Thông tin giá cả thị trường số 48/2018

12:12 AM 03/12/2018 |   Lượt xem: 4389 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đắk Lắk: Vất vả thu hoạch cà phê niên vụ mới

Năm nay, người trồng cà phê trong tỉnh Đắk Lắk bước vào thu hoạch niên vụ mới sớm hơn mọi năm với không ít khó khăn.

Khó khăn đầu tiên là về giá. Niên vụ 2017 - 2018, cà phê luôn có xu hướng trượt giá xuống mốc trên, dưới 35 triệu đồng/tấn (niên vụ 2016 - 2017 giá bình quân trên 44 triệu đồng/tấn). Mặc dù niên vụ 2017 - 2018, bà con không tốn nhiều công, chi phí tưới cà phê, nhưng các khoản chi phí khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc đều tăng từ 5 - 10% so với những năm trước. Ngoài ra, tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch nhưng giá nhân công đã ở mức 170.000 - 180.000 đồng/ngày, tăng 20.000 - 30.000 đồng/ngày so với cùng kỳ năm 2017.

Thứ hai là hiện tượng hạn sớm. Theo nhận định của các chuyên gia, thời tiết từ đầu năm đến nay khá thuận lợi khi lằn ranh giữa các mùa có sự phân hóa rõ rệt, không xuất hiện hiện tượng mưa trái mùa như những năm trước nên cà phê sinh trưởng tốt, năng suất bình quân ước đạt khoảng 2,45 tấn nhân/héc-ta. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh giảm, một số vùng gần như không có mưa hoặc mưa ít như Buôn Đôn, Ea H’leo, M’Đrắk, Ea Kar… khiến cây cà phê có dấu hiệu bị héo rũ do thiếu nước. Xét dưới góc độ hạn hán thì mức độ thiếu nước của cây cà phê hiện vẫn đang trong giai đoạn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đây là đợt thiếu nước đầu tiên của niên vụ mới, cây cà phê mới chỉ bước vào đầu vụ thu hái chính, một số vườn vẫn đang hái bói do tỷ lệ chín cây còn thấp, gây không ít khó khăn cho bà con. Bởi vì thời tiết nắng nóng, không có mưa trên dưới 30 ngày, cây cà phê sẽ bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa nên nguy cơ cà phê nở hoa khi chưa thu hoạch quả xong tăng cao, đe dọa đến tiến độ thu hoạch, chất lượng cà phê niên vụ 2018 - 2019, cũng như ảnh hưởng đến mùa vụ tiếp theo 2019 - 2020. Vì vậy, các cán bộ kỹ thuật, khuyến nông địa phương khuyến cáo bà con nên tưới nước giữ ẩm vườn cây với một lượng nhất định theo phương pháp tưới tiết kiệm nhằm giúp cây giữ được nhịp độ sinh trưởng bình thường, hạn chế tối đa cà phê nở hoa bất thường.

Thứ ba, khó khăn trong khâu thu hoạch. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên trái cà phê đều, đẹp, năng suất ước tăng khoảng 15%. Do chi phí đầu vào tăng nên một số hộ gia đình đã chọn hình thức thu hoạch cuốn chiếu. Tức là khi cà phê chín được 30% thì thu bói và tự chế biến, bảo quản từng đợt. Với cách thu hái này, gia đình có thể tận dụng nhân công sẵn có, vừa có thể tiết giảm chi phí đầu vào cũng như bảo đảm chất lượng cà phê nhân cuối vụ. Tuy nhiên, với cách thu hoạch này, thời gian thu hái kéo dài, việc bảo vệ cà phê trên vườn khó khăn hơn. Vì vậy, nhiều hộ đang cân nhắc giải pháp bán cà phê quả tươi. Với giải pháp này, bà con phải đợi thêm một thời gian nữa, chờ cà phê chín đồng loạt để thuê người thu hoạch. Đồng thời, gia đình sẽ bán một phần dưới dạng quả tươi nhằm chủ động tài chính cho sinh hoạt, chi trả nhân công thu hái và đầu tư, chăm sóc vườn cây hậu mùa thu hoạch.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 204.800 héc-ta cà phê, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là gần 187.300 héc-ta.

MUA GÌ-BÁN GÌ

Nghệ An: Tiêu rừng đắt hàng

Tiêu rừng (mắc khén) là loại cây thân gỗ mọc tự nhiên có nhiều ở trên các cánh rừng vùng cao. Từ lâu, loại quả này đã được người dân dùng làm gia vị trong các món ăn. Tiêu rừng được lấy về khi còn tươi xanh và được bó lại thành từng chùm. Tùy theo loại, chùm nhỏ có giá 5.000 đồng, chùm lớn 10.000 đồng.

Tiêu rừng sau khi phơi khô được bày bán ở các tuyến đường vùng cao tỉnh Nghệ An. Đang đầu mùa tiêu rừng nên hái cả ngày, mỗi gia đình có thể hái được 30 - 40 bó, tính ra cũng được hơn 500.000 đồng/ngày. Đặc biệt, loại quả này chỉ xuất hiện trong thời gian vài tháng rồi rụng nên bà con tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Bình quân mỗi người 1 ngày có thể kiếm được tiền triệu từ tiền bán tiêu rừng.

Miền Tây: Thương lái chậm thu mua sầu riêng

Sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây đã vào đợt thu hoạch được hơn 2 tuần nhưng rất ít thương lái, doanh nghiệp thu mua khiến nhà vườn hết sức lo lắng. Hiện nay, tổng diện tích sầu riêng đã cho trái trên địa bàn các huyện Chợ Lách, Châu Thành (Bến Tre) và Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) trên 12.000 héc-ta. Trong đó, trên 50% diện tích được nhà vườn xử lý cho trái nghịch vụ với tổng sản lượng khoảng 200.000 tấn trái. Mặc dù các nhà vườn đã vào vụ thu hoạch nhưng thương lái hẹn mãi không tới mua.Vì vậy, các nhà vườn phải chia thành nhiều đợt thu hoạch đối với các vườn đã “bỏ cọc” và tìm đầu mối trong nước tiêu thụ. Riêng các vườn khác thì không ngã giá vì có rẻ hơn cũng không thể mua do không có chỗ tiêu thụ.

Thời gian qua, sầu riêng chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch bởi sầu riêng không có tên trong danh mục được nhập khẩu chính ngạch.

Kiên Giang: Giá khoai lang giảm mạnh

Huyện Hòn Đất là địa phương có diện tích trồng khoai lang nhiều nhất tỉnh Kiên Giang với gần 400 héc-ta. Vụ này, nhiều hộ dân nơi đây lâm cảnh nợ nần và thua lỗ vì giá khoai lang giảm mạnh và khó bán. Hiện nay, giá khoai chỉ còn 4.500 - 5.550 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Do chuyển đổi nhanh chóng từ trồng lúa sang trồng màu nên nhiều hộ dân khó khăn vì giá khoai xuống thấp. Từ trước đến nay, giá khoai lang bấp bênh và luôn phụ thuộc vào thương lái. Theo tính toán, người trồng mất 5 - 6 tháng mới thu hoạch, chi phí mỗi héc-ta từ 14 - 15 triệu đồng, năng suất từ 27 - 30 tấn/héc-ta. Với giá thấp như hiện nay, bà con lỗ từ 80 - 100 triệu đồng/héc-ta.

Trên thực tế, vào thời điểm này năm ngoái, giá khoai lang cao nên người dân đổ xô trồng khoai dẫn đến tình trạng cung nhiều hơn cầu. Trong khi đó, các công ty, đại lý tại TP. Hồ Chí Minh mua số lượng thấp, xuất khẩu ít khiến sức tiêu thụ giảm.

Bình Thuận: Sắn nước thất thu

Ở phường Mũi Né (Bình Thuận), bà con tận dụng diện tích đất để trồng cây sắn nước (củ đậu). Đây là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng đất cát trắng nơi đây. Thông thường, bà con trồng sắn nước để kiếm thêm thu nhập trước khi xuống giống vụ hoa tết vào dịp rằm tháng 10 (âm lịch). Tuy nhiên, vụ sắn nước năm nay do thời thiết không thuận lợi nên nhiều hộ nông dân Mũi Né thất thu.

Sắn được các thương lái ở địa phương thu mua để bán lại cho các chợ dùng để ăn sống hoặc chế biến thực phẩm. Theo đó, sắn được bó theo củ, loại 10 củ bó thành 1 chùm, thông thường giá ở 3 mức: 5.000 đồng, 10.000 đồng hoặc 15.000 đồng/chùm tùy loại. Tuy nhiên, năm nay, giá bán sắn đã tăng gần gấp rưỡi nhưng sản lượng thu hoạch lại không cao.

CƠ HỘI-GIAO THƯƠNG

Gia Lai: Liên kết sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu

Dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu” sau gần 3 năm thực hiện tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Các hộ tham gia mô hình đã áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, liên kết với các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm.

Dựa trên thế mạnh sản xuất thâm canh các loại cây trồng ở từng vùng trong cả nước, năm 2016, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã lựa chọn các sản phẩm chủ lực, gồm: chè (tỉnh Tuyên Quang), hồ tiêu (tỉnh Gia Lai), cà phê (tỉnh Đắk Lắk) và tôm - lúa (tỉnh Kiên Giang) để xây dựng 4 mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới liên kết 4 nhà theo chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế 15 - 20%.

Tại Gia Lai, dự án được triển khai tại thôn Ia Ring (xã Ia Tiêm), ban đầu chỉ có 16 hộ trồng hồ tiêu tham gia. Mỗi hộ góp 2 sào (khoảng 400 trụ hồ tiêu) để sản xuất theo hướng mới. Đến nay, mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu đã thu hút 60 hộ tham gia với diện tích khoảng 12 héc-ta. Đặc biệt, dự án đã xây dựng thành công HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Ia Ring hoạt động kiểu mới liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào cho các thành viên kịp thời vụ, giá thấp và ổn định. Quy trình sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP đã giảm lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất vẫn ổn định. Tuy nhiên, cái lợi lớn nhất của các hộ khi tham gia mô hình là được mở rộng kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trồng và phát triển hồ tiêu đạt tiêu chuẩn an toàn, dễ tiêu thụ. Hiện nay, người dân các vùng khác bắt đầu tìm đến các hộ tham gia mô hình để học tập kinh nghiệm.

Thành công của mô hình này sẽ là tiền đề quan trọng để nhân rộng sang các thôn, làng khác trên địa bàn xã Ia Tiêm.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Dệt may tăng cường chống hàng giả, nhái

Ngành dệt may trong nước đang phải đối diện với tình trạng hàng giả, hàng nhái gia tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, thương hiệu dệt may của doanh nghiệp mà còn làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Đánh vào thị hiếu người tiêu dùng, thời gian qua, nhiều sản phẩm dệt may bị làm giả hoặc nhái các thương hiệu: May 10, Việt Tiến, Đức Giang… Đây là các thương hiệu có uy tín, được đông đảo người tiêu dùng tín nhiệm.

Nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, một số doanh nghiệp đã tăng cường các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong đó có biện pháp quản lý kỹ thuật, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Đặc biệt là những dấu hiệu nhận biết để giúp bà con phân biệt hàng giả, hàng nhái. Đối với Tổng Công ty May 10, thời gian qua, Tổng công ty đã có rất nhiều biện pháp cũng như chiến lược bảo vệ thương hiệu của mình. Đó là hệ thống nhận diện thương hiệu được đồng bộ từ khâu bao bì, đóng gói, đến khâu phân phối, tiêu dùng. Về mặt kỹ thuật, trong tất cả các sản phẩm của May 10 đều có một sợi chống hàng giả được dệt cùng nhãn mác sử dụng; có tem chống hàng giả, khi soi kính lúp có thể nhìn được toàn bộ lô-gô, ký hiệu đặc biệt để phân biệt được đó có phải là sản phẩm của May 10 hay không.

Đối với sản phẩm áo sơ mi, Công ty May Việt Tiến cũng đã cung cấp một số thông tin cần thiết cho khách hàng khi mua các sản phẩm của Việt Tiến. Cụ thể như sau: Trên nhãn chính, nhãn treo, nhãn hướng dẫn sử dụng và bao bì đều sử dụng duy nhất tên “Việt Tiến”; nút nhựa sản phẩm có khắc chữ chìm “VIETTIEN-VITEC”. Riêng hàng cao cấp, có nhãn khóa nhựa “Origin” nối giữa nhãn treo và nút sản phẩm. Đối với áo tay dài, manchette có thêu chữ Việt Tiến, góc túi áo có thêu chữ “V” và giá bán in trên nhãn treo được thống nhất trên toàn quốc.

HÀNG VIỆT 

Phiên chợ hàng Việt - ngày hội mua sắm của người dân Côn Đảo

“Mỗi lần có phiên chợ hàng Việt tổ chức ở Côn Đảo, cả nhà đều tham gia mua sắm nhiều hàng, vật dụng cần thiết vì hàng hóa chất lượng,
giá lại rẻ” - cô Trần Thị Khuyên, giáo viên dạy tiểu học ở Côn Đảo chia sẻ.

Không chỉ cô Khuyên, nhiều người dân huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều rất hồ hởi với phiên chợ hàng Việt mỗi khi được tổ chức tại đây. Ông Nguyễn Văn Bình, ngụ ở Hòn Bảy Cạnh, huyện Côn Đảo cho biết, Côn Đảo nằm cách xa đất liền nên hàng hóa tiêu dùng vừa hiếm vừa đắt. Bởi vậy, mỗi khi có phiên chợ hàng Việt, người dân Côn Đảo đều đổ xô đi mua sắm, có người còn mua về trữ để xài dần. Theo bà Huỳnh Thị Minh, ngụ ở Phú Hội, các phiên chợ hàng Việt tổ chức ở Côn Đảo chủ yếu bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: thực phẩm chế biến, quần áo, chất tẩy rửa, dụng cụ sinh hoạt gia đình… Các doanh nghiệp bày bán hàng hóa đều là hàng chất lượng với giá bằng hoặc thấp hơn giá bán trong đất liền 10 - 30%. Vì thế, phiên chợ hàng Việt thật sự là ngày hội mua sắm của bà con ở Côn Đảo.

Tại phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Côn Đảo tổ chức từ ngày 25 đến ngày 29/9/2018, có 23 gian hàng của 12 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia cung cấp các mặt hàng chất lượng được sản xuất trong nước như: nước tương, nước mắm, bánh kẹo, mật ong, tinh nghệ, xúc xích, cà phê, trà; hàng gia dụng gồm dao, kéo, nông cụ, đồ dùng gia đình; hàng thời trang có quần áo người lớn, trẻ em, hoá mỹ phẩm, chăn ga, gối nệm... Phiên chợ sau 5 ngày tổ chức đã có hơn 10.000 lượt khách đến mua sắm với tổng doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. Bà Huỳnh Thị Lan - Giám đốc Công ty Thủy Long cho biết, các doanh nghiệp tham gia phiên chợ này đều bán hàng bằng với giá bán trong đất liền và kèm theo nhiều phần quà tặng nên nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con. Ngoài báy bán hàng hóa, phiên chợ lần này đã có 2 doanh nghiệp tìm được đối tác làm đại lý tại huyện Côn Đảo đều phân phối hàng hóa từ đất liền ra đảo.

Vào khoảng tháng 1/2019, Trung tâm sẽ tổ chức 1 phiên chợ đưa hàng Việt ra Côn Đảo nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán năm 2019. Đến nay đã có gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia phiên chợ này. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định về việc công bố danh mục địa điểm và lĩnh vực ưu tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2019. Theo đó, tại huyện Côn Đảo, địa điểm trục đường Lê Hồng Phong, khu dân cư số 6 huyện Côn Đảo sẽ là nơi tổ chức phiên hàng Việt thường xuyên để phục vụ người dân trên đảo.

Ông Trương Văn Thôi - Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, năm 2018, Trung tâm đã tổ chức 8 phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Đất Đỏ, Long Điền, thị xã Phú Mỹ và Côn Đảo. Kết quả có 135 lượt doanh nghiệp tham gia, tổng doanh thu của các phiên chợ khoảng 9,4 tỷ đồng, thu hút hơn 40.000 lượt khách tham quan và mua sắm. Riêng tại Côn Đảo, ngoài đưa hàng hóa ra phục vụ người dân, Trung tâm và các doanh nghiệp còn trao tặng 20 phần quà với tổng trị giá 24 triệu đồng cho 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Trương Văn Thôi đánh giá, chương trình hàng Việt về nông thôn và hải đảo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng được cải tiến, nâng cao về chất lượng, từ khâu tổ chức, vận động doanh nghiệp tham gia đến công tác phối hợp. Chương trình hiện đã trở thành một hoạt động quen thuộc, ngày càng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của bà con vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

“Phiên chợ hàng Việt là dịp để các doanh nghiệp có thêm cơ hội quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần loại bỏ hàng gian, hàng giả ra khỏi thị trường nông thôn. Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia chương trình đều thực hiện đúng với cam kết về chất lượng, mẫu mã hàng hóa nên rất được người dân ủng hộ” - ông Thôi chia sẻ thêm.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)