Thông tin giá cả thị trường số 28/2016

03:52 PM 27/10/2016 |   Lượt xem: 3508 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Nông nghiệp sạch: Hướng đi tất yếu, bền vững

Nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm sạch, an toàn, trong đó có sản phẩm nông nghiệp hiện nay là rất lớn. Muốn tồn tại và phát triển, bắt buộc nông dân, doanh nghiệp phải đáp ứng được nhu cầu này…

Rau quả sạch “lên ngôi”

Mới đây, Úc đã chính thức cấp giấy thông hành cho mặt hàng xoài Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này, tiếp đến sẽ là quả thanh long. Mỹ cũng đang đề xuất cho phép trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Trước đó, thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa của Việt Nam cũng đã được tiêu thụ tại thị trường này. Nhờ xuất khẩu, giá mỗi cân trái cây đã tăng gấp nhiều lần. Nhiều người nông dân đã nở nụ cười bội thu thay cho cảnh rớt nước mắt bên những vựa trái cây đến vụ thu hoạch mà giá rẻ như cho. Việc các hợp đồng xuất khẩu rau quả liên tục được ký kết cũng đã chính thức đưa rau quả “soán ngôi” mặt hàng gạo và vươn lên đứng thứ 4 về xuất khẩu, sau thủy sản, cà phê và điều. Có được kết quả này là do các mặt hàng rau quả đã được trồng theo đúng quy trình sản xuất khắt khe, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà các thị trường khó tính đặt ra. Đây cũng được xem là con đường tất yếu để đưa nông sản xuất khẩu ra thế giới.

Với thị trường trong nước, cùng một mớ rau, nhưng nếu là rau trồng theo quy trình an toàn, sẽ có giá cao gấp 2 - 3 lần rau trồng bình thường; nếu là rau hữu cơ, bán trong cửa hàng thực phẩm sạch, giá có thể cao gấp 5 - 6 lần. Giá cao là vậy nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng lựa chọn để tránh những lo ngại về thực phẩm không an toàn.

Thực tế, về quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, Việt Nam đã ban hành 4 quy trình VietGAP cho rau quả tươi, chè búp tươi, lúa gạo, cà phê và 8 quy trình chăn nuôi tốt VietGAP cho bò sữa, bò thịt, dê sữa, dê thịt, lợn, gà, ngan/vịt và ong. Tuy nhiên, nông sản sạch là kết quả của một chuỗi sản xuất từ nông trại đến bàn ăn, gồm các khâu: Gieo hạt, chăm sóc ngoài đồng, thu hoạch, sau thu hoạch, sơ chế, bảo quản, giao thông chuyên chở, phân phối đến cửa hàng, để cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, để có nông nghiệp sạch lại là chuyện không hề đơn giản, không thể thực hiện một sớm một chiều.

Liên kết để có chuỗi sản xuất sạch

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT (Úc), để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, Việt Nam phải xây dựng và làm theo tiêu chuẩn GlobalGAP. “Xây dựng tiêu chuẩn GlobalGAP không phải của Chính phủ, của các bộ, ngành mà là xu thế tất yếu của thị trường quốc tế, là yêu cầu đối với sản xuất nông nghiệp, với nông dân. Người nông dân Nhật, Úc luôn có năng suất lao động, chất lượng nông sản rất cao, chính là vì họ tuân thủ rất nghiêm túc việc sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, cùng với đó là ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật” – ông Vọng nhấn mạnh.

Về vấn đề kỹ thuật – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho rằng: Ngoài những công nghệ nước ngoài, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ nghiên cứu giống cây, con. Do đó năng suất lúa của chúng ta đạt 5,7 tấn/héc-ta, rất cao so với các nước trên thế giới. Hay trong nuôi trồng thủy sản, Việt Nam đã sản xuất được các giống cá song, cá tra, tôm... nông sản có chế biến hạt điều, chè, nghệ... Khi đưa công nghệ mới vào sản xuất,  chất lượng, giá trị của các mặt hàng nông sản tăng lên rất nhiều.

Tuy nhiên, do nông nghiệp sạch là một chuỗi sản xuất, nên các nguy cơ ô nhiễm về hoá chất, sinh học và vật lý có thể xảy ra ở bất cứ khâu nào trong chuỗi. Chính vì vậy, để nông nghiệp thực sự sạch, chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định: Doanh nghiệp, nhà nông, nông dân nhỏ, ngân hàng, nhà khoa học đều phải tham gia chuỗi, chứ không thể đứng một mình. Tiến tới đưa nông dân vào Hợp tác xã. Nông dân nhỏ và doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hợp tác khai thác thị trường chứ không nhất thiết cứ phải là các tập đoàn lớn.

Với mong muốn khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng, ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), thông tin, tới đây Agribank sẽ dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”. Trong đó, đối tượng của chương trình là các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đây được xem như một cơ hội để nông nghiệp sạch tiến những bước mạnh mẽ, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.

MUA GÌ

Ðông Nam bộ: Giá mủ cao su tươi tăng hơn 2 triệu đồng/tấn

Các đại lý mua mủ cao su tươi tại vùng Đông Nam bộ cho biết, giá những loại mủ cao su tươi đang được mua vào dao động từ 4.500 - 12.000  đồng/kg, tăng 1 - 2,5 triệu đồng/tấn so với dịp đầu tháng 9/2016. Cụ thể, giá mủ cao su dạng nước tại Bình Phước diễn biến tăng tích cực, từ 6.720 đồng/kg lên 7.040 đồng/kg và hiện là 7.400 đồng/kg đối với mủ tạp 32 độ. Ông Lê Thanh Vũ, người trồng cao su tiểu điền tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú cho biết: “Từ đầu tháng 10 đến nay, giá mủ nước trên địa bàn đã tăng lên, bà con nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Với mức giá như hiện nay, chúng tôi đã có lãi nhẹ, hy vọng sẽ tiếp tục gắn bó với vườn cao su”.

Nguyên nhân khiến giá mủ cao su tươi tăng là do một số nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn đã giảm khai thác vì giá mủ thời gian qua quá rẻ, có lúc xuống chỉ bằng 2/3 giá hiện tại. Bên cạnh đó, mặt hàng cao su thiên nhiên đã ổn định được thị trường xuất khẩu, trong đó xuất khẩu chủ yếu là sang thị trường Trung Quốc. Nhu cầu và nguyên liệu cao su thiên nhiên để sản xuất săm lốp ôtô của thị trường Trung Quốc tăng nhẹ.

Cây mì mất mùa, mất giá

Mùa thu hoạch cây mì (cây sắn) năm nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum, người nông dân rơi vào tình cảnh “thiệt đơn, thiệt kép” vì cây mì vừa mất mùa, vừa mất giá.

Theo khảo sát, do nắng hạn kéo dài nên cây mì phát triển kém, năng suất củ giảm mạnh, bình quân mỗi héc-ta giảm năng suất khoảng 5 tấn. Trong khi đó, giá mì tươi hiện được thương lái thu mua tại ruộng chỉ ở mức 700 – 800 đồng/kg; còn giá thu mua tại nhà máy dao động ở mức 1.100 – 1.300 đồng/kg, giảm 600 – 800 đồng/kg so với mùa trước. Theo thống kê, toàn tỉnh Kon Tum hiện có gần 40.000 héc-ta mì. Đây là một trong những loại cây cho thu nhập chủ yếu của người dân, bên cạnh cây cà phê, cao su, mía…

Làng bè Châu Ðốc điêu đứng vì cá rớt giá

Làng bè Châu Đốc (An Giang) nổi tiếng hàng chục năm nay bởi cung ứng hàng trăm ngàn tấn cá nuôi các loại mỗi năm. Thế nhưng giờ đây làng bè này đang gặp khó mỗi khi mùa lũ về là cá dội chợ khiến người nuôi lao đao. Bà con ở  phường Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc cho biết: Nếu như đầu năm giá cá chim dao động từ 20.000 - 22.000 đồng/kg thì nay chỉ còn lại 18.000 - 19.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là do có nước lũ về nên người dân Campuchia đánh bắt được cá đồng, ít ăn cá nhập, mà ít ăn thì coi như giá cá rớt xuống khiến người nuôi cá năm nay lỗ nặng.

Tình trạng tương tự cũng gặp ở nhánh sông Châu Đốc nằm phía xã Đa Phước, huyện An Phú với các hộ nuôi cá he và cá mè Vinh. Hàng chục tấn cá đang tồn khiến người nuôi cá đành nuôi cầm chừng. Theo phòng kinh tế thành phố Châu Đốc cho biết, hiện nay toàn nhánh sông Hậu thuộc làng bè Châu Đốc có khoảng 150 lồng, bè nuôi cá của ngư dân.

Cần Thơ: Thủy sản đánh bắt tự nhiên đắt hàng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, hiện nay tại nhiều chợ ở Cần Thơ giá thủy sản đánh bắt tự nhiên tăng cao do nguồn cung ít mà nhu cầu tăng cao. Cụ thể, lươn đồng loại một ở mức 200.000 - 210.000 đồng/kg, cá lóc đồng và trê vàng loại một giá 140.000 - 150.000 đồng/kg; giá tép rong 110.000 đồng/kg; ếch đồng bán 100.000 đồng/kg; cá trê trắng, cá sặc và cá linh non có giá khoảng trên dưới 80.000 đồng/kg. Giá cua đồng cũng đang ở mức khá cao với khoảng 40.000 đồng/kg; các loại ốc bươu và ốc lác loại một có giá 30.000 - 40.000 đồng/kg. Trung bình các mặt hàng thủy sản hầu hết đều tăng từ 5.000 đến 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Các tiểu thương kinh doanh thủy sản tươi sống cho rằng, nguyên nhân khiến mặt hàng này tăng cao là do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tiêu thụ ở mức cao. Thời gian tới, giá các loại thủy sản nước ngọt đánh bắt tự nhiên dự đoán sẽ còn ở mức cao hơn khi năm nay lũ về thấp, lượng thủy sản tự nhiên trên đồng và các sông, kênh rạch ngày càng suy giảm. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng thích chọn mua các loại cá đồng và thủy sản nước ngọt đánh bắt tự nhiên.

BÁN GÌ

Lâm Ðồng: Ớt sừng khan hàng

Nhiều nông dân ở huyện Đơn Dương, vùng chuyên canh ớt lớn nhất tỉnh Lâm Đồng cho biết, giá ớt sừng đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua, đạt 17.000 đồng/kg, cao gấp hơn 2 lần so với thời điểm cách đây 3 tuần. Nguyên nhân là do bước vào mùa mưa, nhiều địa phương trong cả nước không thể trồng được ớt hoặc diện tích ớt sừng trồng ngoài trời bị hư hỏng do nấm bệnh gây hại, sản lượng giảm sút.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ ớt trên thị trường trong nước và xuất khẩu lại tăng mạnh. Khan hiếm hàng là nguyên nhân đẩy giá ớt sừng tăng cao trong vòng 3 tuần qua. Toàn huyện Đơn Dương đang có khoảng 40 héc-ta ớt sừng. Với giá bán hiện tại, mỗi sào ớt sừng nhà vườn thu về không dưới 20 triệu đồng tiền lãi.

Vĩnh Long: Nông dân thu hoạch khoai lang sớm vì được giá

Hiện nay, giá khoai lang tím Nhật trên thị trường tăng cao, đạt 700.000 -  800.000 đồng/tạ (60kg) nên bà con nông dân đã thu hoạch khoai sớm hơn mùa vụ để bán. Nếu trước đây trung bình mỗi vụ khoai lang từ lúc gieo trồng đến thu hoạch là từ 5 - 6 tháng, nhưng hiện nông dân đã rút xuống chỉ còn khoảng 4 tháng là thu hoạch. Mặc dù khoai lang thu hoạch sớm năng suất giảm nhưng nông dân vẫn có lãi vì đầu vụ khan hàng, bán được giá cao. Việc thu hoạch sớm này cũng không ảnh hưởng đến chất lượng khoai lang.

Vụ Thu Đông này, xã Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long gieo trồng khoảng 2.500 héc-ta khoai, đến nay đã thu hoạch xong khoảng 2.000 héc-ta, chủ yếu khoai lang tím Nhật. Hiện địa phương đã vận động nông dân hạn chế tình trạng xuống giống ồ ạt, ổn định khoảng 10.000 héc-ta khoai lang tím mỗi năm. Đồng thời, khuyến cáo bà con thực hiện xuống giống rải vụ nên cũng đã hạn chế tình trạng rớt giá.

Ðồng bằng sông Cửu Long: Cá tra tăng giá

Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, hiện nay, tình hình cá tra tăng giá mạnh lên 18.000 - 22.800 đồng/kg (tùy theo chất lượng và phương thức thanh toán) được cho là thiếu hụt nguồn cung cá nguyên liệu, diện tích thả nuôi cá tra mới giảm. Theo Chi cục Thủy sản các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến ngày 9/10 diện tích nuôi mới cá tra trong vùng hơn 2.570 héc-ta, giảm 9% so cùng kỳ 2015. Từ đầu năm đến nay sản lượng cá tra đạt hơn 850.000 tấn, tăng 12% so cùng kỳ 2015, do năng suất trung bình đạt 313 tấn/héc-ta (năm 2015 là 285 tấn/héc-ta).

Nam Trung bộ: Trúng đậm cá ngừ trái vụ

Dù đã vào mùa biển động nhưng nhiều tàu khai thác cá ngừ đại dương và sọc dưa đạt năng suất cao. Giá cá ngừ trái vụ cũng đã tăng cao, lên 105.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg sau khoảng thời gian dài rớt giá, khiến ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ vượt sóng gió, vươn khơi bám biển.

Theo Ban Quản lý cảng Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung bộ (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), trong những ngày qua, các tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương ở Hoàng Sa, Trường Sa của các tỉnh Nam Trung bộ đã lần lượt về bờ. Lượng cá đánh bắt nhìn chung cao hơn so với các tháng trước, sản lượng trung bình mỗi tàu đạt 1,5 tấn. Giá cá hiện nay tăng 15.000 đồng/kg khiến nhiều ngư dân phấn khởi, thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Các ngư dân cho biết, mấy năm trước thường mùa này sóng to gió lớn, ít cá nên ngư dân kéo tàu lên bờ để làm lại “nước” (sửa chữa lại tàu). Tuy nhiên, năm nay, cá ngừ đại dương di chuyển nhiều, dễ đánh hơn. Các vựa thu mua đánh giá chất lượng cá ngừ đại dương đợt này và sản lượng đều đạt tốt trong khi cá thế giới đang khan hiếm. Doanh nghiệp phải tăng giá để cạnh tranh thu mua.

Ngoài cá ngừ đại dương, những ngày qua ngư dân Nam Trung bộ đã trúng đậm cá ngừ sọc dưa, trung bình mỗi tàu đạt 20 - 25 tấn, thậm chí có tàu đạt 40 tấn/chuyến. Hiện loại cá này đạt 19.000 - 20.000 đồng/kg, ngư dân thu lãi hàng trăm triệu đồng/chuyến.   

LƯU Ý CẢNH BÁO

Trồng khoai lang trên cao nguyên Ðắk Nông

Sau 10 năm bén duyên đất Ðắk Nông, cây khoai lang Nhật đã đem lại cho hàng vạn hộ nông dân cơ hội thoát nghèo. Tại khắp buôn làng vùng sâu thuộc các huyện Tuy Ðức, Ðắk Song, Ðắk Glong, Ðắk R’ lấp, Ðắk Mil, Krông Nô, Cư Jút... cuộc sống của người dân đã thực sự đổi thay. Tuy nhiên, vụ khoai năm nay, hàng trăm nông dân trồng khoai lang tại đây gặp rất nhiều khó khăn do bệnh chết dây hoành hành.

Năng suất khoai giảm mạnh

Tuy Đức là huyện có diện tích, sản lượng và chất lượng khoai lang cao nhất tỉnh Đắk Nông. Vụ khoai năm nay, hàng trăm nông dân trồng khoai lang tại đây gặp rất nhiều khó khăn do bệnh chết dây hoành hành. Tình trạng này bắt đầu xảy ra vào năm ngoái và gia tăng mạnh thời gian gần đây. So với năng suất trung bình trước đây khoảng 10 tấn/héc-ta, năng suất khoai vụ này đã giảm gần 50%. Một hộ gia đình ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch 5 héc-ta khoai lang Nhật nhưng chỉ thu được hơn 15 tấn. Với giá bán hiện nay khoảng 10.000 đồng/kg, tổng thu nhập từ 5 héc-ta khoai là 150 triệu đồng. Trong khi đó, tổng chi phí cho việc thuê đất, giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và công lao động trong suốt 6 tháng trồng và chăm sóc ước tính khoảng 300 triệu đồng.

Nguyên nhân khiến năng suất giảm mạnh là do bệnh chết dây. Bệnh này bắt đầu xảy ra khi vườn khoai trồng được từ 2 – 2,5 tháng, thời điểm dây khoai đang trong giai đoạn khỏe nhất. Về triệu chứng của bệnh, ban đầu tại vị trí gốc xuất hiện một số vết thâm, sau đó lan nhanh làm chết đoạn dây ngay gốc. Việc trao đổi chất giữa rễ và dây, lá khoai bị gián đoạn dẫn tới dây khoai chết dần chết mòn. Dây nào bị nhiễm nhẹ thì không chết nhưng cũng không có củ hoặc củ rất nhỏ, không đáng kể.

Trên thực tế, bệnh chết dây đang là nỗi ám ảnh lớn nhất của người trồng khoai lang. Phát hiện bệnh là nông dân tổng lực phun thuốc để ngăn chặn nhưng ít có hộ nào ngăn được triệt để. Nhiều hộ chậm trễ thì buông xuôi việc chăm sóc, bón phân từ tháng thứ 3. Kết quả là đến khi thu hoạch khoai thì rẫy khoai chỉ còn là rẫy… cỏ. Đặc biệt, năm nay dịch chết dây trên khoai lang tăng đột biến. Nhiều vườn khoai tỷ lệ dây bị chết lên đến 70 – 80%. Nếu chi phí mỗi héc-ta khoai lang khoảng 60 triệu đồng thì người nông dân bị lỗ trên 50%.

Nguyên nhân do giống kém chất lượng

Theo một số nông dân trồng khoai giàu kinh nghiệm tại huyện Tuy Đức, khoai lang chết dây có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là nguồn giống. Hiện nông dân trồng khoai chủ yếu mua giống từ Lâm Đồng nhưng khâu kiểm soát chất lượng giống chưa được thực hiện chặt chẽ. Bên cạnh đó, nhiều vùng đất trồng khoai liên tục từ 5 – 10 năm nay nhưng khâu xử lý, tiêu độc khử trùng, bón phân cho đất chưa được nông dân chú trọng đúng mức. Mầm bệnh tồn dư từ các vụ trước cũng như tình trạng thiếu hụt một số chất vi lượng có thể là nguyên nhân khiến khoai nhiễm bệnh và năng suất giảm mạnh như hiện nay.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông khuyến cáo, bà con nông dân cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn nguồn giống. Đồng thời, tất cả giống khoai trước khi trồng đều phải được ngâm vào hỗn hợp các chất xử lý mầm bệnh. Nông dân cần chú trọng cân đối các loại phân bón đảm bảo dây khoai lang đủ chất dinh dưỡng để phát triển và cho củ, tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu một số chất vi lượng như hiện nay. Bà con cần chú ý khâu xử lý, tiêu độc, khử trùng đất trước khi trồng, đảm bảo đất có đủ độ tơi xốp, thoáng khí… Vì khoai lang là cây ngắn ngày nên bà con cần chú trọng trả lại đủ các nguồn vi chất thông qua việc bón phân, xử lý đất cho phù hợp. Đồng thời phải tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc theo đúng cách cán bộ khuyến nông huyện đã hướng dẫn.

Hiện nay mới bước vào vụ thu hoạch rộ nên huyện Tuy Đức chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại của bà con nông dân. Tuy nhiên, với tình trạng dịch bệnh gia tăng và năng suất khoai lang giảm mạnh như hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần xác định rõ nguyên nhân và đưa ra các khuyến cáo cần thiết cho nông dân, tránh những thiệt hại lớn hơn vào các mùa vụ sau.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Thanh Hóa: Mía tím, mía trắng giảm giá từ 30 - 60%

Từ vài năm trước, cây mía tím và nay là cây mía trắng đã trở thành cây trồng chính, giúp người dân huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Thanh Hóa xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, vụ mía năm nay, mía tím, mía trắng đều giảm giá từ 30 - 60%, tiêu thụ khó khăn khiến hàng nghìn hộ dân nơi đây lâm vào cảnh khó khăn. 

Hiện nay, nhiều diện tích mía đã chín khô cả lá, song bà con mới thu hoạch được khoảng 40 – 50%, trong khi thời điểm này năm ngoái, bà con đã thu hoạch gần hết. Nguyên nhân khiến mía thu hoạch chậm là do giá mía giảm sâu nên người dân cố để lại, chờ giá lên mới chặt. Nhưng càng chờ thì giá mía càng giảm. Cách đây 2 tháng, mía tím có giá 8.000 đồng/cây, nay chỉ còn 4.000 đồng/cây, mía trắng (mía ép nước) 5.000 đồng/cây, giảm còn 2.000 đồng/cây, thậm chí có lúc chỉ còn 1.500 đồng/cây.heo tính toán, trung bình cứ trồng 1 sào mía, bà con có thu nhập bằng 2 – 3 sào lúa. Nhưng năm nay, giá mía đã giảm giá tới 60%, khiến hàng trăm hộ dân trồng mía điêu đứng.

Giá mía giảm một phần do vào vụ thu hoạch, mưa bão nhiều nên người dân ăn mía tươi giảm. Mưa gió cũng làm mía bị gãy đổ, cong queo nên khó bán. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến giá mía giảm là do hiện tượng cung vượt cầu. Mặc dù là cây trồng chủ lực của huyện Bá Thước nhưng đến nay huyện vẫn chưa xây dựng được quy hoạch cho cây mía, chưa có định hướng tiêu thụ sản phẩm cho bà con nên rất khó kiểm soát.

Lạng Sơn: Hồng vành khuyên bán chạy

Giá bán dao động trong khoảng 18.000 - 22.000 đồng/kg, hồng vành khuyên Lạng Sơn đang được khách miền xuôi ưa chuộng do dễ phân biệt với hàng Trung Quốc.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, tổng diện tích cây hồng vành khuyên toàn huyện là 660 héc-ta, sản lượng dao động từ 1.200 - 1.500 tấn một năm, đem lại thu nhập gần 20 tỷ đồng cho người dân. Đây là loại cây ăn quả đặc sản thế mạnh, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Gần đây, trước những thông tin về hoa quả ngâm hóa chất độc hại, loại hồng này ngày càng được ưa chuộng bởi người tiêu dùng biết đây là trái cây trong nước. Nhiều thương lái đến tận vườn thu mua, thậm chí gọi điện đặt trước từ giữa tháng 8 âm lịch. Đầu vụ, hồng vành khuyên bán được giá 22.000 đồng/kg, giữa vụ giá cũng không giảm nhiều, còn khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg. Năm nay, quả hồng được giá nên dù sản lượng giảm nhẹ nhưng người trồng vẫn có lãi. Theo tính toán của một hộ trồng lâu năm, với mức giá hơn 20.000 đồng/kg, mỗi hộ có khoảng 1.000 cây có thể lãi hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư chăm bón. Nếu so sánh giá trị thu nhập thì một cây hồng 15 tuổi tương đương với một sào lúa Bắc bộ.

Thời điểm thu hoạch loại quả này tốt nhất là khi quả còn ương, sau đó ngâm nước sạch (không sử dụng nước mưa) khoảng 3 ngày 3 đêm cho hết chất chát. Tuy nhiên, loại hồng này chỉ thu hoạch trong khoảng thời gian hơn một tháng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bình Thuận: Hỗ trợ bà con trồng cây bạc hà

Từ tháng 10/2016, nông dân Bình Thuận sẽ được doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ trồng cây bạc hà Nhật Bản và bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch.

Theo đó, một trong những hoạt động của dự án là trồng các loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng và phổ cập phương pháp tưới tiêu, giúp tăng thu nhập cho người nông dân. Cây bạc hà Nhật Bản sẽ được trồng ở xã An Bình, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận với diện tích ban đầu là 32 héc-ta. Tinh dầu bạc hà sau khi thu hoạch sẽ được tinh chế bởi các công ty Nhật Bản.ây là một phần trong Dự án phát triển nông nghiệp vùng tưới Phan Rí – Phan Thiết, giai đoạn 2. Dự án này là sự hợp tác kỹ thuật giữa JICA với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận.

Từ trước đến nay, người nông dân Bình Thuận chỉ sử dụng đất canh tác để trồng thanh long hoặc sắn. Vì vậy, dự án này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao được lợi nhuận cho người nông dân, tránh phụ thuộc vào một loại nông sản. Mục tiêu của dự án nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây nông nghiệp khác. Dự án được chia làm 2 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1 từ năm 2016 – 2017: Trồng nhân giống và sơ chế thử nghiệm cây bạc hà trên diện tích 40 héc-ta. Giai đoạn 2 từ năm 2017 - 2022 sẽ triển khai trồng đại trà cây bạc hà tại tỉnh Bình Thuận với diện tích 5.000 - 7.000 héc-ta nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy sản xuất Lmethol Suzuki tại Nhật Bản.

Cà Mau: Diện tích keo lai tăng mạnh

Diện tích keo lai của tỉnh Cà Mau thời gian gần đây tăng mạnh. Loại cây này đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ đồng bào dân tộc trồng rừng ở U Minh Hạ.

Từ hiệu quả thiết thực trên, thời gian qua, việc trồng keo tại tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch của tỉnh. Năm 2014, diện tích keo lai của tỉnh  khoảng 4.000 héc-ta và chủ yếu do doanh nghiệp trồng. Đến nay, diện tích keo lai đã trồng tập trung thay thế rừng tràm là hơn 7.300 héc-ta. Trong đó, diện tích do các hộ gia đình tự trồng đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tình hình này đã khiến các ngành chức năng lo lắng bởi trên thực tế đầu ra của sản phẩm vẫn chưa được đảm bảo. Ngoài ra, việc nhà nhà đổ xô trồng, nguồn giống không đáp ứng đủ yêu cầu dẫn tới thực trạng giống chất lượng thấp, chưa được chọn lọc. Bà con chủ yếu mua cây con giâm hom trôi nổi về trồng tự do, dễ bị hao hụt. Hiện nay, Cà Mau cũng chưa có cơ sở sản xuất giống tốt, chất lượng cao, sạch bệnh để làm nền tảng cung ứng giống cho công tác trồng rừng...hực tế, cây keo lai đang chứng minh được hiệu quả kinh tế với những ưu điểm là sản phẩm thương mại, giá bán cao. So với cây tràm truyền thống, cây keo lai cho giá trị kinh tế gấp khoảng 2 - 3 lần, thời gian trồng cũng rút ngắn được khoảng 2 năm trên mỗi chu kỳ thu hoạch. Theo tính toán của bà con địa phương, cây keo lai trồng chỉ 4 - 5 năm cho thu hoạch, mỗi héc-ta cho sản lượng khoảng 200 - 250 mét khối gỗ. Giá gỗ mấy năm nay ổn định trên dưới 1.000 đồng/kg. Các phụ phẩm cành, nhánh cũng bán được giá 500 đồng/kg. Bình quân mỗi héc-ta cho tổng thu khoảng 200 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư kê liếp khoảng 35 triệu đồng/héc-ta, trừ tiền cây giống, chăm sóc… còn lời hơn 100 triệu đồng/héc-ta.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA GIAN BÁN LẬN

Nhận diện tôn chất lượng kém

Thị trường tôn, tấm lợp tại các tỉnh miền núi hiện nay rất sôi động nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa nhà cửa của bà con mùa mưa bão. Ðể tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, chất lượng kém, bà con có thể phân biệt dựa vào một số đặc điểm sau.

Gian lận độ dày, mét dài

Hình thức gian lận phổ biến là bán loại tôn kém chất lượng thông qua việc bán tôn không đủ độ dày. Theo đó, các cửa hàng, đại lý sẽ tẩy xóa thông tin về độ dày thực tế của sản phẩm và in lại độ dày cao hơn, hoặc nhập khẩu loại tôn không có nhãn mác từ Trung Quốc rồi in độ dày cao hơn thực tế. Hình thức thứ hai là in nhãn mác tôn giả, tôn nhái. Để làm điều này, các cửa hàng, đại lý chỉ cần có máy in phun để in tên các thương hiệu tôn mạ nổi tiếng lên các sản phẩm tôn không rõ nguồn gốc hoặc tôn kém chất lượng có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc. Các sản phẩm tôn nhái, tôn giả thường có dòng in vi tính bị nhòe, không rõ ràng, sắc nét, không thể hiện đầy đủ thông tin sản phẩm và mập mờ về tiêu chuẩn chất lượng. Còn hình thức gian lận thứ ba là gian lận thuế VAT. Theo đó, các doanh nghiệp không xuất hóa đơn khi bán hàng nên tôn bán ra có giá thấp hơn sản phẩm của các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về hóa đơn, thuế.

Việc in giả nhãn thương hiệu tốt lên loại tôn chất lượng thấp sẽ chênh lệch so với hàng thật khoảng 4.000 - 6.000 đồng/m2, nếu là tôn Trung Quốc chênh lệch từ 8.000 - 10.000 đồng/m2. Việc in giả nhãn thương hiệu làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn tưởng mua được tôn chính hãng giá rẻ, nhưng thực chất là mua phải hàng nhái, hàng giả. Còn cơ sở sản xuất kinh doanh tôn giả, tôn nhái sẽ kiếm lời bất chính từ khoản chênh lệch giá do nhập tôn chất lượng thấp giá rẻ rồi nhái thương hiệu chính hãng và bán với giá cao hơn giá trị thật của nó.

Mặt khác, tôn giả, tôn nhái lừa dối người tiêu dùng bằng giá cả thấp đã làm giảm thị phần tiêu thụ của các thương hiệu chân chính; làm giảm uy tín của DN sản xuất kinh doanh chân chính và làm mất lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tôn chính hiệu; triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các DN chân chính, làm suy giảm ngành công nghiệp tôn, thép và dẫn đến thiệt hại nền kinh tế.

Cách nhận biết

Để tránh mua nhầm phải tôn nhái, tôn giả, bà con cần lưu ý đến một số điểm dễ nhận biết sau: Cụ thể, hàng chính hãng sẽ in rất rõ ràng và cụ thể các thông số về tiêu chuẩn chất lượng trên bề mặt tôn. Đối với tôn Hoa Sen, các thông số sẽ được in cụ thể với dòng in đầy đủ. Còn hàng giả, hàng nhái sẽ không có đầy đủ thông tin như trong ảnh hoặc được in một cách không rõ ràng.

Về mặt cảm quan, tôn màu chất lượng tốt phải có lớp sơn lót đặc biệt có tác dụng bám dính giữa bề mặt tôn và lớp sơn phủ bên ngoài. Một số tư nhân muốn hạ giá thành đã yêu cầu nhà sản xuất bỏ qua lớp sơn lót, khiến sản phẩm dễ bị bong tróc, nhanh hỏng. Muốn biết tôn có lớp lót bên trong hay không, bà con cần cạo ở góc sản phẩm. Nếu bên trong có lớp sơn lót thì thường là màu vàng. Mua tôn màu tốt không nên chọn loại có độ bóng quá cao, cần lưu ý chỉ số ghi độ dày, khổ rộng của tôn. Phần lớn tôn nhập ngoại không được ghi chỉ số về độ dày, vì thế bà con nên cân khi mua để tránh bị lừa. Nếu tôn có độ dày 0,30 mm khổ 0,914 m thì có trọng lượng 2,014 kg/m. Khổ 1,2 m: 4,033 kg/m. Đối với độ dày 0,35 mm trọng lượng so với các khổ tương đương nói trên là 2,391 kg/m và 3,142 kg/m. Đối với khổ 0,40 mm thì có trọng lượng 2,769 kg/m và 3,637 kg/m. Khi mua tôn tráng kẽm, bà con nên kiểm tra kỹ bề mặt xem có lớp cromic không bằng cách đưa tôn ra ánh nắng mặt trời, nếu có phản chiếu ánh vàng là tôn được phủ cromic. Bà con cũng có thể kiểm tra độ dày của tôn bằng cách cân. Tôn dày 0,33 mm khổ 1,2 m có trọng lượng 2574 kg/m, loại 0,38 mm nặng 3,566 kg/m, loại 0,43 mm nặng 4,044 kg/m. Tốt nhất bà con nên mua sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín trên thị trường tại các địa điểm bán hàng, các đại lý đã được các nhà sản xuất uy tín công bố.

BÀ CON CẦN BIẾT

Chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ

Trước tình trạng mưa, lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, các Bộ Y tế, Tài Nguyên & Môi trường…đã đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai ngay một số nhiệm vụ cấp bách để xử lý, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường do mưa, lũ gây ra.  Đặc biệt, để tránh bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra những khuyến cáo giúp người dân chủ động phòng tránh.

Phòng tránh các bệnh truyền nhiễm

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ gồm: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... Theo đó, cần thiết phải thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, bảo đảm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Ngành y tế địa phương giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn… Đồng thời, thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ…

Tiến hành cấp phát viên khử khuẩn Cloramin B cho các xã để hỗ trợ nhân dân. Tổ chức phun hóa chất tại các điểm chôn lấp gia súc, gia cầm chết để tránh ô nhiễm môi trường. Đối với các địa phương không có đủ hóa chất để xử lý nước, chỉ có viên khử khuẩn cấp, người dân có thể xử lý theo cách làm truyền thống khá đơn giản. Đó là sử dụng các vật liệu như cát, cuội để lọc nước rồi bỏ viên khử khuẩn vào tạo ra nguồn nước tương đối an toàn.

Đặc biệt, Sở Y tế các tỉnh cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh. Bên cạnh đó, sau mưa lũ, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật, ngành y tế tại các tỉnh miền Trung phải khẩn trương tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ; kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch.

Bảo đảm không để ô nhiễm môi trường

Các Sở Tài nguyên & Môi trường các tỉnh cần theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực có mưa, lũ, ngập lụt. Phòng, chống các hành vi lợi dụng mưa, lũ lụt xả chất thải bẩn gây ô nhiễm ra ngoài môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.  Thường xuyên cập nhật, thu nhận thông tin phòng, tránh và khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. Đặc biệt, các tỉnh cần giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông; phối hợp trong công tác tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.

Hướng dẫn bà con khu vực bị ảnh hưởng do mưa, lũ vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường phố, thôn, xóm, thu gom bùn đất, xác động vật đưa đi xử lý; tiêu độc, khử trùng các giếng nước sinh hoạt và bể nước cấp; phun thuốc khử khuẩn, diệt côn trùng tại các trường học, chợ, khu vực bị ngập, lụt; cấp phát thuốc khử khuẩn và hướng dẫn các hộ dân thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng; san gạt, thu gom đất đá bị sạt lở trên các tuyến đường giao thông.

Các tỉnh chủ động khắc phục khó khăn, tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; kiểm tra công trình thu gom và khu lưu trữ chất thải, kịp thời phát hiện, xử lý ô nhiễm môi trường, không để chảy tràn chất thải gây ô nhiễm môi trường vào nguồn nước; xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh trên địa bàn, bảo đảm không để ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

HÀNG VIỆT

Miến dong Minh Hồng: Nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường

Giữa tháng 10 vừa qua, UBND huyện Ba Vì đã chính thức công bố nhãn hiệu cho sản phẩm Miến dong Minh Hồng (thôn Minh Hồng, xã Minh Quang, huyện Ba Vì). Việc này được kỳ vọng sẽ giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động
địa phương.

Sản phẩm từng đứng trước nguy cơ mai một

Thôn Minh Hồng từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng và chế biến miến dong. Toàn thôn có 289 gia đình thì có tới 175 hộ với 162 máy chế biến tinh bột dong giềng lấy nghề này làm nguồn thu nhập chính. Để làm được miến ngon, đảm bảo chất lượng nhất thiết phải lọc bột thật sạch. Khi đánh bột phải pha theo tỷ lệ chính xác để  lúc tráng được chín đều, sợi miến trong, dai, không gãy. Miến dong Minh Hồng từ lâu đã có vị thơm, ngon và dai đặc trưng, để lâu cũng không bị nhũn, nát. Những người già trong làng lý giải, chính thổ nhưỡng vùng đất ven núi Tản, sông Đà đã làm nên sự khác biệt cho sản phẩm này. Đặc biệt, ưu điểm của dong riềng là dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, càng nắng hanh thì củ càng cho bột đẹp, trắng và thơm hơn.

Tuy nhiên, suốt một thời gian dài các công đoạn sản xuất miến ở đây đều làm thủ công, mỗi ngày một hộ chỉ sản xuất được khoảng 15 kg miến. Trong khi đó, do chất lượng tốt, tinh bột dong riềng được rất nhiều thương lái ưa chuộng và thu mua để bán cho các nhà máy chế biến bánh kẹo. Trung bình, một sào dong riềng cho khoảng 4 tạ bột tươi. Nếu được bán với giá bán 2,2 triệu đồng/tạ, dong riềng cho thu nhập 8,8 triệu đồng/sào. Ngoài bột, nhiều hộ còn ươm mầm để bán cho các vùng bị khô hạn cũng được giá 400.000 đồng/tạ mầm. Do giá trị kinh tế lớn nên người dân vẫn chủ yếu phát triển kinh tế bằng nghề trồng dong riềng và sản xuất tinh bột. Cái khó của người làm miến thôn Minh Hồng là ở khâu sản xuất còn manh mún, chưa tập trung, thiếu diện tích để làm sân phơi, quy trình sản xuất thiếu đồng bộ, lượng chất thải trong quá trình làm miến chưa có cách xử lý hiệu quả và quan trọng là thị trường chưa thật ổn định. Sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao, vẫn “mạnh ai nấy làm”, không có đại diện thu mua sản phẩm, giao thương và đại diện pháp lý cho làng nghề. Vì vậy, khiến cho khoảng 80% sản lượng miến sản xuất ra rơi vào tay thương lái. Sản phẩm miến dong Minh Hồng chủ yếu chỉ được sản xuất để sử dụng trong gia đình chứ ít người biết đến.

Thêm sức bật cho sản phẩm miến dong

Để đẩy mạnh sản xuất sản phẩm miến dong thành sản phẩm hàng hóa có thế mạnh, từ năm 2014, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, huyện Ba Vì đã tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Minh Hồng”. Theo đó, UBND huyện Ba Vì đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể miến dong Minh Hồng” xã Minh Quang. Từ tháng 6/2014 đến nay, xã đã tổ chức các lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ, quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy trình sản xuất thu hút hàng trăm lượt người dân tham gia. Cũng thông qua tập huấn, chuyển giao kiến thức người dân đã dần nhận thức được mục đích, vai trò và sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu nông sản đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, người làm miến dong Minh Hồng đã bắt đầu đầu tư máy móc hỗ trợ sản xuất nên lượng miến cũng đã tăng lên, trung bình mỗi năm một hộ sản xuất được 50 tấn miến.

Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm, các hộ làm miến Minh Hồng đều cam kết không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay các chất phụ gia độc hại. Nhờ đó, miến dong Minh Hồng luôn được bạn hàng ưa chuộng. Vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, nhu cầu thị trường cao nên nhiều gia đình không có miến để bán. Miến dong Minh Hồng được bao gói cẩn thận ghi rõ họ tên, địa chỉ số điện thoại hộ sản xuất… chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều nhất là quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Hạ Long – Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Hòa Bình… với giá bán buôn 50.000 đồng/kg. Trong thôn, nhiều hộ có doanh thu hàng năm từ miến khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng.

Giữa tháng 10 vừa qua, UBND huyện Minh Hồng đã công bố nhãn hiệu cho sản phẩm miến dong. Đây là điều kiện tốt nhất để quảng bá sản phẩm; động viên khuyến khích, đồng thời nâng cao ý thức người dân nơi đây trong việc duy trì và phát triển sản phẩm miến dong Minh Hồng với quy mô lớn và được tiêu thụ rộng khắp không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện) Tin khác)