Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 10/7/2015

03:30 PM 11/07/2015 |   Lượt xem: 3249 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM


Đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp: Nhanh và mạnh hơn nữa

Trong nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất được coi như một trong những “chìa khóa” của thành công. Nông nghiệp CNC giúp tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình và tìm chỗ đứng ổn định cho sản phẩm nông nghiệp CNC vẫn còn nhiều gian nan.

Những tín hiệu vui

Các tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp thâm canh đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Thời gian qua, nhiều địa phương ở Bắc Bộ đã đưa vào thí điểm mô hình ứng dụng CNC cho một số mặt hàng nông sản thu được những kết quả đáng khích lệ. Theo Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình, giống khoai tây CNC của Trung tâm là sản phẩm thực hiện kỹ thuật ươm mầm 100% công nghệ Việt Nam, cung cấp dinh dưỡng, tạo củ thông qua rễ, không cần đất, giá thành giống bằng nửa so với giống khoai tây nhập từ châu Âu. Với giá thị trường hiện nay là 10.000 đồng/kg, người dân có lãi lớn. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, tuy quy mô chưa lớn, nhưng mô hình trồng hoa, rau sạch và nấm ứng dụng CNC đã thu được kết quả khả quan. Các quy trình công nghệ tiên tiến về thâm canh, như sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính, tưới tự động bước đầu được áp dụng. Nông sản sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó. Bên cạnh dự thảo đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020”, Bắc Ninh đã xây dựng 17 mô hình trồng trọt ứng dụng CNC với gần 70.000 mét vuông nhà lưới, đầu tư cho một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, quy mô lớn. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ, Trung tâm giống nấm Bắc Giang bảo đảm sản xuất, đáp ứng yêu cầu thực tế, tổng diện tích đạt 9.600 m2; giống nấm các loại đạt 80 - 100 tấn/năm; nấm thương phẩm đạt 700 - 1.000 tấn nguyên liệu/năm (tương đương 350 - 500 tấn nấm thương phẩm/năm)... Còn tại Thái Bình đang chú trọng công tác tiến hành dồn điền đổi thửa và ứng dụng CNC, tạo mô hình mẫu tác động đến các vùng sản xuất khác trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông Thái Bình đã triển khai dự án nhân giống khoai tây nuôi cấy mô tế bào kết hợp khí canh và cho kết quả tốt.

Tạo mối liên kết “bốn nhà”

Đầu tư cho nông nghiệp CNC cao hơn so với sản xuất nông nghiệp truyền thống nên một bộ phận nông dân không đủ điều kiện để đầu tư. Ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, tập quán canh tác truyền thống vẫn phổ biến nên việc thay đổi phương thức sản xuất, nhận thức của bà con về sản xuất nông nghiệp CNC còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị xây dựng đề án, cơ sở hạ tầng để đưa CNC vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tế, đặc thù vùng, miền. Một số địa phương chỉ mới có những giải pháp ngắn hạn, mà không có đề án chuyên sâu kỹ lưỡng.

Để tiến trình đưa công nghệ vào ngành nông nghiệp nhanh và mạnh hơn thì vai trò của bốn nhà (nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nông) là rất quan trọng. Trong đó, Nhà nước làm nhiệm vụ dẫn dắt, chỉ đạo, tạo điều kiện để các bên gặp gỡ, trao đổi, đề ra các phương hướng có triển vọng, tổ chức để các ngành liên quan kết hợp với nhau, tạo điều kiện để nông dân tham gia. Về phía nhà khoa học phải tập trung nghiên cứu những giải pháp tiềm năng, những phương hướng cụ thể, phải giải được bài toán do doanh nghiệp đề ra. Đối với nhà doanh nghiệp, quan trọng nhất đó là tìm kiếm thị trường. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp thông suốt với chính quyền các cấp địa phương, tổ chức tốt việc cung cấp thông tin thị trường. Bà con nông dân phải chủ động nâng cao kiến thức để tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới. Khi hội nhập chúng ta không thể mãi làm bằng chân tay, đã đến lúc chúng ta phải sử dụng khối óc thay cho sức lao động. Ngoài ra, nông dân phải nghiêm túc thực hiện những quy định của hợp đồng, không được tùy tiện phá bỏ hợp đồng khi thấy có lợi hơn cho mình, sát cánh với nhà doanh nghiệp để sản xuất những sản phẩm hiệu quả kinh tế cao.

MUA GÌ


Đồng Nai: Chôm chôm, măng cụt giảm giá

So với thời điểm đầu tháng 6, giá chôm chôm chính vụ hiện chỉ bằng 1/3 và có dấu hiệu giảm tiếp. Theo các thương lái thu mua chôm chôm tại thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), hiện giá chôm chôm thường chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn còn 12.000 đồng/kg. Dự kiến, giá chôm chôm sẽ còn tiếp tục hạ trong thời gian tới, do lượng thu hoạch rất lớn cùng một thời điểm. Tương tự, măng cụt hiện đang có mức giá thấp nhất từ thời điểm đầu vụ đến nay. Tại ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh, giá măng cụt thương lái mua tại vườn chỉ khoảng 16.000 - 17.000 đồng/kg, giảm trên 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cá sấu giống không ổn định

Sau vài tháng thị trường cá sấu giống ở các tỉnh ĐBSCL biến động mạnh, đẩy giá tăng cao đột biến, đến nay giá cá sấu giống đã có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn khá cao so với thường kỳ... Theo người nuôi cá sấu ở Bạc Liêu, Cà Mau, thời gian trước, giá cá sấu giống luôn ở mức ổn định 300.000 – 350.000 đồng/con. Sau đó bắt đầu tăng, cách đây khoảng 1 tháng giá cá sấu giống đạt mức cao. Với loại chiều dài từ 0,2 – 0,3 mét, chỉ nặng trên dưới 0,3kg, giá lên tới hơn 700.000 đồng/con. Nhiều hộ dân sau thu hoạch cá thương phẩm phải bỏ chuồng, vì giá giống quá cao, tính ra nuôi không có lãi. Đợt sốt giá vừa qua khiến nguồn hàng bên Campuchia đưa về rất nhiều, vì vậy giá cá hiện đã giảm xuống chỉ còn trên dưới 500.000 đồng/con. Đến nay, bà con thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) địa phương đang thả nuôi lại khá nhiều. Phước Long là thủ phủ nuôi cá sấu của Bạc Liêu. Tổng đàn cá sấu của huyện lên tới hơn 130.000 con, chiếm hơn 70% tổng đàn của tỉnh.

Thương lái giảm thu mua sầu riêng

Theo nông dân trên địa bàn Đồng Nai, việc thương lái đổ xô thu mua sầu riêng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Sau đợt thu mua ồ ạt trên, thị trường có hiện tượng chững lại khiến giá sầu riêng giảm chỉ còn 22.000 – 23.000 đồng/kg, thấp hơn từ 7.000 – 8.000 đồng so với thời điểm trước. Tuy nhiên, giá một số công ty thu mua sầu riêng cho nông dân để xuất khẩu vẫn ở mức ổn định từ 28.000 – 30.000 đồng/kg. Giá sầu riêng bán lẻ tại các chợ đến tay người tiêu dùng cũng không xảy ra hiện tượng giảm giá đột biến như trên. Tình trạng này khiến nhiều nông dân lo lắng, e ngại thị trường sầu riêng bị làm giá khiến nông dân thất thu vì giá bán thấp, nhất là nhiều nhà vườn đang chuẩn bị đón đợt rộ thu hoạch mới.

Tây Nguyên: Bơ vào mùa

Trong những ngày này, trên khắp nẻo đường Tây Nguyên xuất hiện rất nhiều những sạp bày bán bơ chính vụ. Dọc các tuyến QL 14, 26, 27…, bơ được bày bán với số lượng lớn, thu hút đông đảo du khách ghé mua. Tại Đắk Lắk, bơ sáp loại 1 có giá từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, bơ sáp loại 2 có giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, loại 3 từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Riêng loại bơ nước có giá từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, tùy loại. Theo bà con ở thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kiun, giá bơ các thương lái thu mua tại vườn khá cao từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Năm nay do điều kiện mùa khô kéo dài, lượng mưa ít nên sản lượng bơ năm nay kém hơn mọi năm. Bù lại giá bơ chính vụ khá cao nên nhà vườn lãi hơn năm ngoái.
Hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên có tới hàng trăm héc-ta bơ các loại, tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai. Bơ hầu hết được trồng xen canh trong các vườn cà phê, hồ tiêu, trung bình mỗi héc-ta trồng xen thêm 120 - 150 cây bơ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

BÁN GÌ


Giá cà phê nội địa tăng nhẹ

Tuần cuối tháng 6, đầu tháng 7, thị trường cà phê trong nước đã nhộn nhịp hơn. Giá mua bán trong nước dao động trong khung 38 - 39 triệu đồng/tấn. Với mức giá này, một số thương nhân đã quyết định bán ra. Xuất khẩu cà phê trong tháng 6/2015 của nước ta ước đạt 110.000 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có mức xuất khẩu tăng đầu tiên tính từ tháng 11/2014. Có lẽ nhờ giá gần đây tăng, doanh nghiệp và các nhà đầu cơ tư nhân bán ra nên thị trường có phần nhộn nhịp hơn. Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu niên vụ, tổng lượng cà phê xuất khẩu nước ta đạt 985.600 tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, xuất khẩu bình quân hàng tháng của nước ta xấp xỉ 110.000 tấn.

Bình Định: Giá ớt xuất khẩu tăng mạnh
 

Hiện nay, các vùng trồng ớt ở Bình Định đã thu hoạch xong vụ ớt 2015. Sản lượng ớt năm nay thấp hơn năm trước. Nếu như năm ngoái, 1 sào ớt đạt 2 tấn thì năm nay chỉ đạt 1,5 tấn. Tuy nhiên, giá ớt năm nay tăng kỷ lục nên nông dân vẫn thu lãi cao. Bình quân 1 sào ớt đạt 20 - 25 triệu đồng. Hiện 1 kg ớt được các cơ sở thu mua với giá 22.000 đồng. Đây là mức giá cao nhất trong 3 năm trở lại đây và cao gấp đôi so với vụ trước. Nguyên nhân giá tăng là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh. Mặt khác, nhiều cơ sở chế biến ớt đã mở rộng quy mô sản xuất nên nhu cầu nguyên liệu tăng cao. Tranh thủ giá ớt đang cao nên những hộ trồng ớt phải thuê nhân công thu hoạch để kịp bán cho thương lái. Điều này đã góp phần giải quyết được một phần lao động ở địa phương lúc nông nhàn. Bình quân một công hái ớt, phân loại ớt, đóng sọt được trả từ 140.000 - 200.000 đồng/ngày.
 

Hiện nhu cầu xuất khẩu ớt vẫn tăng cao nên thương lái đang đẩy mạnh thu mua. Với mức giá hiện nay,1 héc-ta ớt nông dân thu nhập đến 200 - 300 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập không nhỏ so với các loại cây trồng khác.



Lâm Đồng: Nông dân chặt bỏ cây ca-ri



Dọc Quốc lộ 20 từ huyện Đức Trọng đến Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, đa phần nhà nào cũng trồng ít cây ca-ri để lấy hạt hoặc lá nấu nướng. Nhiều nhà trồng ca-ri để lấy hạt bán cho thương lái. Tuy nhiên, hiện nay, giá hạt ca-ri ngày càng giảm mạnh nên nhiều hộ quyết định chặt bỏ loại cây này. Thông thường cây ca-ri được trồng xen canh với tiêu nhưng do giá xuống quá thấp, không đủ công hái, đập lấy hạt nên bà con chặt cành lá, giữ thân lại làm cột tiêu. Lúc đầu khi trồng, giá bán lên đến 100.000 đồng/kg hạt. Trong khi đó, giá giống cây này chỉ 2.000 đồng/cây, trồng sau 1 năm là thu hoạch.



Đồng Tháp: Giá khoai môn giảm


 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, toàn huyện có gần 300 héc-ta diện tích khoai môn vụ xuân hè 2015. Hiện khoai môn đang vào vụ thu hoạch rộ, giá bán bình quân 3.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2014 và giảm 2.000 đồng so với thời điểm cuối tháng 5. Theo tính toán, với giá bán này, mỗi héc-ta khoai môn bà con lỗ gần 100 triệu đồng. Tình hình này trái với quy luật chung của các năm trước là càng cuối vụ khoai môn càng được giá. Nhiều hộ trồng khoai môn đang lo lắng trước tình trạng giá giảm mạnh. Một số hộ thậm chí đã giữ khoai lại gần 6 tháng và nếu kéo dài thêm vài tuần không bán khoai sẽ hỏng, tốn công chăm sóc.
 

Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khoai môn Mỹ An Hưng” ở huyện Lấp Vò. Tuy nhiên, khoai môn ở Lấp Vò chủ yếu tiêu thụ nội địa và khi không có doanh nghiệp bao tiêu, lại rơi vào tình trạng "bí" đầu ra.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Tiêu thụ nông sản: Cần lấy doanh nghiệp làm hạt nhân

Tình trạng cứ đến mùa thu hoạch chính vụ, giá các loại nông sản lại giảm mạnh, tiêu thụ hết sức khó khăn đang là vấn đề bức thiết đặt ra. Đặc biệt, đối với trái thanh long trái vụ, giá liên tục giảm khiến người trồng thanh long không có lãi, thậm chí lỗ vốn.
Thanh long trái vụ giảm giá mạnh

Nhiều năm trở lại đây, thanh long chong đèn trái vụ là đợt thu hoạch được các nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long trông đợi nhất trong năm nhờ được giá. Nhưng năm nay giá thanh long trái vụ đã giảm xuống còn 5.000 – 7.000 đồng/kg, giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí tại nhiều vườn thương lái chỉ thu mua với giá 1.500 - 2.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá thanh long ruột đỏ thấp chưa từng có và ngang bằng với giá thanh long ruột trắng. Thương lái vào vườn đều chê hàng xấu, chỉ lựa những trái xuất khẩu được, còn hàng dạt thì không mua. Với mức giá này, bà con nông dân hầu như không có lãi, thậm chí lỗ vốn.

Theo phân tích của các thương lái có kinh nghiệm, có nhiều nguyên nhân khiến giá thanh long thời gian qua giảm mạnh. Thứ nhất, do bị ảnh hưởng đợt nắng nóng vừa rồi nên hình thức quả không đẹp. Thứ hai, thông thường vào thời điểm chính vụ, sản lượng thanh long ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất lớn. Trong khi đó, các loại trái cây khác cũng đang thu hoạch rộ nên nhu cầu thanh long tại thị trường nội địa rất thấp. Thứ ba, lượng hàng xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch không ổn định, giá hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái phía bên kia biên giới. Do vậy, trong những ngày qua, lượng thanh long được bà con nông dân chở đến rất nhiều nhưng bản thân các cơ sở thu mua trong nước cũng không dám thu mua ồ ạt vì không có phương tiện lưu giữ, bảo quản...
Vai trò hạt nhân của doanh nghiệp

Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, giá các loại nông sản giảm khi vào chính vụ không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều loại nông sản như: dưa hấu, hành tím, thanh long... không những giảm giá mạnh mà còn tiêu thụ rất khó khiến bà con nông dân lo lắng. Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Tất Thắng – cố vấn cao cấp Hội đồng Khoa học Trường Đào tạo Cán bộ Bộ Công Thương cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do nông dân không ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Do vậy, giải pháp hữu hiệu hiện nay đối với việc tiêu thụ nông sản là lấy doanh nghiệp làm hạt nhân. Có thể lấy mô hình tiêu thụ thanh long của Tiền Giang làm minh chứng. Sở Công Thương tỉnh đã chủ trì dự án “Xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp - hộ kinh doanh - nông dân tiêu thụ và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất". Điểm khác cơ bản của dự án này là lựa chọn đơn vị ký hợp đồng bao tiêu thanh long ngay từ đầu. Theo dự án, Công ty TNHH Long Việt (huyện Chợ Gạo) được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm. Đây là doanh nghiệp thu mua phần lớn thanh long, đã hình thành mạng lưới thu mua tại địa phương và có nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh thanh long. Công ty cũng đã đầu tư cơ sở vật chất gồm nhà kho, phương tiện vận tải... phục vụ cho việc kinh doanh thanh long. Dưới sự giám sát của Sở Công Thương, Công ty TNHH Long Việt sẽ ký hợp đồng với người trồng thanh long với giá thỏa thuận theo năm hoặc theo vụ xông đèn. Như vậy, bà con tham gia dự án không phải lo đầu ra cho sản phẩm mà chỉ chú tâm trồng trọt theo đúng hướng dẫn và yêu cầu của “người đặt hàng”. Dự án này cũng xây dựng được một mối liên kết khác giữa người trồng thanh long và đơn vị cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Tiền Giang tham gia dự án với vai trò là đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp. Công ty sẽ cung ứng đầy đủ phân bón và thuốc trừ sâu thông qua hình thức ký hợp đồng với từng hộ nông dân với giá cam kết rẻ hơn giá bán bên ngoài ít nhất là 3%. Vấn đề cốt lõi còn lại là ở địa phương, bao gồm những hộ nông dân trực tiếp sản xuất và chính quyền địa phương tham gia thực hiện dự án. Trong đó, Sở Công Thương với vai trò kết nối sẽ phối hợp với các chuyên gia tổ chức các lớp tập huấn về cơ chế, chính sách tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư; nghiệp vụ soạn thảo và ký kết hợp đồng tiêu thụ... để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tham gia dự án.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Cư M'gar (Đắk Lắk): Chặt bỏ nhiều diện tích cây trồng để trồng tiêu

Những năm gần đây, do giá tiêu trên thị trường tăng cao nên người dân trong tỉnh Đắk Lắk đổ xô trồng loại cây này. Tại địa bàn huyện Cư M’gar, người dân còn sẵn sàng phá bỏ nhiều diện tích cây trồng đang cho thu nhập cao để đầu tư trồng tiêu.

Cuối năm 2014, toàn huyện có khoảng 2.000 héc-ta trồng tiêu thì đến nay đã tăng lên 2.400 héc-ta, tập trung chủ yếu tại các xã Cư Suê, Ea Tar, Ea Kiết, Ea Kuêh, thị trấn Ea Pôk... Theo tính toán với mức giá hiện tại là 200.000 đồng/kg, nếu mỗi héc-ta tiêu đạt khoảng 4 tấn thì người dân cũng thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Chính vì vậy nên không ít bà con nông dân ồ ạt chạy đua theo cây tiêu. Ở nhiều nơi có thổ nhưỡng không phù hợp với cây tiêu nhưng người dân vẫn xuống giống, dẫn đến tình trạng tiêu kém phát triển, sâu bệnh và chết. Thời gian gần đây, tại một số xã trên địa bàn huyện nổi lên tình trạng người dân phá bỏ vườn cây đang cho thu nhập cao như cà phê, cao su, điều… để trồng tiêu. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã có trên 100 héc-ta cây trồng lâu năm bị phá bỏ để chuyển sang trồng tiêu.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Cư M'gar, việc người dân chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu ồ ạt như hiện nay rất dễ xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa trong thời gian tới. Khi đó, giá tiêu có thể sẽ xuống thấp và để trồng lại các loại cây khác cũng phải đợi một thời gian dài mới cho thu hoạch.

Ngoài Đắk Lắk, việc chặt bỏ cây đang trồng để chuyển sang trồng tiêu đang diễn ra ở một số địa phương khác. Đây là vấn đề đáng lo ngại vì giá cả các loại nông sản trên thị trường thế giới diễn biến rất khó lường, trong khi sản phẩm hồ tiêu Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu. Nếu giá hồ tiêu bất ngờ có biến động sụt giảm thì hậu quả xấu sẽ rất lớn.

Nấm dược liệu Đồng Nai: Cần xây dựng uy tín thương hiệu

Nghề trồng nấm của Đồng Nai đã hình thành lâu năm với những làng nghề được nhiều nơi biết tiếng, như: làng nấm Sông Trầu (huyện Trảng Bom), làng trồng nấm Long Khánh...

Nhưng thời gian gần đây, nhiều hộ trồng nấm trên địa bàn tỉnh đang chuyển đổi sang trồng thêm dòng nấm dược liệu, chủ yếu là nấm linh chi vì trong khi giá các loại nấm ăn liên tục xuống thấp thì nấm linh chi luôn giữ ổn định ở mức cao. Thời gian đầu, dòng nấm dược liệu ở Đồng Nai chủ yếu chỉ tiêu thụ ở các tỉnh, thành lân cận. Khi sản lượng tăng, nhiều thương lái mang đi chào hàng tại các tỉnh phía Bắc và được đón nhận khá tốt, ngày càng được người tiêu dùng quan tâm sử dụng. Nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở ở Đồng Nai đã đầu tư đầu tư lớn, đồng bộ từ hệ thống phòng thí nghiệm, máy móc để sản xuất giống đến mô hình nhà lưới trồng nấm theo công nghệ hiện đại; chuẩn hóa quy trình sản xuất nấm sạch từ khâu nuôi trồng đến sơ chế, chế biến; đồng thời quan tâm làm nhãn hiệu riêng, đầu tư mạng lưới bán hàng, dịch vụ tư vấn... Nhờ vậy, thị trường nấm dược liệu trước đây chủ yếu là các sản phẩm nước ngoài, nay đã có thêm nhiều nhãn hàng Việt được người tiêu dùng lựa chọn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Đồng Nai có nghề truyền thống trồng nấm với đội ngũ nông dân giỏi nghề là điều kiện rất thuận lợi để chuyển đổi phát triển dòng sản phẩm nấm dược liệu này. Tuy nhiên, vì đây là dòng thực phẩm chức năng nên có yêu cầu rất chặt chẽ về kỹ thuật trồng. Do vậy, người trồng nấm ở Đồng Nai nên đầu tư theo hướng chuyên nghiệp với ý thức xây dựng thương hiệu vùng nấm dược liệu Đồng Nai bằng uy tín chất lượng thì giá trị sản phẩm mới cao, đầu ra mới bền vững.

Box: Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc tại huyện Thống Nhất (thuộc Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) đang triển khai dự án thực nghiệm trồng nấm bằng nguồn phế - phụ phẩm nông nghiệp, như: thân, gốc sắn, lõi bắp… Dự án ứng dụng một số công nghệ mới của Hàn Quốc trong sản xuất nấm, trong đó có dòng nấm dược liệu cho lợi nhuận cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống. Công nghệ, kỹ thuật mới này sẽ được chuyển giao rộng rãi cho nông dân.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Miễn phí kiểm dịch vải thiều xuất khẩu đường hàng không

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải tươi bằng đường hàng không đi các thị trường mới mở, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn gửi các đơn vị liên quan yêu cầu miễn các loại phí, lệ phí kiểm dịch thực vật đối với loại hoa quả này.

Ngoài việc yêu cầu các đơn vị liên quan không thu phí, lệ phí kiểm dịch thực vật đối với các lô vải tươi xuất khẩu bằng đường hàng không, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cũng đảm bảo sẽ bố trí nhân lực, trang thiết bị làm thủ tục kiểm dịch thực vật nhanh nhất cho các lô vải tươi xuất khẩu, bao gồm cả làm ngoài giờ, ngày nghỉ và ngày lễ.

Theo thống kê sơ bộ, tính tới nay, lượng vải được xuất khẩu sang các thị trường mới không nhiều. Xuất khẩu sang Úc gần 20 tấn, sang Mỹ gần 4 tấn, sang Malaysia gần 10 tấn, một loạt các thị trường khác như Anh, Pháp, Đức, Séc, Hà Lan cũng được vài tấn mỗi thị trường. Vải cũng đã được xuất khẩu số lượng nhỏ sang một số thị trường khác như Lào, Campuchia, Singapore, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất... Tuy nhiên, việc khai thông các thị trường mới cho vải thiều có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là vải được xuất khẩu lần đầu tiên sang hai thị trường khó tính là Mỹ và Úc. Đây là hai nước có hàng rào kiểm soát thuộc dạng khắt khe nhất thế giới. Nhưng những lô vải đầu tiên xuất sang Mỹ, Úc qua đường hàng không đều đáp ứng các điều kiện về KDTV và an toàn thực phẩm. Điều này đã tạo tâm lý rất tốt cho thị trường, thúc đẩy tăng giá thu mua vải cho bà con nông dân. Đây cũng chính là cơ sở để chúng ta tiếp tục đàm phán, nhằm mở rộng thêm những thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... Đồng thời là động lực giúp người dân canh tác vải thiều theo quy chuẩn cao để có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính trong các vụ sau.

Nhãn lồng Hưng Yên: Sẽ xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Vụ nhãn năm nay, người trồng nhãn ở Hưng Yên đang rất phấn khởi vì sản phẩm lần đầu tiên được "xuất ngoại" sang thị trường Mỹ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, toàn tỉnh có hơn 20 héc-ta nhãn của hơn 170 hộ tại 2 xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và Hàm Tử (Khoái Châu), mỗi xã có 10 héc-ta được cấp mã vùng để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tổng sản lượng dự kiến sẽ thu được khoảng 80 tấn nhãn. Để đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, các diện tích nhãn xuất khẩu sẽ được chăm sóc nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và tuyệt đối sạch.

Người trồng nhãn sẽ áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, tuyệt đối không sử dụng các hoạt chất mà Mỹ cấm sử dụng đối với nhãn; việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đều được ghi chép đầy đủ trong sổ theo dõi riêng.

Ngay từ đầu vụ, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hưng Yên kiểm tra, thiết lập hồ sơ và cấp mã số vùng sản xuất nhãn xuất khẩu tại 2 xã Hồng Nam và Hàm Tử để bảo đảm các yêu cầu cần thiết. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây nhãn; cung cấp thông tin giới thiệu quy trình nhập khẩu nhãn quả vào thị trường Mỹ và một số nước khác cho nông dân.

Hiện nay, nhãn đang trong thời kỳ cho quả non, nên các hộ nông dân đã được cấp mã số xuất khẩu cần tăng cường chăm sóc, quản lý dịch hại, dư lượng thuốc bảo vệ thưc vật để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu.

Những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng các mô hình thâm canh cao, xây dựng vùng sản xuất nhãn hàng hóa gắn với cải tạo vùng nhãn gốc truyền thống, nhằm tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các vùng nhãn tập trung.

chong buon lau mua ban gian lan
Mì chính và bột nêm giả

Cách nhận biết

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải Quan và sơ kết của Ban Chỉ đạo 389 trung ương, 5 tháng đầu năm 2015, cả nước đã bắt giữ 8.800 vụ hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ. Mặt hàng bị làm giả nhiều và ngày càng phổ biến chính là những sản phẩm thực phẩm sử dụng hàng ngày như mì chính, hạt nêm, đường, nước rửa bát, bột giặt...

Bắt giữ 1,7 tấn bột ngọt và bột nêm giả

Mới đây nhất, Công an thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) đã bắt giữ Nguyễn Tất Hùng (39 tuổi, trú tổ 5, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) và Nguyễn Tất Hay (65 tuổi, cha ruột của Hùng, cùng trú địa chỉ trên), về hành vi sản xuất bột ngọt giả. Trước đó, Công an thị xã Hương Thủy phát hiện đối tượng Hay đang vận chuyển gần 50kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto và bột nêm Knorr vào TP. Huế tiêu thụ. Hùng khai nhận, từ tháng 2/2015 đến nay, đã nhập nguyên liệu bột ngọt Trung Quốc giá rẻ để sản xuất được 1,7 tấn hàng giả nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto và bột nêm Knorr bán ra thị trường.

Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện bắt giữ chiếc xe tải chở 140 bao tải mì chính giả xuất xứ Trung Quốc đang trên đường từ Hà Nội về Thanh Hóa tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định. Hiện Quản lý thị trường Thanh Hóa đã tiếp nhận số lượng mì chính trên để tiến hành xử lý tiêu hủy theo quy định.
Phân biệt mì chính, hạt nêm thật giả

Những mặt hàng bị làm giả như mì chính, hạt nêm, nước mắm, đường… không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường và sức khỏe, tính mạng, lợi ích của người tiêu dùng. Chính vì thế, ngoài việc cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc để dẹp nạn thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức khi đi mua hàng. Cần mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ và xem kỹ nhãn mác, bao bì. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào khả nghi thì nhất quyết không mua.
Theo thông tin chi tiết từ phía Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cung cấp, việc phân biệt hàng giả - thật sản phẩm hạt nêm Knorr dựa vào 4 yếu tố:

1. Đường răng cưa trên bao bì, hàng thật răng cưa thưa, hàng giả răng cưa dày và nhọn.

2. Đường biên trên bao bì sản phẩm Knorr thật không có gấp khúc, Knorr giả có đường gấp khúc.

3. Chữ viết và màu sắc trên sản phẩm Knorr thật sắc nét, Knorr giả bị nhòe.

4. Thông tin ngày sản xuất trên bao bì thật đều ký hiệu 2 con số ngày – tháng – năm, riêng bao giả năm ghi bằng 4 con số. Hạn sử dụng của hàng thật là 15 tháng, hàng giả trên 15 tháng.

Với sản phẩm mì chính, bà Nguyễn Thị Thúy - Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng đưa ra cách nhận biết được hàng thật và hàng giả như sau:

Về quy cách đóng gói: Hàng thật thì các đường hàn ở túi đựng các cạnh phẳng, đều nhau và không nổi bọt; mặt sau dưới đáy bao có in nổi ngày tháng sản xuất, rất rõ nét (6 số). Hàng giả có đường hàn ở 4 cạnh không đều nhau, đục và có nổi bọt; không in hoặc có in ngày tháng sản xuất nhưng không rõ nét, khó đọc. Cánh mì chính to, sóng đều, không gãy là hàng thật. Cánh không đều, gãy, có nhiều bụi trắng là hàng giả.
 

Về trọng lượng: Đối với hàng thật có trọng lượng tịnh luôn đúng với trọng lượng ghi trên bao bì. Nếu trọng lượng tịnh ít hơn hoặc tương đương với trọng lượng ghi trên bao bì là mì chính giả. Quan trọng là người tiêu dùng cần cẩn thận với các sản phẩm đại hạ giá. Nếu sản phẩm quá rẻ thì nhiều khả năng đó là hàng giả. Bởi đối tượng làm giả không phải mất chi phí cho nghiên cứu, phát triển, quảng bá và kiểm định chất lượng sản phẩm. Để làm giả, họ còn sử dụng những nguyên liệu và phương thức sản xuất tiết kiệm nhất nhưng bán sản phẩm với mức giá rẻ chỉ bằng một nửa.
 

BÀ CON CẦN BIẾT


Thị trường châu Âu: Quy định mới về ghi nhãn hàng thuỷ sản

Đáp ứng đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường EU là cách tốt nhất để doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận bền vững thị trường này.
Các quy định mới

Hiện nay, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU có sản lượng lớn là tôm và các loại cá (cá tra chiếm khối lượng lớn). Trong vòng 5 năm qua, trong khi tôm không bị EU cảnh báo thì các loại cá lại có nhiều lô bị cảnh báo, riêng cá tra bị cảnh báo tới 70 lô. Các nguyên nhân dễ dẫn đến bị cảnh báo của các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay đã được chỉ ratại Hội thảo “Hài hòa hóa quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y dịch tễ của Việt Nam với quy định của EU - khuyến nghị đối với ngành thủy hải sản Việt Nam” là: Bao bì không đảm bảo, nhiệt độ bảo quản không đạt, có chứa các nhóm hóa chất, kháng sinh (CAP, NTr, MG, Trifluralin), thủy ngân, oxit carbon, histamin... vượt quy định cho phép. Trong đó, vấn đề về ghi nhãn mác của các sản phẩm thủy sản mang thương hiệu Việt Nam rất hạn chế, người tiêu dùng ít biết đến. Đặc biệt, những tiêu chuẩn mới của các nước EU sẽ áp dụng trong thời gian tới là việc các DN phải ghi nhãn tuân thủ theo yêu cầu thị trường của EU. Việc ghi nhãn cần đáp ứng được các nguyên tắc chung là đầy đủ thông tin để người tiêu dùng có thể lựa chọn cũng như có thể truy suất nguồn gốc khi lô hàng đó có sự sai phạm. Bên cạnh các quy tắc ghi nhãn chung, theo quy định 1169/2011 của FIC mà các DN Việt Nam cần nắm rõ thì các DN cần chú ý các quy tắc đặc biệt trong ghi nhãn các sản phẩm thủy hải sản. Trong đó, phải bao gồm thông tin về: Tên thương mại, tên khoa học, phương pháp khai thác và khu vực đánh bắt. Theo quy định của EU, tên thương mại phải được thể hiện bằng ngôn ngữ chính thức của các nước thành viên. Các DN muốn xuất khẩu sang thị trường EU phải làm quen với các mô tả thương mại của nước ngoài, có thể nhận thông tin từ nhà nhập khẩu hoặc cơ quan quản lý tại EU. Bên cạnh đó, nếu sản phẩm đã được đông lạnh trước đó, trên nhãn phải chỉ rõ “đã rã đông”.

Hướng dẫn cách ghi khối lượng tịnh

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) đã có quy định cụ thể về ghi khối lượng tịnh trên nhãn sản phẩm và thể hiện trên chứng thư các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào EU. Theo đó, với nội dung Quantity thông tin thể hiện là Gross weight (tổng khối lượng); với nội dung Net weight thông tin thể hiện là Net weight (khối lượng tịnh). Các DN cần đặc biệt lưu ý, trường hợp thực phẩm được mạ băng, khối lượng tịnh được công bố không bao gồm nước mạ băng cũng như khối lượng dụng cụ, vật liệu bao gói.

Cũng theo Nafiqad, trong thời gian vừa qua, Cục nhận được phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp chế biến thủy sản vào EU về việc thể hiện thông tin khối lượng tịnh trên nhãn sản phẩm và trên chứng thư cấp cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào EU theo quy định Quy định số 1169/2011/EC ngày 25/10/2011 gây phát sinh vướng mắc trong việc thông quan lô hàng tại một số cửa khẩu EU (Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,…). Nguyên nhân là bởi khách hàng và cơ quan thẩm quyền cửa khẩu yêu cầu thông tin khối lượng tịnh trên chứng thư theo quy định cũ của EU (khối lượng tịnh bao gồm cả nước mạ băng).
 

HÀNG VIỆT

Thái Bình: Xây dựng thương hiệu khoai tây công nghệ cao

Thái Bình là tỉnh có truyền thống sản xuất khoai tây vụ đông với diện tích luôn cao nhất nước, ổn định ở mức trên 3.000 héc-ta/năm. Nhờ áp dụng công nghệ cao vào nhân và sử dụng giống khoai tây sạch bệnh, năng suất và chất lượng khoai tây được cải thiện. Mục tiêu xây dựng thương hiệu khoai tây mang tên Thái Bình cũng được tỉnh hướng đến.

Công nghệ cao giúp nâng cao chất lượng

Ông Trần Minh Bằng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trọng Quan cho biết, việc cung cấp đủ lượng phân hữu cơ cho khoai tây là rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển của củ, nhưng do những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ không còn tồn tại nên nguồn phân chuồng hạn chế. Rất may là hợp tác xã được một đơn vị tư vấn sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau khi gặt. Việc làm này vừa mang lại nguồn phân hữu cơ, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Nếu trồng giống khoai tây siêu bi được bảo quản trong kho lạnh năng suất luôn cao hơn do nông dân tự để từ mùa trước 20 - 25%, mẫu mã đẹp, sạch bệnh. Với giá bán trên thị trường hiện tại là 9.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi héc-ta khoai tây có thể thu nhập trên 100 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 55 - 60 triệu đồng.

Trên thực tế, một trong những khó khăn của việc mở rộng diện tích trồng khoai tây là chất lượng giống. Vì vậy, để đảm bảo sản xuất, hàng năm chúng ta phải nhập khẩu một lượng giống lớn với giá cao để thay thế những giống thoái hóa. Thái Bình đã triển khai mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào nhân và sử dụng giống khoai tây sạch bệnh. Mô hình áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào kết hợp khí canh, nhằm tạo ra được củ giống siêu nguyên chủng bằng khí canh với giá thành thấp, chất lượng tốt, là sản phẩm đầu vào cho hệ thống sản xuất các giống cấp tiếp theo. Giúp nông dân làm quen và tiếp cận tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Theo tính toán, giá thành sản xuất 1kg giống nguyên chủng là 15.330 đồng/kg, trong khi giá giống nhập nội là 24.000 - 25.000 đồng/kg, năng suất bình quân ở các mô hình đạt 500 kg/sào, có nơi lên đến 680 kg/sào, khả năng chống chịu bệnh tốt hơn giống nhập nội.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, tiềm năng sản xuất khoai tây của Thái Bình còn rất lớn với hơn 20.000 héc-ta đất có thể trồng giống cây này. Mặc dù tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trồng khoai tây như hỗ trợ một phần kho lạnh, 50% tiền mua khoai tây giống nhập từ nước ngoài, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật… nhưng diện tích khoai tây đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do lực lượng lao động ngày càng khan hiếm; chi phí ban đầu lớn gấp 3 - 5 lần so với một số giống cây vụ đông khác; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nông dân chưa được tổ chức trong các hợp tác xã và hiệp hội sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thị trường tiêu thụ không ổn định, trong khi đó vẫn chưa có mô hình thuyết phục để liên kết sản xuất khoai tây từ khâu giống đến bao tiêu và cao hơn là chế biến; chính sách hỗ trợ phần lớn nhằm giải quyết tình thế, chưa có định hướng dài hơi; hệ thống thủy lợi còn nhiều bất cập…

Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng chiến lược phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đưa khoai tây trở thành cây trồng mang thương hiệu Thái Bình. Mở rộng sản xuất khoai tây gắn với quy hoạch nông thôn mới, hình thành vùng sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học tiên tiến, nhất là lĩnh vực giống và công nghệ sinh học. Theo đó, tỉnh sẽ có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho những đơn vị, doanh nghiệp sản xuất giống gốc; đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất; quy hoạch các vùng cánh đồng lớn sản xuất khoai tây. Từ đó có quy hoạch và đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên doanh liên kết, hợp tác với người nông dân trồng khoai tây…


Thái Bình là tỉnh có truyền thống sản xuất khoai tây vụ đông với diện tích luôn cao nhất nước, ổn định ở mức trên 3.000 héc-ta/năm. Nhờ áp dụng công nghệ cao vào nhân và sử dụng giống khoai tây sạch bệnh, năng suất và chất lượng khoai tây được cải thiện. Mục tiêu xây dựng thương hiệu khoai tây mang tên Thái Bình cũng được tỉnh hướng đến.

Công nghệ cao giúp nâng cao chất lượng

Ông Trần Minh Bằng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trọng Quan cho biết, việc cung cấp đủ lượng phân hữu cơ cho khoai tây là rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển của củ, nhưng do những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ không còn tồn tại nên nguồn phân chuồng hạn chế. Rất may là hợp tác xã được một đơn vị tư vấn sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau khi gặt. Việc làm này vừa mang lại nguồn phân hữu cơ, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Nếu trồng giống khoai tây siêu bi được bảo quản trong kho lạnh năng suất luôn cao hơn do nông dân tự để từ mùa trước 20 - 25%, mẫu mã đẹp, sạch bệnh. Với giá bán trên thị trường hiện tại là 9.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi héc-ta khoai tây có thể thu nhập trên 100 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 55 - 60 triệu đồng.

Trên thực tế, một trong những khó khăn của việc mở rộng diện tích trồng khoai tây là chất lượng giống. Vì vậy, để đảm bảo sản xuất, hàng năm chúng ta phải nhập khẩu một lượng giống lớn với giá cao để thay thế những giống thoái hóa. Thái Bình đã triển khai mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào nhân và sử dụng giống khoai tây sạch bệnh. Mô hình áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào kết hợp khí canh, nhằm tạo ra được củ giống siêu nguyên chủng bằng khí canh với giá thành thấp, chất lượng tốt, là sản phẩm đầu vào cho hệ thống sản xuất các giống cấp tiếp theo. Giúp nông dân làm quen và tiếp cận tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Theo tính toán, giá thành sản xuất 1kg giống nguyên chủng là 15.330 đồng/kg, trong khi giá giống nhập nội là 24.000 - 25.000 đồng/kg, năng suất bình quân ở các mô hình đạt 500 kg/sào, có nơi lên đến 680 kg/sào, khả năng chống chịu bệnh tốt hơn giống nhập nội.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, tiềm năng sản xuất khoai tây của Thái Bình còn rất lớn với hơn 20.000 héc-ta đất có thể trồng giống cây này. Mặc dù tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trồng khoai tây như hỗ trợ một phần kho lạnh, 50% tiền mua khoai tây giống nhập từ nước ngoài, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật… nhưng diện tích khoai tây đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do lực lượng lao động ngày càng khan hiếm; chi phí ban đầu lớn gấp 3 - 5 lần so với một số giống cây vụ đông khác; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nông dân chưa được tổ chức trong các hợp tác xã và hiệp hội sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thị trường tiêu thụ không ổn định, trong khi đó vẫn chưa có mô hình thuyết phục để liên kết sản xuất khoai tây từ khâu giống đến bao tiêu và cao hơn là chế biến; chính sách hỗ trợ phần lớn nhằm giải quyết tình thế, chưa có định hướng dài hơi; hệ thống thủy lợi còn nhiều bất cập…

Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng chiến lược phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đưa khoai tây trở thành cây trồng mang thương hiệu Thái Bình. Mở rộng sản xuất khoai tây gắn với quy hoạch nông thôn mới, hình thành vùng sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học tiên tiến, nhất là lĩnh vực giống và công nghệ sinh học. Theo đó, tỉnh sẽ có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho những đơn vị, doanh nghiệp sản xuất giống gốc; đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất; quy hoạch các vùng cánh đồng lớn sản xuất khoai tây. Từ đó có quy hoạch và đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên doanh liên kết, hợp tác với người nông dân trồng khoai tây…

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)