tươi, với giá trung bình từ 4.100 - 4.200 đồng/kg và mua hết sản lượng lúa đối với diện tích thu hoạch trong tháng 5 này. Trước giá lúa có chiều hướng tăng trở lại, ngành chức năng đã khuyến cáo nông dân, đặc biệt là đối với hộ dân trữ lúa chờ giá nên bán hết sản lượng lúa vào thời điểm này. Vì qua theo dõi ở những vụ trước, khi diện tích lúa hè thu cho thu hoạch rộ, giá lúa sẽ chựng hoặc giảm lại. Hơn nữa, lúa sản xuất hiện nay là giống ngắn ngày, nếu tạm trữ lâu, chậm bán sẽ làm giảm chất lượng gạo, bán giá thấp. Vụ lúa đông xuân 2014 - 2015, tỉnh Hậu Giang gieo cấy đạt gần 80.000 héc-ta. Tính đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong, với năng suất hơn 7,6 tấn/héc-ta. Ước tổng sản lượng cả vụ đạt khoảng 568.000 tấn, trong đó lúa hàng hóa chiếm khoảng 80%. Tuy ngay từ đầu vụ, nông dân được hưởng lợi từ chính sách thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng giá lúa trên thị trường tăng không cao, hơn nữa chỉ tiêu thu mua tạm trữ chưa được 10% sản lượng lúa thương phẩm trên địa bàn nên nhiều hộ quyết định tạm trữ chờ giá.

Bình Định: Nguồn cung phân bón nhiều, giá giảm

Thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Định đang bước vào sản xuất vụ hè thu 2015. Thị trường phân bón đầu vụ đang khá dồi dào về chủng loại, nguồn cung; giá có xu hướng giảm so với cùng kỳ các năm trước...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, nhu cầu sử dụng phân bón của cả tỉnh trong vụ hè thu này ước khoảng 25.000 tấn các loại. Các năm trước, khi bước vào vụ sản xuất, thường thì giá các loại phân bón trên thị trường có sự biến động lớn, giá cả tăng do nông dân ồ ạt mua dự trữ để bón cho cả vụ. Tuy nhiên, sức tiêu thụ phân bón trong vụ hè thu trên địa bàn tỉnh Bình Định giảm khoảng 20 - 30% so với vụ đông xuân, do diện tích gieo sạ thấp. Thị trường phân bón đang dồi dào về chủng loại, nguồn cung, giá cả có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các thương hiệu, nên để bán được, nhiều nhà sản xuất và đầu mối cung ứng phân bón buộc phải hạ giá. Với xu hướng này, dự đoán giá nhiều loại phân bón còn tiếp tục giảm trong thời gian sắp tới, nhất là các loại phân đơn như: urê, kali, lân... Một số địa phương do chuyển đổi sang cây trồng cạn nên nhu cầu sử dụng phân bón thấp hơn so với mọi năm. Các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật hiện cũng đang giữ mức giá ổn định do nguồn nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất phong phú, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt về giá cả giữa các công ty trong và ngoài nước.

Theo Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí miền Trung (PVFCCo Central) tại Bình Định, doanh nghiệp hiện chiếm khoảng 75% thị phần phân đạm trên thị trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hiện giá phân urê do đơn vị cung ứng ổn định ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg. Bên cạnh đó, các nhà máy phân bón như đạm Cà Mau, đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc đều hoạt động ổn định. Riêng trên địa bàn tỉnh, hiện có 2 nhà máy sản xuất phân bón NPK của Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định và Công ty cổ phần Phân bón và dịch vụ tổng hợp Bình Định đang hoạt động hết công suất, đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

BÀ CON CẦN BIẾT

Vải, nhãn xuất khẩu vào Mỹ

Những quy định về kiểm dịch thực vật

Để thúc đẩy xuất khẩu quả nhãn, vải tươi vào thị trường Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục BVTV- Bộ NN&PTNT) đã có Văn bản số 393/BVTV-KD ngày 10/3/2015 hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp.

Theo đó, quy định và điều kiện kiểm dịch thực vật đối với quả vải, nhãn tươi xuất khẩu vào Mỹ phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật (KDTV) sau:

1. Cấp mã số vùng trồng

Vườn trồng vải chỉ được cấp mã số vùng trồng khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Không nhiễm nấm Phytophthora litchi;

- Thực hiện sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP);

- Không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất mà Mỹ cấm như: Iprodione, cypermethrim, difenoconazole, carbendazim.

- Được trồng tại những nhà vườn đã được đăng ký với Cục BVTV và được Cục BVTV giám sát.

Dựa trên các điều kiện nêu trên, Cục BVTV cấp mã số gửi cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ(APHIS) xem xét. Mỗi mã số được cấp cho một diện tích khoảng 10 héc-ta liền kề trồng nhãn, vải cùng giống trong cùng một thôn hoặc một xã.

2. Xây dựng bản đồ điều lượng chiếu xạ

Vải, nhãn phải được đóng gói theo quy cách và xử lý để xây dựng bản đồ điều lượng chiếu xạ dưới sự giám sát của chuyên gia Mỹ tại cơ sở chiếu xạ đã được phía bạn công nhận. Đó là Công ty chiếu xạ Sơn Sơn đóng tại TP. Hồ Chí Minh và Công ty CP chiếu xạ An Phú đóng tại Bình Dương. Giửi kết quả cho APHIS thẩm định và công nhận.

3. Đóng gói

Vải, nhãn xuất khẩu sang Mỹ phải được đóng gói theo quy cách APHIS yêu cầu và đóng gói tại cơ sở đóng gói được APHIS công nhận. Trong đó, các thùng giấy chứa nhãn, vải phải ghi rõ “Không được nhập khẩu và phân phối ở Florida” (“Not for importation into or distribution in FL”).

4. Xử lý chiếu xạ

Vải, nhãn xuất khẩu phải được xử lý tại các cơ chiếu xạ đã được APHIS công nhận theo liều lượng quy định dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật của Việt Nam và chuyên gia của APHIS.
5. Kiểm dịch thực vật đối với lô hàng xuất khẩu

Mỗi lô hàng vải, nhãn phải được cơ quan kiểm dịch thực vật thuộc Cục BVTV kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật kèm theo, trong đó nêu rõ lô hàng đã được kiểm tra tại Việt Nam không phát hiện Phytophthora litchii và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về KDTV của Mỹ.

Cục BVTV cũng lưu ý các Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị có liên quan và hướng dẫn bà con trồng vải, nhãn phải thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP. Mọi hoạt động bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... đều được ghi chép đầy đủ trong sổ theo dõi riêng. Áp dụng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại phù hợp bằng cách bao trái. Khi thu hoạch quả vải phải tiến hành hái nhẹ nhàng, trải bạt để đóng gói, không để quả tiếp xúc trực tiếp với đất, tránh nắng mưa để không ảnh hưởng đến mẫu mã, chất lượng vải... Đặc biệt, bà con phải tuân thủ quy định về sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, không sử dụng các loại thuốc có chứa các hoạt chất mà phía Mỹ cấm như: Iprodione, cypermethrim, difenoconazole, carbendazim.

CHỐNG BUÔN LẬU - MUA BÁN GIAN LẬN

Bao giờ hết “nóng”?

Mới đây nhất, vào cuối tháng 4, lực lượng 389 quốc gia vừa phát hiện và triệt phá vụ sản xuất phân bón giả lớn tại Đồng Nai. Hàng tấn phân bón nhãn hiệu VITOL giả được dán mác “Made in USA” đã bị phát hiện.
Phân bón giả mang nhãn ngoại

Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cùng lực lượng kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra hoạt động của nhà máy sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong nằm tại khu vực K888, phường Long Bình, TP. Biên Hòa. Tại đây, đoàn công tác liên ngành đã phát hiện bắt quả tang hành vi sang chiết, đóng chai phân bón dạng nước mang nhãn hiệu VITOL giả. VITOL là loại phân bón nổi tiếng có xuất xứ từ Mỹ. Gần 3.300 chai phân bón VITOL giả bị phát hiện tại hiện trường cùng hàng trăm ki-lô-gam nhãn mác giả. Số nhãn hàng hóa giả này do chính Công ty Thuận Phong thuê in ấn.

Tinh vi hơn, đối tượng sản xuất hàng giả không chỉ gắn vào chai phân bón tem phụ giống y hệt quy định đối với hàng ngoại nhập khẩu, mà trên các chai phân bón giả còn được gắn cả tem chống hàng giả. Bằng thủ đoạn làm giả này, bà con nông dân hoàn toàn yêu tâm mua được “phân bón nhập khẩu”, không hề biết chúng là các sản phẩm giả mạo.

Trước đó, vào cuối tháng 3, tại Lâm Đồng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng cũng đã tịch thu 5,5 tấn phân bón giả chuẩn bị bán ra thị trường.

Cụ thể, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phúc Lộc (xã B’Lá, huyện Bảo Lâm), cơ quan chức năng đã phát hiện 110 bao phân bón loại 50kg với tổng trọng lượng 5,5 tấn. Trên bao bì các bao phân bón được gắn nhãn mác NPK 20-20-15 + TE của Công ty Cổ phần phân bón Thiên Phú Nông (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh). Qua kiểm tra đối chiếu với Công ty Thiên Phú Nông, lực lượng chức năng xác định số phân bón lưu trong kho của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phúc Lộc đã được làm giả nhãn mác, bao bì.

Cũng trong tháng 3, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 9 tấn phân bón không rõ nguồn gốc tại Đồng Tháp. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc số phân bón tại địa điểm kinh doanh, hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có phụ đề bằng tiếng Việt.
Nêu cao tinh thần cảnh giác

Vụ phân bón giả sản xuất tại Việt Nam nhưng lại đóng mác “Made in USA” tại Đồng Nai vừa qua là một vụ sản xuất phân bón giả lớn nhất từ trước tới nay bị phát hiện. Đây là nhận xét của ông Nguyễn Hạc Thúy – Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Trung ương Hội Phân bón Việt Nam cũng lên tiếng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cần mạnh tay hơn nữa trong xử lý những vụ việc như thế này. Ông Thúy cho biết, tình hình làm phân bón giả, kém chất lượng ngày càng tinh vi hơn trong suốt những năm qua. Nhiều đợt khảo nghiệm đột xuất và định kỳ hằng năm cho thấy, khoảng 30 - 60% số mẫu phân bón được kiểm định có lượng hữu cơ không đúng với ghi trên bao bì; thậm chí, nhiều sản phẩm phân bón thiếu 80% hàm lượng chất dinh dưỡng. Năm 2013, kiểm tra 1.466 cơ sở sản xuất phân bón, chỉ có 220 cơ sở đạt loại A, còn có tới 187 cơ sở loại C (gần 18%) không đạt tiêu chuẩn sản xuất phân bón.

Từ thực tế cuộc chiến chống nạn phân bón giả cho thấy, nơi nào có lực lượng quản lý thị trường và công an làm tốt, thì nơi đó phân bón giả giảm. Ông Hoàng Văn Tại – Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển cho rằng, cần siết chặt các quy định về điều kiện sản xuất, phân phối và công bố các chỉ tiêu, thông số chất lượng hợp quy, hợp chuẩn theo Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón và ban hành danh mục phân bón an toàn, được phép sử dụng; tạo ra thị trường phân bón cạnh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch. Đặc biệt, cần khuyến khích và hỗ trợ bán hàng trả chậm theo hợp đồng bảo hành chất lượng của công ty, HTX dịch vụ nông nghiệp hoặc buộc nhà phân phối sử dụng phương thức "đặt cọc - hoàn trả", nâng cao trách nhiệm bảo hành chất lượng phân bón bán cho nông dân, thay vì hình thức "mua đứt, bán đoạn", "sống chết mặc bay" bấy lâu nay.

HÀNG VIỆT

Gốm Chăm Ninh Thuận

Sản phẩm có thương hiệu trên thị trường

Những sản phẩm gốm mang dấu ấn văn hóa Chăm độc đáo đã không còn quanh quẩn ở làng Chăm mà đã có mặt ở thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh Ninh Thuận đã có những chính sách hợp lý để phát triển thương hiệu làng nghề người Chăm - một thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Dấu ấn của làng nghề truyền thống

Là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) được xem như một bảo tàng truyền thống của đồng bào Chăm. Nguyên liệu tạo ra sản phẩm gốm là những hạt cát vàng mịn lấy từ con sông Quao chảy qua làng Bàu Trúc, trộn lẫn với đất sét chính hiệu từ cánh đồng Hamu Craok. Đất sét được đưa về nhà phơi khô và trộn với cát mịn đã qua sàng lọc theo tỷ lệ bí truyền của làng nghề. Gốm mỹ nghệ Bàu Trúc không có khuôn mẫu khi tạo hình, nghệ nhân làm gốm sử dụng đôi tay tạo hình quanh trục gốm để tạo ra sản phẩm mang tính độc bản. Đây chính là nét độc đáo mang đậm dấu ấn của làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm.

Đến các cơ sở sản xuất gốm Chăm rất khó có thể đếm hết có bao nhiêu mẫu gốm Chăm. Mỗi sản phẩm là một mẫu, là một kiểu dáng. Kể cả màu gốm cũng không bao giờ có sự trùng lắp, mặc dù mỗi lần nung gốm có đến hàng trăm sản phẩm. Vẫn là màu đất, vẫn là màu đen khói hay màu lá cây, nhưng mỗi sản phẩm mỗi khác. Sức sáng tạo trong cách làm đã giúp gốm Chăm bước ra khỏi làng và trở thành một dòng sản phẩm có thương hiệu trên thị trường. Bà con làng nghề liên tục tìm kiếm những cách để vừa làm mới gốm Chăm vừa giữ được hồn của gốm ở làng Chăm cổ xưa, mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất bằng việc xây dựng các lò nung gốm theo phương pháp tiết kiệm nhiên liệu, vốn đầu tư ít, nhưng lại tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho xã viên. Những bình gốm được nung theo công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu vận chuyển khi xuất khẩu. Mỗi tháng, làng nghề Bàu Trúc đưa ra thị trường hàng ngàn sản phẩm. Một dạng xuất khẩu tại chỗ cũng đã hình thành ở làng Bàu Trúc khi du khách đến đây để tham quan, chọn mua sản phẩm. Người trong làng tính đến chuyện làm du lịch làng nghề, đó cũng là nhờ thương hiệu làng gốm Bàu Trúc.

Gốm Chăm từng bước hội nhập

Từ ngày làng gốm Bàu Trúc có thương hiệu chung, người trong làng bắt đầu tính đến chuyện làm sao để giữ thương hiệu. Các hộ gia đình làm gốm đều có điểm chung là cách làm, cách nung gốm rất riêng của người Chăm. Nhưng, để giữ bản sắc, thương hiệu gốm Bàu Trúc, thì không phải gia đình nào cũng làm được. Đây là điều mới phát sinh ở làng Bàu Trúc khi xây dựng thương hiệu. Làng nghề đã thành lập một hiệp hội để từng thành viên hiệp hội cùng giám sát đánh giá sản phẩm đạt hay không mới được phép mua bán đưa ra ngoài thị trường để khỏi ảnh hưởng đến uy tín chất lượng. Những người làm gốm ở Bàu Trúc bây giờ đã dành thời gian bên máy tính, thiết kế mẫu, thực hiện giao dịch thương mại điện tử…, điều mà trước đây, không ai nghĩ có ở làng Chăm. Không chỉ được tiêu thụ trong nước, gốm Bàu Trúc đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Mới đây, trong một lần đến làng gốm Bàu Trúc, kiến trúc sư Trần Hùng (Việt kiều Mỹ) đã có ý tưởng đưa gốm Bàu Trúc vào trang trí tại các resort, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí ở Mỹ. Dự án được khởi sự vào năm 2014, thông qua một doanh nghiệp tại Ninh Thuận là Công ty TNHH Hòa Hương Thu. Chuyến hàng đầu tiên với hơn 500 mặt hàng gốm mỹ nghệ (như tượng thần Ganesa đầu voi, tượng thần Siva, phụ nữ cầu mưa, phù điêu Apsara, đèn lồng hoa văn…) được đóng kiện vượt đại dương qua Mỹ. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hương Thu, gốm Bàu Trúc đưa sang Mỹ được trưng bày, giới thiệu tại California, Texas và Arizona. Người dân bản địa rất ưa chuộng, bởi nó vừa huyền bí vừa tinh xảo, sắc nét. Ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết gốm Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đưa vào kế hoạch danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trình Unesco xem xét, công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là cũng là dịp quảng bá sản phẩm gốm Bàu Trúc ra thế giới.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)